NSND Tống Toàn Thắng: Tôi ấp ủ biểu diễn xiếc thực cảnh trên Vịnh Hạ Long

Gala Xiếc ba miền năm 2020 vừa khép lại với những dư âm tốt đẹp, tạo ra một sản phẩm văn hóa độc đáo, góp phần kích cầu cho du lịch Quảng Ninh. Sau đêm bế mạc, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đạo diễn chương trình, về những thành tựu đã qua và dự định sắp tới.

NSND Tống Toàn Thắng.

NSND Tống Toàn Thắng.

- Chúc mừng đạo diễn đã có một chương trình gala rất thành công tại Hạ Long. Người xem ấn tượng vì cách anh đưa địa danh Hạ Long vào cả 2 chương trình, từ tên vở diễn, tên chương trình cho đến nội dung. Phải chăng vì tình yêu Hạ Long hay một lý do nào khác, thưa anh?

+ Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã đến Hạ Long biểu diễn, tham quan Vịnh Hạ Long. Thuyền gỗ to hiếm lắm, cả tỉnh mới có hai chiếc. Tôi ấn tượng mãi vẻ đẹp của Hạ Long đến tận bây giờ và luôn mong muốn mình phải làm một điều gì đó đóng góp cho Hạ Long.

Tôi đã đến những đảo quốc ở Thái Bình Dương và thấy rằng người ta biểu diễn, quảng bá xiếc cho người dân và du khách rất tốt, trong khi đó Hạ Long có tiềm năng rất lớn, nhưng chúng ta lại không làm.

Tôi muốn lấy địa danh nổi tiếng Hạ Long để gắn vào chương trình là vì như thế. Vì sao lại là liên hoan xiếc Hạ Long? Và vì sao lại là thế giới tại Hạ Long chứ không phải là quốc tế. Tất cả đều có dụng ý cả.

- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

+ Quốc tế thì bình thường thôi. Chỉ Việt Nam cộng thêm dăm ba nước nữa thì đã là quốc tế rồi. Nhưng thế giới mới là vấn đề. Nó khác hẳn, có đủ các châu lục, có nhiều đất nước. Tôi luôn tâm niệm, đặt tên chương trình làm sao khi dịch ra tiếng Anh chuẩn phải thể hiện sự hội nhập với thế giới.

Và tên tôi đặt có 2 chữ "Hạ Long" nữa. Hạ Long là thương hiệu của thế giới rồi, nổi tiếng khắp thế giới. Có người đòi bỏ 2 chữ "Hạ Long" trong tên liên hoan, tôi phản đối ngay.

Còn gala xiếc ba miền thì nghĩa là tinh hoa ba miền gặp nhau từng năm, mỗi năm lại có những nội dung riêng. Những cái tên gọi chương trình này là thương hiệu của riêng tôi, là sản phẩm bản quyền của tôi. Ai lấy lại của tôi. Tôi kiện ngay!

NSND Tống Toàn Thắng sinh năm 1967 tại Hà Nội. Năm 1978, anh trúng tuyển vào Trường Xiếc Việt Nam. Năm 1983, anh về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Anh là nghệ sĩ xiếc đầu tiên của Việt Nam đưa trăn lên sâu khấu để rồi nổi danh khắp trong và ngoài nước với những tiết mục như: Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa, Cầu ngô.

Năm 1992, anh đem trăn sang Trung Quốc biểu diễn tại Liên hoan xiếc và đã giành 2 vị trí quan trọng là Giải đặc biệt và được khán giả yêu thích nhất. Sau đó, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng tiếp tục đi lưu diễn ở nhiều nước và được khán giả quốc tế đặt cho những biệt danh thể hiện sự khâm phục như: Hoàng tử trăn, người đàn ông rắn, vua rắn, tazan.

Bên cạnh đó, anh cũng là một đạo diễn xiếc tài năng với nhiều tác phẩm xiếc chất lượng như: Hà Nội của những giấc mơ, Đu quan họ, Cướp biển.

- Xiếc ba miền và xiếc thế giới cùng diễn ra tại Hạ Long liệu có sợ sự lấn sân hay dẫm chân nhau không, thưa đạo diễn?

+ Xiếc ba miền và xiếc thế giới khác nhau hoàn toàn chứ. Người Việt xem xiếc ba miền sẽ thấy đậm đà chất văn hóa Việt, hồn Việt. Thực ra, vốn văn hóa của người Việt chúng ta có rất nhiều nguồn để làm xiếc. Mình phải làm với truyền thống của mình, với lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Chúng ta phải đưa những giá trị văn hóa dân tộc vào đó, đưa câu chuyện nhân văn, đưa những thông điệp của riêng mình vào nội dung các vở diễn. Người diễn viên xiếc khác ở chỗ họ không nói mà thể hiện tất cả những thông điệp đó bằng hành động, bằng cảm xúc, bằng ngôn ngữ hình thể. Khi đó người nước ngoài xem, họ sẽ thấy rất lạ và rất thích. Bạn thấy không, nước ngoài lấy đâu ra anh "Hai lúa" làm ảo thuật.

Khác nhau còn ở chỗ xiếc thế giới tại Hạ Long trừ những đơn vị, công ty nước ngoài chuyên biểu diễn xiếc đầu tư lớn về xiếc để làm tạo thành phong cách riêng, thì các đơn vị trong nước đều phải tự làm xiếc tùy theo điều kiện của Việt Nam mình.

Người Việt Nam vóc dáng nhỏ, kỹ năng, kỹ xảo chưa chắc vượt được họ, bởi họ chỉ có ăn với tập, biểu diễn rất chuyên nghiệp. Họ không có nhà nước bảo trợ, cứ có tài năng là biểu diễn. Còn chúng ta phải làm tùy vào điều kiện của mình. Thực ra, xiếc mình ra thế giới luôn lấy giải nhiều, lấy đàng hoàng và sòng phẳng.

Ngược lại, khi mình mang xiếc thế giới về Hạ Long lại được rất nhiều cái lợi khác. Tôi nói thẳng là người Việt mình có một bộ phận khán giả vẫn rất sính ngoại, muốn xem thế giới họ thế nào. Trong khi đó, nghệ sĩ nước ngoài cũng mong đến Hạ Long lắm. Đến Hạ Long, họ vừa được du lịch miễn phí, vừa được biểu diễn, vừa xem nghệ sĩ Việt biểu diễn để học hỏi và có thể quan sát xem khán giả đón nhận họ ra sao. Một mũi tên trúng nhiều đích còn gì?

NSND Tống Toàn Thắng giới thiệu tiết mục xiếc trăn đã làm nên tên tuổi của mình.

- Chương trình biểu diễn xiếc cho khách du lịch mà các anh làm tại bãi tắm Bãi Cháy được người xem đón nhận rất nhiệt tình. Nhưng dường như, nó khiến người ta thấy ngắn quá và hơi hẫng hụt, đây có phải là chủ ý của các anh?

+ Đúng là một chiêu giữ khách. Chúng tôi cố tình làm ra như thế. Bạn nghĩ xem, khi đi ăn cỗ mà người ta bày ra la liệt các món. Mâm cao cỗ đầy, món nào món ấy ú ụ ra, liệu bạn có còn thích không? Thậm chí là ngán đấy chứ.

Xiếc cũng vậy, phải luôn khiến cho khán giả thấy thòm thèm, họ mới nhớ đến mình, lần sau mới tìm đến xem. Cho khán giả no nê con mắt là hỏng.

- Anh làm thế nào để cảm nhận được chuyện khán giả đã bị cuốn hút?

+ Lần trước, tôi đơn thuần chỉ là đạo diễn. Là đạo diễn thì chủ yếu là tổ chức biểu diễn. Tôi đứng ở góc khán đài để quan sát anh em biểu diễn.

Lần này thì khác. Tôi trực tiếp tham gia một tiết mục để “đo” khán giả Quảng Ninh thế nào, xem khán giả tương tác thế nào. Tôi là người nghệ sĩ cảm nhận từ góc độ nghệ sĩ tương tác với khán giả.

Khán giả rụt rè thì tôi phải làm cho họ bớt rụt rè đi. Tôi mang con trăn xuống cho mọi người ồ lên; lôi một khán giả lên sân khấu cùng với mình và con trăn. Tưởng trăn hiền à? Tôi chọc giận cho nó nhao ra. Sợ ư? Sợ thì phải nhớ. Đấy cũng là chiêu để khán giả nhớ mình. Anh xem, tôi có cần biểu diễn đâu mà vẫn "đo" được khán giả, tương tác tốt và cả có tính giải trí nữa (cười).

NSND Tống Toàn Thắng mang trăn xuống giao lưu với khán giả.

- Khi đã đo được "khẩu vị" khán giả rồi, các anh sẽ "chế biến món ăn" như thế nào?

+ Ngoài những am hiểu về văn hóa, kỹ năng biểu cảm như trên vừa kể, chúng tôi phải hiểu cả về thể thao, biết về sinh học, giải phẫu cơ thể người, hiểu vật lý, hiểu độ văng, độ ly tâm, quán tính thế nào. Xiếc là khổ luyện, nhưng không đơn giản chỉ làm cho quen là được. Phải có những hiểu biết khoa học nữa.

Ngoài ra, phải biết tâm lý khán giả, biết họ thích gì? Phải làm mới mình, mỗi lần cho khán giả xem lại phải khác, gia giảm chi tiết để không gây nhàm chán. Thiếu nhi xem thế nào. Người lớn xem thế nào. Các quý ông cần xem gì. Chẳng hạn như việc đưa diễn viên hình thể đẹp vào biểu diễn thì quý ông nào chả thích mắt (cười).

Rồi còn phải xem trào lưu chung của khán giả đang thích gì, vấn đề thời sự quan tâm nhất bây giờ là gì thì mình cho họ xem cái đó. Ví dụ, tôi có vở “Cướp biển”, đề cập đến vấn đề biển đảo đang rất nóng. Vở diễn được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Bạn thấy đấy, chương trình của chúng tôi rất đông khách, ai cũng xem được, từ trẻ con, thanh niên, trung niên, đến người già ở Hạ Long cũng muốn tới rạp.

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn màn hôn trăn.

- Từ sự thành công này, xiếc ba miền sẽ là một hoạt động thường niên tại Hạ Long chứ, thưa đạo diễn?

+ Năm ngoái, khi kết thúc Liên hoan xiếc thế giới, tôi ngồi lại với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao để nói chuyện, khoe có một gói chương trình là liên hoan xiếc ba miền dự định sẽ tổ chức tại Hà Nội. Vị lãnh đạo sở ấy đã đề nghị tôi mang xuống Hạ Long.

Do đại dịch Covid-19, chúng tôi không tổ chức được ở Hà Nội. May sao khi chúng ta thiết lập trạng thái bình thường mới, Quảng Ninh đã đặt vấn đề, chúng tôi chỉ có 2 tuần để chuẩn bị.

Và chương trình đã thành công như thế nào thì bạn đã thấy. Tôi muốn đặt vấn đề với tỉnh Quảng Ninh, một năm sẽ có 2 liên hoan xiếc thường lệ tại Hạ Long: Một xiếc thế giới, một xiếc ba miền.

Tôi ước mong rằng chúng ta sẽ bán vé được và thậm chí là bán vé trước cả nửa năm.

Tôi rất mừng là Quảng Ninh khác biệt ở chỗ, tư duy của lãnh đạo tỉnh và của ngành văn hóa luôn biết nhìn xa trông rộng trong việc làm du lịch. Không phải tư duy kiểu mì ăn liền là cái này làm ra mất mấy đồng, bán cho khách ăn ngay được đồng.

Còn một điều nữa tôi rất thích, đó là người dân Quảng Ninh đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận với chủ trương của tỉnh, với cả hệ thống chính trị. Đời sống vật chất và tinh thần của người Quảng Ninh có thể nói là cao hơn nhiều nơi. Người Quảng Ninh rất sòng phẳng và văn minh, nên việc họ chấp nhận trả tiền để xem xiếc là điều hết sức bình thường, miễn là xiếc hay.

NSND Tống Toàn Thắng (bên phải) trên Vịnh Hạ Long.

- Hội VHNT Quảng Ninh dự định làm con đường di sản ngang qua Cung Quy hoạch, Triển lãm và Văn hóa tỉnh. Đạo diễn nghĩ sao về ý tưởng đưa xiếc truyền thống về không gian này như một món ăn tinh thần mang tính thường niên?

+ Tôi rất ấn tượng. Con đường này mà chúng ta tổ chức xiếc sẽ có thêm hoạt động thu hút tạo điểm đến, thói quen cho người dân và du khách. Tôi mong có sản phẩm không làm ảnh hưởng đến bối cảnh, không ảnh hưởng đến di sản. Nó phải là một show diễn thực cảnh ngay trên mặt vịnh.

Tôi sẽ dùng 2 chiếc sà lan lại làm sân khấu nổi, những đảo nổi có sẵn đã được bố trí dàn đèn sẽ là những background của sân khấu. Khán giả sẽ xem xiếc ở trên bờ, trên những khán đài di động lắp ráp từ khung thép ngay phía sau Cung Quy hoạch, Triển lãm và Văn hóa. Chúng tôi nghĩ sẽ bán vé được.

Và không chỉ biểu diễn ở sau cung, chúng tôi có thể diễn ở những địa điểm khác trên vịnh. Tôi đã khảo sát không gian vịnh, sức gió từ ngoài nữa. Vịnh Hạ Long kín, gió nhẹ không ảnh hưởng gì đến hoạt động biểu diễn. Cái này thậm chí có thể được ghi kỷ lục Guinness mới cho Hạ Long, cho cả Việt Nam. Đây sẽ là một điểm check-in tuyệt vời!

- Cám ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202006/nsnd-tong-toan-thang-toi-ap-u-bieu-dien-xiec-thuc-canh-tren-vinh-ha-long-2489431/