NSND Trịnh Xuân Định – Biên đạo múa gạo cội qua đời ở tuổi 83

Gia đình NSND Xuân Định báo tin: NSND Biên đạo múa Trịnh Xuân Định – sinh năm 1936 sau thời gian điều trị bệnh già đã trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 40 ngày 8-4. Hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 ngày 11-4 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang hồi 8 giờ 30 cùng ngày. Sau đó an táng tại Công viên Vĩnh hằng.

NSND Trịnh Xuân Định

NSND Trịnh Xuân Định

NSND Trịnh Xuân Định theo nghề múa năm 18 tuổi, người thầy đầu tiên của ông là NSƯT Hoàng Châu (sau là Hiệu trưởng, sáng lập Trường Múa Việt Nam và là Cục phó Cục Âm nhạc và múa, Bộ Văn hóa).

NSND Trịnh Xuân Định và Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt

Sau thời gian được đào tạo cơ bản, ông đầu quân về đoàn văn công do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm Đoàn trưởng. Thời đó, chàng điển trai Trịnh Xuân Định sớm khẳng định mình trong nhiều vở múa: "Vũ kịch Chim Gâu", "Vui sản xuất", "Nón đồng bằng", "Quạt Tây Bắc"...

NSND Trịnh Xuân Định từng tâm sự nghề múa thời nào cũng nghiệt ngã bởi sự sàng lọc khắt khe của thời gian. Múa gắn liền với tuổi trẻ, dường như diễn viên trên sàn diễn chỉ vụt sáng như sao băng. Do vậy, ông và các nghệ sĩ đồng nghiệp cùng thời như: Phùng Nhạn, Đặng Hùng, Chu Thúy Quỳnh, Lê Khình, Ngân Quý, Lâm Tô Lộc, Hồng Quỳ, Y Brơm, Trần Minh, Nguyễn Việt...đã luôn đặt tinh thần lao động vì nghệ thuật lên hàng đầu, để những tác phẩm múa tạo được dấu ấn đối với công chúng.

NSND Trịnh Xuân Định và con gái

Ông từ bỏ nghề diễn viên múa trên sân khấu và được cử đi học biên đạo, thuộc Học viện Sân khấu quốc gia mang tên Lunatracxki, Liên Xô.

Trong quá trình học tập ông đã viết những giáo trình giảng dạy nghề biên đạo với tinh thần trách nhiệm của một người làm công tác tổng hợp. Bởi, theo ông, biên đạo múa cần biết khơi gợi, khai thác lao động sáng tạo nghệ thuật của tập thể nghệ sĩ hướng tới hiệu quả nghệ thuật cao nhất, đa dạng về phương thức nhưng thống nhất về nội dung tư tưởng cùng phong cách nghệ thuật. Ông từng nhấn mạnh: "Biên đạo không tốt, vở diễn vẫn kém chất lượng dù kịch bản văn học có là tuyệt vời chăng nữa".

NSND Xuân Định còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ biên đạo múa Việt Nam. Với hơn nửa thế kỷ lăn lộn với nghề, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Trưởng khoa Sáng tác và lý luận Trường Múa Việt Nam; Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thông tin; Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001); Huân chương Lao động hạng Nhì...

Tác phẩm múa do NSND Trịnh Xuân Định dàn dựng

Những năm cuối đời, ông dù đang ở tuổi 80 ra vào bệnh viện cấp cứu thường xuyên, nhưng ông vẫn miệt mài viết sách trên giường bệnh.

Cuốn sách "Sổ tay biên đạo" được sự giúp đỡ tận tình của những bạn bè, đồng nghiệp xuất bản năm 2015. Ngay năm đầu ra mắt bạn đọc, Hội Nghệ sĩ Múa đã tặng giải A duy nhất cho cuốn sách, đồng thời cũng được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải năm 2016.

Các tác phẩm do NSND Trịnh Xuân Định biên đạo được đồng nghiệp, công chúng biết đến trong các tác phẩm công diễn gây tiếng vang, đoạt nhiều giải thưởng, như: kịch múa "Chị Sứ" (Dựa theo tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức, âm nhạc Hoàng Vân, biểu diễn Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); "Cây đèn biển" (Âm nhạc Đàm Linh, Đoàn Ca múa Hải Phòng); "Sơn Tinh, Thủy Tinh" (Âm nhạc Nguyễn Văn Thương, Đoàn Ca múa Hà Sơn Bình); "Múa Đào Kỷ Dậu" (Âm nhạc Đào Việt Hưng, Đoàn Ca múa Nghĩa Bình); "Lửa hang treo" (Âm nhạc Đàm Linh, Đoàn Ca múa Thanh Hóa); "Mùa hoa ban Điện Biên" (Âm nhạc Phó Đức Phương, Đoàn Ca múa Lai Châu); "Đường vào vũ trụ" (Âm nhạc Lê Tịnh, Đoàn Nghệ thuật phòng không - không quân)...

Sự ra đi đột ngột của NSND Trịnh Xuân Định đã để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học trò, người thân của ông. Mãi mãi công chúng yêu nghệ thuật múa luôn nhớ về ông – người nghệ sĩ, biên đạo tài hoa và người thầy đáng kính của các nghệ sĩ múa Việt Nam.

Thanh Hiệp (ảnh do gia đình cung cấp)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsnd-trinh-xuan-dinh-bien-dao-mua-gao-coi-qua-doi-o-tuoi-83-20180410162217008.htm