NSƯT Nguyễn Hải và cái nhếch mép sở trường trong 'Quỳnh búp bê'

Nhắc đến NSƯT Nguyễn Hải, khán giả lại nhớ đến đôi mắt nhỏ, điệu cười nhếch mép làm nên những vai phản diện để đời. Vắng bóng truyền hình 7 năm nhưng lần tái xuất của anh trong bộ phim 'Quỳnh búp bê' vẫn là một Nguyễn Hải như cách đây 30 năm. Tuy nhiên, không vì thế mà các vai của anh cũ kỹ, rập khuôn…

NSƯT Nguyễn Hải trong vai ông trùm Cấn của “Quỳnh búp bê”.

Phải ép cân khi vào vai Cấn

Trước khi trở lại với vai Cấn trong “Quỳnh búp bê”, anh đã có 7 năm vắng bóng truyền hình. Tại sao vậy?

- Những năm qua vắng bóng trên truyền hình là do tôi vướng công tác quản lý ở Đoàn kịch CAND, thường xuyên đi lưu diễn ở các tỉnh trên địa bàn cả nước phục vụ các chiến sĩ và nhân dân. Hơn nữa tôi phụ trách hành chính, hậu cần, kiêm thêm công tác đối ngoại, dù đoàn kịch tạo điều kiện nhưng công việc không giao được cho ai. Làm phim truyền hình cần nhiều thời gian tập trung, đầu tư cho sáng tạo, xây dựng nhân vật, sống với nhân vật. Tôi chỉ tham gia một vai nhỏ trong phim nhựa “Mùi cỏ cháy” của anh Hữu Mười vì chỉ quay trong 3 ngày.

Vậy lý do gì kéo anh trở lại truyền hình?

- Tôi đến tuổi chờ nghỉ hưu rồi nên có thời gian hơn. May mắn được anh bạn giới thiệu kịch bản “Quỳnh búp bê”, rồi được anh Mai Hồng Phong, Đỗ Thanh Hải cho thi tuyển. Nhiều người nghe vậy thắc mắc: Vì sao Nguyễn Hải còn phải casting vai diễn? Nhưng tôi nghĩ điều này là đương nhiên. Nếu là đạo diễn thì tôi cũng làm thế để đảm bảo chất lượng vai, nhất là tôi lại có 7 năm rời xa phim truyền hình.

Khi trở lại anh có gặp khó khăn gì không?

- Sau 7 năm, đứng trước ống kính tôi cũng bỡ ngỡ, bị lạc nhịp, lạc trục máy. Phim truyền hình bây giờ lại thu tiếng trực tiếp nên cũng là thử thách với tôi. Sân khấu nhịu một lời cho qua không thể nói lại được nhưng quay phim nhịu một lời phải quay lại, như vậy ít nhiều tôi cũng làm mất thời gian, ảnh hưởng đến ê-kíp. Tôi mất mấy ngày mới bắt nhịp được, đến khi quen rồi, thuần thục, “bợm” hơn rồi thì hết phần 1. Tôi nói đùa với đạo diễn là khi thạo việc thì hết việc.

Sau 7 năm trở lại với phim truyền hình và vẫn vào vai “tủ”, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi đã từng chia sẻ, nếu thang điểm 10, vai Cấn mới đạt 6,5 điểm vì có thể kịch bản cần thực tế hơn nữa thì các vấn đề liên quan mặt trái xã hội mới được bung ra hết tạo “đất” cho diễn viên.

Ngoài ra, dù đã nỗ lực ép cân, giảm được gần 3kg nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với tạo hình nhân vật. Đọc kịch bản, tôi đã tưởng tượng nhân vật phải gầy hơn chút nữa, phải xương xương, chơi bời, trông “nghiện” một chút thì hình ảnh sẽ đạt hơn.

Nhưng tôi cũng tạm chấp nhận, vì gầy thế thôi chứ gầy nữa là không đủ sức diễn. Có hôm tôi không ăn cơm, chỉ ăn 5 quả trứng luộc. Tôi thường xuyên trốn ăn cơm đoàn ra ngoài uống một cốc sinh tố rồi vào diễn. Còn sức diễn là may đấy!

Có vẻ anh khá đầu tư cho sự tái xuất này?

- Đúng vậy. Để nhập vai Cấn, tôi còn đến các nhà hàng karaoke tìm hiểu, đặc biệt lân la nói chuyện với bảo vệ. Có lần tôi giả vờ nhờ cậu bảo vệ chở ra bãi gửi ô tô. Trên đường đi hỏi chuyện làm quen. Vậy là cậu ta kể hết chuyện mặt trái của karaoke: Nhiều khi chở gái đến cho khách bị chê xấu là ăn chửi te tua; có những khách say rượu đưa tiền xong nó còn giật lại chửi... Còn có lần tôi giả say vào “nhầm” nhà vệ sinh nữ. Nhà vệ sinh là “động” của thuốc lắc, hít, chích. Chỉ liếc qua sàn nhà, thùng rác, mặt bàn rửa mặt là biết ngay.

Nhiều khi bị ảnh hưởng từ vai diễn đến đời thực

NSƯT Nguyễn Hải sở hữu một danh sách vai diễn đình đám toàn dạng “ác nhân”. Ảnh: TL

Bảy năm vắng bóng, khán giả lại nghĩ anh đang chuẩn bị cho hình ảnh mới, nhưng lại vẫn là anh - phản diện. Anh không sợ bị “cũ” sao?

- Tư duy của diễn viên luôn sợ đóng khung hình ảnh vì sẽ bị cũ, bị mòn. Nhưng tôi đâu có cũ. Nếu ai tinh ý khi xem “Quỳnh búp bê” sẽ thấy tôi mặc lại chiếc áo con hổ mà tôi quay từ “Chạy án”. Đây là chiếc áo trong kho tư liệu, tôi tự sản xuất, hình thức cái áo giống nhau nhưng nội tâm mỗi nhân vật khi mặc hoàn toàn khác nhau. Trong xã hội rất nhiều người mặc comple nhưng không phải ai mặc comple cũng tốt, có tội phạm mặc comple. Như vậy bộ quần áo không có tội, nó chỉ là chất liệu góp phần tạo nên tính cách nhân vật. Trong “Chạy án” là thông điệp tôi yêu con hổ, tôi biến nó thành người bạn. Còn ở “Quỳnh búp bê”, tôi muốn nói một con ác thú nằm trong nhà mình, nó đang chăn dắt, vồ những con mồi non bị bán vào đây, huấn luyện ngón nghề và kiếm tiền cho nó. Tôi luôn tự đổi mới mình trên dạng vai cũ.

Anh làm thế nào để đa dạng không bị một màu khi cùng diễn một dạng vai?

- Thực ra, làm nghệ thuật là sự tái tạo trong sự sáng tạo. Mỗi vai phản diện có hệ tâm lý tội phạm riêng, nếu không phân biệt, tách bạch ra được thì diễn sẽ bị nhầm lẫn, lặp lại. Tất nhiên ở một khía cạnh nào đó không tránh khỏi hành vi giống nhau vì vẫn con người ấy, khuôn mặt ấy nhưng điều quan trọng nhất là nội tâm, tính chất tội phạm, hành vi đặc trưng, từ đó toát lên được tính cách nhân vật. Nắm được tâm lý từng nhân vật sẽ tìm được điểm đặc sắc riêng khi diễn.

Vậy có khi nào vì không muốn “ác” nữa mà anh từ chối vai diễn không?

- Tôi chỉ từ chối khi không có điều kiện tham gia hoặc động chạm đến nghề nghiệp. Tôi từng học luật sư và đến nay vẫn tư vấn pháp luật cho những người không có điều kiện, thương bệnh binh. Vậy nên khi nhận được lời mời vào vai luật sư Mạo trong phim truyền hình “Địch thủ kỳ phùng”, dù kịch bản hay nhưng tôi vẫn từ chối.

Tôi là luật sư mà lại đóng vai luật sư “đểu”, chạy án, tư cách nghề nghiệp không ra gì thì sau này nghỉ hưu tôi hành nghề sao được? (cười).

Diễn vai phản diện đạt đến mức bị khán giả phản ứng dữ dội ngoài đời thường thì chắc anh đã gặp không ít. Bản thân anh có bao giờ bị “nhập vai” quá khi ra đời sống không?

- Có chứ! Ảnh hưởng nghề nghiệp nên nhiều khi tôi đi sai đường, lẽ ra phải xin lỗi thì đâm ra cáu bẳn. Sau đó chợt bừng tỉnh, tôi cũng giật mình nghĩ: Chẳng lẽ đến tuổi này lại bị loạn thức, tư duy xáo trộn, không phân biệt được phim với đời? Nhưng có một cái hay khi đóng phản diện, đó là luôn luôn tạo cho mình sự tò mò xã hội. Thay vì nhìn bề nổi như mọi người, tôi luôn đi tìm, nhìn vào mặt trái xã hội để có chất liệu. Bệnh nghề nghiệp. Bệnh vai đấy!

30 năm “đóng đinh” phản diện, anh có nghĩ sẽ “hoàn lương” không?

- Tôi cũng tham vọng, mong muốn đổi chất vai nhưng chưa đạo diễn nào dám mời tôi đóng chính diện. Trong khi hàng loạt vai phản diện của tôi có thể mức độ thành công khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là khán giả nhìn thấy mặt là ấn tượng: “Thằng” này lại đóng vai đểu hoặc chỉ đểu mà thôi!

Đồng nghiệp và nhiều đạo diễn đùa bảo tôi hay đi mỹ viện để vào vai chính diện. Nhưng tôi bảo: Không. Phá tướng sợ lắm. Nên bằng lòng, cha mẹ cho thế nào để nguyên thế.

Thực ra năm 2012 tôi quay về sân khấu diễn chính diện, vai Đại tá tình báo và được HCV toàn quốc. Không phải tôi không diễn được mà do bị ảnh hưởng phản diện nên để nhập vai rất vất vả, mất thời gian. Năm đó, ngoài đạo diễn vất vả, tôi cũng phải tự quay lại đem về nhà xem rồi điều chỉnh từng giây cho từng hành vi, tập diễn suốt đêm để vào thi mới an tâm được. Đấy là sân khấu, còn truyền hình thời gian là vàng, làm sao dừng lại để chờ đợi ai?!

Sự nổi tiếng của thế hệ diễn viên gạo cội như anh thường chỉ nhận về sự ghi nhận bằng tinh thần chứ không phải là những lời mời tham gia sự kiện, quảng cáo như những diễn viên trẻ. Anh có chạnh lòng không?

- Tôi mừng cho các bạn trẻ, bởi phim truyền hình thu nhập bao nhiêu đâu, may ra đủ tiền trang phục, rồi còn tiền phụ kiện, xăng xe, đi lại… Vì thế, nhận được lời mời quảng cáo cũng là ghi nhận công sức diễn viên, giúp họ có thêm thu nhập ổn định để cống hiến cho nghệ thuật.

Tôi cũng nhận được nhiều lời mời nhưng già rồi, thân quen hoặc uy tín, đáng trân trọng, không động chạm ngành nghề tôi mới nhận lời. Mỗi thời mỗi khác!

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Ngọc Mai (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nsut-nguyen-hai-va-cai-nhech-mep-so-truong-trong-quynh-bup-be-20181009093424153.htm