NSƯT Quang Lý: Vĩnh biệt 'Cung Trầm' trong khúc tình ca dang dở

Người đàn ông hát tình ca đã ra đi, Quang Lý bỏ lại cuộc đời, những khúc tình ca ngọt ngào và dang dở.

Ngay ngày đầu tháng 12, cái tin NSƯT Quang Lý đột ngột qua đời đã khiến người hâm mộ bàng hoàng. Giọng ca ngọt ngào của những khúc tình ca đã dừng lại quá đột ngột.

Dẫu biết cuộc đời không ai qua nổi sinh – lão – bệnh – tử, nhưng sự ra đi của người nghệ sĩ với những khúc tình ca mượt mà vẫn như một cơn sóng dữ bất ngờ ập đến. NSƯT Quang Lý sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 9 tuổi, Quang Lý theo gia đình về Hải Phòng. Năm 1970, từ miền đất Cảng quê hương, ông đã cất giọng hát ngợi ca “Thành phố hoa phượng đỏ” bằng tất cả tình yêu và khát vọng. Cũng từ khúc ca quê hương đó, làng âm nhạc Việt xuất hiện một giọng ca trữ tình đặc biệt.

Tạm biệt Cung Trầm trong khúc tình ca dang dở.

Với nhiều người dân Đất cảng nói riêng và người hâm mộ cả nước nói chung, NSƯT Quang Lý có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong giới âm nhạc. Người hâm mộ chỉ biết Quang Lý qua giọng hát mà rất ít biết về đời tư của ông. Giọng hát mượt mà của những bản tình ca chung thủy cứ vang mãi khắp miền của Tổ quốc. Ông đến với âm nhạc thật tình cờ và sự tình cờ ấy đã đến bằng những bản tình ca cuộc sống.

Trong giới văn nghệ sĩ, nhiều người bảo, Quang Lý đã từng nghèo, thậm chí rất nghèo vì theo đuổi đam mê. Với tên tuổi và giọng ca của mình Quang Lý có thể đến với những show diễn lớn những nơi hạng sang của thành phố thì ông lại mạng giọng hát của mình phục vụ đông đảo quần chúng, những người thợ từ thành phố Cảng.

Chính những khúc tình ca ấy đã truyền lửa tình yêu cho biết bao thế hệ người hâm mộ. Sinh thời, NSƯT đã từng lý giải tại sao ông có thể hát những tình khúc Phú Quang, những bài ca về biển, nhưng cũng có thể sẻ chia thật sâu khi hát “Tình ca”, “Tình ca Tây Bắc”, “Gửi em ở cuối sông Hồng” cũng bởi ông được lớn lên từ miền quê đất Cảng. “Ngày xưa tôi ở Hải Phòng, nhà ở gần biển nên tâm hồn mình bay bổng. Khi còn trẻ, khoảng 12 tuổi tôi lao xe trên bãi cát và hát “rống” lên ở đó cùng đám bạn. Rồi khi đất nước chiến tranh tôi được đi qua nhiều vùng đất gian khó, tôi lại được hát trên những mảnh đất nhiều thương đau” - NSƯT Quang Lý chia sẻ.

“Để bài ca được sống thì mình luôn phải hát đời hơn nữa. Thi ca là đời, nghệ thuật cũng bắt đầu từ cuộc đời nên nếu bài ca cất lên, người lam lũ cũng cảm thấy mình ở đó, nó mới là nghệ thuật đích thực”, chân lý đó từng được đã được ông rút ra sau những năm tháng du ca trên con đường nghệ thuật của mình.

Thế nên, những người đồng hương Hải Phòng ở Tp.HCM không thể quên được giọng hát ấm áp nghĩa tình khi Quang Lý.

NSƯT Quang Lý đã đường đột về với sóng quê hương.

Sau nhiều năm gắn bó với âm nhạc mãi đến năm 2006, Quang Lý mới thực hiện cho mình một album riêng có tên “Vọng âm sóng”. Năm 2009, NSƯT Quang Lý tiếp tục cho ra mắt “Cung trầm” với nỗi tự sự về tình yêu, nỗi nhớ quê hương Hải Phòng. Những “Xin cảm ơn”, “Biển ước mơ và em”, “Ngày em đi xa”, “Mẹ ơi con nhớ mẹ”, “Có bao giờ phôi phai”, “Sài Gòn chiều cuối năm”, “Phố đêm”, “Dòng sông đêm”… đã làm người nghe thổn thức về miền ký ức với quê hương.

Những năm cuối của con đường ca hát, những sáng tác mới của ông như đang dành chọn tình yêu cho mảnh đất này sau mấy chục năm cách xa.

Trần Phương

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nsut-quang-ly-ra-di-tam-biet-cung-tram-trong-khuc-tinh-ca-dang-do-a308283.html