NSƯT Quốc Hưng: Người kể chuyện tình bằng trái tim yêu

Được đánh giá là giọng bass hàng đầu Việt Nam của dòng nhạc thính phòng, là Tiến sĩ nghệ thuật học và đang giữ cương vị Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhưng NSƯT Quốc Hưng phải mất tới 3 năm để hoàn thiện album 'Biển tình', đủ để thấy sự chỉn chu, kỹ lưỡng của anh trong nghệ thuật.

Như tâm niệm lâu nay của anh, dù ở bất kỳ vai trò nào: nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn các chương trình ca nhạc hay giảng dạy, NSƯT Quốc Hưng cũng đều tận tâm, hết mình, bí quyết ấy đã mang đến cho anh thành công và sự yêu mến của khán giả, đồng nghiệp.

Buổi ra mắt album "Biển tình" của NSƯT Quốc Hưng cuối tháng 10 vừa qua đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của giới báo chí cũng như bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. Không chỉ bởi, khác một buổi họp báo thông thường, chương trình được thực hiện công phu, kỹ lưỡng với những tiết mục biểu diễn hoàn chỉnh.

"Biển tình" là sự trở lại của nghệ sĩ Quốc Hưng sau một thời gian vắng bóng khá lâu trên thị thường âm nhạc. Theo như NSƯT Quốc Hưng chia sẻ thì lý do khiến anh chậm làm sản phẩm như vậy bởi anh dành thời gian cho việc hoàn thiện luận án Tiến sĩ nghệ thuật học. "Tôi vừa trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn để vượt lên chính mình.

Cũng may bên cạnh tôi luôn có các thầy cô, những bạn bè đồng nghiệp và người thân ủng hộ, động viên và sẵn sàng chia sẻ". Nhưng, sự bận rộn đó chỉ là một lý do khách quan. Hơn tất cả, NSƯT Quốc Hưng luôn kỹ lưỡng cho từng sản phẩm của mình.

NSƯT Quốc Hưng biểu diễn trong chương trình ra mắt album “Biển tình”.

Mặc dù sở hữu giọng ca đẹp hàng đầu hiện nay nhưng "Biển tình" mới là album cá nhân thứ 3 của người nghệ sĩ này. Năm 2009, anh ra album đầu tiên "Hà Nội ơi! Thầm hát..." như là một lời cảm ơn mảnh đất Hà Nội linh thiêng, hào hoa, nơi anh sinh ra, khôn lớn và trưởng thành. Tới năm 2013, anh mới ra mắt bộ CD và DVD "Hát cho người nằm xuống, hát cho người bước đi" bao gồm những bản tình ca về quê hương và người lính dành tặng người cha thân yêu của mình - một chiến sĩ cách mạng đã từng bị thương trong cuộc kháng chiến của dân tộc.

Và tới 5 năm sau, "Biển tình" cũng mới được ra mắt. Với album này, NSƯT Quốc Hưng đã mất tới 3 năm để lên ý tưởng, thực hiện và hoàn thiện, mặc dù tưởng chừng như mọi điều với anh như sẵn có, làm album dễ như "lấy từ trong túi ra".

Trước khi "Biển tình" ra đời, nhiều người nghĩ rằng, với một giọng hát đẳng cấp của dòng nhạc Opera, hẳn là NSƯT Quốc Hưng sẽ phải làm một sản phẩm gì đó thật hàn lâm, hoành tráng, nhưng album lần này lại là những tình khúc về biển, khá quen thuộc với người yêu nhạc như: "Tìm tên em trên bờ cát", "Biển cạn", "Biển khát", "Chút thư tình người lính biển", "Thuyền và biển"...

Chúng tôi thắc mắc với Quốc Hưng rằng: "Tại sao những câu chuyện tình về biển lại ám ảnh anh đến vậy?". Anh bộc bạch: "Mỗi dịp đi công tác tới những vùng biển, tôi có sở thích lang thang một mình vào những buổi chiều trên bãi cát dài. Khi nhìn ra biển mênh mông, huyền bí, thật nhiều cảm xúc trào dâng, trong đó có những tâm sự riêng tư, thầm kín mà thường ngày đôi khi bị khuất lẫn. Tôi yêu vẻ mạnh mẽ nồng nàn của biển và quyết tâm ra album chỉ toàn những ca khúc về biển".

NSƯT Quốc Hưng cũng không ngại những ca khúc quen thuộc đó đã từng được thể hiện qua nhiều giọng hát: "Đây đều là những ca khúc được nhiều người thể hiện. Nhưng tôi tin rằng, mỗi ca sĩ hát với một cảm nhận khác nhau, một trái tim thổn thức khác nhau. Ngay cả chính giọng hát ấy, ca khúc ấy nhưng hát ở lứa tuổi khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau. Nếu như tuổi trẻ tràn đầy sự trong sáng, hồn nhiên thì người từng trải lại có sự trăn trở, khắc khoải và hoài niệm".

Chúng tôi thì lại cho rằng, hình như, sau khi vươn được tới những khát vọng xa xôi, chinh phục được những đỉnh cao trong nghệ thuật thì được quay về với bản ngã, được thầm thì tiếng nói của chính trái tim mình là điều mang lại cảm giác hạnh phúc nhất cho người nghệ sĩ. Không chỉ ở album "Biển tình", mà bất cứ khi nào cất tiếng hát, nghệ sĩ Quốc Hưng không phô bày, trưng trổ kỹ thuật mà luôn đề cao cảm xúc chân thành của trái tim.

"Tôi vẫn thường tâm sự với các học trò của mình rằng kỹ thuật thanh nhạc là cái mà ai cũng có thể học được nếu chăm chỉ. Nhưng điều quan trọng là phải giữ được cảm xúc, sự rung động của tâm hồn mình trong cuộc sống. Đó mới là điều chinh phục được trái tim khán giả".

Nhìn vào NSƯT Quốc Hưng lúc này, không ít người sẽ cho rằng dường như anh đang có đủ đầy mọi thứ. Một nghệ sĩ đạt được những đỉnh cao trong nghệ thuật, một người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò, một công việc với cương vị quản lý nhiều người mơ ước, một gia đình hạnh phúc... Và hơn tất cả, anh được bận rộn làm nghề theo cách của riêng mình.

NSƯT Quốc Hưng luôn cho rằng, những gì anh có được ngày hôm nay là bởi may mắn khi gặp được những người thầy tốt trong cuộc đời. Thế nhưng, với những người làm nghệ thuật, thành công có được chưa bao giờ là một điều tự nhiên, dễ dàng.

NSƯT Quốc Hưng đến với nghệ thuật như sự sắp đặt của số phận nhưng thành công lại là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi. Là giọng hát hàng đầu của dòng nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam hiện nay, nhưng ít ai biết được xuất phát điểm anh là nghệ sĩ chèo. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Quốc Hưng đã là một trong những diễn viên "cứng" của Nhà hát Chèo Hà Nội thường được giao những vai nam chính.

Trong vở "Nàng Si ta" nổi tiếng một thời, Quốc Hưng đã đóng vai Hoàng tử Pơ liêm ở kíp 2 (kip 1 là nghệ sĩ Quốc Chiêm). Rồi tình cờ, trong một buổi chiều sau buổi biểu diễn, anh cùng bạn qua Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô chơi, nghe thấy có tiếng dạy thanh nhạc, anh tò mò ngó vào xem thì thấy NSND Quý Dương đang thị phạm cho 5 - 6 học trò. Cậu thanh niên Quốc Hưng khi ấy đánh liều mở cửa xin vào học hát: "NSND Quý Dương bảo tôi: Cháu hát cho bác nghe xem có được không? Mình là diễn viên chèo rồi nên hát rất tự nhiên.

Nghe xong bác Quý Dương bảo: "Cháu có giọng rất quý, nên thi vào nhạc viện để được đào tạo chính quy. Ngày mai bắt đầu tuyển sinh nhưng vì cháu chưa nộp hồ sơ. Bác viết thư tay, cháu vào gặp cô Diệu Thúy nhé! Ngày hôm sau tôi vào nhạc viện đưa thư tay của bác Quý Dương cho cô Diệu Thúy. Tới cuối buổi thì được vào thi hát. Tôi chọn 2 bài là "Thì thầm với dòng sông" của nhạc sĩ Thuận Yến và "Thuyền và biển". Khi vào thi môn ký xướng âm thì chính nhạc sĩ Vũ Hướng dắt tôi tới hội đồng rồi nói: "Không phải họ hàng, cũng không phải chỗ thân quen nhưng cậu ấy có giọng đặc biệt, tôi mong hội đồng tạo điều kiện cho cậu ấy vào học".

Tôi còn nhớ sau đó, chính thầy Trần Hiếu cầm giấy báo nhập học đến tận đoàn chèo cho tôi. Niềm vui trở thành sinh viên nhạc viện không lâu thì tôi phải đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn. Đã từng có lúc tôi chán nản: Khi nào mới học hết 8 năm, hay là quay lại đoàn chèo? Chưa kể, đang là diễn chèo chuyển sang học thanh nhạc, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong luyến láy, nhả chữ.

Thầy Trần Hiếu rất kiên trì luyện với tôi. Biết mình còn hạn chế trong giọng hát, ngoài giờ học chính, chiều muộn hay sáng sớm, tôi cũng lên phòng luyện thanh, úp mặt vào tường mà tập. Mất 1 năm sau tôi mới vào được "phom" mà thầy Hiếu dạy. Không chỉ có những năm tháng học tập ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thời gian tôi may mắn được mang trên mình sắc phục của lực lượng Công an đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm, sự giúp đỡ để tôi có được ngày hôm nay" - NSƯT Quốc Hưng chia sẻ.

Còn NSND Quang Thọ lại nhớ như in ấn tượng về cậu học trò xuất sắc ngày nào: "Vì là sinh viên giỏi nên Quốc Hưng thường được các thầy cô đưa đi biểu diễn tại các trường đại học, các tỉnh, các vùng biên giới, hải đảo. Giọng hát Quốc Hưng lúc đó đã mang âm hưởng hoành tráng, hào hùng. Từ một sinh viên nhạc viện đến giờ là Trưởng khoa Thanh nhạc ghi dấu sự cống hiến hết mình của Quốc Hưng cho nghệ thuật. Lần này, khi Quốc Hưng chọn những bản tình ca, cũng là chọn "sở đoản" của mình đã cho thấy Quốc Hưng luôn muốn dành tặng khán giả những ấm áp chân tình nhất của trái tim mình".

Chúng tôi có điều kiện được thấy NSƯT Quốc Hưng ở nhiều vai trò khác nhau: khi là nghệ sĩ biểu diễn, lúc giảng dạy sinh viên, hay tất bật đạo diễn những chương trình ca nhạc... Vai trò nào anh cũng tận tâm, hết mình. Là người góp phần đào tạo ra các thế hệ ca sĩ tương lai, anh luôn đau đáu làm thế nào để ngoài chuyên môn, truyền cho trò tình yêu, sự nghiêm túc với nghệ thuật.

"Có học trò ham đi diễn, lơ là việc học, mình nhắc nhở ngay. Kiếm tiền, khẳng định tên tuổi là việc tốt nhưng học là điều quan trọng nếu như muốn phát triển lâu dài. Có những học trò, đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn giữ tham vọng nổi tiếng bằng mọi giá, tôi không thể đồng hành".

Không chỉ giảng dạy, NSƯT Quốc Hưng còn là người đắt sô đạo diễn, đặc biệt là những chương trình nghệ thuật có tầm vóc nhân những ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước. "Những chương trình này thường có cảm giác hơi cứng vì thế, tôi luôn lồng ghép các yếu tố trữ tình vào đó để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Mỗi chương trình lại cố gắng thổi vào đó sắc thái riêng. Mỗi khi chương trình biểu diễn, tôi thường đứng ra ngoài xem phản ứng của khán giả thế nào để mình rút kinh nghiệm"...

Dù làm nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau nhưng NSƯT Quốc Hưng vẫn "là mình nhất" khi thả hồn vào từng ca khúc trên sân khấu. Khi đó, chính là lúc anh được bộc bạch với khán giả những câu chuyện âm nhạc, bằng trái tim nghệ sĩ đầy rung động của mình.

Thảo Duyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nsut-quoc-hung-nguoi-ke-chuyen-tinh-bang-trai-tim-yeu-518418/