NSND Quốc Chiêm: Là Chủ tịch Hội, tôi vừa mừng vừa lo…

Đã từng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hà Nội, NSND Quốc Chiêm lại trúng cử chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XII nhiệm kỳ 2016 – 2021. Công việc bộn bề trên cương vị mới đầy thử thách khiến ông có nhiều suy tư, trăn trở…

NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội

Thưa ông, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hà Nội là mái nhà chung của 9 hội chuyên ngành giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Là Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2016 - 2021, để ngôi nhà chung này luôn ấm cúng, theo ông, cần phải thực hiện những điều gì?

Như các anh chị đã biết, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội là mái nhà chung của hơn 3.400 văn nghệ sỹ, là hội viên của 9 hội chuyên ngành. Để ngôi nhà chung này luôn ấm cúng, tạo không khí sáng tạo và là nơi để anh chị em văn nghệ sỹ Thủ đô gần gũi, tâm sự và chia sẻ các sáng tác mới của mình, là Chủ tịch Hội, tôi luôn cố gắng thực hiện các điều sau:

Thứ nhất, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để anh chị em văn nghệ sỹ Thủ đô thực sự coi trụ sở 19 Hàng Buồm là nơi để tâm sự, trao đổi học thuật của mình. Các hội chuyên ngành đều có lịch trực của Hội mình trong tuần, nhân viên Văn phòng Hội luôn có thái độ niềm nở, tôn trọng các văn nghệ sỹ Thủ đô đến làm việc, không chỉ là các hội viên mà còn là các thành viên của các câu lạc bộ trực thuộc 9 hội chuyên ngành đến sinh hoạt.

Thứ hai, tôi luôn lắng nghe các kinh nghiệm sáng tác và công tác quản lý VHNT của các Văn nghệ sỹ Thủ đô để Thường trực Hội và Ban Chấp hành Hội Liên hiệp có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển nền VHNT Thủ đô đáp ứng với thời đại phát triển của công nghiệp văn hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, qua đó đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị của Thành ủy và UBND Thành phố.

Thứ ba, Hội tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hội thảo để các hội viên gắn kết hơn với từng hội chuyên ngành của mình, mạnh dạn đầu tư các tác phẩm, công trình lớn để có các tác phẩm VHNT có chất lượng, qua đó bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và cả đất nước.

NSND Quốc Chiêm trở lại sân khấu chèo năm 2017, vai hoàng tử Pơliêm, vở Nàng Sita

Kế thừa và phát huy những thành quả hoạt động của Ban chấp hành nhiệm kỳ cũ, theo ông, Ban chấp hành khóa mới cần có những kế hoạch phát triển cụ thể như thế nào theo từng hội chuyên ngành?

Để kể thừa và phát huy những thành quả hoạt động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp khóa XII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 cần phải làm tốt 7 nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động Hội. Chuẩn bị xây dựng đề án hoạt động mang tính chiến lược với tầm nhìn từ 10 đến 15 năm, tăng cường các biện pháp xã hội hóa một cách hữu hiệu các hoạt động của Hội, cải tiến các hình thức sinh hoạt Hội.

2. Tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sáng tác, phát huy mạnh mẽ tâm huyết và tiềm năng của hội viên, tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao, cải tiến cách thức đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo chiều sâu và theo cơ chế đặt hàng của Thành phố.

3. Phấn đấu nâng cao công tác lý luận, phê bình VHNT nhằm thúc đẩy định hướng sáng tác, hướng dẫn dư luận. Biểu dương tác phẩm có chất lượng cao, phê phán những biểu hiện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc, lai căng, dung tục gây ảnh hưởng xấu tới lối sống và đạo đức xã hội.

4. Nghiên cứu và nỗ lực phấn đấu để các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Hội phát huy cao nhất các nguồn động lực sáng tạo, nâng tầm trở thành nền tảng vững chắc cho một nền “kinh tế tri thức”, nền “công nghiệp Văn hóa” đang được triển khai và vận hành có hiệu quả trên thế giới.

5. Cải tiến hơn nữa các Giải thưởng VHNT của Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành. Đặt mục tiêu các giải thưởng của Hội Thủ đô vươn lên tầm giải thưởng Quốc gia.

6. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ, lớp kế cận thông qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác, lý luận, phê bình đối với các loại hình VHNT, tạo sự gắn bó chặt chẽ với Hội.

7. Quan tâm đặc biệt đến đời sống và điều kiện hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ có tài, nhất là các văn nghệ sĩ lão thành. Xây dựng chương trình hành động với các kiến nghị về chế độ đãi ngộ đặc thù, chính sách thu hút người tài, văn nghệ sĩ hàng đầu, phát huy tối đa tận dụng năng lực cống hiến của văn nghệ sĩ.

Gần một năm đảm nhiệm cương vị mới, sự khác biệt cơ bản trong công tác quản lý giữa một cơ quan nhà nước như Sở Văn hóa – Thể thao và một cơ quan như Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội là gì, thưa ông?

Khác biệt cơ bản trong công tác quản lý giữa hai cơ quan đã cho thấy sự khác nhau rõ rệt, một bên là quản lý nhà nước – là cơ quan tham mưu cho UBND và các cơ quan của Thành phố, mà đã tham mưu thì phải chuẩn về chuyên môn mà mình phụ trách và đảm nhiệm, lấy công việc chuyên môn của cấp dưới để đánh giá về năng lực và kỹ năng làm việc…; còn quản lý cơ quan Hội, ngoài những nguyên tắc chung và theo Điều lệ của Hội ra còn phải gần gũi và quan tâm đến tài năng cống hiến và sáng tác của hội viên, đối nhân xử thế, có câu “Một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình”, phải luôn khuyến khích các Hội chuyên ngành hoạt động sao cho hiệu quả và có nhiều những tác phẩm đạt các giải thưởng hàng năm… Đoàn kết và tăng cường đối thoại…

Lãnh đạo một cơ quan như Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thật không đơn giản, nhất là nơi đây tập trung tinh hoa của giới văn nghệ sĩ, các Chủ tịch tiền nhiệm lại rất nổi tiếng và uy tín. Áp lực thật không đơn giản, thưa ông?

Đúng vậy, sau gần một năm đảm nhiệm cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, được làm việc và tiếp kiến các văn nghệ sỹ lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Văn học Nghệ thuật không chỉ ở Thủ đô mà còn ở cả nước. Trải qua bước đầu bỡ ngỡ, được sự chia sẻ các kinh nghiệm quản lý về Văn học Nghệ thuật của các bậc tiền nhiệm đi trước, tôi luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các kinh nghiệm quý báu trên, bản thân tôi cũng là một nghệ sỹ nên khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội, quản lý các văn nghệ sỹ Thủ đô, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì các văn nghệ sỹ Thủ đô đã tin tưởng trao trọng trách, lo vì phải gánh vác trọng trách rất nặng nề là làm sao để phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội, phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài - văn hóa Thăng Long, đề cao tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ trong sáng tạo VHNT, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện và bền vững như tiêu chí của Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XII đã đề ra.

- Phát triển văn học -nghệ thuật vừa mạnh về chuyên môn, vừa vững về bản lĩnh chính trị luôn là một định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong thời đại hội nhập kinh tế - văn hóa - chính trị sâu rộng như hiện nay, giới văn nghệ sĩ Thủ đô và chính mô hình Hội cần chuyển biến như thế nào để theo kịp tình hình mới?

Trong thời đại hội nhập kinh tế - văn hóa – chính trị sâu rộng như hiện nay, Ban Chấp hành Hội đã đề ra một số giải pháp như:

- Hội cần thu hút được đông đảo hội viên hơn nữa vào các hoạt động phục vụ việc nâng cao dân trí và phổ cập trình độ thưởng thức nghệ thuật, tăng cường mức hưởng thụ các giá trị VHNT trong đông đảo các tầng lớp công chúng, tạo ra phong trào tác động tích cực đến nếp sống văn minh thanh lịch của Thủ đô, đến đạo đức và phong cách ứng xử của người dân, nhằm rèn luyện toàn diện các phẩm chất Trí – Đức – Thể - Mỹ cho lớp trẻ, nhất là trong học sinh, sinh viên, với mục tiêu lấy con người trong tiến trình phát triển cân đối kinh tế và văn hóa làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (như NQ 33/TW ngày 9-6-2014 đã đề ra).

- Tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sáng tác, phát huy mạnh mẽ tâm huyết và tiềm năng hội viên tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng Thủ đô, dự báo là sẽ nâng cao lên đáng kể trong 5-10 năm tới, nhất là lĩnh vực nghe – nhìn và báo chí điện tử, các sáng tác công bố trên mạng. Việc tổ chức sáng tác phải được cải tiến hơn, từ khâu tổ chức trại viết đến việc đi thực tế. Quan tâm tổ chức Trại sáng tác liên kết đa ngành với các Hội bạn, tiếp tục hình thức trao đổi hội viên dự trại với một số Hội kết nghĩa (nhất là 5 vùng đất kinh đô xưa và nay, cũng như vùng tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) để tăng cường trao đổi kinh nghiệm và tạo ấn tượng mới mẻ cho hội viên dự trại. Tăng hiệu quả cho mỗi cuộc đi thực tế sáng tác Cải tiến cách thức đầu tư, tránh bình quân chủ nghĩa, mạnh dạn đầu tư có trọng tâm trọng điểm theo chiều sâu. Áp dụng nhiều hơn phương thức đầu tư có hoàn lại, tức là ký hợp đồng đặt hàng dài hạn đối với những đề cương có nhiều hứa hẹn. Tạo thêm điều kiện cho các phương thức giao lưu hiệu quả và bổ ích giữa văn nghệ sĩ với công chúng, tạo quan hệ gắn bó giữa hội viên với độc giả, khán giả rộng rãi…, tham gia tổ chức Hội sách, Hội diễn với Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao và các cơ quan xuất bản Trung ương và Hà Nội, các cuộc trưng bày, quảng bá tác phẩm và giao lưu giữa tác giả với độc giả, nghệ sĩ với khán giả… rộng rãi.

- BCH Hội đã có kế hoạch nhằm phấn đấu nâng cao công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật để việc trao đổi, giới thiệu trong phê bình, giới thiệu tác phẩm thực sự trở thành chất men kích thích thúc đẩy sáng tác, góp phần định hướng cho sáng tác và hướng dẫn dư luận, tạo được mối quan tâm rộng rãi của dư luận đối với các tác phẩm mới. Mỗi năm cố gắng làm được 1- 2 cuộc trao đổi, đúc rút kinh nghiệm sáng tác và giao lưu với công chúng thật hữu ích và có hiệu quả. Biểu dương những tác phẩm cách tân đúng hướng, có phát hiện mới mẻ, đặt ra những vấn đề nghiêm túc với xã hội, mặt khác cũng phê phán quyết liệt các biểu hiện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc, hoặc lai căng, dung tục, gây ảnh hưởng xấu tới lối sống và đạo đức xã hội.

- Tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn đều và mang tính bình quân chủ nghĩa. Tích cực vận dụng cơ chế “ký hợp đồng làm tác phẩm theo điều kiện thỏa thuận” để phát huy tối đa sáng kiến và sự năng động của hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả tài năng phát huy được hết năng lực và tâm huyết, có hoài bão dồn tâm lực vào những “tác phẩm để đời”. Hội đang cố gắng tạo ra được tâm lý đó cho các hội viên và tạo điều kiện tối ưu cho các tác phẩm xuất sắc. Qua đó, BCH Hội đã lên kế hoạch gửi tới các hội chuyên ngành tích cực đầu tư sáng tác cho các tác phẩm trọng điểm hướng tới các chủ đề lớn 2018 - 2019 (10 năm mở rộng Thủ đô Hà Nội, 129 năm ngày sinh của Bác, 65 năm ngày giải phóng Thủ đô…). Ngoài ra, Hội đang lên kế hoạch làm Tổng tập Thành tựu VHNT Thủ đô của Hội Liên hiệp và 9 hội chuyên ngành.

Đặc biệt, BCH Hội Liên hiệp đang lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng Đề án hoạt động mang tính chiến lược, có tầm nhìn từ 10 đến 15 năm, hướng tới mục tiêu tạo dần ra cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động độc lập, cố gắng dần gỡ từng bước cụ thể ra khỏi phương thức bao cấp trong mọi hoạt động Hội, tăng cường các biện pháp xã hội hóa hữu hiệu, nhằm tiến tới tự chủ về kinh phí hoạt động theo một lộ trình hợp lý và khả thi. Hội phải tạo ra được một hệ thống đầu mối phục vụ hội viên và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ để tiến tới có thể tự đảm bảo các nhu cầu tổ chức hoạt động nội bộ (khánh tiết, hội nghị, hội thảo, triển lãm, biểu diễn, chiếu phim, sân khấu thể nghiệm…). Hội gắng sức xây dựng một khu Nhà sáng tác tự quản, tạo điều kiện cho hội viên đến sáng tác định kỳ, do Hội tự lo được kinh phí. Lộ trình cho toàn bộ các công việc trên dự trù sẽ thực hiện trong 10 năm.

Làm nghệ sĩ khác với làm nhà quản lý. Là một nhà quản lý trong giới văn nghệ sĩ chắc chắn cũng khác biệt với các nhà quản lý đơn thuần. Theo ông, sự khác biệt ấy đến từ đâu? Và để làm tốt vai trò của mình ông sẽ phải làm những gì? Kế hoạch của riêng ông trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội này?

Làm nghệ sỹ mà lại là nghệ sỹ biểu diễn, trước hết phải có năng khiếu và qua năm tháng học hành, rèn luyện, thi thố mới thành tài năng; rồi là người của công chúng và được đồng nghiệp thừa nhận, Nhà nước tôn vinh. Còn sang làm công tác quản lý, có câu không khéo dễ “mất một nghệ sỹ tài năng mà có một người quản lý tồi”. Cũng may cho tôi, làm công tác quản lý ngoài được học hành ra mình cũng có năng khiếu lãnh đạo và luôn cầu thị, được nhiều người tin yêu…; Muốn làm tốt vai trò lãnh đạo Hội, phải thực hiện đúng Điều lệ Hội đã đề ra, phải có kế hoạch, chương trình và tiêu chí như: “Trung thực – Minh bạch – Dân chủ - Đoàn kết”. Do tổ chức Đại hội muộn, tôi chỉ có được ba năm thực hiện của nhiệm kỳ này, cái gì làm trước, cái gì làm sau, cái dễ làm trước, cái khó làm sau và phải có thời gian.

Là một Nghệ sĩ nhân dân ngành chèo, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình ông ưng ý nhất điều gì và nuối tiếc nhất điều gì?

Hầu như tôi không thấy tiếc điều gì khi làm nghề, vì mình đã cống hiến với nghề và được các nghệ nhân truyền dạy, có những vai diễn để đời. Được khán giả và đồng nghiệp mến mộ và yêu mến, không còn lên sân khấu nữa thì có trách nhiệm trao truyền cho lớp trẻ, cho thế hệ sau…

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

NSND Trần Quốc Chiêm sinh ra từ đất chèo Thái Bình, trở nên nổi tiếng khi là diễn viên tại Nhà hát Chèo Hà Nôị̣. Ông cùng nghệ sĩ Lâm Bằng được mệnh danh là cặp “tiên đồng ngọc nữ” của sân khấu chèo trong vở Nàng Sita đình đám những năm 80 – 90 thế kỷ trước. Ông còn đóng nhiều vai và để lại ấn tượng trong nhiều vở chèo khác như Vua Lý Công Uẩn, Ngọc Hân công chúa, Mối tình Đuông Nali, Tấm Cám… Trước khi trúng cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, ông từng giữ chức Phó Giám đốc Sở VHTTDL, sau là Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội.

Nguyệt Nga

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nsnd-quoc-chiem-la-chu-tich-hoi-toi-vua-mung-vua-lo-130950.html