Nữ anh hùng CAND Nguyễn Thị Lợi: Người con gái núi Sam

Hôm rồi, tôi tình cờ gặp Nguyễn Mạnh Tuấn ở nhà Huy Cường, một người bạn học phổ thông. Theo như giới thiệu thì chúng tôi không chỉ cùng quê mà còn cùng tuổi Đinh Dậu. Huy Cường có nhắc đến chuyện nữ anh hùng điệp báo Nguyễn Thị Lợi.

Tôi chưa hiểu thì Huy Cường bảo: “Bà Nguyễn Thị Lợi là dâu làng Thứa mình và Tuấn đây là cháu đích tôn của bà Lợi”. Ôi vậy á? Rồi níu tay Tuấn năn nỉ: “Ông kể cho tôi đôi điều về cuộc đời của bà Lợi nhé”.

Một ngày đầu xuân năm 1912, ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Sam, nơi có đền thờ Bà Chúa Xứ núi Sam huyền thoại (xưa là quận Châu Phú nay thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), rộn niềm vui mới. Số là vợ chồng cô Nguyễn Thị Hến vừa sinh hạ người con thứ hai, thấy bé gái kháu khỉnh nên người cha đã quyết định đặt cho cái tên là Lời (còn gọi là Lộc), với hy vọng sau này đứa bé sẽ có nhiều lời lộc. Nhưng số phận đâu chiều theo ý người, cô bé Trần Thị Lời sớm mồ côi cha mẹ. Người chị gái tên là Trần Thị Thân đã phải tần tảo nuôi em. Cuộc mưu sinh của hai đứa trẻ nay đây mai đó, bữa thì ở quê nhà Châu Đốc, khi thì lặn lội sang tận Kampong Chàm bên Campuchia.

Từ trái qua: các đồng chí Hoàng Đạo, Nguyễn Thị Tường Vân (con gái bà Lợi), Kim Sơn, Nguyễn Văn Lộc (con trai bà Lợi), Chu Duy Kính và Nguyễn Mạnh Tuấn tại lễ đón nhận Danh hiệu anh hùng truy tặng bà Nguyễn Thị Lợi.

Từ trái qua: các đồng chí Hoàng Đạo, Nguyễn Thị Tường Vân (con gái bà Lợi), Kim Sơn, Nguyễn Văn Lộc (con trai bà Lợi), Chu Duy Kính và Nguyễn Mạnh Tuấn tại lễ đón nhận Danh hiệu anh hùng truy tặng bà Nguyễn Thị Lợi.

Nguyễn Mạnh Tuấn ngừng lại đôi phút, sự xúc động được thể hiện trong giọng, tôi im lặng chờ chuyện tiếp. Rồi Tuấn thủ thỉ: “Bố tôi rồi đến chúng tôi đều được thừa hưởng dáng cao ráo của bà nội tôi”. Hồi còn con gái, cô Trần Thị Lời có vóc người thanh thanh, nước da trắng hồng. Gái miền Tây xưa nay đều đẹp, đều giỏi nên cho dù nhà nghèo lại sớm mồ côi nhưng cô Lời lại có tư chất thông minh. Còn người trai Nguyễn Văn Lộc ở quê gọi là ông Cả Lộc, là người làng Thứa, xứ nhãn lồng Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình có ruộng có vườn nên anh Lộc được ăn học đàng hoàng.

Tốt nghiệp Thành chung năm 1928 khi vừa mười tám tuổi, anh Lộc được chính quyền Pháp bổ làm Phó ký ở Sở dây thép nhưng bị điều vào mãi tận trong Nam. Có thời gian công việc của Sở phân công anh Lộc phụ trách cả mảng dây thép bên nước Campuchia. Ở Kampong Chàm anh Lộc đã gặp, rồi thân với anh Trần Văn Tần, anh rể của cô Lời, khi đó là Phó ký cho một hãng cao su. Hai người trai ấy quý mến đến mức anh Tần đã tác duyên cho anh Lộc, năm đó 21 tuổi, với người em của vợ mình tên là Lời, 19 tuổi, đó là cuối năm 1930.

Tại Soài Riêng (Campuchia), ba năm sau đôi vợ chồng trẻ đã sinh hạ người con trai đầu Nguyễn Hữu Phước tức là bố đẻ của Nguyễn Mạnh Tuấn. Rồi họ được chuyển về Sài Gòn sinh sống và sinh người con trai thứ hai đặt tên là Nguyễn Văn Đức (1938) nhưng Đức chỉ được 3 tuổi thì mắc kiết lỵ rồi chết.

Sau cái chết của người con thứ hai, vợ chồng anh Lộc cô Lời được chuyển ra Bắc, thời kỳ này không khí cách mạng đang sục sôi nên họ cũng như những người Việt Nam yêu nước đều không đứng ngoài cuộc. Anh Lộc đưa vợ về làng Thứa để sinh sống. Dĩ nhiên đấy là mẹ con cô Lời chứ còn anh Lộc vẫn theo công việc mà khi thì ở Hà Nội lúc vào trong Vinh, có khi lên mãi Cao Bằng. Theo như Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết thì những năm ở trong Nam hay chuyển ra Bắc, đôi vợ chồng trẻ Lộc Lời vừa làm việc ở sở dây thép, vừa kết hợp buôn bán và tham gia các hoạt động cách mạng ở những nơi hai vợ chồng từng sinh sống.

Làng Thứa xưa là một làng lớn và có bề dày về đường ăn học cùng đường công danh. Làng hiện nay có 7 sĩ quan quân đội cấp tướng, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, có một nhà văn (tác giả của bài viết này) cùng nhiều quan chức to to ở các cơ quan trung ương và trong tỉnh. Khi người Pháp mở đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng thì con đường này chạy men qua đầu phía bắc của làng Thứa và tạo nên một phố Thứa dài chừng gần cây số. Một dạo dài phố Thứa là huyện lỵ của huyện Mỹ Hào.

Lá thư ông Lộc gửi cho con gái Tường Vân.

Làng Thứa được hình thành nên gồm các thôn như thôn Tháp, thôn Sài, thôn Bưởi, thôn Rừng, thôn Trên và cùng các thôn Nhân Vinh và Phan Bôi cách đó thôi đường hợp nên xã Dị Sử. Cô Lời sống ở nhà chồng ở thôn Sài. Hiện ngôi nhà xưa được con cháu xây dựng thành nhà thờ họ và ở đó cô Lời được thờ cúng cùng các thành viên khác trong dòng họ. Trong nhà thờ còn có những thành tích của cô được trân trọng lưu giữ cho lớp cháu con ngưỡng vọng và tự hào.

Làng Thứa giờ là phường Dị Sử của thị xã Mỹ Hào. Dẫy phố Thứa xưa với chợ Thứa tháng họp 6 phiên giờ lúc nào cũng tất bật bởi nơi đây đã hình thành một khu công nghiệp (khu công nghiệp Phố Nối B) vào loại kha khá của tỉnh Hưng Yên. Chợ họp suốt ngày, phố xá thôn xóm người đông nườm nượp.

Nguyễn Mạnh Tuấn nghiêng nghiêng đầu để đón luồng gió quạt. Thời tiết tháng 6 năm nay nắng nóng thôi rồi. Ở Sài Gòn tuy nắng nhưng không nắng bằng ngoài Bắc, ông Tuấn cười nói như để an ủi tôi về câu chuyện chậm rãi của mình. Lần lên Cao Bằng thăm chồng, cô Lời đã sinh hạ người con gái họ hằng mong ước. Đó là năm 1943, họ vui mừng đặt tên cho con là Nguyễn Thị Tường Vân với ước mong sau này con gái Tường Vân sẽ có cuộc sống tươi sáng như áng mây bừng lên trong nắng. Vào đúng năm cách mạng thành công thì họ đón người con thứ tư. Cậu bé Nguyễn Hữu Chánh với hy vọng sẽ lớn lên chánh trực và có hậu.

Tượng đài anh hùng điệp báo Nguyễn Thị Lợi ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Đầu năm 1946, cô Lời bế theo người con út để đưa người bà con vốn làm công trong nhà có nguyện vọng trở về quê nhưng bị nghẽn đường mà không vào Nam được. Cô Lời dừng chân ở Vinh, tham gia hoạt động phụ nữ tại đó, cô có nhiệm vụ mua vũ khí của bọn Tàu Vàng (quân đội của Tưởng Giới Thạch) khi đó vào Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật, rồi giao cho cán bộ cách mạng ở Vinh. Sau đó cô Lời chuyển lên huyện Đô Lương buôn thúng bán mẹt nuôi con và tham gia lực lượng công an Nghệ An và công an Liên khu 4, tại đây cô Lời được kết nạp vào Đảng.

Anh Cả Lộc những năm đó tham gia hoạt động luân chuyển giữa miền Bắc với Nghệ An (cả Lộc được kết nạp Đảng năm 1948). Hai vợ chồng sống xa nhau bởi hoàn cảnh công tác trong kháng chiến. Những lần gặp nhau hiếm hoi họ đều động viên nhau và hẹn nhau ngày gặp lại ở Thủ đô khi hòa bình được tái lập.

Tôi thực sự bị cuốn vào câu chuyện, một chút ngập ngừng trong giọng nói, Nguyễn Mạnh Tuấn chiêu ngụm nước chè rồi kể tiếp: “Ông nội tôi tuy là người có học, thông minh, làm công chức thật đấy song về ngoại hình lại thua bà nội tôi”.

Quãng thời gian cô Lời ở Nghệ An, cậu bé Nguyễn Hữu Chánh không may mắc bệnh, tuy được điều trị nhưng không qua khỏi. Cái chết của người con trai út khiến cô Lời tưởng chừng suy sụp nhưng được sự động viên của chồng và của mọi người trong đoàn thể công an mà cô Lời đã vượt qua. Cô tiếp tục tham gia các công tác được giao. Năm 1949, cô Lời theo phân công nên chuyển sang làm việc ở địa bàn Thanh Hóa.

Và như một sự tình cờ, cô Lời gặp được ông Hoàng Đạo. Ông Hoàng Đạo vốn xuất thân là quan chỉ huy Đội Ngự lâm quân của vua Bảo Đại, được vua Bảo Đại phong Quốc vụ Khanh. Ông Hoàng Đạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh ở xứ Thanh và làm chỉ huy công an của chính quyền cách mạng ở Thanh Hóa. Thấy cô Lời thông minh lanh lợi lại có kinh nghiệm mấy năm tham gia lực lượng công an của Nghệ An và Liên khu 4 nên ông Hoàng Đạo rất quan tâm.

Thành tích của bà Nguyễn Thị Lợi được đảng, nhà nước ghi nhận.

Khi ta tổ chức Đội điệp báo mang mật danh A13 thì ông Hoàng Đạo báo cáo cấp trên để cô Lời tham gia (Đội gồm: Hoàng Đạo, mật danh A13; Kim Sơn, mật danh A14; Chu Duy Kính, mật danh A15 và Nguyễn Thị Lợi mật danh A16). Từ đó cô Trần Thị Lời được mang tên mới là Nguyễn Thị Lợi cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ điệp báo. Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay: “Bà nội tôi tuy nhà nghèo nhưng sáng dạ, những năm làm vợ ông Lộc bà đã được chồng kèm cặp bảo ban việc học, Do vậy bà nội tôi biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và còn đôi chút tiếng Pháp dạng giao tiếp.

Có lẽ chút hiểu biết đó mà khi cơ hội tới Đội điệp báo A13 đã quyết định cô Nguyễn Thị Lợi vào vai phu nhân của Quốc vụ khanh Hoàng Đạo. Cuộc “chiến đấu” đầu tiên và cũng là cuối cùng của cô Nguyễn Thị Lợi đã đem về chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville của Pháp ngoài biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27- 9-1950.

Trong lá thư gửi cho cô ruột tôi, cô con gái Tường Vân của mình sau 10 năm bà Lợi hy sinh, ông nội tôi đã viết: “Má con đã hy sinh cho dân tộc ta sống, cho Tổ quốc vinh quang. Việc hy sinh anh dũng của má con đã nêu cao phẩm chất cao quý của người phụ nữ đảng viên cộng sản... Con hãy phấn khởi lên, hãy tự hào, hãy hãnh diện vì các con đã có một người mẹ liệt sĩ. Ba đã tự kiểm điểm và ba tự hào làm tròn những lời căn dặn của má con”.

Chỉ tiếc ông Nguyễn Văn Lộc không sống được đến ngày người vợ của mình là Trần Thị Lời tức nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi được Nhà nước ta truy tặng Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995, ông mất năm 1983. Nguyễn Mạnh Tuấn hơi buồn buồn: “Bố tôi còn may hơn, bố tôi được cùng người em gái Tường Vân và con trai trưởng là tôi, vinh dự lên đón nhận danh hiệu cao quý đó. Chắc hẳn hài lòng nên năm sau bố tôi theo ông nội tôi”.

Nguyễn Mạnh Tuấn ngừng kể, tôi đọc được trong ánh mắt ấy niềm tự hào về bà nội của mình, nữ anh hùng điệp báo huyền thoại, người con gái núi Sam rất thích mặc áo dài màu hồng.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nu-anh-hung-cand-nguyen-thi-loi-nguoi-con-gai-nui-sam-603019/