'Nữ bác sĩ Sữa mẹ' mách bí quyết ăn gì để sữa nhiều và chất lượng nhất

Theo bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy (Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC), nhiều mẹ đang lầm tưởng rằng mẹ ăn càng nhiều đồ bổ dưỡng thì sẽ càng có nhiều sữa nhưng trên thực tế sữa được sản xuất theo quy luật cung - cầu.

Sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện nay, ngày càng nhiều bà mẹ nhận thấy lợi ích của sữa mẹ và mong muốn có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Chính vì vậy, ăn gì để nhiều sữa trở thành thắc mắc chung cần lời giải đáp chính xác nhất của nhiều chị em.

Tuy nhiên trên thực tế, cơ chế tạo sữa là sữa sẽ sản xuất theo nhu cầu, cho nên ăn uống chỉ đóng vài trò thứ yếu. Để có nhiều sữa, mẹ cần cho con bú thật nhiều theo nhu cầu của con, mẹ nào hút sữa thì phải hút nhiều lần trong ngày. Càng bú/hút thì càng nhiều sữa.

Dù có ăn bao nhiêu sản phẩm lợi sữa nhưng mẹ không tuân theo đúng nguyên tắc trên thì sữa cũng không thể nhiều được.

Nguyên tắc ăn khi cho con bú

Nhiều chị em lầm tưởng rằng phải ăn nhiều đồ bổ dưỡng sau sinh thì mới có nhiều sữa nhưng thực tế mẹ phải ăn theo chế độ khoa học, hợp lý. Dưới đây là những lưu ý trong ăn uống mẹ phải nhớ khi cho con bú.

– Không bao giờ được bỏ bữa.

– Mẹ ăn thêm vài bữa phụ nhỏ trong ngày. Bữa phụ có thể là trái cây, bánh, bất cứ món gì nhẹ nhàng mẹ thích.

– Chất lượng và số lượng bữa ăn quan trọng cho sức khỏe của mẹ hơn là cho nguồn sữa. Cơ thể mẹ vẫn tạo được nguồn sữa tốt cho con dù mẹ không đạt được những bữa ăn “hoàn hảo” như mẹ nghĩ. Chỉ những mẹ nào thiếu dinh dưỡng lâu dài mới ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Sữa mẹ được tiết theo quy luật cung cầu nên mẹ càng cho bé bú hoặc hút sữa nhiều thì sẽ càng có nhiều sữa. (Ảnh minh họa)

Sữa mẹ được tiết theo quy luật cung cầu nên mẹ càng cho bé bú hoặc hút sữa nhiều thì sẽ càng có nhiều sữa. (Ảnh minh họa)

– Không kiêng cữ. Hãy ăn phong phú, ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt hãy ăn những món mà mẹ yêu thích, điều này vừa giúp bồi bổ sức khỏe, vừa giúp tinh thần mẹ thoải mái và từ đó tạo sữa tốt hơn.

– Loại thực phẩm mẹ cần ăn vào không cần phải là móng giò, móng dê… mà chỉ cần phong phú và đủ chất. Mỡ từ động vật không tốt cho mẹ, khiến mẹ dễ thừa cân, khó giảm ký, dễ tắc tia ...

– Chỉ việc ăn không thể làm tăng lượng sữa, muốn tăng và duy trì sữa, mẹ phải cho bú nhiều/vắt thường xuyên và tránh stress.

Mẹ ăn gì để chất béo trong sữa mẹ tốt nhất?

Chất béo trong sữa mẹ rất quan trọng trong việc tổng hợp và phát triển các mô thần kinh, võng mạc và giúp phát triển hệ miễn dịch.

Chế độ ăn của mẹ không ảnh hưởng tới tổng lượng chất béo trong sữa mẹ (tức là mẹ có ăn nhiều đồ béo hay không thì tổng lượng chất béo cung cấp cho bé vẫn được giữ nguyên) nhưng chế độ ăn của mẹ lại ảnh hưởng đến tỉ lệ các loại chất béo trong sữa mẹ.

Nhưng điều này không có nghĩa là mẹ cứ ăn những đồ giàu chất béo là sữa tốt và bổ nhất. Thay vào đó, mẹ nên ăn chất béo có chọn lọc vì không phải chất béo nào mẹ ăn vào cũng tạo nên axit béo tốt trong sữa mẹ.

Omega3 là 1 nhóm các axit béo thiết yếu, trong đó 3 dạng chính là EPA, DHA và ALA (ALA là axit béo chuỗi ngắn, EPA và DHA và axit béo chuỗi dài). Vì vậy trong chế độ ăn hàng ngày mẹ nên ưu tiên lựa chọn những thực phẩm sau đây.

Cá: nguồn omega 3 dồi dào nhất. Nhiều nhất là từ các loại cá: Cá chim, cá mòi, cá thu, cá hồi, cá ngừ (tươi), cá tuyết, cá rô phi, cua, côm, hàu, sò điệp. Nhiều mẹ kiêng cá, điều này thật thiệt thòi cho cả mẹ và bé. Sợ cá biển không tốt, mẹ có thể ăn cá đồng.

Mẹ kiêng cá sau sinh là thiệt thòi lớn cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, một số mẹ có các vitamin bổ sung omega-3 (các viên dầu cá chẳng hạn) cũng có thể dùng nếu không có điều kiện bổ sung các thực phẩm giàu omega-3. Nhưng sử dụng dầu cá, mẹ không thể hấp thụ được một số loại vitamin và dinh dưỡng khác có trong cá.

Một số loại hạt: Hạt hạnh nhân, hạt chia, hạt bí ngô, quả óc chó, hồ đào,...

Các loại dầu: Dầu hạt cải (canola), dầu đậu nành, dầu hạt lanh (flax seed), bơ thực vật magarine từ cá hay từ hạt cải.

Một số loại rau có lá xanh đậm: bắp cải bruxen, rau bina (rau chân vịt), bông cải, bí đỏ, đu đủ …

Các thực phẩm khác: Trứng, trứng cá Caviar (đen, đỏ), lươn, đậu phụ, đậu hà lan, đậu nành.

Uống gì khi cho con bú?

Uống nước thuờng xuyên cũng quan trọng như việc ăn vậy. Cơ thể cần cung cấp đủ nước, không để bị khát, tuy nhiên uống quá nhiều nước cũng không cần thiết. Chỉ cần uống đủ, không để khát nước.

Nước lọc là nguồn nước tốt nhất. Nước trái cây cũng là nguồn thức uống tốt và bổ dưỡng. Riêng nước ép họ cam quýt, Một số mẹ phản ánh nếu uống quá nhiều sẽ làm bé quấy hơn (1 số ít bé bị thôi, hãy quan sát bé), nhưng nước cam quýt cung cấp sức đề kháng và làm bền vững thành mạch máu, vết thương cũng mau lành, mẹ có thể dùng vừa phải và chú ý biểu hiện của bé, nếu bé vẫn bình thường thì mẹ có thể tiếp tục sử dụng.

Nước trái cây họ cam giúp tăng sức đề kháng cho mẹ nên sau sinh hoàn toàn có thể sử dụng. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, mẹ không nhất thiết phải uống sữa (bò). Một số bé nhạy cảm với đạm sữa bò và loại đạm này có thể qua sữa mẹ. Nhiều mẹ tin rằng uống sữa để có nhiều sữa nhưng điều này không đúng. Nguồn dinh dưỡng từ sữa có thể được lấy từ các loại thực phẩm khác, không cứ nhất thiết phải uống sữa. Chính vì vậy, nếu mẹ có thể uống sữa là tốt nhưng không uống được thì cũng không sao.

Tựu chung lại, chế độ ăn uống khoa học khi cho con bú sẽ giúp mẹ đảm bảo sức khỏe và tinh thần cũng như ảnh hưởng một phần đến chất lượng sữa mẹ chứ không giúp tăng lượng sữa mẹ. Nguyên tắc vàng trong ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ là "Ăn khi đói, uống khi khát".

Theo BS. Lê Ngọc Anh Thy/Eva/Khám Phá

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/nu-bac-si-sua-me-mach-bi-quyet-an-gi-de-sua-nhieu-va-chat-luong-nhat-c22a298882.html