NSƯT Thanh Loan: 'Ni cô Huyền Trang làm nên tên tuổi nhưng tôi sinh ra để làm phim tài liệu'

'Thú thật là cứ tới dịp 30/4 phóng viên liên hệ gặp tôi nhiều quá. Và cứ hỏi mãi, viết mãi về Ni cô Huyền Trang, tôi e là tôi không chán mà có khi khán giả lại chán tôi!', diễn viên Thanh Loan chia sẻ khi nhắc đến 'Biệt động Sài Gòn'.

Mỗi năm cứ đến ngày Giải phóng miền Nam 30/4 bộ phim "Biệt động Sài Gòn" lại có dịp tái xuất màn ảnh. Là người trong cuộc cô cảm thấy thế nào?

Vào những ngày này, phim được báo chí, truyền hình nhắc đến nhiều bản thân tôi lúc nào cũng rất hãnh diện, tự hào. Chiến tranh đã lùi xa mà khán giả đến nay vẫn sống dậy những năm tháng hào hùng "Biệt động Sài Gòn" là điều rất đáng mừng. Nhưng thú thật là cứ tiến tới 30/4 phóng viên liên hệ gặp tôi nhiều quá. Và cứ hỏi mãi, viết mãi về Ni cô Huyền Trang, tôi e là tôi không chán mà có khi khán giả lại chán tôi! (cười)

Thế nhưng những ngày này, Ni cô Huyền Trang vẫn đều đặn "tái xuất" sóng truyền hình, cô cũng đón xem như những khán giả khác chứ?

Thực sự rất hãnh diện, tự hào khi mỗi năm đều có ít nhất 1 lần lại được nhìn thấy mình ngày còn trẻ. Là người trong nghề, lại là sản phẩm làm nên tên tuổi của Thanh Loan nên tôi có đĩa phim riêng. Thích lúc nào là xem lúc đó. Cần là xem. Tôi vẫn nói, tôi không thuộc tuýp ngồi bấm đến giờ chờ đợi để xem phim.

Vai diễn Ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn"

Vai diễn Ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn"

Không kể đến những phim kinh điển như "Cánh đồng hoang", "Lửa trung tuyến", "Biệt động Sài Gòn",... thì những phim sau này làm về lịch sử như "Dòng sông phẳng lặng", "Những người viết huyền thoại", "Người trở về", … cô đánh giá thế nào?

Thực ra, tôi ít theo dõi phim truyền hình nhưng tôi đánh giá cao phim điện ảnh về đề tài chiến tranh. Những phim sau này như: Sống cùng lịch sử, Những người viết huyền thoại, Người trở về… đều mang giá trị nghệ thuật và lịch sử, đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền.

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay phần lớn khán giả bỏ tiền ra rạp để giải trí nên nếu nói ưu tiên xem những phim kiểu lịch sử khô khan để trăn trở, suy tư thì đúng là làm khó khán giả. Có chăng chỉ là những lớp người cũ mới xem hoặc như tôi xem phim điện ảnh lịch sử phần vì thích phần vì người trong nghề. Đó là sự hạn chế rất đáng buồn cho những phim về quá khứ.

Vậy thời điểm đang ở đỉnh cao của diễn xuất, cô rời màn ảnh để lui về phía sau sân khấu. Lý do gì khiến cô quyết định táo bạo như thế?

Mọi người không biết rõ nên ai cũng thắc mắc như thế, thực ra tôi học lớp đạo diễn mà. Tôi rời màn ảnh để thử thách mới và thực hiện những gì đã học.

Nhưng một thực tế, những vai diễn trong phim lịch sử của cô rất tình, rất đẹp nhưng đạo diễn phim tài liệu thì hoàn toàn ngược lại, có phần khô khan?

Phim ảnh dù có giá trị đến mấy thì cũng vẫn là sự hư cấu từ hiện thực. Còn phim tài liệu thì hoàn toàn khác. Đó là hiện thực cuộc sống dưới góc nhìn của người đạo diễn. Tôi đánh giá cao ý nghĩa của phim tài liệu Việt từ xưa đến nay. Như cố đạo diễn Lê Mạnh Thích với phim "Trở về Ngư Thủy" nói về số phận của những cô gái từng tham gia thanh niên xung phong ở đất Quảng Bình nay trở lại xã hội ra sao. Phim cho người xem những xúc cảm và buộc người ta phải suy nghĩ, trăn trở. Hay "Cha mẹ xin lỗi con" của Phan Huyền Thư cho xã hội cách nhìn nhận số phận con người. Phim tài liệu đem đến cho người xem những xúc cảm và buộc người ta phải suy nghĩ, trăn trở.

Những năm tháng với vai trò diễn viên phim lịch sử có giúp nhiều cho cô khi đến với phim tài liệu lịch sử?

Có thể Ni cô Huyền Trang đã làm nên tên tuổi Thanh Loan nhưng nhiều lúc tôi nghĩ, tôi sinh ra để làm phim tài liệu lịch sử. Thời kỳ đóng phim chiến tranh giúp tôi nhạy cảm hơn với đề tài, với con người, với sự vật. Không phải một diễn viên mà vai trò đạo diễn, tôi dễ tìm được sự đồng điệu với nhân vật, cảm thông, chia sẻ với họ.

Tôi thích làm phim tài liệu về những con người đi ra từ cuộc chiến – dù là thời chiến hay trong thời bình họ đều đáng được ghi nhận, vinh danh chứ không phải để lãng quên. Tôi làm phim tài liệu chiến tranh như một lời tri ân đến những con người lịch sử mà xã hội đang dần lãng quên.

So với thời điểm là một diễn viên phim lịch sử và hiện tại là một đạo diễn phim lịch sử, cô thấy sự khác biệt lớn nhất là gì?

Khác biệt nhiều chứ. Phim thì dù sao cũng vẫn là diễn. Đạo diễn tác động đến cảm xúc diễn viên. Những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố đều là do đạo diễn chỉ đạo. Chỉ cần hô "cắt" là ngay lập tức họ có thể đang khóc mà cười. Còn những nhân vật trong phim tài liệu không bao giờ diễn. Những nhân vật phim của tôi là thật, cảm xúc của họ tác động trực tiếp tới đạo diễn.

Tôi từng gặp vợ một người chiến sĩ đã hy sinh trong thời bình để quay phim "Tiếp bước anh hùng". Đoạn chị một mình lủi thủi dắt con lên chùa thắp hương cho chồng giữa những ngày lễ trong khi ngoài kia các gia đình từng đôi từng cặp đưa nhau đi chơi, chị bật khóc – nghẹn ngào. Khóc vì đó là cuộc đời của họ, số phận của họ. Tôi cứ để máy quay chạy như thế và tôi đã khóc.

NSƯT Thanh Loan

Chính vì những cảm xúc này mà tôi chưa từng tiếc vì đã bỏ dở con đường diễn xuất. Những vai diễn sẽ vẫn là kỷ niệm không bao giờ quên, là niềm tự hào của tôi. Nhưng tôi nghĩ, tôi đã tìm được đúng đam mê của mình là phim tài liệu.

Cảm ơn chia sẻ của diễn viên, đạo diễn Thanh Loan!

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nsut-thanh-loan-ni-co-huyen-trang-lam-nen-ten-tuoi-nhung-toi-sinh-ra-de-lam-phim-tai-lieu-20200429141219649.htm