Người chữa trị 'những vết thương đời'

Có thể nói bệnh nhân tâm thần là 'những bệnh nhân đặc biệt' của ngành y. Để điều trị và chăm sóc cho họ, cũng cần những phác đồ đặc biệt. Trên hết là tình thương và sự ân cần của mỗi bác sỹ, để lắng nghe, thấu hiểu'. Đó là những chia sẻ của GS.TS.BS Cao cấp Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y với chúng tôi trong những ngày đầu năm 2021 này.

Duyên nợ với nghề

Nằm khép mình ở phía sau Bệnh viện Quân Y 103, Khoa Tâm Thần như một thế giới nhỏ và có phần đối lập với sự bề thế, trang nghiêm của Học viện Quân Y. Chính cái sự “khiêm nhường” ấy, cộng với không gian vắng lặng, thâm trầm khiến cho không ít người lần đầu bước chân vào đây đều có một cảm giác lành lạnh, gai người.

Sau tiếng lách cách mở cửa, một người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười như hút mọi ánh nhìn xuất hiện trước mặt chúng tôi. Ông là GS.TS.BSCC Cao Tiến Đức, người mà các bệnh nhân ở khoa A6 này quý mến và kính trọng như một người thầy, người cha.

Sau cái bắt tay, GS Đức cho hay, mấy năm gần đây, Khoa Tâm thần đã được đầu tư, song vẫn còn nhiều thiếu thốn.

GS.TS Cao Tiến Đức đang thăm khám cho bệnh nhân

GS.TS Cao Tiến Đức đang thăm khám cho bệnh nhân

Làm việc ở Khoa A6 - Tâm Thần của Bệnh viện Quân y này đã ngót nghét 40 năm, dường như với GS Đức, đây trở thành gia đình thứ 2 của mình với đầy đủ cung bậc. “Trước khi về Khoa, tôi có thời gian thực tập tại đây. Nó cũng như một cái duyên vậy. Trong thời gian thực tập, tôi được PGS Lê Hải Chi chỉ bảo, hướng dẫn. Sau thời gian thực tập ngắn ngủi, thầy có gợi ý tôi về khoa công tác”, ký ức từ 40 năm trước như những thước phim bắt đầu chầm chậm quay về với GS Đức.

“Ngày đó, thầy Chi còn dặn dò chúng tôi để được về Bệnh viện và Khoa chấp nhận thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Lời gan ruột của thầy Chi đã theo tôi trong suốt những năm tháng sau này. Và có thể nói, sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã không phụ sự kỳ vọng của ông”, GS Đức tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, nghèo đói ở vùng quê miền núi của tỉnh Nghệ An, ngay từ những ngày còn cắp sách đến trường, chàng trai Cao Tiến Đức luôn ước mơ sẽ trở thành một bác sĩ. Năm 1974, khi học lớp 10, dù đã thi đỗ Đại học nhưng ông đành gác lại sự học của mình để nhập ngũ. Cũng chính trong môi trường quân đội, với sự nỗ lực rèn luyện, vươn lên, ông được cấp trên cử đi học và trở thành học viên của Tiểu đoàn Quân y, trường Hậu cần QK4.

Sau khi tốt nghiệp, ông được đưa về Sư đoàn 316B làm y tá của đơn vị C23 - F316B. “Thế là cái duyên với nghề thầy thuốc gắn với tôi từ đấy”, GS.TS Cao Tiến Đức chia sẻ.

Vừa công tác, vừa trau dồi học hỏi, tiếp tục nâng cao chuyên môn của mình, tháng 7/1976, ông thi đỗ vào Học viện Quân y. Và sau 6 năm đèn sách, đến năm 1982, ông tốt nghiệp ra trường và bắt đầu về công tác tại Khoa A6 này.

“Những ngày đầu về đây quả là hết sức khó khăn. Khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ y, Bác sỹ chỉ là phần nhỏ, phần quan trọng hơn là những công trình nghiên cứu về lý luận và khoa học chưa thành một hệ thống hoàn chỉnh. Chúng tôi vừa làm, vừa tích lũy, vừa nghiên cứu....” - GS.TS Cao Tiến Đức kể.

Một vai gánh hai trách nhiệm

Trong suốt những năm công tác tại Khoa A6, Giáo sư Đức cũng như nhiều bác sỹ khác ở Bệnh viện 103 luôn phải “đóng hai vai”, vừa giảng dạy vừa điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân.

“Việc đến tay thì mình phải làm thôi. Hơn nữa, với ngành đặc thù như ngành Tâm thần chúng tôi, nếu không tự học hỏi, rèn giũa và tích lũy sẽ dần tụt lùi”, Giáo sư Đức cười khiêm tốn.

Bác sỹ Cao Tiến Đức trò chuyện cùng phóng viên Báo Công lý

Rồi như phân trần, ông kể, những năm đầu bước chân vào khoa A6 này, các biện pháp cũng như phương tiện hỗ trợ cho bệnh nhân ở nước ta còn rất nhiều hạn chế. Các công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy chưa có một hệ thống hoàn chỉnh. Đây là nút thắt khó khăn lớn nhất trong quá trình chữa bệnh.

“Nắm bắt tâm lý của bệnh nhân là vấn đề mấu chốt, căn bản nhất để có phương pháp điều trị. Muốn thế, phải biết lắng nghe họ, thương yêu họ và gần gũi coi những bệnh nhân là người thân của mình. Khi họ đã có lòng tin, họ sẽ trải lòng, sẻ chia...” - GS.TS Cao Tiến Đức tâm sự.

Cũng theo chia sẻ của GS.TS Đức, phần lớn tâm lý của bệnh nhân và gia đình là không chấp nhận gia đình mình có một người bị bệnh tâm thần. Cũng chính bởi tâm lý này mà dưới con mắt của nhiều người, khi nhắc đến khoa tâm thần là có cái gì đó lo sợ, né tránh hoặc kỳ thị người bệnh và cả thầy thuốc tâm thần.

Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là không kiểm soát được ý thức và hành vi, bệnh nhân không cần bác sỹ, không hợp tác với bác sỹ để chữa trị. Nhiều khi lên cơn kích động là tấn công cả thầy thuốc.

“Một lần cách đây chừng 30 năm, khi đang thăm khám cho một bệnh nhân, bất ngờ người bệnh ấy giơ thẳng tay đấm vào mặt tôi. Rất đau nhưng vẫn phải mỉm cười và nhẹ nhàng với người bệnh”, ông Đức kể.

Nói về khó khăn những ngày đầu mới bước chân về khoa, GS.TS Cao Tiến Đức tâm sự: “Khó khăn lớn nhất vẫn là tài liệu về bộ môn tâm thần. Phần lớn chỉ là những tài liệu chép tay từ kinh nghiệm của những người đi trước để lại. Và kinh nghiệm đúc kết mỗi khi thăm khám và điều trị cho bệnh nhân”. Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, sự động viên của đồng nghiệp, gia đình mọi vướng mắc trở ngại đều được đẩy lùi trước sự khởi sắc của mỗi bệnh nhân.

Một trong những kỷ niệm với ông đó là hình ảnh cô sinh viên khi được ông thăm khám, gia đình và bản thân cô sinh viên ấy vẫn khẳng định mình không bị bệnh. Nhưng hơn một năm sau, ông nhận được thông tin, cô đã nhẩy lầu tự vẫn. “Có rất nhiều tác động để dẫn đến tâm thần như: stress, các bệnh cơ thể, nhiễm độc, chấn thương, nghiện chất như rượu, bia, ma túy, nghiện hành vi như game, cờ bạc, tình dục...tuy nhiên, những “tích tụ” ấy cứ ngày một tăng dần và người nhà khi đã nhìn nhận ra thì bệnh đã trầm trọng”, GS.TS Cao Tiến Đức chia sẻ.

Ngoài những giờ chữa trị cho bệnh nhân, vừa tham gia giảng dậy, người bác sỹ gốc xứ Nghệ này vẫn không ngừng học hỏi và kết quả là ông thi đỗ nghiên cứu sinh và được cử sang Đức học về chuyên khoa Tâm thần. Về nước, ông tiếp tục công việc thường ngày của mình và đến tháng 1/1995, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Y học với đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng ở 296 bệnh nhân động kinh”.

Gần 40 năm gắn bó với khoa tâm thần của Bệnh viện Quân y 103, ông không nhớ hết được mình đã chữa khỏi cho biết bao nhiêu người. Cùng với quãng thời gian ấy là biết bao thế hệ bác sỹ đã được ông chỉ bảo, dậy dỗ và trưởng thành. Không chỉ “một vai gánh hai trách nhiệm” là điều trị và giảng dạy, những công trình nghiên cứu của ông, giờ đây đang đóng góp một phần không nhỏ làm tài liệu cho những sinh viên y khoa - bác sỹ của ngành tâm thần của nước nhà.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-chua-tri-nhung-vet-thuong-doi-181890.html