Nữ bác sỹ nha khoa cụt chân và đường đến vương miện hạnh phúc

Chỉ còn một chân sau vụ TNGT định mệnh, bác sĩ Băng vẫn đi lại uyển chuyển trên chiếc giày cao gót nhờ sự hỗ trợ của đôi nạng nhỏ.

Bác sỹ Bế Thị Băng đến thăm hỏi, trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư

Bác sỹ Bế Thị Băng đến thăm hỏi, trao quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư

7 năm sau vụ TNGT định mệnh khiến cô mất 85% sức khỏe, giờ đây, nữ bác sỹ nha khoa Bế Thị Băng (SN 1987, quê ở Cao Bằng) đã có công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc và vừa đón nhận vương miện Hoa khôi Vầng trăng khuyết.

Khát vọng sống mãnh liệt

8h sáng, xong ca tập tại Trung tâm thể thao người khuyết tật Hà Nội ở quận Ba Đình, Băng vội vã đi xe máy tới phòng khám nha khoa ở quận Thanh Xuân. “Hàng ngày, em rời nhà từ 6h sáng, đi tập, tới phòng khám, tối về đi tập võ, đi bơi. Cuối tuần, em đi biểu diễn, làm thiện nguyện ở các bệnh viện; tham gia hát và múa ở phố đi bộ Hồ Gươm lấy tiền quyên góp cho trẻ em vùng cao...”, Băng gạt mồ hôi trên trán, kể.

Chỉ có một chân, Băng vẫn đi lại uyển chuyển trên chiếc giày cao gót nhờ sự hỗ trợ của đôi nạng nhỏ. Là một bác sỹ nha khoa tại phòng khám do Băng cùng một người bạn mở, hoa khôi Vầng trăng khuyết còn kinh doanh homestay, mỹ phẩm online, biết bơi, múa, hát, nhảy, võ... “Lúc em bị tai nạn, bác sỹ bảo cơ hội sống thấp lắm, bố em đã nói: “Nó không chết được đâu”. Bố biết con gái bướng bỉnh, ít khi chịu khuất phục trước khó khăn...”, Băng cười nói.

Nhà Băng nghèo, nằm tít trên lưng chừng đồi ở xóm Khau Gạm, xã Đức Long, huyện Hòa An, Cao Bằng. Lối đi vào nhà là con đường rừng rộng chưa đầy 1m, nhiều chỗ cây lá lòa xòa phải vạch ra mới thấy đường đi. Là con cả trong gia đình có 2 em nhỏ nên Băng sớm phải lam lũ, lên 8 tuổi đã biết nhổ mạ, đi cấy; đi học về lại chăn trâu, cắt cỏ, chăm lợn chăm gà...

Nghèo khổ là thế, nhưng ba chị em Băng cứ mải miết học. “Cả xóm, chỉ nhà em có ba chị em học đại học”, Băng kể. Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Nguyên, Băng về làm bác sỹ tại một phòng khám nha khoa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cô vui lắm, vì có một công việc mà mình mơ ước, và có thể gửi tiền về để đỡ đần cha mẹ.

Một tối mùa xuân năm 2012, Băng chạy xe máy đi thăm bạn ốm. Khi đến QL32 đoạn qua Cầu Diễn, xe máy do cô điều khiển bị một chiếc container tông vào. Băng ngã sấp xuống đường, bụng bị chà miết, chân bị bánh xe container đè lên. “Khi ấy, em tỉnh, thấy máu ở chân tuôn xối xả, mắt hoa lên, nhìn xung quanh chỉ thấy lờ mờ, nhưng cố giữ cho mình không lịm đi. Nằm kẹt dưới bánh xe, em thấy bóng của hai ống quần gần kề mặt mình, bèn vươn hai tay tóm chặt, nói: “Xin anh hãy cứu em”, Băng kể lại.

Hai ống quần mà Băng túm chặt chính là tài xế container vừa cán vào cô. Thấy Băng nói thế, tài xế như giật mình khỏi cơn hoảng loạn, nhảy lên cabin, lùi xe ra, rồi bế vác Băng lên vai, đưa cô vào Bệnh viện 19/8 cấp cứu. Do vết thương quá nặng, Băng lập tức được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Biết mình nguy kịch, cô níu áo bác sỹ khẩn khoản: “Anh cứu em nhé?” và chỉ khi nghe bác sỹ nói: “Anh sẽ cứu em”, Băng mới ngủ thiếp đi.

Một mình vượt qua vực thẳm

Tai nạn khiến hai chân Băng nát bét, chân phải bị đứt động mạch đùi và vỡ ổ gối, đa chấn thương, thành bụng cũng bị tổn thương nghiêm trọng, chân trái đa chấn thương, tổn thương dài 60cm. Bác sỹ phải dùng bàn chải cào cát sỏi dính ở bụng, ở chân cô ra. Cô phải tháo khớp háng, mất hoàn toàn chân phải. Chân trái bị hoại tử, ổ bụng bị chà xuống đường nhiều dị vật, nhiễm trùng nên bác sỹ phải lấy da chân vá phục hồi thành bụng cho Băng. Kết quả giám định, Băng tổn hại 85% sức khỏe.

Nằm ở Bệnh viện Việt Đức 21 ngày, Băng đòi được về phòng trọ và nhất định ở một mình với lý do: “Là bác sỹ, Băng tự biết chăm sóc mình”. Nhưng thực sự, thời điểm ấy, Băng chỉ muốn một mình gặm nhấm nỗi đau. Nỗi đau mất đi chân, khuyết tật suốt đời còn đau đớn hơn các vết thương đang toang hoác, rỉ máu trên cơ thể cô gái xinh đẹp.

“Ngày ấy, bác sỹ dặn, các vết thương bị loét sâu, phải ăn nhiều thịt bò, thịt nạc cho đầy lên. Nhưng nhà em nghèo thế, tiền đâu mà ăn thịt. Tài xế gây tai nạn thì đi tù, nhà anh ấy cũng nghèo. Em bị tai nạn, nhà có duy nhất 1 con trâu, ông nội có 2 chỉ vàng, đều bán hết rồi. Thế là, em tự loay hoay một mình thay băng, rửa vết thương. Hàng tuần, em gái đang học trên Xuân Mai bắt xe buýt về tắm gội, mua đồ ăn cho rồi lại đi. Có đợt, em gái bận ôn thi chưa xuống kịp, em nhịn ăn vài ngày. Lúc ấy, em cao 1m6 mà chỉ nặng 29 kg…”, Băng nhớ lại.

Em luôn tâm niệm, cha mẹ cho chúng ta sự sống, là quý giá vô cùng, nên tuyệt đối phải luôn trân trọng, giữ gìn sự sống và sống thật tốt, sống có ích.
Bế Thị Băng, giải Nhất cuộc thi Vầng trăng khuyết 2019

Thế nên, Băng nghĩ, chỉ có cách phục hồi thật nhanh, đi làm kiếm tiền mới có thể tiếp tục trị bệnh, sinh sống. Và Băng nghiến răng tập đi, dù bác sỹ yêu cầu tĩnh dưỡng, đeo hậu môn nhân tạo 6 tháng và phải điều trị thành bụng 2 năm.

Những ngày đầu tập đi, bàn chân Băng buốt như gai đâm, các vết thương đau nhói, rỉ máu mỗi khi cô di chuyển. Nhiều lần cứ đứng lên, cô lại ngã vì không giữ được thăng bằng. Vài lần, Băng ngã đập đầu xuống, choáng ngất đi trong căn phòng một mình, rồi lại tự tỉnh dậy, tự vịn đứng lên tập đi.

Rời bệnh viện được 2 tháng, Băng muốn đi xin việc nên tự cầm chứng minh thư vào Bệnh viện Việt Đức xin đóng hậu môn nhân tạo. Bác sỹ không cho, Băng kiên quyết ngồi “ăn vạ” ở phòng khám để được bác sỹ mủi lòng cho mổ. Lần mổ ấy, Băng giấu bố mẹ, nên không ai xuống chăm sóc, cô cũng không có đủ tiền để mua đơn thuốc sau mổ cho mình, dù số thuốc ấy chỉ có 800.000 đồng.

4 tháng sau ngày bị tai nạn, vết thương bụng vẫn còn rỉ dịch, Băng đã cầm hồ sơ đi xin việc, nhưng cả 4 nơi cô đi tới đều lắc đầu. Sau có một nơi nhận cô vào làm không lương chỉ vì thương, chứ không tin cô làm được việc. Nhưng Băng làm việc hết 1 tháng ở đó, thì phòng khám đã trả lương cho cô vì thấy cô làm tốt. Sau đó, người chủ phòng khám cũ biết tin Băng đã đi làm lại, nên mời cô quay trở về.

Hơn 3 năm sau, Băng chung vốn với một bạn mở phòng khám riêng, đồng thời, cô kinh doanh homestay, mỹ phẩm. Khi sức khỏe khá hơn, có nguồn thu ổn định, Băng tham gia các hoạt động thiện nguyện và đăng ký dự thi Vầng trăng khuyết - cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của những người khuyết tật.

Hạnh phúc tròn đầy của cô gái khuyết tật

Tối 18/4, trên sân khấu chung kết cuộc thi Vầng trăng khuyết, Bế Thị Băng gây bất ngờ với tiết mục nhảy belly dance đầy sôi động, quyến rũ, dù chỉ có một chân. Tiết mục múa này, sát vòng chung kết 3 ngày, cô mới tự biên dựng và luyện tập nhưng đã cho thêm điểm cộng để cô đoạt giải Nhất cuộc thi.

Ngồi lẫn trong khán giả đêm chung kết hôm đó, có một người đàn ông Đức tên Oturak Be, chồng của Băng. Họ quen nhau vào một chiều cuối năm 2016, Băng tiễn bạn ra sân bay thì Oturak Be đến bắt chuyện, nhờ chỉ đường. Hai ngày sau, khi đang dạo bộ một mình ở hồ Tây, Băng bất ngờ gặp lại Oturak Be. Họ trò chuyện, kết bạn và cùng đi thăm thú Hà Nội.

Một lần đi chơi cùng Oturak, Băng tháo chân giả để xuống bể bơi. Tưởng Oturak sẽ ngạc nhiên khi thấy cô khuyết tật, nhưng ánh mắt của chàng trai Đức hoàn toàn bình thản. Về sau, Oturak tâm sự với Băng, mẹ anh cũng là người khuyết tật và ở nước ngoài, người khuyết tật được tôn trọng, bảo vệ và yêu thương. Sự đồng cảm như nhen nhóm lên giữa hai con người cách xa nửa vòng trái đất.

Oturak ngưỡng mộ nghị lực của Băng, nhưng khi anh gửi tin nhắn cầu hôn, thì Băng lại trả lời: “Em không xứng đáng”. Lập tức, Oturak nhắn lại: “Em tự tin, em xinh đẹp, em quyến rũ, em xứng đáng với tất cả”.

Từ đó, cứ 3 tháng một lần, Oturak sang thăm Băng. Cuối năm 2017 họ kết hôn. Lúc này, Băng mới biết chồng mình là một giáo sư Toán học, biết 7 thứ tiếng.

Kết hôn rồi, Băng bị chồng dọa ly hôn sau năm lần, bảy lượt cô trì hoãn kế hoạch đoàn tụ sang Đức cùng chồng. Nhưng Băng bảo, cô còn nhiều việc phải làm ở Việt Nam, những việc dù nhỏ nhưng có ý nghĩa với người khuyết tật, người dân vùng cao quê hương cô. “Hiện tại, em đang tham gia chương trình “Lines for life” hỗ trợ quần áo, xà phòng handmade cho trẻ em vùng cao; chương trình “Thương thương handmade”, hát thứ bảy, chủ nhật ở phố đi bộ, ở Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư lấy tiền để đi từ thiện cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Em tham gia cuộc thi Vầng trăng khuyết, nhận làm Đại sứ của Mottainai - một chương trình tạo quỹ học bổng hỗ trợ các trẻ em thiệt thòi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi TNGT của Việt Nam... nhằm truyền tải thông điệp vươn lên, sống có ích cho người khuyết tật và những người kém may mắn”, Băng nói.

Hải Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nu-bac-sy-nha-khoa-cut-chan-va-duong-den-vuong-mien-hanh-phuc-d424668.html