NSƯT Trần Hạnh: Cả đời diễn mới đóng được 2 vai phản diện

Nhắc tới NSƯT Trần Hạnh, nhiều người yêu sân khấu trước đây nhớ tới vai Nguyễn Trãi trong vở 'Lam Sơn tụ nghĩa' hay các vai diễn trong 'Âm mưu và tình yêu', 'Tiền tuyến gọi'… Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng dành cho Trần Hạnh lời khen: 'Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội'.

Là người Hà Nội gốc nhưng Trần Hạnh nhẵn mặt trên truyền hình với đa phần các vai diễn nông dân. Không hóa thân thành lão nông thì ông lại sắm một vai gì đó khắc khổ, thương cảm. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông.

Yêu sân khấu, luôn muốn diễn trên sân khấu

- Thưa NSƯT Trần Hạnh, hẳn ông còn nhớ những ngày đầu bước chân vào ngưỡng cửa nghệ thuật?

- Hồi đó, ban ngày tôi làm nghề đóng giày, tối đi diễn văn nghệ. Đó là chương trình văn nghệ do Ban tiểu thương thủ công nghiệp tổ chức, sau đó, tôi được chọn đi tập văn nghệ cho đội Thanh niên Hà Nội cùng với một số nghệ sĩ bấy giờ như: Doãn Hoàng Giang, Minh Ngọc, Đoàn Dũng... Một thời gian sau, đạo diễn Đình Quang bảo tôi, để chú xin cho cháu về Đoàn Kịch nói Hà Nội vì ở đó cháu có thể vừa làm nghề, vừa học tập được... Thế là đạo diễn Đình Quang viết một bức thư tay cho ông Nguyễn Bắc - Giám đốc Đoàn Kịch nói Hà Nội hồi đó (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) và tôi được nhận vào làm.

Gần trọn đời làm nghệ thuật, tôi chỉ hai lần được vào vai “đểu”. Nhưng các đạo diễn đều nhận định, vai phản diện trái nghề, nó không hợp với tôi.

Ngày làm ở Đoàn Kịch nói Hà Nội, lương tôi được 42 đồng, là lương của công chức bậc 2. Hồi đó, tôi cũng có vợ con rồi nên nghĩ, mình vào làm ở đây cũng được, nghề diễn viên mình cũng thích. Và tôi làm việc tại đó từ năm 1959 đến năm 1989 thì nghỉ hưu. Trong lúc tôi đang ở Đoàn Kịch Hà Nội, cũng có đi làm phim truyền hình, nhưng nói thật, tôi yêu sân khấu lắm. Tôi luôn muốn diễn trên sân khấu, muốn hóa thân thành những nhân vật ở tác phẩm kịch nói.

- Ai cũng bảo, ngày đó đời sống diễn viên rất nghèo và khó khăn?

- Thời chúng tôi tuy nghèo nhưng Nhà nước mình quan tâm đến nghệ sĩ lắm! Hồi đó bọn tôi nghèo và đói quá mới đề ra mức bồi dưỡng ngoài lương là 72 đồng và 36 đồng. Tôi được mức 72 đồng. Tôi vẫn nhớ, ông lãnh đạo ngày đó đã lấy hết số tiền đó bảo cấp dưỡng đi mua thịt mua cá để cả đoàn liên hoan một bữa. Tôi đứng nhìn cảnh đấy không dám ăn, có người còn khóc vì ở nhà vợ con không có gì ăn mà mình ngồi liên hoan thế này không nuốt được. Mãi về sau mới bỏ chế độ đó, quy ra đường sữa để chúng tôi mang về nhà.

- Cuộc sống của nghệ sĩ khi ấy có ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc gia đình của ông?

- Tôi lấy vợ khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai. Một hôm nhận được điện khẩn cấp: Về ngay, mẹ sắp mất. Về đến nhà, hóa ra, mẹ vẫn bình yên, gia đình chỉ muốn tôi lấy vợ. Thế là từ đó hai con người cùng cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thuở nào lại sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Cho đến năm 2011, vợ tôi qua đời vì tai biến khiến tôi hụt hẫng hơn một năm trời vì buồn bã, cô đơn. Những ngày còn sống bà là chỗ dựa cho cả gia đình để tôi đi theo nghệ thuật.

Ngày đó tôi đi làm nghèo lắm, lương ba cọc ba đồng, nhiều lúc về đưa vợ được ít tiền bà còn cáu lên, bảo tôi ham làm diễn viên mà để vợ con đói khổ. Có lần bà ấy còn định cho luôn cả bằng khen danh hiệu của tôi vào lò đốt. Vậy mà sau cùng bà ấy vẫn chăm chỉ làm lụng nuôi các con cho tôi đi diễn. Chính bà là người chèo lái, nuôi dạy 7 người con trưởng thành. Bà thường bảo, lương diễn viên của tôi chỉ để lo bữa ăn sáng cho các con thôi. Bà ấy nói vui thôi chứ tôi biết, bà ấy thương chồng và muốn chồng sống với đam mê của mình nên đã gánh vác kinh tế cho gia đình.

Không có vai diễn nhỏ chỉ có diễn viên nhỏ

- Là diễn viên, xung quanh luôn có những cô đào xinh đẹp, có khi nào bà ghen với ông chồng nghệ sĩ của mình?

- Vợ tôi cũng hay cằn nhằn: “Anh chỉ thích các cô ở ngoài thôi, em ở nhà anh cũng chẳng cần”. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ biết nói: “Nghề nghiệp mà, biết làm thế nào được, em cố gắng”. Nhưng bà ấy ghen kinh lắm. Tôi nhớ trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa” đóng một cảnh với cô Lưu Nga - mẹ của Bằng Kiều - trong vai cô lái đò. Suốt vở kịch không có một đoạn tình cảm nào, thế mà bà nhà tôi cầm con dao lên phía cánh gà, nhất định không cho mở màn. May quá lúc đó có nhà bà cô ở gần, mấy bà cô mới chạy sang thuyết phục, nói mãi bà mới chịu về.

- Một người Hà Nội như ông lại hóa thân quá xuất sắc trong những vai nông dân lam lũ?

- Sở dĩ, tôi biết được nhiều về nông dân là vì thời kháng chiến chống Pháp, tôi có đi tản cư theo gia đình về một số tỉnh gần Hà Nội, thấy người ta đi cày cấy tôi cũng đi theo. Các công việc đồng áng tôi biết nhiều lắm, có thể làm rất ngon lành. Cho nên vai gì có dính đến nông dân người ta cứ hay gọi tôi. Tuổi này, được làm việc là vui rồi, có thắc mắc gì nữa đâu. Tôi cũng không phải người kén vai diễn. Người ta cứ gọi đi là đi thôi. Tôi có chọn vai đâu, ngay lúc trẻ cũng thế. Có người nói rồi: Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ.

- Có khi nào ông muốn đóng một dạng vai khác, thoát hẳn cái vẻ khắc khổ, chân chất nhà quê ấy?

- Tôi mong có một vai phản diện. Có lần tôi đi làm phim “Mùa hoa giấy”, được vào vai ông người dân tộc thiểu số mang đàn bà sang Trung Quốc bán. Ở sân khấu trong vở “Âm mưa và tình yêu”, tôi cũng nhận được một vai phản diện. Gần trọn đời làm nghệ thuật, tôi chỉ hai lần được vào vai “đểu” nhưng các đạo diễn đều nhận định, vai phản diện trái nghề, nó không hợp với tôi.

- Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song khán giả vẫn thấy nghệ sĩ Trần Hạnh say mê đóng phim, có khi nào điều này mang đến cho ông chuyện không vui?

- Cách đây mấy năm, có lần đi đóng phim về khuya, trời mưa trơn trượt nên tôi bị ngã lăn ra đường và ngất luôn. May có một cậu ở trong làng nhìn thấy nên mới gọi người nhà ra. Lúc ấy taxi đưa tôi đến Bệnh viện Xanh-Pôn, bác sĩ bảo là gãy xương. Trẻ thì nối nhưng già rồi thì chịu xấu một chút cũng được, nên bây giờ vai tôi bị lệch. Thế mà ngày hôm sau, tôi vẫn phải nhịn đau để đến phim trường tiếp tục những cảnh quay còn dang dở. Cũng đành chịu thôi, biết làm sao được, mình đau nhưng không thể để cả đoàn làm phim chờ mình.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

HOÀNG LAN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nsut-tran-hanh-ca-doi-dien-moi-dong-duoc-2-vai-phan-dien/784793.antd