NTK Lâm Gia Khang: 'Tôi không thể nào thiết kế đồ chiều lòng tất cả mọi người được!'

Với NTK Lâm Gia Khang, minimalism là ngôn ngữ thời trang giúp người phụ nữ truyền tải những cảm xúc và các giá trị nội tâm, được thể hiện qua những đường cắt vô cùng tinh tế trong các thiết kế của mình. Mới đây, nhà thiết kế sinh năm 1990 đã dành thời gian ngồi lại cùng Tạp chí Đẹp để chia sẻ những mẩu chuyện thú vị xoay quanh hành trình sáng tạo của mình đến độc giả.

Với NTK Lâm Gia Khang, minimalism là ngôn ngữ thời trang giúp người phụ nữ truyền tải những cảm xúc và các giá trị nội tâm, được thể hiện qua những đường cắt vô cùng tinh tế trong các thiết kế của mình. Mới đây, nhà thiết kế sinh năm 1990 đã dành thời gian ngồi lại cùng Tạp chí Đẹp để chia sẻ những mẩu chuyện thú vị xoay quanh hành trình sáng tạo của mình đến độc giả.

Nguồn cảm hứng thiết kế có thể đến từ bất kỳ đâu nhưng điều quan trọng là biết trân trọng cảm xúc của mình tại thời điểm đó

Chào anh. Lần đầu anh nhận ra bản thân phải trở thành một NTK thời trang là khi nào?

Nói đúng hơn là tôi không có cơ hội để nhận ra đấy chứ (cười). Lúc còn nhỏ, tôi đã được làm quen với các công việc liên quan đến thời trang nên tôi làm thời trang như một bản năng vậy. Tôi không muốn nói bản thân mình sinh ra để trở thành NTK vì khi được sinh ra và lớn lên với thời trang, dần dần thời trang đã thấm sâu vào trong huyết mạch của mình từ lúc nào không biết rồi.

Nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc anh đến với chủ nghĩa tối giản (minimalism) từ lúc bắt đầu cho đến ngày nay?

Lúc mới vào nghề, tôi thử nghiệm nhiều phong cách. Sau đó, tôi chợt nhận ra cái mà tôi thích là những gì tối giản hơn. Với tôi, minimalism là những thứ đơn sơ nhưng mang lại cảm xúc cho người mặc nhiều hơn là việc khoe ra bên ngoài. Nói cách khác, một bộ trang phục có thể tối giản ở bên ngoài nhưng ẩn chứa nhiều điều bên trong.

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là một NTK tối giản cả vì tôi tin thời trang có ngôn ngữ riêng của nó. Đừng bao giờ đặt ngôn ngữ của mình để diễn tả nó mà hãy để nó tự kể câu chuyện của chính mình. Vì thế, tôi không bao giờ đặt tên cho BST của mình. Khi làm BST cũng vậy, tôi cũng không lấy cảm hứng từ bất kỳ đâu vì cảm hứng có thể đến bất cứ lúc nào, điều quan trọng là tôi trân trọng cảm xúc của mình lúc đó.

Việc không chạy theo các thiết kế lộng lẫy, nhiều họa tiết hay đính kết mà trung thành với lối thiết kế tinh giản, anh có lo sợ khách hàng sẽ nhàm chán hay khó lòng chinh phục được Gen Z – thế hệ khách hàng bắt xu hướng cực nhanh?

Khi tôi chọn hướng đi này, tôi đã xác định rõ đối tượng khách hàng của mình. Thực tế phũ phàng rằng tôi không thể nào thiết kế đồ chiều lòng tất cả mọi người được. Thường thì khách hàng tìm đến tôi, họ đã nhận thấy điểm khác biệt từ những trang phục của tôi. Thêm một điều nữa là tôi luôn thiết kế một tủ đồ thời trang cho khách hàng của mình, nghĩa là họ có thể phối các trang phục của mùa mốt này với các mùa trước để tạo thành nhiều set đồ khác nhau.

Về phía Gen Z thì lại là một thử thách khác. Họ là những người có nền tảng kiến thức thời trang phong phú nhờ các nền tảng mạng xã hội. Tôi cũng khá tự tin rằng khách hàng Gen Z của mình khá nhiều. Dù thời đại nào cũng vậy, Gen Z không chỉ là những bạn trẻ có gu thời trang khác biệt, cũng có những bạn rất đam mê chủ nghĩa tối giản. Chung quy lại, Gen Z là một thách thức để tôi phát triển thêm dòng sản phẩm mới lạ hơn thời gian tới.

Sau hơn 10 năm làm nghề, thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của anh là gì?

Tôi nghĩ đó là việc tôi chưa bao giờ chán công việc đang làm. Dù tôi đã và đang làm thời trang rồi nhưng tôi vẫn thích nó, vẫn muốn ngắm nhìn các thiết kế mình làm ra mỗi ngày chứ không bán linh hồn của sáng tạo cho đồng tiền (cười).

Minimalism không khiến một người phụ nữ trở nên lộng lẫy mà giúp họ bộc lộ các giá trị cảm xúc nội tâm qua trang phục

Hình ảnh người phụ nữ của GIA STUDIOS là những người như thế nào?

Khách hàng của GIA STUDIOS rơi vào độ tuổi từ 20 – 45 tuổi. Đầu tiên, tôi không dùng từ “thanh lịch và tinh tế” để mô tả người phụ nữ mà họ mới là người hiểu rõ nhất về ưu điểm của mình. Trang phục của tôi giúp họ thể hiện đúng cá tính và con người của họ. Thứ hai, họ là những người phụ nữ yêu cái đẹp. Cái đẹp ở đây không chỉ là những thứ thể hiện ra bên ngoài mà còn là vẻ đẹp nội tâm. Cuối cùng, họ mặc đồ của tôi đến một bữa tiệc, chắc chắn, họ không phải là người lộng lẫy nhất mà họ sẽ là người phụ nữ tự tin nhất. Đó là điều làm nên sức hút khó cưỡng ở phái đẹp.

Làm những món đồ lộng lẫy sao cho đẹp đã khó nhưng làm những thứ đơn giản sao cho tinh tế lại càng khó hơn, anh đã làm điều đó như thế nào?

Khi làm những món đồ lộng lẫy thì hiển nhiên những điểm xấu đều bị che lấp, còn khi làm những thứ tinh giản thì bao nhiêu khuyết điểm dễ dàng lộ ra hết. Điều đó đòi hỏi NTK phải làm sao để khiến cho từng đường cắt trở nên tinh tế, các đường đóng mở sao cho duyên dáng, hay đường cắt xẻ sao cho sắc sảo nhất.

Khi thiết kế, tôi không vẽ sketch trước. Tôi sẽ lấy trong kho lưu trữ các mẫu thiết kế trước đó cho mannequin mặc, rồi cùng với trợ lý chỉnh sửa lại theo như mường tượng trong đầu của tôi. Tiếp theo là cắt, ráp các chi tiết lại và may thành bản nháp. Sau đó, tôi bắt đầu chỉnh sửa và hoàn thiện mẫu thiết kế cho đẹp hơn.

Anh có thể chia sẻ một chút về những dự định sắp tới của mình không?

Sắp tới, tôi sẽ tái định vị thương hiệu GIA STUDIOS ở Việt Nam. Thật ra, 2 năm qua tôi tập trung ở thị trường nước ngoài khá nhiều. Tôi muốn cho mọi người thấy được tầm nhìn của mình rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, tôi sẽ phát triển bộ máy sản xuất của thương hiệu để có nhiều ngành hàng hơn. Cụ thể là hướng GIA STUDIOS trở thành thương hiệu thiên về phong cách sống chứ không chỉ đơn thuần là quần áo.

Tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam qua trang phục ứng dụng hàng ngày bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật đương đại và thời trang

Việc các NTK sử dụng chất liệu nghệ thuật làm nguồn cảm hứng cho các thiết kế của mình không phải là hiếm, vậy anh có thể chia sẻ thêm về điểm nổi bật của dự án áo dài lấy cảm hứng từ nghệ thuật đương đại không?

Nhiều người nghĩ đồ truyền thống hoặc gắn liền với văn hóa đều dùng để mặc cho dịp lễ hoặc làm quà lưu niệm. Nhưng với tôi, văn hóa Việt Nam là chất liệu tuyệt vời để làm nên những bộ trang phục thời trang để phụ nữ mặc mỗi ngày.

Theo anh thì sự giao thoa giữa thời trang và nghệ thuật hiện đại Việt Nam được thể hiện như thế nào?

Thực tế thì giữa nghệ thuật và thời trang luôn có một sợi dây liên kết vô hình. Tất cả được quy về khái niệm “a form of creating beauty”, nghĩa là một dạng để tạo ra cái đẹp, mà chỉ có những người lấy cảm hứng từ nghệ thuật mới có thể cảm nhận được.

Một số NTK Việt cũng sử dụng nghệ thuật Việt Nam và thể hiện chúng qua họa tiết, chi tiết đính kết đặc trưng hay phom dáng cách tân độc đáo… nhưng các thiết kế của anh tập trung vào sự tối giản, vậy anh có nghĩ chủ nghĩa tối giản có thể thể hiện trọn vẹn tinh thần của nghệ thuật không? Vì sao?

Tôi nghĩ điều quan trọng là việc mình ứng dụng chất liệu văn hóa đó như thế nào. Trang phục tối giản cũng có cách thể hiện riêng của nó. Ví dụ bức tranh người phụ nữ mặc chiếc áo dài trắng rất nổi tiếng của Lê Phổ, tôi cảm nhận được độ xuyên thấu của trang phục qua các nét cọ màu da của ông. Vì thế, tôi đã làm bộ áo dài bằng organza gồm nhiều lớp chồng lên nhau. Đó là cách tôi cảm nhận bức tranh của Lê Phổ trên thiết kế của mình (cười).

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Bài : Tô Hoàng Bảo

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/ntk-lam-gia-khang-toi-khong-the-nao-thiet-ke-do-chieu-long-tat-ca-moi-nguoi-duoc/