Nữ bác sĩ ung bướu và hành trình trở thành chiến binh chống lại căn bệnh ung thư vú quái ác

Đừng vội đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình khi được các bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú bởi vì không bao giờ là quá muộn để trở thành một chiến binh cừ khôi chống chọi lại tử thần.

Nhìn vào chị Bạch Tuyết, người phụ nữ với thân hình có chút đầy đặn sở hữu khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười luôn nở trên môi, có lẽ không ai biết được chị đã trải qua những tháng ngày kinh khủng nhất khi mang trong mình căn bệnh ung thư vú chết người.

Không giống những người mắc bệnh hiểm nghèo khác, chị sống rất vui vẻ và lạc quan vào ngày mai; một điểm khác biệt nữa đó là chị không chỉ nhìn vào ung thư vú với “tư cách” là một bệnh nhân, mà còn là một bác sĩ chuyên ngành của chính căn bệnh đó.

Vẻ ngoài mạnh khỏe và luôn tươi cười rạng rỡ, không ai nghĩ rằng chị Tuyết từng khổ sở vì căn bệnh ung thư vú.

Vẻ ngoài mạnh khỏe và luôn tươi cười rạng rỡ, không ai nghĩ rằng chị Tuyết từng khổ sở vì căn bệnh ung thư vú.

Tử thần không hề đáng sợ như ta nghĩ

Theo một thống kê của Bệnh viện K Trung ương, tính đến cuối năm 2018 có khoảng 42.000 phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú và độ tuổi trung bình của bệnh ngày càng trẻ hóa khi dần dần có nhiều chị em ở độ tuổi 30 mắc phải. Đây là loại ung thư thường gặp nhất và cũng gây tử vong cao nhất ở phụ nữ.

Ngoài yếu tố di truyền, lối sống không lành mạnh cũng khiến gia tăng nguy cơ mắc phải ung thư vú. Tuy vậy, đừng nghe đến tử vong mà e dè, ung thư vú hoàn toàn có thể phát hiện sớm cũng như cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh qua việc tầm soát.

Chị Tuyết (mặc áo dài, đeo băng đô) cho biết có chút khó khăn khi kể lại chuyện đã qua, nhưng vì mong muốn được truyền cảm hứng đến mọi người, chị quyết định trải lòng trước mọi người.

Có mặt tại buổi chia sẻ ở chương trình phát động chiến dịch #TimeToEndBreastCancer (Đã Đến Lúc Chấm Dứt Căn Bệnh Ung Thư Vú) do Esteé Lauder Việt Nam tổ chức, chị Bạch Tuyết đã có những giây phút trải lòng mình về cuộc chiến lớn nhất đời chị.

“Cuối tháng 6 năm 2018, mình được chẩn đoán mắc ung thư vú. Cảm xúc lúc đó thật sự rất khó diễn tả, mình đã nghĩ đến câu ‘Sinh nghề tử nghiệp’, không lẽ là một bác sĩ chuyên ngành ung bướu mình lại phải ra đi vì căn bệnh ung thư. Buổi chiều hôm đó, mình chỉ ngồi im và khóc”, chị nói tại buổi chia sẻ.

Lúc này, chị Tuyết gọi điện thoại cho một người để kể về tin dữ mới nhận được. Chị không gọi cho chồng, cho con hay cho người thân nào cả, mà chị gọi cho một người bạn đã từng là kẻ kém may mắn khi mắc đúng căn bệnh ung thư chị đang mang.

“Người ta nói khi gặp chuyện buồn, hãy dành hẳn 1 tuần để khóc để khi không còn nước mắt, ta sẽ tự đứng dậy để đối diện với nó bằng một cái nhìn khác hẳn. Ngày hôm đó mình suy sụp hoàn toàn, buổi chiều tan ca, mình đi bộ về nhà như một cái xác không hồn, nhìn đâu cũng thấy một bức màn đen trùm lấy, không còn biết ngày mai sẽ ra sao nữa.

Chị Tuyết chia sẻ về quá trình bất đắc dĩ mang vũ khí mà đấu tranh với tử thần.

Lúc đó, mình ước gì mình không phải là bác sĩ. Nếu như là một bệnh nhân, có lẽ mình sẽ vô tư hơn vì không nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh, nhưng vì là một bác sĩ và có thể tự xem được hồ sơ bệnh của mình, mình biết rõ số phận của mình sẽ đi đâu về đâu.

Buổi tối ăn cơm với chồng và con, mình không biết phải nói như thế nào để cả nhà đón nhận tin dữ một cách “ít dữ nhất” và nhẹ nhàng chấp nhận sự thật này. Nhưng thật may mắn, chồng tâm lý nên đã động viên mình vượt qua tâm trạng tiêu cực rồi đồng hành cùng mình đến bàn phẫu thuật”, chị kể.

Câu chuyện truyền cảm hứng khiến người nghe chùng xuống vì cảm động, dù vậy chị vẫn giữ được vẻ mặt lạc quan.

Chị Tuyết phẫu thuật ở hạch vú rồi hóa trị, quá trình không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn ở tinh thần. Nhớ lại, chị kể: “Mình không dùng thuốc gây tê mà nằm cắn răng chịu cơn đau. Nhưng thật sự mình chẳng thấy đau vì đã quá đau, sự đau đớn khi rước vào mình cơn bệnh quái ác.

Nếu quá trình phẫu thuật khiến mình đau đến tận óc, thì những buổi hóa trị cũng đau thấu não không kém. Lúc nằm mê man trên giường hồi sức, nghĩ đến chồng và con, mình như được tiếp thêm động lực để cố gắng vượt qua những cơn đau và xem chúng nhỏ cỏn con như kiến cắn”.

Hôm đầu tiên sau ca mổ, chị Tuyết kể chị đã cố gắng hết sức để bước xuống giường và vận động đi lại, ai cũng ngăn cản nhưng chị vẫn “lì lợm” mà đi cho “đã cái chân”. “Đầu thì trọc tóc, cái này mình muốn tóc ra ngay cũng không được; nhưng cái chân mình hoàn toàn có thể khiến nó cử động thay vì chỉ nằm đơ một chỗ, mình muốn tự tạo động lực cho bản thân thay vì ủ rũ đợi cơn đau qua”, chị nói.

Một thời gian sau, dù sức khỏe đã dần bình phục nhưng mái tóc ngày xưa của chị vẫn chưa quay về. Không biết vì tinh thần sống ảo luôn dâng tràn hay vì nghị lực mạnh mẽ, mà chị bất chấp tất cả để selfie rồi đăng lên mạng xã hội. Chị cho biết: “Mình biết đăng ảnh một cái đầu trụi lủi lên như vậy thì không đẹp đẽ gì, nhưng mình đã khiến nó dễ coi hơn bằng cách nở một nụ cười, là nụ cười của sự hạnh phúc”.

Dù đẹp hay xấu, dù tóc ít hay tóc nhiều, chị Tuyết vẫn selfie với tinh thần yêu đời, tràn đầy sức sống nhất.

Sau tất cả những sự lạc quan và nỗ lực vượt qua nỗi sợ, chị Tuyết bây giờ không còn được gọi là một bệnh nhân nữa, mà là một nữ chiến binh dám đương đầu với tử thần, đem thứ vũ khí mạnh mẽ nhất ra chiến trường là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt bầu bĩnh.

Vì ung thư vú không phải là một cơn đại dịch

Cũng có mặt tại buổi nói chuyện, bác sĩ chuyên khoa từ Bệnh viện Ung Bướu cũng có một bài chia sẻ kiến thức chuyên sâu giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của căn bệnh, cũng như các biện pháp phòng ngừa hay chữa trị.

Trong những năm gần đây, nhờ áp dụng các biện pháp mới trong chẩn đoán và điều trị, cơ hội chữa khỏi bệnh (sống trên 5 năm) của bệnh nhân ung thư vú cũng tăng lên. Tỷ lệ tử vong do ung thư vú đã giảm gần 30% trong 20 năm qua, tỷ lệ sống sót trên 5 năm đạt hơn 90% khi ung thư được phát hiện sớm.

Bác sĩ chuyên khoa chia sẻ cách phòng chống, giúp phát hiện sớm và chữa trị để “vượt mặt” tử thần.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị cũng được điều chỉnh phù hợp cho từng loại ung thư vú. Phẫu thuật hiện giờ không phải xâm lấn quá nhiều hay thậm chí là không cần xâm lấn, chỉ cần cắt bỏ khối u ở đúng nơi và không phải cắt bỏ hẳn vú như trước đây.

Bác sĩ cho biết: “Đừng nên tự đặt dấu chấm hết cho mình, đừng nhận hồ sơ từ tay bác sĩ mà xem đó là bản án tử thần. Ung thư vú có thể phát hiện sớm và chữa trị thành công. Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc phòng chống mắc phải căn bệnh này”.

Bác sĩ đưa ra lời khuyên nên dành 30 phút tập luyện thể thao mỗi ngày để có thể ngăn ngừa được 7 loại ung thư. Nguy cơ mắc căn bệnh phổ biến này hơn 10% khi tập thể dục đều đặn. Do đó tập luyện chưa bao giờ là quá muộn và cực kỳ hữu ích, dù bạn chưa hay đã mắc bệnh.

Tập đoàn Esteé Lauder (Việt Nam) cũng đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú qua các chương trình ý nghĩa trong suốt nhiều năm qua. Với biểu tượng chiếc nơ hồng được phát động bởi bà Evelyn H.Lauder từ năm 1992, đến nay đã có khoảng 150 triệu chiếc được phát nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư vú.

Năm 2019, chiến dịch được phát đi với thông điệp “Niềm tin gắn kết mọi trái tim”, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn gây quỹ thông qua Tổ chức Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam). Vì ung thư không phải là một cơn đại dịch, hay cùng nhau chung tay chấm dứt căn bệnh quái ác này.

Thiên Ân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/mau-cuoc-song/nu-bac-si-ung-buou-va-hanh-trinh-tro-thanh-chien-binh-chong-ung-thu-vu-6196941.html