NSND Thanh Tuấn nhớ lại thời kỳ đỉnh cao của cải lương, thu 500 - 600 bài không biết mệt

'Có những ngày thu không mệt mỏi mà vẫn phải làm bởi vì phục vụ cho quần chúng nên đành ráng', anh Năm - NSND Thanh Tuấn chia sẻ.

60 năm thăng trầm cống hiến cho cải lương

Ít ai biết được rằng niềm đam mê ca hát của NSND Thanh Tuấn từ khi còn bé được nuôi dưỡng lớn lên từng ngày từ chiếc radio. Những giai điệu được phát từ chiếc radio cũ như bài học vỡ lòng đầu tiên về cải lương đã giúp cậu bé ấy đến gần hơn với dòng nhạc cổ này qua những vở diễn của cậu Mười Út Trà Ôn, anh Thành Được, chị Út Bạch Lan…

Hành trình đến với đam mê của NSND Thanh Tuấn cứ thế được nuôi lớn cho đến khi gặp được những người thầy đầu tiên là thầy Út Trọn dạy hát, thầy Bảy Trạch dạy diễn. Với năng khiếu thẩm thấu giai điệu âm nhạc tốt, thêm sự kiên trì học hỏi của bản thân, nam nghệ sĩ bắt đầu có những vai diễn đầu tiên.

NSND Thanh Tuấn chia sẻ hành trình 60 năm theo cải lương.

NSND Thanh Tuấn chia sẻ hành trình 60 năm theo cải lương.

Đó là vai kép chính trong Tướng Cướp Bạch Hải Đường trên sân khấu Bạch Liên Hoa. Để rồi từ đó, ôngliên tục nhận được vai kép chính và cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của NSND là sân khấu công ty Kim Chung - nơi mà người nghệ sĩ tài năng được ca cùng những tên tuổi làm nên dòng nhạc cổ Cải Lương như Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu…

Nổi danh với những vai kép chánh trong các vở cải lương thời bấy giờ, NSND Thanh Tuấn được nhiều hãng đĩa thu âm tìm đến. Đó là thời đỉnh cao sự nghiệp khi ông thu âm đến 500, 600 bài. NSND Thanh Tuấn nhớ lại: “Khi nghệ sĩ được lòng công chúng thì lúc đó hết sức là hạnh phúc. Hồi đó là thu cát-sét, thu băng liên tiếp. Sáng ca tới chiều, tối đi hát. Hát xong có những đêm thu đêm, thâu đêm luôn. Sáng hôm sau tập tuồng, tối hát mà liên tục một thời gian dài. Anh nhớ là sau năm 1976, 77, 78, 85, 87, 90, có những ngày thu không mệt mỏi mà vẫn phải làm bởi vì phục vụ cho quần chúng nên đành ráng. Bữa nào mà khàn, khan quá, xin phép “Dạ anh chị, cô ơi nay cho nghỉ một bữa, khàn quá””.

Trên con đường hoạt động nghệ thuật, ngoài những vai diễn để đời trong các vở tuồng huyền thoại, NSND Thanh Tuấn còn có nhiều sáng tác gây tiếng vang như Cuối Nẻo Đường Yêu (1965 - sáng tác đầu tay), Cuộc Đời Mạc Mậu Hợp (dựa trên cuốn sử viết về Vua Mạc Mậu Hợp), Cơn nước lũ…

Chặng đường 60 năm hoạt động dù gom đủ thăng trầm, buồn tủi nhưng chính nhờ những giai điệu và vai diễn khác nhau trong các vở tuồng đã giúp chú trưởng thành từng ngày để tạo nên người NSND Thanh Tuấn như bây giờ. Một người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật bằng tất cả tâm can dù ở bất kì độ tuổi nào vẫn luôn cống hiến hết mình.

Ước mong tuổi xế chiều…

Cả một đời người giành hết tình yêu cho cải lương, nó chính như linh hồn của NSND Thanh Tuấn. Đến khi ở cái tuổi xế chiều, người nghệ sĩ ấy vẫn đau đáu, lo sợ rằng một ngày nào đó linh hồn ấy sẽ biến mất mãi mãi.

Nam nghệ sĩ tái hiện vở tuồng kinh điển Đường Gươm Nguyên Bá gửi tặng khán giả.

Ông nghẹn ngào nói: “Tôi rất muốn, rất mong bảo tồn được nghệ thuật cải lương. Thật sự có một thời gian, cải lương đứng chững và xuống quá. Tôi cũng như bao anh em nghệ sĩ rất lo sợ, sợ sự mai một. Không biết có còn khán giả thương yêu, có còn đến với cái nghề hát cải lương nữa không?"

NSND Thanh Tuấn khiến tất cả khán giả Dấu ấn huyền thoại thắt nghẹn khi bộc bạch từ tận đáy lòng của một con người yêu nghệ thuật và đã nuôi dưỡng cải lương bằng một đời người.

“Tôi có mở một lớp dạy Nghệ thuật Ca vọng cổ cho các em các cháu mới biết nhịp hoặc cũng có thể đã biết nhịp. Tôi muốn truyền đạt lại cho các em các cháu của thế hệ sau để giữ gìn những cái hay đó cộng thêm những cái hay vốn có của các em để tô điểm cho cái bài vọng cổ phong phú hơn, tươi mát hơn, đẹp hơn. Và hơn hết, để cho người nghe có cảm nhận rằng bài vọng cổ có mới, chứ không đứng một chỗ như ngày nào”.

Cái tâm của người nghệ sĩ không cho phép bản thân được ngừng nghỉ và phải luôn cố gắng. Bởi lẽ NSND Thanh Tuấn tâm nguyện với bản thân: “Còn hơi thở, còn giọng ca thì Thanh Tuấn phải phục vụ”. Với nghệ sĩ, ngày nào còn khán giả là ngày đó vẫn trau chuốt từng vai diễn và cất cao giọng cát cho đời cho người.

Nhã An

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nsnd-thanh-tuan-nho-lai-thoi-ky-dinh-cao-cua-cai-luong-thu-500--600-bai-khong-biet-met-d157322.html