NSƯT Phú Đôn xúc động ngày chia tay Nhà hát Kịch Việt Nam

NSƯT Phú Đôn chia tay Nhà hát Kịch Việt Nam sau nhiều năm hoạt động.

Nhà hát kịch Việt Nam vừa tổ chức lễ chia tay với NSƯT Phú Đôn . Nam nghệ sĩ nghỉ hưu sau 40 năm gắn bó với sân khấu kịch nói.

Sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội, NSƯT Phú Đôn là con út trong gia đình có 8 người con trong đó có 6 anh em trai và 2 người chị gái. Cha của anh cũng là một người đam mê nghệ thuật người đã từng góp mặt trong các bộ phim như Bão biển, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm.

Tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam chia tay NSƯT Phú Đôn.

Phú Đôn là lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo tại Nhà hát kịch Việt Nam, tính đến nay anh đã tham gia vào đóng hàng trăm bộ phim cũng như các vở hài kịch. 40 mươi năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Phú Đôn đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả qua hàng loạt vai diễn với phim truyền hình, phim điện ảnh và sân khấu kịch nói trong đó phải kể đến những vai diễn nổi tiếng một thời như Tivi về làng, Em ở nơi nao, Hai bình làm thủy điện,...

Với mỗi vai diễn, NSƯT Phú Đôn đều mang tới nhiều sự mới mẻ và tạo nên ấn tượng khó phai, nhất là trong các bộ phim truyền hình với các vai diễn nông dân mộc mạc chất phát lại pha một chút hài hước như Bão qua làng, Ma làng, Bỏ vợ, Hoa hồng trên ngực trái, Nàng dâu order,...

NSƯT Phú Đôn là diễn viên mà dạng vai nào anh cũng đảm nhận và diễn hết mình.

NSƯT Phú Đôn chia sẻ: "Tham gia hàng trăm bộ phim, có vai chính, có vai phụ, có những vai rất nhỏ, tôi chẳng thể nhớ được hết. Cũng mấy chục năm làm nghề, tôi chỉ mong làm sao khán giả nhìn thấy mình mà nhớ mặt, nhớ tên là vui rồi.

Tôi là người không bằng lòng với bất cứ vai diễn nào của mình nên khó có một vai mà nhớ mãi hay ám ảnh lâu. Làm xong bộ phim nào một thời gian sau mình cũng thấy tiếc, bởi nếu cho làm lại chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn. Ngay sau khi về làm hậu kỳ thôi đã thấy tiếc rồi, một năm sau thấy tiếc nhiều hơn, hai năm sau muốn tiếc nhiều hơn nữa.

Chỉ có trên sấu kịch, được chỉnh sửa liên tục qua từng đêm diễn mình cảm thấy dần dần vai hoàn thiện dần lên. Với tôi, nghệ thuật không có đỉnh cao, người ta luôn tìm tòi để chinh phục những đỉnh cao hơn. Và giá trị tuyệt đối trong nghệ thuật cũng là không có. Thế nên, tôi luôn nói và động viên diễn viên trẻ rằng, hãy chịu khó đọc, nhất là văn học. Càng đọc càng ngấm, ngấm một cách tự nhiên để dần dần mỗi vai diễn, mỗi lời thoại của mình tốt lên, hoàn thiện hơn", NSƯT Phú Đôn chia sẻ.

Nam nghệ sĩ còn hài hước rằng, nghỉ hưu chắc các diễn viên trẻ ở nhà hát "thích lắm". Bởi, họ không còn nghe anh cằn nhằn chỉnh nắn mỗi ngày.

"Tôi ở nhà hát bị gọi là Đôn đanh đá bởi tôi hay tham gia vào việc đôi khi không phải của mình. Nên trong suốt quãng thời gian qua, nếu tôi có lỗi gì với các bạn, hãy bỏ qua cho và từ giờ, các bạn sẽ không phải nghe những lời như vậy nữa", NSƯT chia sẻ.

NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: "Anh Đôn thuộc tuýp nghệ sĩ bi hài kịch tâm lý chiến đấu. Anh làm vai nào cũng được. Anh cũng là một trong những người đầu tiên hướng dẫn tôi lồng tiếng cho phim truyền hình. Từng cách mở khẩu hình, lấy hơi,... anh đều hướng dẫn rất tận tình. Anh là thủ lĩnh tinh thần cho chúng tôi - những thế hệ trẻ kế cận để phấn đấu. Lần ngồi dưới sân khấu, tôi có nghe vài người xem kịch nói rằng đùa rằng, nhìn chân anh Đôn thế kia mà cũng đứng vững được, tài thật. Thế nhưng, nhìn vậy thôi chứ sức khỏe anh vô cùng dẻo dai, làm việc không mệt mỏi và luôn tới đúng giờ. Anh nhiệt tình hướng dẫn lớp diễn viên trẻ".

Nghệ sĩ Quỳnh Hoa và các diễn viên trẻ tại Nhà hát Kịch Việt Nam luôn gọi NSƯT Phú Đôn bằng "bố". Nữ diễn viên cô cùng xúc động khi phải chia tay người "bố" đã là chỗ dựa tinh thần, đã mắng mỏ, đã góp ý cho mình và đã chịu lắng nghe mỗi lúc cô buồn.

"Không phải ai cũng đóng được nhiều dạng vai như Đôn. Không phải ai, không phải diễn viên nào mà trong thời buổi kinh tế thị trường vẫn miệt mài theo đuổi nghề, lao vào nghệ thuật toàn tâm toàn ý. Đấy là đức tốt của người nghệ sĩ", NSƯT Ngọc Thoa chia sẻ.

Theo VietNamNet

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nsut-phu-don-xuc-dong-ngay-chia-tay-nha-hat-kich-viet-nam-20200515094001356.htm