NSƯT Thanh Tuấn: Mong sự công nhận của Nhà nước cho những cống hiến

'Hơn 50 năm ca hát, tôi đã được các nghệ sĩ đồng nghiệp, được khán giả công nhận sự cống hiến cho nghề. Giờ chỉ mong sự công nhận của Nhà nước cho những cống hiến của tôi', NSƯT Thanh Tuấn chia sẻ.

Ít người biết NSƯT Thanh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Vô Sài Gòn khi đã ở tuổi thanh niên, vậy mà cái giọng đặc sệt chất Quảng ngày nào lại làm nên không chỉ một giọng ca cải lương Thanh Tuấn mà còn tạo ra một trường phái... mang dấu ấn Thanh Tuấn.

Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm, thủa nhỏ ở quê ông đã từng tham gia đội du kích tại địa phương và cũng tập tành hát hò (nhưng không phải là hát cải lương).

Năm 1964, Mỹ đổ bộ vào miền Trung và trước sự truy quét mạnh mẽ của quân địch, đội du kích đã bị tan rã. Thanh Tuấn phải chạy vào Sài Gòn để mưu sinh. Thanh Tuấn đã từng xin đi hát phòng trà nhưng không được nhận vì ít tên tuổi. Thất nghiệp, ông đã xin làm phụ việc chạy vặt tại rạp cải lương Thủ Đô. Từ đây, Thanh Tuấn đã cảm thấy giọng ca của mình phù hợp với cải lương nên ông đã tìm thầy để luyện ca.

Nếu một người miền Nam ca cải lương thì không có gì đặc biệt, nhưng một người đặc giọng Quảng như Thanh Tuấn để ca được cải lương là một điều khá khó khăn. Bởi vậy Thanh Tuấn đã phải cố gắng luyện rất nhiều để có thể ca được như các học viên khác.

Theo Thanh Tuấn, ông đã may mắn tìm được những ông thầy như Út Trong, Bảy Trạch đã rèn cho ông ca tròn vành rõ chữ cũng như định hình cho ông để tìm một phong cách ca riêng bản vọng cổ, các bản tài tử....

Năm 1967, Thanh Tuấn xuất hiện lần đầu trong vở Người câu bóng trăng và đã trở thành hiện tượng trong làng cải lương miền Nam bởi một giọng ca ngọt ngào, cách “xuống xề” thật nhẹ và lối ngắt câu, nhả hơi cùng cách ngân nga rất lạ. Vì thế tên tuổi Thanh Tuấn đã nhanh chóng nổi danh, nhiều đoàn hát hãng đĩa đã mời Thanh Tuấn tham gia, hát cặp với những đào hát nổi tiếng ngày bấy giờ như Mỹ Châu, Phượng Liên, Lệ Thủy, Thanh Nga... và trở thành một trong những ngôi sao vọng cổ hàng đầu tại Sài Gòn.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Tuấn tiếp tục khẳng định vị thế của mình qua nhiều vở diễn như Khách sạn hào hoa, Nỗi lòng Chu Văn An, Đường gươm Nguyên Bá, Người tình trên chiến trận, Khúc ly hương, Ánh lửa rừng khuya, Rạng ngọc Côn Sơn...

Đặc biệt vở cải lương Tìm lại cuộc đời, Thanh Tuấn đã vào vai Trung úy ngụy Huy Bình - một sỹ quan quân đội Sài Gòn được du học ở Mỹ, được nhồi nhét nhét tư tưởng chống Cộng và khi trở về phải đối mặt với sự thật khi đất nước đang bị xâm lược, người thân bị hành hạ còn chính mình thì chỉ là kẻ tay sai... Một vai diễn đầy phức tạp về tâm lý nhưng Thanh Tuấn đã thể hiện thành công. Vở diễn đã được quay thành phim nhựa chiếu khắp Việt Nam.

Không chỉ thành công với nhiều vai diễn, giọng ca Thanh Tuấn còn được biết tới với những bài ca cổ, những bài tân cổ giao duyên. Chất giọng ngọt ngào của Thanh Tuấn trên sóng phát thanh nhiều tới mức nhiều nghệ sỹ trẻ học theo để tao thành một “Trường phái Thanh Tuấn” và nhiều nghệ sỹ sau này đã lấy nghệ danh có chữ “Tuấn” vì có giọng ca giống Thanh Tuấn như Tuấn Thanh, Chiêu Tuấn, Ngân Tuấn, Lương Tuấn, Vũ Tuấn, Cảnh Tuấn, Trung Tuấn, Thanh Thanh Tuấn...

Khi cải lương bị thoái trào, Thanh Tuấn ít nhận đi diễn. Thế nhưng ông vẫn tổ chức các liveshow riêng mang tên “Đêm tơ vàng” để mình được hát, để tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ có nơi thể hiện tài năng. Các đêm liveshow của Thanh Tuấn luôn đông nghịt khán giả, ai cũng muốn được đến để tận mắt chứng kiến những vai diễn để đời của Thanh Tuấn, từ Huy Bình trong Tìm lại cuộc đời cho tới vai Trung trong Khách sạn Hào hoa, Châu Tuấn trong Khúc ly hương, A khắc Chu Sa trong Người tình trên chiến trận, Chu Văn An trong Nỗi lòng Chu Văn An.... hay những bài ca cổ nhiều người đã thuộc nằm lòng như Nhớ Nha Trang, Chuyến xe Tây Ninh, Cô gái tưới đậu, Dòng sông quê em... Gần đây nhất, Thanh Tuấn xuất hiện với vai chính trong vở Thầy Ba Đợi, một vai diễn về người nghệ nhân được coi là “Ông Tổ” của bộ môn nghệ thuật cải lương.

Giờ đã cao tuổi, Thanh Tuấn ít đi hát nhưng ông vẫn tham gia các hoạt động như chấm thi Chuông vàng Vọng cổ, chỉ bảo cho thế hệ diễn viên sau này kinh nghiệm trên sàn diễn. Ông được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT năm 2007 nhưng trong 2 lần xét duyện danh hiệu NSND (2015 và 2018), ông vẫn bị trượt.

Thanh Tuấn buồn bã: "Năm 2018 là năm Kỷ niệm 100 năm ra đời bộ môn cải lương nên tôi mong sẽ được vinh danh. Hơn 50 năm ca hát, tôi đã được các nghệ sĩ đồng nghiệp, được khán giả công nhận sự cống hiến cho nghề. Giờ chỉ mong sự công nhận của Nhà nước cho những cống hiến của tôi".

Trong đợt xét duyện danh hiệu NSƯT- NSND năm 2018, từ đề xuất của Hội đồng cơ sở (cụ thể là Hội Nghệ sỹ TPHCM), NSƯT là Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đã được Hội đồng cấp TPHCM thống nhất đưa vào danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này. Tuy nhiên, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã bỏ phiếu và kết quả cả 3 NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đều bị loại. Việc này gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận bởi cả 3 nghệ sỹ đều là những tên tuổi lớn trong làng cải lương Việt Nam, họ đã ghi dấu ấn trong nhiều vai diễn, nhiều bài ca cổ và đã từ lâu, tên tuổi của các nghệ sỹ trên đã hiện diện mạnh mẽ trong lòng người hâm mộ.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nsut-thanh-tuan-mong-su-cong-nhan-cua-nha-nuoc-cho-nhung-cong-hien-1304793.tpo