NSƯT Hồ Tháp - Thủ lĩnh trên sân khấu và giữa đời thường

Với hơn 40 năm công tác, NSƯT Hồ Tháp, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, nguyên Trưởng Đoàn Kịch Quảng Ninh không chỉ là người vào vai các nhân vật thủ lĩnh trên sân khấu mà còn là chỗ dựa vững chắc cho anh chị em nghệ sĩ yên tâm gắn bó với nghề. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Nghệ sĩ Hồ Tháp và vợ ôn lại những kỷ niệm trên sân khấu kịch.

NSƯT Hồ Tháp tên đầy đủ là Hồ Ngọc Tháp, sinh năm 1941 tại Bắc Ninh. Ông học Trường Trung cấp Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) chuyên ngành xiếc, sau chuyển sang học kịch. Năm 1962, chàng thanh niên Hồ Tháp tạm biệt quê hương Bắc Ninh ra Vùng mỏ đầu quân cho Đoàn kịch Quảng Ninh. Từ đó, nghệ sĩ Hồ Tháp công tác ở Đoàn Kịch 41 năm 7 tháng cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2003.

Năm 1968, ông cùng 15 nghệ sĩ khác của Quảng Ninh tham gia Đội văn công xung kích đi biểu diễn tại chiến trường miền Nam. Nghệ sĩ Hồ Tháp cùng đồng nghiệp đã biểu diễn phục vụ bội đội tại các chiến trường B2, B3, Đoàn 559. Không chỉ biểu diễn, ông và các nghệ sĩ vừa đi vừa tranh thủ sáng tác, biên tập chương trình để diễn mọi lúc, mọi nơi có thể: Trên điểm cao, dưới hầm sâu. Người chiến sĩ và văn công ngồi rất gần nhau như thể không còn khoảng cách. Mỗi ngày ông và đồng đội phải đi bộ vài chục cây số đường rừng dưới bom đạn đến nơi biểu diễn. Có khi đội văn công lại cùng tham gia tải thương, cấp cứu cùng các y tá, xử lý hậu quả bom mìn, vá đường, v.v..

Năm 1969, nghệ sĩ Hồ Tháp trở về Đoàn Kịch Quảng Ninh, làm Trưởng đoàn từ năm 1977 đến năm 2003. Để chồng yên tâm công tác, vợ ông vốn cùng là diễn viên trong đoàn, người cùng đi Nam với ông đã dứt áo với nghề, xin nghỉ sớm để làm kinh doanh. Nhờ vậy, nghệ sĩ Hồ Tháp không phải bận tâm nhiều về chuyện áo cơm thường nhật mà dồn toàn bộ tâm sức cho sân khấu. Những vai diễn của ông ngày càng có chất lượng chuyên môn cao. Đến nay, ông đã tham gia khoảng 200 vở kịch các loại. Một số vai diễn đáng nhớ của nghệ sĩ Hồ Tháp là đại tá tình báo Thành trong “Người không thể chết”, vai Hải trong “Đôi mắt”, vai Chiến trong "Khi tình yêu lên tiếng". Ông đã được trao 2 huy chương vàng với các vai diễn trong các vở diễn “Vàng” và “Khi tình yêu lên tiếng”. Với thành tích này, năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Vợ chồng ông có 3 người con thì 2 người cùng nối nghiệp nghệ thuật và cả 2 đã được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong thời gian NSƯT Hồ Tháp nắm cương vị lãnh đạo, Đoàn Kịch Quảng Ninh đã làm tốt công tác xã hội hóa, thường xuyên tổ chức biểu diễn xuyên Việt. Có đợt đoàn đã biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh 50 đêm diễn liên tục. Đoàn cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước mạnh dạn chi tỷ lệ 20% cho diễn viên làm công tác maketting. Nhờ đó, sân khấu kịch Quảng Ninh luôn sáng đèn, số lượng suất diễn ngày càng tăng; đời sống của anh chị em nghệ sĩ được đảm bảo tốt hơn. Trong quá trình làm quản lý, ông đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh, ngành bố trí xây dựng khu văn công khang trang hơn, phân lô để thanh lý khu đất tập thể cho anh em nghệ sĩ, diễn viên có điều kiện mua lại.

NSƯT Hồ Tháp (thứ 5,phải sang) vào vai đại tá Thành trong vở kịch "Người không thể chết". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không dừng lại ở lĩnh vực sân khấu, NSƯT Hồ Tháp còn lấn sân sang điện ảnh và đóng rất nhiều phim điện ảnh, phim truyền hình, như: “Bí mật cuộc đời”, “Sài Gòn giải phóng”, “Lễ mừng thọ”, “Trên miền yên tĩnh”, “Chuyện tình đảo cát”, “Cơn lốc biển”, v.v.. Đến nay, ông đã đóng hơn 50 bộ phim các loại cả phim truyện lẫn phim truyền hình. Một số vai diễn của ông là vai tướng Lê Trọng Tấn trong phim “Giải phóng Sài Gòn”, vai chủ tịch Hiếu trong phim “Bí mật những cuộc đời”, vai thiếu tá Thắng trong phim “Cuộc đời tôi”, vai bí thư Tuệ trong “Cơn lốc biển”, vai giám đốc Mạnh trong phim “Ngày mưa cuối năm”, v.v..

NSƯT Hồ Tháp cho biết: Sân khấu vốn xa với khán giả hơn điện ảnh vì thế phải khoa trương khi diễn. Vốn là một diễn viên sân khấu, ông đã phải mất một thời gian dài mới quen với điện ảnh. Lý do nằm ở chỗ, sân khấu vốn ước lệ và cường điệu trong khi điện ảnh lại thật hơn, đời hơn. Khi chuyển sang đóng phim, NSƯT Hồ Tháp đã tiết chế được cảm xúc, được lối diễn của mình.

NSƯT Hồ Tháp trong phim "Giải phóng Sài Gòn". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thấu hiểu những khó khăn vất vả của anh em nghệ sĩ, ông và vợ mình đã giúp đỡ, hỗ trợ họ rất nhiều cả trên sân khấu cũng như trong cuộc sống đời thường. Đến nay, dù nghỉ hưu từ lâu nhưng NSƯT Hồ Tháp vẫn thường xuyên được các nghệ sĩ, diễn viên trẻ tìm đến học hỏi kinh nghiệm diễn xuất lẫn kinh nghiệm sống. Giữa cơn thoái trào của sân khấu hôm nay, ông vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều diễn viên, nghệ sĩ. Ông bà động viên nhau rằng, mình về nghỉ lâu rồi mà khán giả còn nhớ đến vai diễn, lớp trẻ vẫn không quên mình thì đó là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201810/nsut-ho-thap-thu-linh-tren-san-khau-va-giua-doi-thuong-2406077/