NSND Thế Anh: Đời đẹp hơn phim

Diễn viên gạo cội, cây cổ thụ của nền điện ảnh Việt Nam, Hoàng tử điện ảnh, Trung úy Phương, NSND Thế Anh… là những cụm từ ngập tràn trên các trang báo chí, mạng xã hội và truyền thông những ngày qua khi hay tin NSND Thế Anh qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) vào lúc 5h30 ngày 29/9/2019, thọ 81 tuổi.

Nghệ sỹ Thu Hằng, người bạn đời của ông cho biết, đã gần 4 tháng nay ông nằm điều trị và chữa bệnh do tai biến, nhưng đã bị nhồi máu cơ tim rất nặng... NSND Trà Giang nghe tin Thế Anh qua đời bà rất sốc, bàng hoàng khi vừa mới tiễn Đoàn Dũng ra đi. Một thế hệ vàng của nền nghệ thuật nước nhà đã đến tuổi chiều tà, lần lượt khuất núi...

Trung úy Phương - đời đẹp hơn phim

NSND Thế Anh tên họ đầy đủ Nguyễn Thế Anh, ông sinh năm 1938, quê ở xã Xuân Phương huyện Từ Liêm, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Năm Thế Anh lên 3 tuổi thì người cha nhận được học bổng sang Pháp du học nghề bác sỹ. Bà mẹ sống với nghề tiểu thương, tần tảo nuôi các con nhỏ học hành, nên người.

Thế Anh học rất giỏi môn Toán và có năng khiếu về ngoại ngữ nên những ước mơ thời nhỏ của ông không hề có bóng dáng gì về nghiệp điện ảnh và sân khấu kịch sau này. Học giỏi, đẹp trai, cao trên 1m70, chàng trai gốc Hà thành quyết định thi tuyển vào nghề phi công.

NSND Thế Anh và NSND Trà Giang.

NSND Thế Anh và NSND Trà Giang.

Trúng tuyển, nhưng vì lý lịch người cha đi học bên Pháp không rõ tung tích nên thuộc diện "không rõ ràng". Không biết đó là một lỗi thiếu sót lớn của ngành hàng không hay sự may mắn thuộc về điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Không thành phi công, Thế Anh vào bộ đội công tác tại trường Trung Cao cấp quân sự. Năm 1961, Thế Anh thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học một thời gian, Thế Anh phát hiện ra nghề sư phạm không hợp với mình, nên thi tuyển vào Trường Nghệ thuật Sân khấu khóa chính quy đầu tiên với 30 sinh viên trúng tuyển.

Năm 1964, Thế Anh tốt nghiệp hạng xuất sắc, được nhận về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương, cùng khóa với các nghệ sỹ nổi tiếng như: Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trà Giang, Trần Tiến, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung…

Ông là một trong số ít những nghệ sỹ điện ảnh mà tên nhân vật trong phim trở thành tên riêng của mình trong lòng người hâm mộ. Nhân vật Trung úy Phương rất điển trai, duyên dáng đầy cá tính với chiếc răng khểnh huyền thoại trong phim "Nổi gió" của đạo diễn Huy Thành, sản xuất năm 1966 trở thành hình mẫu được nhiều cô gái say mê, thần tượng suốt hai thập niên 1960 và 1970.

Trước năm 1975, người viết bài này từng theo bộ đội vào đường Trường Sơn Khu 6 để xem phim chiếu phục vụ bộ đội và nhân dân vùng kháng chiến. Phim nhựa trắng đen, màn ảnh rộng, máy chiếu quay xè xè nhưng người xem ngồi chật như nêm kín bãi đất trống.

Coi phim thời chiến tranh luôn phải cảnh giác máy bay địch ném bom nên phải tổ chức chiếu gần một con suối, đào nhiều hầm công sự cá nhân và sử dụng hạn chế đèn điện, đèn pin chỉ rọi xuống rọi ngang. Có lần, bộ đội báo động có máy bay địch trinh sát, đèn đuốc tắt ngấm, mọi người nhanh chóng di chuyển ra suối và công sự ẩn nấp. Sau đó, lại ùa lên bãi tiếp tục xem chiếu phim "Nổi gió"; coi thằng Núi lăn bom trong "Đường về quê mẹ"…

Rất nhiều năm sau này, thế hệ chúng tôi mới biết Trung úy Phương là diễn viên Thế Anh đóng, còn khi đó ai cũng chỉ biết Trung úy Phương là Trung úy Phương có người chị bên kia chiến tuyến. Sau 1975, Thế Anh vào vai diễn rất mới trong phim "Mối tình đầu" của đạo diễn Hải Ninh, với nhân vật Ba Duy đầy ấn tượng đặc biệt về một thanh niên giang hồ, nghiện ngập sau chiến tranh… Cũng không ai nói nhiều về diễn viên Thế Anh - một tài năng, một nghệ sỹ tài hoa của điện ảnh mà người dân hai miền Nam Bắc chỉ nhớ đến Ba Duy…

Không nhiều người biết rằng, đằng sau một tài năng, đằng sau ánh hào quang lung linh của nghệ thuật thứ Bảy là những khoảng lặng, những trắc ẩn của cuộc đời riêng nghệ sỹ Thế Anh. Khi những bộ phim được mang ra nước ngoài công chiếu cho đông đảo kiều bào xem, cũng như vốn tiếng Pháp được trau dồi thường xuyên, nhuần nhuyễn hơn, trong lòng của ông luôn có khát vọng và ước mơ tìm lại người cha bác sỹ. Trong trí nhớ ông hầu như không có ấn tượng gì về ngày cùng mẹ xuống Hải Phòng tiễn cha đi du học rồi bặt vô âm tín.

Sinh thời, chúng tôi đã có lần hỏi ông về chuyện người cha, ông chỉ cười nói qua loa và tránh né. Những bạn bè thân của ông đã kể lại, khoảng năm 1972, ông có viết thư nhờ đồng chí Xuân Thủy, người đã dẫn phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp đàm phán Hiệp định Paris giúp ông tìm cha.

Trong một buổi công chiếu phim do Thế Anh đóng vai nam chính, ông đã gặp cha. Nhưng nhiều câu hỏi xung quanh việc "biệt tích" không thư từ cho mẹ con ông ở Hà Nội, cha ông chưa thể giải thích rõ ràng cho đến khi qua đời. Ông có để lại di chúc chia tài sản như một lời hối lỗi với mẹ con Thế Anh. Thế nhưng, cũng có người nói, ông chưa bao giờ gặp mặt cha, cho đến cuối năm 1972, khi sang Pháp tham dự Liên hoan phim quốc tế, ông đã lần theo địa chỉ tìm đến căn nhà của cha ông sinh sống cùng người vợ Pháp và 3 con trai. Cho đến lúc này thì mọi chuyện đã rõ, câu trả lời về bao nhiêu năm biệt tích của cha ông đã được giải đáp rất có hậu.

Poster phim “Mối tình đầu”.

Sau này, con trai Thế Phương của ông cũng sang Pháp du học, làm việc và cũng đã lập gia đình, sống rất vui vẻ, hạnh phúc cùng các anh em cùng cha khác mẹ. Ông còn một con trai tên Thế Duy hiện đang công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phương, Duy là hai nhân vật trong hai phim nổi tiếng do ông thủ vai chính.

Một tấm gương sáng về lao động và đam mê nghệ thuật

Có nhiều người rất thích thành tích đo bằng những con số, nhưng nghệ thuật thì con số nhiều chưa hẳn là điều đo lường sự thành công. Với NSND Thế Anh, nếu phải liệt kê sẽ có rất nhiều bộ phim, vở kịch từ năm 1964 đến nay. Tôi thích nhất câu nói: Chiếc răng khểnh đã làm nên cả trăm vai diễn của NSND Thế Anh.

Ông tham gia đóng phim và kịch tính bằng con số trăm, trong suốt 50 năm cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng bao giờ trong ông cũng rất nồng nàn niềm đam mê tình yêu nghệ thuật và nghiêm túc, sáng tạo trong từng vai diễn trong phim, trong kịch lẫn ngoài đời.

Nhiều người kể lại, khi chọn cảnh quay làm phim trường ở một nông trường tại Hải Phòng, để đóng phim "Nổi gió", nhân vật Trung úy Phương là người Bến Tre, cuộc đấu tranh, biểu tình là của phong trào Đồng Khởi…

Nhờ có nhiều anh chị, cô chú là cán bộ, học sinh miền Nam nên đã có nhiều góp ý, sáng kiến nhiều cảnh quay như thật ở miền sông nước Nam Bộ. Riêng Trung úy Phương phải học bơi xuồng kiểu Nam Bộ, tập đi cầu khỉ, lội sình, tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp của người dân trong đời sống và trong đấu tranh, tình cảm…

Bao nhiêu lao động vất vả, ông nhập quyện vào như của chính mình một cách thành thục, cháy bỏng đam mê. Có lúc theo đoàn phim, cả tháng ông chưa về nhà. Khi vào vai Ba Duy, ông còn xin Công an vào trong trại cai nghiện, trại giam tội phạm ma túy, xăm trổ đầy người để tìm hiểu, nhập vai rất thành công như mọi đã người xem.

NSND Thế Anh là như vậy, với em út, đồng nghiệp ông hết lòng chỉ bảo tận tình, vừa là bậc thầy rất nghiêm khắc nhưng vừa là một đồng nghiệp, một bạn diễn rất ăn ý. Ông đẹp trai, tài năng xuất sắc, nhưng cuộc sống riêng và tình cảm lại rất nghiêm túc. Chính ông đã giải thích điều này vì danh dự và tấm gương, niềm tự hào cho các con.

Ông như cánh hạc bay về trời khi đã cống hiến trọn đời cho nghệ thuật. Người thân, đồng nghiệp, khán giả gần xa luôn có ông trong lòng với những vai diễn để đời…

Trần Nam Yên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nsnd-the-anh-doi-dep-hon-phim-564160/