NSNN chi cho phòng chống thiên tai phải thành mục riêng

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều chiều nay, 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, ngân sách nhà nước (NSNN) cho PCTT cần ghi ra mục riêng, tránh ghi chung vào mục chi khác dẫn đến khó bố trí hoặc không được ưu tiên bố trí.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 28/5

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều ngày 28/5

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều tại phiên họp Quốc hội chiều nay, 28/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, về NSNN cho PCTT (Khoản 6 Điều 1), có ĐBQH đề nghị cần quy định rõ nguồn NSNN cho PCTT; bổ sung quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho PCTT từ nguồn kế hoạch trung hạn.

Bên cạnh đó, có cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn NSNN cho PCTT, đặc biệt là hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai để phù hợp với tính chất, mức độ, quy mô và tần suất thiên tai; việc sử dụng dự phòng NSNN thì nên sử dụng hết của địa phương thì mới đề nghị Chính phủ hỗ trợ.

Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh sửa và bổ sung như tại khoản 6 Điều 1 cho đầy đủ và phù hợp với Luật NSNN.

Có ĐBQH đề nghị NSNN cho PCTT cần bổ sung mục chi riêng trong mục lục NSNN để tập trung, chủ động nguồn lực cho PCTT, tránh tình trạng thiếu hụt và chậm trễ trong phân bổ, sử dụng. Ý kiến khác đề nghị không nên quy định nội dung này trong Luật mà để văn bản hướng dẫn Luật NSNN quy định.

Về vấn đề này, ngay tại phiên thảo luận chiều nay, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu thực tế: Chi PCTT đang ghi chung vào mục chi khác dẫn đến khó bố trí hoặc không được ưu tiên bố trí và không đáp ứng được yêu cầu, không được thể hiện chi tiết nên có thể gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện.

Trong thực tế việc kiến nghị để bổ sung điều chỉnh văn bản dưới Luật cũng có khó khăn và kéo dài. “Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 26 của Luật NSNN hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để rà soát, chỉ đạo các ngành liên quan sớm tham mưu để quy định bổ sung một số hạng mục chi đặc thù trong mục ngân sách chi của các địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, NSNN cho PCTT mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần của Kế hoạch PCTT.

Do nguồn lực thiếu nên NSNN chủ yếu tập trung cho công tác ứng phó thiên tai và hỗ trợ một phần cho khắc phục hậu quả thiên tai; việc sử dụng còn thiếu tập trung, thiếu đồng bộ do sử dụng từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan quản lý nên việc cần có mục chi NSNN cho PCTT là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của các ĐBQH

“Tuy nhiên, theo Luật NSNN thì nội dung này được quy định trong văn bản dưới Luật (Điều 26). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này trong Luật và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong văn bản dưới Luật”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Vấn đề khác được các ĐBQH quan tâm là Quỹ phòng, chống thiên tai (Khoản 7 Điều 1). Nhiều ĐBQH tán thành với việc cần thiết thành lập quỹ PCTT Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ; nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ trong Luật để tránh trùng lặp, làm rõ có phát sinh thêm bộ máy không…

Ý kiến khác cho rằng, không nên thành lập Quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức huy động và tiếp nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, đã có một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận. Vì vậy, việc thành lập Quỹ PCTT Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ PCTT cấp tỉnh là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn thu của Quỹ PCTT Trung ương, của cấp cấp tỉnh; việc điều tiết giữa Quỹ PCTT trung ương với các Quỹ PCTT cấp tỉnh…

Báo báo giải trình các vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Việt Nam nằm trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Quốc hội cho phép sửa Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách đầy đủ, phù hợp hơn để thích ứng với tình hình mới.

Qua thảo luận, đa số các ĐBQH tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tuy nhiên vẫn còn những nhóm ý kiến khác nhau.

Cụ thể, có nhóm ý kiến đồng tình với 13 nhóm vấn đề của dự án Luật nhưng đề nghị cần diễn đạt chặt chẽ hơn; nhóm đưa ra một số ý kiến mới; nhóm góp ý vào một số vấn đề thuộc kỹ thuật lập pháp.

“Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị để phối hối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất trình xin ý kiến các ĐBQH”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều tập trung nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào: Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai và quy định quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định với cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp 3 trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nsnn-chi-cho-phong-chong-thien-tai-phai-thanh-muc-rieng-127438.html