NSƯT Đức Khuê nói về 'thứ ngoại tình' nguy hiểm nhất

Nam diễn viên rất tin vào luật nhân quả, anh nghĩ mình sống thế nào thì con cái cũng sẽ sống thế, như giọt mưa ở trên giọt gianh cùng rơi xuống một chỗ... Vì vậy, anh luôn tự nhắc nhở mình phải biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ tổ ấm của mình.

NSƯT Đức Khuê.

Đức Khuê quan niệm, một khi đã dành hết tình cảm cho một người không phải vợ, chồng mình thì đó là thứ ngoại tình nguy hiểm nhất. Nó có thể dắt người ta đi rất xa khỏi gia đình.

“Ở đời, làm gì có sẵn của rơi để mà nhặt”

Kính cận, mặt nhàu, ngoài đời lặng lẽ và trầm tư. Nhưng khi vứt bỏ mọi vướng bận đời thường, cả vẻ ngoài ngồ ngộ, hóa thân vào những cảnh đời nhân vật, Đức Khuê lại biến hóa khôn lường với sự nhập vai xuất thần, trở thành minh chứng về một nghệ sĩ chắc chắn trong tư duy, tìm tòi sáng tạo trong cách thể hiện. “Tôi sợ nhất là phải lặp lại chính mình...”, đó là tâm niệm, cũng là “kỷ luật” nghề nghiệp mà chàng diễn viên đã đặt ra cho mình ngay từ khi từ bỏ mộng lập thân bằng tấm bằng tốt nghiệp Đại học Thương mại, dấn thân vào nghiệp diễn.

Hóm hỉnh nhưng không kém phần sâu sắc, trí tuệ, đó là nét nổi bật trong những vai hài, những tiếng cười sảng khoái nhưng chất chứa suy ngẫm mà Đức Khuê đã mang lại cho công chúng. Đáng nhớ nhất phải kể đến vai chính trong vở hài kịch “Bệnh nói nhiều” của anh trên sân khấu “Gặp nhau cuối tuần” với những câu cửa miệng lảm nhảm: “Trời không mưa sao mặc áo mưa”, “Ở đời phải biết mình là ai chứ”, “Lúc nói dối lại tin, lúc nói thật lại không tin, giá trị đảo lộn hết cả”... Vai diễn đã đưa Đức Khuê lên hàng “sao” trên sân khấu và giúp anh lấy được tình cảm của đông đảo công chúng yêu tiếng cười trước tình trạng xuống dốc, “lạm phát hài chất lượng thấp”.

Không ai có thể ngờ một Đức Khuê điềm đạm chuyên đóng những vai trí thức lành hiền trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ lại có thể bắn từ ngữ liên thanh với tốc độ nhanh, chuẩn xác và hài hước đến thế. Cũng từ vai diễn ấy, Đức Khuê bắt đầu đắt sô “cười”, các tiểu phẩm hài ăn khách của Nhà hát Tuổi Trẻ không thể thiếu những “Phong bì”, những “Chơi trò diễn ba diễn má”… mà anh vào vai ngọt xớt, cười nhưng không nhạo khuyết tật hình thể người khác, cười nhưng không dung tục, cười nhưng sau đó là một giọt nước mắt lặng lẽ chảy vào trong.

Không chỉ ở sàn diễn đèn màu, với màn bạc, chàng viễn viên cũng phát huy được sở trường ở những vai có chiều sâu tâm trạng. Đó là Thắng (trong phim “Của rơi”, đạo diễn Vương Đức), một trí thức Hà thành với sự thật thà, ngơ ngác đáng thương, với nỗi đau khó tìm người đồng cảm giữa thời buổi đảo điên của cơ chế thị trường, giữa cả những giá trị đạo đức bị hạ thấp và đảo lộn - được Đức Khuê nhập vai xuất sắc. Gương mặt lúc ngây ngây, “ngộ chữ”, lúc tỉnh rụi đầy hiểu biết của anh đủ hóm cho cả phim. Lối diễn tự nhiên, ít cường điệu, chút ngoại hình trầm tư, dễ bối rối ngoài đời như cộng thêm sức thuyết phục cho vai diễn của anh.

Nếu “Của rơi” gây ấn tượng với người xem ở những giằng xé của vai chính diện thì tới “Hàng xóm” (phim nhựa của đạo diễn Phạm Lộc), Đức Khuê đã khẳng định năng lực của mình ở vai phản diện. Bộ phim nói về sự trả giá của những ai làm kinh tế trong thời kỳ mới bằng sự giành giật, bằng những mưu toan không lành mạnh. Hà, vai chính của Đức Khuê trong phim là một chủ doanh nghiệp như vậy. Những toan tính độc địa, những mưu mô hiểm họa của một người khao khát làm giàu bằng mọi giá qua thể hiện của Đức Khuê khi toát lên trong ánh mắt hằn học, thâm hiểm, khi hằn trên nét mặt căng thẳng với những suy tưởng bức bối ngột ngạt và kịch tính.

Tư duy, sự tìm tòi sáng tạo trong cách thể hiện các vai diễn của Đức Khuê khiến nhiều người phải nể phục. Anh thực sự chăm chút cho vai diễn, dù là những chi tiết nhỏ nhất. Khi vào vai Mạnh “quặp” (phim truyền hình “Lập trình cho trái tim”), Đức Khuê đã mất không ít thời gian nghiên cứu để điều chỉnh vai diễn của mình. Trong kịch bản, không có câu nào là “anh hứa, anh thề, anh đảm bảo”, nhưng để làm mình trẻ trung và hòa nhập với nhóm IT của Lâm - Vũ, rất nhiều câu thoại mới, hình huống mới đã xuất hiện. Sự xuất hiện của Mạnh “quặp”, đôi khi còn khiến khán giả cảm thấy vui vẻ hơn là theo dõi cuộc tình đầy sóng gió của hai nhân vật chính.

Trong khi không ít nghệ sĩ sôi sục vì giải thưởng, kiện tùng ầm ĩ vì giải thưởng và danh hiệu thì Đức Khuê “bình chân như vại”. Lên sân khấu nhận giải cũng giữ nguyên gương mặt khù khờ ngơ ngác sau cặp kính cận, cũng chẳng nghe thấy những tiếng hân hoan hậu trường. Anh cho biết: “Danh hiệu NSƯT hay diễn viên xuất sắc với mình thực sự là vinh dự. Nhưng cái vinh dự đó cũng chỉ là những dấu mốc trong sự nghiệp. Nhận danh hiệu rồi thì mình vẫn là Đức Khuê, vẫn là một người bình thường với gia đình bè bạn, vẫn lên sàn tập luyện khi có vai diễn mới”.

Đức Khuê quan niệm giải thưởng, danh hiệu có hay không nhiều khi không phụ thuộc vào bản thân. “Giống như trong cuộc sống, anh yêu một cô nào đó ngoài khả năng thì anh không thể lấy cô ấy làm vợ anh được”. Cái cách sống chậm theo kiểu “cái gì đến thì sẽ đến” mà người ta hay dùng từ “an phận” để mô tả này lại mang đến cho Đức Khuê nhiều thứ mà có người khao khát giành giật cả đời lại chẳng được. Trong khi đó, anh thậm chí còn muốn chối từ cả danh tiếng: “Nổi tiếng để làm gì, xét cho cùng nó cũng là một khái niệm trừu tượng và mơ hồ. Sự nghiệp phát triển theo đồ thị hình sin, ai rồi cũng phải xuống phía bên kia của con dốc. Tôi cảm thấy áp lực khi bị ghép vào khung người nổi tiếng”.

Hỏi anh có chờ đợi một vai diễn để đời không, anh khẳng định: “Ở đời, làm gì có sẵn của rơi để mà nhặt. Trước khi có của rơi, mình phải là một con chim ri cần mẫn, khiêm nhường. Cũng như việc không ai chọn được vai cho mình, vai diễn hay hay dở là ở người diễn viên. Tôi chỉ tâm niệm là: đã là nghệ sĩ chỉ phải có cái riêng. Để qua mỗi vai diễn khán giả đều nhận ra mình. Hạnh phúc của người nghệ sĩ chỉ có thế thôi”.

Gia đình, vợ con là trên hết

Trong số những vai nói nhiều, ngây thơ, cả tin, khù khờ, đãng trí, hài hước mà anh từng đóng, Đức Khuê thú nhận mình chỉ giống nhân vật ở cái tính đãng trí. Còn cái tính hoạt ngôn, nói nhiều của anh thì chỉ có trên sân khấu. Anh cười bảo: “Ngoài đời tôi nói chậm, mỗi từ cách nhau cả kilômét”. Cả cái tính hài hước mà ai cũng nghĩ anh có thừa ngoài đời thì anh phủ nhận hoàn toàn: “Nhìn cái mặt tôi, có ai bật cười đâu”. Với tâm niệm sân khấu là công việc, gia đình là cuộc sống, ở nhà, anh không đóng vai người kể chuyện hài hay diễn hài, mà trở về là chính mình - lặng lẽ, trầm tư và nghiêm túc. “Nếu ai đóng vai vua hay hoàng hậu mà cũng bị ám ảnh bởi vai diễn khi về đến nhà thì vợ bỏ sớm”, nam diễn viên dí dỏm.

Con người Đức Khuê giản dị, không màu mè, không quá đề cao hay quan trọng hóa điều gì. Vợ chồng anh hợp nhau ở chỗ cả hai đều không câu nệ về hình thức. Vì thế, sự quan tâm của anh tới gia đình dù được thể hiện dưới hình thức nào thì cũng mấu chốt vẫn xuất phát từ cái tâm. Những lần đi diễn xa nhà, anh nhớ vợ con ghê gớm. Để vơi nỗi nhớ, anh thường kể về các con cho anh em trong đoàn nghe. Có người đùa: “Thôi ông ơi, khoe về con hơi bị nhiều đấy”.

Sau giờ làm việc tại nhà hát, và ngoại trừ những ngày đi lưu diễn, anh chỉ có về nhà, thi thoảng mới đi lang thang với bạn bè, nhưng luôn về nhà trước 12 giờ. Bởi theo anh, cuộc sống mà cứ mải miết đuổi theo điều gì đó, đến khi ngoảnh lại, rất có thể mình đã đánh mất những thứ quan trọng nhất tự lúc nào không hay. Do vậy, dù có bận rộn công việc đến mấy, mối quan hệ xã hội có nhiều đến bao nhiêu thì với anh, gia đình, vợ con vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Lúc nhỏ, các con anh thường không thích anh đóng kịch, diễn phim vì “thấy bố Khuê hay bị “bắt nạt” quá” hoặc “thấy bố đi với cô vợ khác, có những đứa con khác”. Anh có giải thích đó là công việc, đến bây giờ hai con đã lớn, cũng tham gia đóng kịch trong các hoạt động văn nghệ của trường.

Vợ anh là khán giả “khó tính” nhất, thường đưa ra những nhận xét và góp ý để anh nhận ra nhưng chỗ diễn xuất “chưa được” và cố gắng “sửa sai” ở những vai sau. Đức Khuê không giấu nổi niềm tự hào, tâm sự: “Số tôi cũng hên nên gặp được bà xã biết điều, biết chia sẻ với công việc với chồng, nói như các cụ thì đó là người vợ “vượng phu ích tử”. Có những lúc gia đình có sự đổi vai, vợ đi công tác, mình ở nhà chăm sóc nhà cửa con cái, 1 tuần đã thấy loạn cả lên. Vậy mà mình đi lưu diễn cả tháng, về nhà mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Những lúc đó mới thấy thương vợ và hiểu vợ”.

Đức Khuê quan niệm để có một cuộc hôn nhân bền vững thì phải hiểu nhau, chia sẻ và hi sinh vì nhau. Thực hiện điều này, phải tìm được người đáp ứng được yêu cầu mình đặt ra. Cũng vì thế nên để đi đến hôn nhân, vợ chồng anh đã có 6 năm tìm hiểu. Trong thời gian đó, cả hai đã nghiêm túc đưa ra quan điểm sống của nhau để cùng thảo luận.

Nam diễn viên cho rằng, cuộc sống và những mối quan hệ xã hội đôi khi tạo điều kiện cho người ta ngoại tình. Nhưng đã là đàn ông thì phải tỉnh táo, bản lĩnh và có trách nhiệm. Tỉnh táo, bản lĩnh sẽ giúp họ không bị rơi vào tình trạng khó làm chủ bản thân trước người phụ nữ họ rung động. Trách nhiệm nhắc nhở họ không được làm khổ những người thân. Còn phụ nữ, dù là thời đại nào thì theo Đức Khuê, phẩm hạnh vẫn là giá trị được đặt lên đầu tiên, nên ngoại tình trong suy nghĩ của anh vẫn là điều cấm kị đối với họ.

“Thú thực, là đàn ông, ai chẳng thích đàn bà đẹp. Cái đẹp luôn làm ta rung động, giống như khi đứng trước một bông hoa đẹp hay ngôi nhà mang tính thẩm mỹ cao. Đứng trước cái đẹp ấy, bao giờ tôi cũng lúng túng để diễn đạt cho thật chính xác, nhưng không bao giờ có chuyện tôi xao lòng hay làm điều gì có lỗi với vợ, với con”, Đức Khuê quả quyết.

Khuê rất tin vào luật nhân quả, anh nghĩ mình sống thế nào thì con cái cũng sẽ sống thế, như giọt mưa ở trên giọt gianh cùng rơi xuống một chỗ... Vì vậy, anh luôn tự nhắc nhở mình phải biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ gia đình thương yêu với người vợ hiền thảo cùng những đứa con ngoan. Tổ ấm không sóng gió, biến động ấy chính là nơi giúp Đức Khuê có được sự tĩnh lặng cần thiết để cần mẫn hơn với những vai diễn của mình.

Thu Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kham-pha/nsut-duc-khue-noi-ve-thu-ngoai-tinh-nguy-hiem-nhat-303687.html