NSƯT Đàm Hàn Giang: Nghệ sĩ Việt Nam không thua kém các nghệ sĩ nước ngoài

NSƯT Đàm Hàn Giang chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc và khẳng định, nghệ sĩ Việt Nam không thua kém các nghệ sĩ nước ngoài, đặc biệt tinh thần ý chí của chúng ta rất mãnh liệt khi ra đấu trường quốc tế.

+ Sau thành công vang dội của vũ kịch nhí Kẹp hạt dẻ được tổ chức vào tháng 01/2018 vừa qua, Hanoi Kids Art Center bất ngờ được lựa chọn trở thành đại diện duy nhất của Vũ kịch Việt Nam tại Liên hoan nghệ thuật Châu Á – Asia Art Festival 2018, được tổ chức tại Singapore, vậy anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

- Khi được chọn làm đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi, tôi cảm thấy rất vui mừng và hạnh phúc nhưng không tránh khỏi được áp lực.

NSƯT Đàm Hàn Giang

Mặc dù, các con đều được học bài bản và có những trình độ nhất định nhưng tôi vẫn còn nỗi lo rất lớn. Điều này chính là tâm lý của một người thầy đưa các con đi thi, bởi đây cũng chính là lần đầu tiên các con bước chân tham dự cuộc thi tại nước ngoài nên còn khá non nớt. Đây cũng chính là sự khó khăn, ngay trong lúc tập luyện tôi cũng làm tâm lý cho các con. Bên cạnh đó, tôi cũng đã tiếp thêm sự tự tin cho các con mang ý chí của người Việt Nam khi thi đấu ở thế giới.

+ Mang vở diễn dự thi liên hoan, anh có điều gì cảm thấy tự tin?

- Tự tin của tôi là các con đã có nhiều kinh nghiệm trong việc múa ba lê, và điểm mạnh của chúng ta đó là “sức trẻ”. Tuy nhiên, đây là một sân chơi lớn mà các con còn bé nên tôi e ngại các con bị choáng ngợp. Tôi đã khắc phục điểm yếu này, còn kỹ năng các con thì không có điều gì để nói, vì các con biểu diễn không thua kém người lớn.

+ Khi chúng ta chinh chiến trên đấu trường thế giới đôi khi còn cần rất nhiều vào may mắn, là người từng chinh chiến qua nhiều cuộc thị, anh thấy chúng ta có điểm gì thuận lợi?

- Người Việt Nam chúng ta có ý chí rất cao, hơn nữa tôi thấy nghệ sĩ Việt Nam của mình rất giỏi, từ âm nhạc đến múa….khi ra đấu trường quốc tế hầu hết đều có giải thưởng và được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Thế hệ nghệ sĩ trẻ của chúng ta đã có nhiều người khẳng định được vị trí của mình ở nghệ thuật thế giới.

NSƯT Đàm Hàn Giang dạy cho rất nhiều học sinh nhí

+ Anh là một trong những nam nghệ sĩ trẻ tuổi nhất làng múa đã có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, lại cũng là một nghệ sĩ có tuổi đời khá trẻ. Trên cương vị là một thầy giáo, anh đã truyền dạy cho học sinh mình điều gì?

- Ngoài việc dạy kỹ năng biểu diễn về nghề, tôi luôn nhắc nhở các con, khi bước chân vào nghệ thuật không phải ai cũng may mắn và nhanh chóng có được danh tiếng.

Chúng ta phải tận tâm cô gắng và luôn nỗ lực cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả thì tổ nghề sẽ không phụ mình.

+ Không chỉ loại hình nghệ thuật múa mà các loại hình nghệ thuật nói chung của chúng ta đều có tính hàn lâm sẽ rất kén khán giả, vậy anh có thể chia sẻ cái hay của nghệ thuật múa ba lê?

- Thật ra bộ môn nghệ thuật nào cũng hay, đều có những nét đặc sắc riêng. Đã là nghệ thuật thì sẽ liên quan đến thưởng thức và mọi người luôn muốn bổ sung món ăn tinh thần cho mình.

Tôi nghĩ, người làm việc và hoạt động trong nghệ thuật phải luôn có sự tư duy, suy nghĩ và trăn trở với nghề. Bản thân tôi luôn nghĩ mình sẽ phải làm gì để tạo ra được sự mới mẻ nhưng vẫn giữ được gốc của nghề. Tôi đã làm mới nghề của mình khi sử dụng ngôn ngữ múa và âm nhạc phương tây những ý và cốt thì luôn gần gũi, đời thường khán giả. Khi khán giả xem sẽ thấy đâu đó những câu chuyện trong tác phẩm có nội dung rất gần gũi, đời thường và từ đó để khán giả thấy thích hơn, cuốn hút hơn và dần đi lên đỉnh cao. Nếu ngay từ đầu chúng ta cho xem những tác phẩm có tính hàn lâm thì rất khó để khán giả cảm nhận được. Chúng ta làm nghề thì phải hướng dẫn khán giả khi xem phải hiểu được mình đang diễn cái gì, nội dung vở diễn truyền đạt được ý tứ gì.

+ Vậy điều này liệu có vô tình tạo cho anh nhiều áp lực không?

- Tôi từ bé đến lớn luôn tạo áp lực cho chính bản thân mình. Trong quá trình giảng dạy tôi truyền ý chí của mình đến với các em nhỏ. Tôi luôn nhắc nhở các em rằng mình là nghệ sĩ thì phải có dấu ấn và cống hiến cho nghệ thuật cũng như với khán giả. Khi có ý chí và khát vọng thì chúng ta mới chạm tới đích thành công của nghề.

+ Các show ca nhạc hay hài kịch thì khá nhiều, thậm chí có quanh năm nhưng chương trình dành riêng cho múa dường như khá hiếm, anh có nhận định gì về điều này?

- Đúng vậy, ngày nay các chương trình đều mang tính chất giải trí và xu hướng về vũ đạo, ca hát nhưng để chuyên về múa Ba lê thì rất hiếm.

Vậy nên tôi luôn tạo nhiều sân chơi cho các con có cơ hội được tham gia. Dự định cuối năm nay, tôi sẽ dựng vở “Người đẹp ngủ trong rừng”, các con sẽ được cọ sát và được thể hiện những vở diễn nổi tiếng trên thế giới.

+ Học múa rất vất vả nhưng cát xê múa lại không cao như nhiều loại hình nghệ thuật khác, điều nay có trăn trở?

- Học múa thực sự không hề đơn giản và dễ dàng. Người theo nghề sẽ phải luôn rèn luyện và học tập, sẽ phải mất đến 5 năm để học các đường múa cơ bản nhưng để múa được trên giày mũi cứng sẽ mất thêm 5 năm nữa. Tôi biết, có người mất đến 8 năm vẫn chưa thể múa được trên giày mũi cứng.

Tôi thuộc biên chế của Nhà hát vũ kịch Việt Nam nên tiền tôi nhận được cũng như những người làm nhà nước. Mà bạn biết đấy, tiền lương nhà nước rất eo hẹp, thậm chí khó trang trải được cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, các chương trình để làm dành cho múa thì dường như không có. Tôi cũng không chạy show bên ngoài để kiếm tiền. Tôi nghĩ, mình đã mất nhiều năm học, tôi học từ năm lên bốn tuổi, sau đó lại sang nước ngoài du học, nên giờ chỉ đi diễn show thì tôi không làm được. Tôi đam mê và cống hiến hết mình với nghề để đến khi thành quả nhận được tôi cảm thấy rất hạnh phúc./.

+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Đàm Hàn Giang!

Đỗ Quyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giai-tri/nsut-dam-han-giang-nghe-si-viet-nam-khong-thua-kem-cac-nghe-si-nuoc-ngoai-342222.html