NSƯT Hạnh Thúy: 'Vừa đạo diễn vừa làm diễn viên, mình đỡ lèm bèm, đỡ gieo nghiệp'

'Vừa đạo diễn vừa viết kịch bản thì khi đi đóng phim, mình tử tế hơn, đỡ lèm bèm, trách móc bởi nhìn vô mình biết tại sao bị chậm, bị hư, đỡ gieo nghiệp nhiều lắm', NSƯT Hạnh Thúy nói.

Những ai theo dõi và yêu thích NSƯT Hạnh Thúy có lẽ đều đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nghèo khổ, chịu thương chịu khó, hiền lành trên phim mà chị thường thủ diễn.

Thế nhưng, trong bộ phim "Thương con cá rô đồng" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, Hạnh Thúy vào vai phản diện, bà Tư Diệu - một người dì ích kỷ, cay nghiệt, nhẫn tâm với 4 đứa cháu côi cút, không nơi nương tựa.

Gặp Hạnh Thúy trong buổi họp báo ra mắt phim, chị đã dành cho chúng tôi những chia sẻ vô cùng thú vị về hậu trường quay bộ phim này cũng như sự thay đổi của chị sau vai diễn.

NSƯT Hạnh Thúy vai bà Tư Diệu trong phim Thương con cá rô đồng. Bà Tư Diệu là một người phụ nữ cay nghiệt, ích kỷ, nhẫn tâm

NSƯT Hạnh Thúy vai bà Tư Diệu trong phim Thương con cá rô đồng. Bà Tư Diệu là một người phụ nữ cay nghiệt, ích kỷ, nhẫn tâm

Ám ảnh vì đóng vai phản diện, phải đánh trẻ con

Đã lâu rồi, Hạnh Thúy không vào vai phản diện. Chị có thể nói nhiều hơn về vai diễn này trong phim?

Tôi phải cám ơn đạo diễn Hoàng Tuấn Cường bởi nhân vật bà Tư Diệu ban đầu không có trong kịch bản. Anh Cường muốn thêm gia vị, thêm màu sắc cho bộ phim nên mới thêm vai bà Tư Diệu vô.

Khoảng 5 năm gần đây, khán giả đã quen với hình ảnh Hạnh Thúy trong vai một người phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu thế nên khi anh Cường mời vai này, tôi rất hào hứng. Bà Tư Diệu là một người dì ích kỷ, nhẫn tâm, cay nghiệt. Bà coi việc phải gắn với mấy đứa nhỏ là gánh nặng nên trút đòn roi lên các cháu.

Thật ra, rất tội các bé nhỏ vì bị đánh nhiều. Cứ mỗi lần đánh xong là mình xin lỗi gần chết, hỏi xem bé đau chỗ nào không. Đạo diễn rất chỉnh chu, lót bảo hộ để các con không bị đau nhưng vẫn phần nào va vấp.

Chính ba mẹ các bé và các bé cũng rất hy sinh cho vai diễn. Các bé có khi phải dầm mưa suốt mấy tiếng đồng hồ để quay một cảnh, khóc vài tiếng để nuôi tâm lý khóc cho một phân đoạn.

Tôi nhớ nhất cảnh phải đánh Như Đan, đập đầu cô bé vào cửa. Mình đập mấy lần đều bị giả vì đánh bằng hình thể. Cuối cùng, Như Đan kêu tôi đánh thật. Tôi rất sợ nên phải lấy tay mình lót phía sau đầu Như Đan rồi đập thật. Vậy mà Như Đan bị u mấy cục còn các khớp ngón tay tôi đến giờ vẫn còn đau, chưa hết.

Phim chính thức lên sóng VTV3 lúc 14h ngày 2/5.

Thay đổi sau khi đóng vai người dì cay nghiệt, nhẫn tâm

Cảm giác của chị khi đóng vai bà Tư Diệu như thế nào?

Tôi nói với anh Cường là đừng cho bà Tư Diệu ác mà hãy để bà ấy vô tâm, thiếu suy nghĩ, ích kỷ, ham vui và trong lòng có những bức xúc về cuộc sống. Dù gì cũng là gái chưa chồng mà giờ phải nuôi 4 đứa con nít. Áp lực đó biến bà Tư Diệu thành người ích kỷ, oán trách các cháu và nhẫn tâm chứ không phải độc ác.

Khi vô vai, tôi không quá áp lực nhưng diễn chung với mấy đứa nhỏ, cảm thấy thương chúng nó lắm. Rồi lại nghĩ, nếu là ngoài đời thật thì quá tội cho những đứa nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh như thế.

Người ta nói, sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì nhưng những đứa trẻ này không có được may mắn đó. Xem các bé diễn mà mình khóc, thương hoài.

Mình xót các bé từ trong kịch bản xót ra hiện trường. Tôi nói với đạo diễn, "sao em ác quá anh". Đạo diễn nói, đó là câu chuyện đời. Nếu khán giả thấy bà Tư Diệu ác mà thương mấy đứa nhỏ thì rất có thể, họ sẽ thay đổi quan điểm sống, quan tâm những đứa trẻ cơ nhỡ nhiều hơn.

Hiện nay, trẻ bị bạo hành nhiều quá mà phần lớn là do sự vô tâm của người lớn và cả những người thấy mà không nói. Đó cũng là thông điệp của phim, hãy quan tâm tới trẻ con nhiều hơn khi còn có thể.

Sau phim này, sau vai diễn này, tôi thay đổi nhiều. Mình yêu quý trẻ con hơn, thương các con mình hơn. Sống chết đâu ai nói trước được điều gì. Mẹ tôi vẫn hay bảo, có thương con bao nhiêu thì chết cũng không lo được nữa. Khi đóng phim này, tôi cứ nghĩ, nếu con mình bị đánh như thế, chắc mình chịu không nổi.

Vậy là về thương bù. Ngày trước tôi đã ít đi chơi, giờ còn ít nữa. Cứ muốn về nhà với con, để lỡ có gì thì mình không bị tiếc là đã "lông bông" ngoài đường quá nhiều.

Chị không ngại vai diễn này khiến các con bớt yêu thương mẹ, chỉ sợ khán giả ghét.

Chị có lo ngại khi các con chị xem bộ phim này sẽ sợ hoặc có cái nhìn lệch lạc về mẹ?

Bản thân tôi rất rạch ròi giữa đời và phim. Những người trong gia đình tôi cũng vậy. Cho nên những vai diễn như thế này không làm tôi lo sợ ảnh hưởng tới tình cảm của gia đình hay hai đứa con đối với mẹ.

Tôi chỉ lo ngại khán giả ghét mình vì đóng ác quá. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nếu khán giả ghét, chứng tỏ tôi đã nhập vai thành công.

Không ai điên đi bỏ cả đống tiền để làm một bộ phim tệ

Chị vừa là đạo diễn vừa là diễn viên. Cái lợi và cái chưa lợi khi ở hai vai trò này cùng lúc là như thế nào thưa chị?

Khi vừa là đạo diễn vừa viết kịch bản, mình có lợi trong việc khai thác tâm lý nhân vật. Mình hiểu đường dây tâm lý thế này sẽ không khiên cưỡng. Nhưng đó cũng là cái khó cho mình khi ở vai trò diễn viên, mình phải "rà" tâm lý rất lâu. Ra hiện trường, vì mình muốn phải làm cho đúng nên cũng mất thời gian.

Đó là khó khăn lớn nhất. Còn đa phần là thuận lợi, nói chuyện với diễn viên cũng dễ hơn. Nhìn cảnh đó, mình sẽ tính được thế nào là đủ. Vừa đạo diễn vừa viết kịch bản thì khi đi đóng phim, mình tử tế hơn, đỡ lèm bèm, trách móc bởi nhìn vô mình biết tại sao bị chậm, bị hư, đỡ gieo nghiệp nhiều lắm!

Gần đây, có một số phim điện ảnh ra rạp và bị cả khán giả và người trong nghề chê "tan nát. Là đồng nghiệp, là một diễn viên, đạo diễn, chị có cái nhìn thế nào về câu chuyện này?

Bất cứ ai làm cũng mong muốn phim thành công. Nếu không thành công, có thể là vì chưa đủ duyên về rất nhiều yếu tố. Thậm chí, phim tốt hết nhưng vẫn không trùng thời điểm, không trùng kênh với khán giả cũng thua lỗ. Nhưng không có nghĩa, phim ra rạp, không thắng về doanh thu thì phim đó tệ.

Không ai điên mà bỏ cả đống tiền để làm một bộ phim tệ. Cho nên tôi nghĩ, nếu họ có sai thì mình cũng nên nhận xét khách quan. Hiện nay, tôi có cảm giác mọi người bị sa đà vào việc, thấy người ta ngã ngựa thì phóng thêm đòn để đã nư, để chứng tỏ mình trên ngựa. Như vậy không hay.

Bởi ngay cả những phim thắng doanh thu trăm tỷ, vẫn có thể moi ra được cái chưa được. Tuy nhiên, người ta thường có cảm hứng với việc nói về cái chưa được của người khác hơn là cái được.

Cộng đồng mạng hoặc vì quen biết, hoặc vì không quen biết mà họ cứ nói để chứng tỏ bản thân. Cũng tốt thôi nhưng nên dừng ở mức độ nhân văn và có văn hóa. Hãy đặt mình vào vị trí của họ, nếu một ngày nào đó, người phải chịu bị những lời đó là mình sẽ thế nào.

Mình làm trong môi trường văn hóa nghệ thuật thì hãy để cho môi trường đó đúng là văn hóa nghệ thuật, chứ nặng nề với nhau quá, không hay.

Bản thân tôi luôn đánh giá cao và ngưỡng mộ những người làm những việc mà mình không làm được, dù họ thành công hay không thành công, thậm chí mình không cùng quan điểm với họ. Bởi vì mình không đồng quan điểm không có nghĩa là họ làm sai.

Họ làm rất cực khổ, rất vất vả, rất tâm huyết. Chỉ có điều, cái tâm huyết đó không đúng với điều khán giả muốn thì cũng không có nghĩa là họ dở.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Nguyễn Hương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nsut-hanh-thuy-vua-dao-dien-vua-lam-dien-vien-minh-do-lem-bem-do-gieo-nghiep-82021294172415958.htm