NSƯT Tấn Minh: Làm giám đốc giúp tôi hoàn hảo hơn

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Tấn Minh đang ráo riết chuẩn bị đêm nhạc đỏ Tình em 27/4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Là show mở màn cho loạt chương trình bán vé tổ chức định kỳ. Đây được xem là động thái đón đầu của Ca múa nhạc Thăng Long trước tương lai không còn được bao cấp.

NSƯT Tấn Minh: “Được làm nghề là hạnh phúc nhất!”. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

NSƯT Tấn Minh: “Được làm nghề là hạnh phúc nhất!”. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Các sao như Trọng Tấn, Anh Thơ đều là chỗ quen biết, còn diễn viên của nhà hát rõ ràng là có lương rồi. Nên việc nhà hát đứng ra làm bầu sô hẳn thuận lợi?

Có cái thuận và không thuận. Bản thân các ca sĩ của nhà hát đi làm ngoài rất tốt nhưng trực tiếp đứng ra lo toan công việc cụ thể chi tiết như một công ty sự kiện thì vẫn lúng túng. Chuyên môn thì cứng cáp còn những bộ phận khác vừa làm vừa học, để phấn đấu trong các năm tiếp theo mình phải đương đầu với cuộc sống, hòa nhập xã hội và theo kịp thời đại để tồn tại. Bấy lâu nay quen bao cấp, làm được đến đâu thì làm nhưng sắp tới không còn như thế nữa, tất cả các bộ phận đều phải chuyển mình.

Anh có dám chắc với tên tuổi của mình, anh đi mời tất cả các sao đều được giảm giá?

Cái thuận lợi là nghệ sĩ biết mình làm việc rất tử tế nghiêm túc. Tôi tin tôi mời ai họ đều sẵn sàng trừ khi bận. Nhưng tôi không bao giờ muốn hạ giá ca sĩ. Có điều với mình, họ không lấy cao hơn bình thường thôi. Tôi vẫn là nghệ sĩ nên càng không muốn lợi dụng mối quan hệ anh em trong nghề.

Trong những chương trình tới đây, nhà hát có động đến bolero?

Khi nhà hát tự chủ rồi thì sẽ làm nhiều chủ đề khác nhau, nhưng bolero thì chưa nghĩ đến. Còn làm hay không làm, sang hay không sang là do mình. Cũng có thể lắm chứ, khi cần giải bài toán thương mại. Bolero có giá trị riêng, không phải tự nhiên mà nó sống mãi trong lòng người ta. Giao Linh, Hương Lan, Bảo Yến… hay quá chứ. Lớp trẻ bây giờ hát bolero yếu. Một vấn đề nữa là hiếm giọng hay hát bolero, chủ yếu ở tâm thế nhảy vào bolero cho dễ kiếm tiền. Bolero có những sự tinh tế và tỉ mỉ vô cùng chứ không đơn giản.

Nhà hát anh chiêu dụ được không ít nghệ sĩ tài năng và có tiếng, anh có bí quyết gì?

Tôi động viên khích lệ anh em yêu nghề. Mừng là từ ngày tôi lên, anh em đoàn kết một lòng một dạ say nghề. Họ đi kiếm tiền ở chỗ khác, khi nhà hát có việc là lao vào.

Sáng tạo tập thể rất quan trọng. Vào nhà hát tôi giờ khó lắm. Tiêu chí đầu tiên để nói chuyện là anh có nghệ sĩ, có yêu nghề không đã. Thường những người say nghề đương nhiên chuyên môn khá trở lên rồi.

Bản thân anh trong sự nghiệp đã bao giờ phải lưỡng lự giữa làm tự do và đoàn thể?

Chưa bao giờ. Thời tôi chưa làm quản lý nói gì thì nói tôi cũng là người có tiếng trong làng nhạc. Việc tôi ở đây từ ngày xưa đã rất được yêu chiều, tạo điều kiện hết mức. Tuy nhiên mình phải biết điều, ăn cây nào rào cây đấy. Những sự kiện quan trọng của nhà hát mình xả thân. Có chương trình tôi diễn cho nhà hát chỉ mấy trăm nghìn đồng nhưng tôi bỏ luôn hai show mấy chục triệu, không hề lăn tăn. Vì tôi biết việc đó quan trọng và họ cần mình.

Nhà hát luôn tạo điều kiện cho tôi chạy show ngoài, sao lúc nhà hát cần mình không xuất hiện. Đó là sự hy sinh tự nguyện, chứ khi tôi chưa làm quản lý, ai ép buộc được tôi. Nếu chỉ bo bo cho bản thân thì không có ngày hôm nay, cũng là một sự may mắn. Vì thời kỳ đó tôi ở đây thì cũng như ở ngoài.

Anh em nhìn thấy tâm huyết với nghề của tôi, họ theo. Anh đứng đầu mà không yêu nghề, chết ngay. Dương Cầm, Khánh Linh, Đông Hùng… về đây làm gì nếu mình không tạo cho họ chỗ để chơi nghề. Làm ngoài nhiều tiền hơn nhiều chứ. Mình phải tạo không gian để họ được làm những thứ mà ở bên ngoài họ không có thời gian để làm…

Có khi con người quản lý lại nâng cánh cho con người nghệ sĩ trong anh?

Nó giúp tôi hoàn hảo hơn, hơi ngược. Nghệ sĩ bình thường lên làm quản lý có lẽ bay mươi phần trăm mất nghề nhưng tôi rất ý thức điều đấy. Nói thật, tôi không có sự chuẩn bị cho việc làm quản lý. Thời thế thế thời, mọi thứ tự nhiên đến. Tôi nghĩ mình phải ngồi chỗ như thế này để được làm những cái mình
tâm huyết.

Mục đích quản lý của tôi là được làm những gì mình thích, được sát cánh với anh em, đưa anh em ra ánh sáng. Tôi không đưa ra thì ai. Đưa nhân tài ra ánh sáng tất nhiên khó chứ không phải dễ như những món hàng thị trường, nhưng dần dần mình sẽ làm được. Chưa hết đâu nhé, chúng tôi vẫn còn nhiều thứ hay ho nhưng phải được tu luyện, phải tiếp tục nâng cấp. Bầu sô bình thường sao làm nổi chương trình như Hà Nội xưa và nay, lấy đâu ra chất liệu, lấy đâu ra con người. Có phải 1-2 tháng là xong đâu, nó là cả năm.

“Hiện tôi vẫn kiếm tiền bằng đi hát là chính. Chức giám đốc có gì đâu, đang vất vả gây dựng bộ máy. Tháng được vài chương trình lớn, sự kiện không tính, mình được thăng hoa làm nghề. Làm quản lý được tiếp xúc với anh em. Còn gì hơn! Tôi không chê tiền nhưng nếu coi nặng việc đấy mình sẽ không làm được gì hết ngoài kiếm tiền. Sự tham của tôi bây giờ là kiếm tiền cho anh em. Cơ hội đến là chộp để tạo công ăn việc làm cho anh em. Còn cá nhân tôi - không”.

NSƯT Tấn Minh

Nguyễn Mạnh Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nsut-tan-minh-lam-giam-doc-giup-toi-hoan-hao-hon-1266650.tpo