NSƯT Hạnh Thúy: Sức sáng tạo của điện ảnh sẽ giảm nếu phụ thuộc vào văn học

Đã có hàng loạt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim, tạo nên thành công không nhỏ. Nhận lời làm đạo diễn cho bộ phim Thiên thần nhỏ của tôi, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có phải là lựa chọn liều lĩnh với NSƯT Hạnh Thúy?

NSƯT Hạnh Thúy (phải) trong buổi tuyển chọn các diễn viên nhí cho bộ phim Thiên thần nhỏ của tôi

NSƯT Hạnh Thúy (phải) trong buổi tuyển chọn các diễn viên nhí cho bộ phim Thiên thần nhỏ của tôi

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng chị để tìm hiểu thêm tác phẩm chị sẽ thực hiện và mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh.

Truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa gần gũi vừa có chất riêng

PHÓNG VIÊN: Chị bắt đầu tiếp xúc với truyện Nguyễn Nhật Ánh từ khi nào và cảm giác của chị lúc đó?

NSƯT HẠNH THÚY: Tôi bắt đầu đọc Nguyễn Nhật Ánh bằng những truyện dài kỳ trên Báo Mực Tím như Bồ câu không đưa thư, Thằng quỷ nhỏ... Lúc đó, tôi đang học lớp 10 ở Bến Tre, vẫn còn nhớ cảm giác nôn nóng chờ ngày Mực Tím ra sạp để được đọc truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thực ra, hồi đó tôi đọc nhiều mà đọc cả tiểu thuyết người lớn lẫn truyện thiếu nhi. Đến khi được đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, thì tôi kết luôn! Nhân vật của ông rất gần gũi. Trong những trò xàm xí, trong cái yêu, cái thương, cái ngỗ nghịch của nhân vật, tôi đều thấy có mình.

Trước Thiên thần nhỏ của tôi, chị cũng từng đưa truyện Cô gái đến từ hôm qua lên sân khấu. Về sau này, khi đọc và làm việc với truyện Nguyễn Nhật Ánh, ấn tượng của chị có thay đổi không?

Thay đổi rất nhiều. Hồi xưa, tôi đọc để hưởng thụ, lớn hơn, tôi vừa đọc vừa liên hệ đến việc chuyển tác phẩm thành kịch và phim như thế nào. Tôi có tình trạng, hễ đọc truyện là trong đầu luôn nảy ra suy nghĩ, nếu làm phim hay làm kịch, mình sẽ làm thế này thế khác... Thành ra, khi Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể thành phim, tôi đều háo hức đi xem. Coi xong thì ngồi nhớ tiếc tuổi học trò của mình, rồi tự hỏi: Không biết học trò bây giờ đi học có giống hồi xưa không? Lâu lâu đọc được một vài tin về bạo lực học đường, tôi thấy lòng chông chênh, sao hồi xưa tuổi học trò dễ thương thế!

Thực ra, trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có đôi lúc đề cập đến bạo lực tuổi học đường…

“Bạo lực” trong truyện Nguyễn Nhật Ánh theo những gì mà tôi đọc và vẫn còn đọng lại, không bộc phát từ lòng hận thù, mà thường là do bốc đồng - hành động được bộc phát trong những phút giây nào đó thôi. Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, không có nhân vật nào quá ác hay quá xấu đến nỗi khiến cho người ta không chấp nhận được. Mỗi nhân vật hành động đều có lý do. Giọng văn nhẹ nhàng và cách viết của ông không đẩy người ta vào bế tắc. Ngay cả nhân vật có rơi vào đường cùng thì người ta vẫn tin rằng, hành động của nhân vật đó không xấu.

Theo chị, điều gì ở tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tạo nên sức hút đối với các thế hệ bạn đọc?

Đó là sự hài hước, sự trong sáng mà vẫn không thiếu phần sâu sắc. Những nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh rất thật. Cách thoại, cách nhân vật nói chuyện, suy nghĩ, cho mình cảm giác gần gũi, là bản thân mình hay những người mình đã gặp ở đâu đó. Văn phong nhẹ nhàng, không lên gân lên cốt, vừa gần gũi vừa có chất riêng của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là những yếu tố làm nên sức hút của văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi không biết liệu đó có phải là công thức mà những người viết có thể học hỏi hay không, nhưng rõ ràng, nó là gia vị làm nên thành công và thương hiệu tác phẩm của ông.

Phim cần độc lập với tác phẩm văn học

Cách đây 3 năm, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã thành công vang dội về truyền thông cũng như doanh thu. Điều này có khiến chị cảm thấy áp lực khi thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tay?

Mọi người đều biết văn của Nguyễn Nhật Ánh có đặc trưng mà mọi người gọi là “chất Ánh”, giống như “chất Trịnh” trong nhạc Trịnh Công Sơn. “Chất” đó là cái mà mọi người coi phim xong phải thấy. Chưa kể, khi chuyển một tác phẩm văn học thành điện ảnh, có một khoảng cách rất xa mà ngay cả nhiều hãng phim lớn, hay ở nền điện ảnh tên tuổi như Mỹ vẫn bị độc giả phản ứng. Đơn cử như tác phẩm Cuốn theo chiều gió, 1 trong 100 bộ phim kinh điển của thế giới, nhưng độc giả của văn học vẫn phản ứng rất mạnh khi cho rằng phiên bản điện ảnh làm không hay bằng truyện.

Vậy nên, áp lực của tôi chắc chắn là có. Làm bộ phim từ những trang sách lung linh, mỗi người tự vẽ một màu sắc riêng. Bây giờ mình đưa ra cụ thể từng hình ảnh bằng màu sắc của mình, để khán giả đón nhận là điều rất khó. Tôi không so sánh với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chỉ đặt cho mình những câu hỏi: Liệu rằng khán giả đón nhận như thế nào? Họ có sẵn sàng mua vé vào rạp xem phim không? Nó sẽ được mọi người nhìn nhận ra sao?

Đúng là khán giả luôn có sự so sánh với tác phẩm gốc. Theo chị, khán giả cần thưởng thức với tâm thế của một tác phẩm độc lập hay không?

Tôi cho rằng nên thưởng thức như một tác phẩm độc lập. Nếu có yêu tác phẩm văn học thì xem tác phẩm ấy biến thể như thế nào và mình có thăng hoa được cùng với biến thể đó hay không. Còn để so sánh cái này làm giống hay không giống sách thì không đúng. Đã gọi là sáng tạo, chẳng ai rập khuôn theo một cái đã có từ trước. Ai cũng phải quên đi cái trước đó để sáng tạo ra một tác phẩm của riêng mình.

Hiện nay, không ít đạo diễn lựa chọn chuyển thể các tác phẩm văn học thành phim. Có những bộ phim được khen hay nhưng cũng có những bộ phim bị chê dở, không hay bằng tác phẩm văn học?

Văn học là nguồn cảm hứng tốt của điện ảnh, tuy nhiên cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào văn học vì điện ảnh phải có câu chuyện riêng của mình. Dĩ nhiên, khi chuyển thể từ văn học sang điện ảnh, đa phần nó sẽ được chấp cánh nhiều hơn, được cụ thể hóa nội dung câu chuyện, làm bớt sự tưởng tượng của người xem nhưng vẫn đảm bảo được chất nghệ thuật của phim nếu người làm điện ảnh khéo léo. Nhưng rõ ràng, nếu suốt ngày cứ phụ thuộc vào văn học thì sức sáng tạo của điện ảnh sẽ giảm.

Theo chị, để chuyển thể thành công một tác phẩm văn học thành phim, điều quan trọng nhất với một đạo diễn là gì?

Đây là lần đầu tiên tôi làm đạo diễn điện ảnh nên thực sự cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng mong muốn hiện giờ của tôi là giữ được tinh thần của truyện. Khán giả khi xem có thể vẫn sẽ phải đón nhận một tác phẩm mới, hoàn toàn khác so với tác phẩm gốc, nhưng mọi người sẽ không quá tuyệt vọng mà trách cứ, sao nó khác quá, không giống gì hết so với tác phẩm gốc? Điều quan trọng hơn việc làm thế nào để giữ phiên bản gốc là mình sáng tạo một tác phẩm mới như thế nào để khán giả xem và đồng cảm được, đón nhận nó một cách độc lập. Điều này thực sự là rất khó!

HỒ SƠN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nsut-hanh-thuy-suc-sang-tao-cua-dien-anh-se-giam-neu-phu-thuoc-vao-van-hoc-541528.html