NSƯT Trung Anh: Với nghệ thuật đừng hời hợt

Bộ phim 'Về nhà đi con' đang gây hot trên màn ảnh nhỏ. Khá lâu rồi, phim truyền hình Việt mới lấy lại được niềm tin của công chúng, mà có lẽ, một phần nhờ sự đóng góp không nhỏ của những diễn viên gạo cội như NSƯT Trung Anh. Anh trở lại với dạng vai đau khổ quen thuộc của mình, nhưng với mỗi vai diễn, anh đều dán cho nó một cái 'tem' riêng.

- Khán giả màn ảnh nhỏ rất yêu thích nhân vật Sơn mà anh đóng trong “Về nhà đi con”. Điều đó cho thấy sức hút của phim Việt vẫn chưa giảm khi chạm đến cảm xúc người xem. Còn Trung Anh, anh làm mới dạng vai bị đóng khung của mình như thế nào trong “Về nhà đi con”?

+ Mỗi nhân vật trước khi tôi nhận vai, tôi đều đọc rất kỹ kịch bản. Cũng là một dạng vai đau khổ, vất vả, nhưng nếu xem kỹ, bạn sẽ thấy các dạng đau khổ khác nhau. Tôi luôn có ý thức “dán tem” cho mỗi nhân vật của mình.

Như với vai ông Sơn trong “Về nhà đi con”, trong kịch bản là một ông bố khá yếu mềm, thậm chí hơi bi lụy, thiên về lấy nước mắt của khán giả, vì thế, tôi đã góp ý cho đạo diễn sửa nhiều đoạn cho ra dáng một ông bố bề ngoài có vẻ yếu đuối nhưng ẩn sâu là một trái tim yêu con và mạnh mẽ. Mỗi nhân vật tôi đều suy nghĩ, trăn trở để tạo cho nó một dấu ấn riêng của mình. Không phải kịch bản thế nào là cứ thế diễn. Diễn viên có trách nhiệm nên như thế. Họ sẽ đóng vai trò đồng sáng tạo cùng đạo diễn để tạo ra một nhân vật thú vị nhất.

- Cái tên Trung Anh dường như nổi tiếng từ phim truyền hình nhiều hơn là sân khấu. Nhất là sau vai Lương “bổng” trong phim “Người phán xử”, nhiều người đánh giá Trung Anh có sự đột phá về nghề?

+ Khá lâu rồi sân khấu vắng vẻ, đìu hiu, tôi rất ít lên nhà hát. Cứu cánh của các nghệ sĩ sân khấu là đi đóng phim. Và tất nhiên, làm phim truyền hình nên độ phủ sóng rộng rãi hơn, khán giả biết đến mình nhiều hơn. Tôi không nghĩ hiệu ứng của khán giả với vai Lương “bổng” lại tốt như vậy.

Như tôi đã nói, mỗi nhân vật mình đều phải tìm một cái “tem” riêng. Lương “bổng” của Trung Anh không thể bặm trợn, đầu gấu như xã hội đen mọi người biết. Mà là ánh nhìn. Tôi nghĩ rất nhiều và tìm cho mình cách thể hiện đó. Tôi nghĩ, làm bất cứ công việc nào, mình cũng cứ tân tâm, đào sâu suy nghĩ, mình sẽ có được những thành quả. Không thể hời hợt lên nhận kịch bản rồi cứ thế mà diễn theo kịch bản được.

Sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất của anh.

Sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất của anh.

- Anh có nhớ mình đã tham gia bao nhiêu vai diễn không và những vai thích nhất trong sự nghiệp sân khấu và điện ảnh của anh là gì?

+ Tôi không nhớ mình đã có bao nhiêu vai diễn. Có những vai diễn tôi rất thích nhưng khán giả có thể không thích vì những vai đó không phải dạng ăn khách, được đại chúng công nhận. Tôi rất nhớ vai kép đinh trong vở “Khúc đoạn trường” của cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục, do NSND Lê Hùng dựng. Vở diễn này vào thời điểm đó là vở tốt của nhà hát. Tôi đóng một kép đánh đàn đáy cho các ả đào hát, bị mù bẩm sinh, đem lòng yêu cô hát ả đào xinh và giỏi nhất. Có một đại quan nhân cũng yêu cô này. Nhưng cô lấy anh kép đinh.

Có con, rồi có cháu, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của đời sống. Ông kép đinh rất đau khổ vì biết vợ vẫn có tình cảm với ông đại quan nhân. Một số phận nội tâm, nhiều uẩn khúc, nhiều đau đớn. Đây là vở diễn có đất để diễn viên thể hiện, giúp diễn viên trưởng thành hơn qua những vở diễn khó. Còn ở phim truyền hình, tôi cũng rất thích nhân vật trong phim “Mê lộ”. Tôi vào vai người lính thời chống Pháp trở về quê sống với mẹ và bị tâm thần, mẹ con phải ra sống ở miếu hoang ngoài đồng. Một nhân vật nhiều nội tâm và tôi rất thích.

NSƯT Trung Anh trong vở Hamlet.

- Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, vậy sân khấu đến với anh từ khi nào?

+ Hồi đó bố tôi làm việc ở Nhà hát Kịch Việt Nam, vì hoàn cảnh riêng, tôi muốn thoát ly gia đình, tự lập nên thi vào nhà hát. Rồi cứ thế, sống với sấn khấu, chứng kiến những thế hệ các cô chú cháy hết mình cho đam mê sân khấu, tình yêu đó cũng lan truyền sang chúng tôi. Chứ chưa có khái niệm yêu nghệ thuật gì đâu, chỉ mong được thoát ly gia đình. Thi tuyển thì đỗ, 4 năm học ở đó, không phải chỉ cá nhân tôi, mà cả khóa 1 ấy học một cách điên cuồng.

Tôi không hiểu vì sao chúng tôi có được đam mê đến thế, những Trọng Trinh, Quốc Khánh, Lan Hương (Hương Bông), Đỗ Kỷ, Quế Hằng, Ngọc Bích… đều là diễn viên khóa 1. Hồi đó, quan trọng nhất các cô chú không chỉ truyền nghề, mà còn truyền cho chúng tôi lòng yêu nghề, ngọn lửa làm nghề. Nói thẳng, làm nghệ thuật không yêu nghề thì tốt nhất không nên làm. Có thể anh chưa giỏi nhưng có tình yêu nghề anh sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình.

Còn nếu anh có năng khiếu tốt mà không yêu thì dần dần sẽ phai nhạt. Với nghệ thuật, rất cần sự sống chết với nghề. Tình yêu đó chúng tôi được thắp lửa từ các cô chú: NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Đoàn Dũng, cô Mỹ Dung, Nguyệt Ánh. Họ không chỉ giỏi, mà còn yêu nghề, đam mê và quyết liệt với nghề. Tốt nghiệp 4 năm ở nhà hát, đến năm 1982, tôi đi bộ đội. Sau đó trở về, cảm giác lạc lõng, thua kém bạn bè, có lúc tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ sân khấu. Nhưng 4 năm học cũng đã ngấm vào tôi tình yêu. Tôi nghĩ ngợi nhiều lắm và quyết tâm theo đến cùng.

- Hình như nhiệt huyết đó bây giờ ít tìm thấy được ở các bạn trẻ vì họ bị chi phối bởi quá nhiều mối bận tâm trong cuộc sống. Anh nói thế hệ anh không truyền lửa được cho giới trẻ, vì sao?

+ Bây giờ, bạn sẽ rất khó tìm thấy những người trẻ yêu sân khấu một cách toàn tâm toàn ý. Xã hội tiêu dùng khiến con người có nhiều mối bận tâm hơn, họ phải lo lắng cơm áo, gạo tiền. Hơn nữa, sân khấu bây giờ đang xuống cấp, sự xuống cấp theo cấp số nhân. Vì thế, tiếc thay, các bạn trẻ cũng không biết thế nào là chuẩn mực của sân khấu. Họ chạy theo các vở diễn của nhà hát, làm cho xong việc. Thậm chí, có một thực trạng, nhiều bạn xin về nhà hát như một chỗ trú chân, không cần tìm hiểu nhà hát có phong cách gì, tiêu chí ra sao. Thời thế thay đổi nên thật khó đòi hỏi các bạn trẻ toàn tâm toàn ý với sân khấu khi cuộc sống của họ còn nhiều mối bận tâm khác.

NSƯT Trung Anh trong phim “Về nhà đi con”.

- Tôi được biết anh vừa tham gia vai chính trong một bộ phim độc lập của đạo diễn trẻ đến từ Brazil. Anh có bị nhiều áp lực khi làm việc với một ê kíp nước ngoài như vậy không?

+ Cách đây 7 năm có một người bạn giới thiệu tôi với đạo diễn Mauricio Osaki. Bạn sang Việt Nam làm phim ngắn “Chiếc xe tải của bố”. Sau khi làm xong phim ngắn ấy, Mauricio mang đi Liên hoan phim và giành được nhiều giải thưởng như phim ngắn hay nhất của Brazil và lọt vào top 10 phim ngắn hay nhất của giải Oscar.

Sau đó, Maucicio Osaki quay lại Việt Nam nói chuyện sẽ làm phim truyện phát triển từ phim ngắn đó. Anh mời tôi đóng nhân vật chính. Bộ phim có tên “Chiếc xe tải màu xanh”. Đến cuối năm ngoái quyết định quay. Đó là một cơ hội cho tôi, được làm việc với các đạo diễn trẻ, tài năng, họ để cho diễn viên rất tự do sáng tạo.

Tôi rất vui vì đó là quãng thời gian rất có ý nghĩa với nghề nghiệp của mình. Làm việc với các bạn trẻ chuyên nghiệp, có tư duy mạch lạc như ê kíp phim này là một may mắn. Tôi không bị áp lực vì chúng tôi rất hiểu nhau. Kịch bản đọc rất khó hiểu, tôi phải lọc ra từng phân đoạn, suy nghĩ, nghiên cứu rất kỹ, bởi họ nói một vấn đề đơn giản nhưng đi bằng con đường nghệ thuật. Chị Như Quỳnh đóng vai bà ngoại. Bà nằm viện nên đứa bé bơ vơ.

Ông lái xe tải mang con đi gửi, không gửi được hàng xóm nên phải mang con đi theo, đến nhà cô nhân tình thứ nhất định gửi lại thì bị mắng, cô thứ 2 cũng vậy, nên đành phải mang con đi. Hai bố con trong chuyến đi miễn cưỡng đó dần dần gắn bó và thấy không thiếu nhau được. Một câu chuyện giản dị, gai góc về tình cha con. Hy vọng khán giả Việt sẽ được xem bộ phim. Bạn quay phim có nói với tôi một câu rằng, ông là một diễn viên chuyên nghiệp. Như thế cũng đủ để hiểu nhau rồi.

- Cuộc sống của anh luôn gắn với sân khấu và phim ảnh. Có lẽ may mắn lớn nhất của anh là có một gia đình bình yên và một người vợ đảm đang, luôn là chỗ dựa?

+ Đó là một may mắn. Tôi lấy vợ muộn, vợ tôi rất thông cảm với cái nghề “đi đêm về hôm” của tôi. Có khi ở Hà Nội mà cả tuần không ăn cơm với vợ con, sáng đi sớm, đến 12 giờ đêm, có khi, 5 giờ sáng mới về. Nếu gia đình lục đục thì không thể toàn tâm toàn ý cho công việc được. Vợ tôi cũng là người chu toàn, lo lắng, chăm sóc các con ăn học. Cô ấy cũng là người yêu sân khấu, gần như không bỏ sót vở diễn nào của tôi và nhà hát.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hạnh Nguyên (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/nsut-trung-anh-voi-nghe-thuat-dung-hoi-hot-547634/