NSND Nguyễn Tiến Dũng: 'Cái chắp tay cụ Nguyễn Du' góp phần tạo nên thành công của Thân phận nàng Kiều

Tác phẩm Thân phận nàng Kiều là bước đột phá của nghệ thuật múa rối. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, có thể 'cái chắp tay cụ Nguyễn Du' đã góp phần mang tới thành công cho vở rối.

Truyện Kiều là tác phẩm văn học kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du. Nàng Kiều cũng là nhân vật được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, điện ảnh… Tuy nhiên, khán giả hiếm khi thấy tác phẩm này được thể hiện trên sân khấu múa rối. Sau nhiều năm ấp ủ, NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam) đã tái hiện thân phận nàng Kiều thông qua nghệ thuật múa rối và gặt hái nhiều thành công.

NSND Nguyễn Tiến Dũng đã thành công đưa Kiều lên sân khấu múa rối sau gần 10 năm ấp ủ dự định.

NSND Nguyễn Tiến Dũng đã thành công đưa Kiều lên sân khấu múa rối sau gần 10 năm ấp ủ dự định.

PV: sao NSND Nguyễn Tiến Dũng quyết định đưa truyện Kiều lên sân khấu múa rối?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Dự định đưa Kiều lên sân khấu múa rối được tôi ấp ủ khoảng 8,9 năm. Trước đó tôi đã có ý định dựng tác phẩm văn học này nhưng chưa đủ tự tin vì ít kinh nghiệm và thời điểm thực hiện chưa chín muồi.

Trong gần 10 năm, truyện Kiều lúc nào cũng quanh quần trong đầu, tôi luôn nghĩ nhân vật Thúy Kiều khi lên sân khấu múa rối sẽ như thế nào. Khi thấy Kiều được thể hiện hiện thông qua nghệ thuật cải lương, kịch nói…, tôi đặt câu hỏi tại sao múa rối không làm được? Rối có làm được không? Có thể nói, chính Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế (LHSKTNQT) đã tạo động lực để tôi quyết định thực hiện vở diễn này.

PV: NSND Nguyễn Tiến Dũng mất bao nhiêu lâu để đưa nàng Kiều đến với khán giả yêu múa rối?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Thời gian ấp ủ tương đối lâu nhưng quá trình thực hiện đúng là thần tốc. Bắt đầu từ lúc triển khai cho đến khi diễn trên sân khấu vừa tròn một tháng. Nghĩa là tất cả bộ phận đều làm cuốn chiếu, làm gối, cả đoàn phải tập luyện rồi thực hiện tạo hình, dàn dựng, trang trí mỹ thuật… bất kể ngày đêm.

Tất cả nhân viên, diễn viên trong đoàn đều làm việc hết năng suất để tạo nên tác phẩm hoàn hảo.

PV: Những khó khăn, thử thách khi NSND Nguyễn Tiến Dũng thực hiện vở rối “Thân phận nàng Kiều” là gì? Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, đâu là khó khăn lớn nhất để mang Kiều lên sân khấu múa rối?

Đối với tôi, khó khăn lớn nhất có lẽ là bản thân chưa tìm được sự tự tin để thực hiện vở diễn. Thực ra quá trình chuyển biến từ ý nghĩ sang hành động là cả chặng đường dài và khoảng cách vô cùng lớn, ví như cái hố mình cần nhảy qua, hồ nước phải bơi qua hoặc cũng có thể là vực thẳm mà khi đã nhảy xuống là không thể leo lên. Tôi luôn đặt ra những thử thách để cố gắng từng ngày.

Mặt khác, việc thực hiện vở diễn như Thân phận nàng Kiều không phải là sở trường của múa rối. Bởi tính đặc thù nên nghệ thuật múa rối khó diễn tả tâm trạng, nỗi lòng và chiều sâu của nhân vật. Điều này khiến tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ vì bản thân là người hiểu rõ bộ môn này nhất và có thể chủ động xoay chuyển vấn đề khi cần thiết. Nếu đạo diễn còn chưa tìm được hướng thực hiện thì diễn viên sẽ rất khó tìm thấy lối thoát.

Tuy nhiên, tôi không được để sự lo lắng và thiếu tự tin ảnh hưởng đến những người đồng hành đặc biệt là tâm lý diễn viên. Bởi lẽ, đây là yếu tố quan trọng trong việc thể hiện nhân vật trên sân khấu

PV: Khi thực hiện tác phẩm này, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã từng nghĩ sẽ đạt được những giải thưởng lớn như “Đạo diễn xuất sắc nhất” hay “tác phẩm sân khấu xuất sắc nhất”? Cảm xúc của NSND Nguyễn Tiến Dũng như thế nào khi đạt được thành tích cao với truyện Kiều?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Khi thực hiện vở diễn, tôi chưa từng đặt ra bất kỳ mục tiêu nào. Tôi đưa truyện Kiều lên sân khấu rối cạn là vì tình yêu và mong muốn nghệ thuật múa rối có thể thực hiện một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam.

Đây cũng là sự dũng cảm của chúng tôi. Bởi lẽ, thời điểm ban đầu tôi còn khá mông lung, những yếu tố giúp bản thân cảm thấy tự tin gần như không có. Đa số mọi người xung quang đều cho rằng Kiều không thành công với múa rối. Do đó, khi đạt giải thưởng lớn, tôi cảm thấy vui cho những người đồng nghiệp, vui cho nghệ sĩ múa rối, hạnh phúc vì được bạn bè trong LHSKTNQT ghi nhận. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi tỏ ra tự mãn.

NSND Nguyễn Tiến Dũng và đội ngũ thành viên Nhà hát Múa rối đều cảm thấy hạnh phúc khi vở rối TPNK đạt thành tích cao.

Khi đạt huy chương vàng tại LHSKTN, sống mũi của tôi cay cay vì cảm động. Điều này có nghĩa, nghệ thuật múa rối đã chinh phục khán giả, đồng nghiệp, ban giám khảo bởi một tác phẩm văn học. Niềm vui nhân lên gấp đôi khi ban đầu tất cả chúng tôi, bao gồm cả đồng nghiệp, bạn bè đều không tin tác phẩm sẽ đạt thành tích cao như vậy.

Bên cạnh đó, giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất năm 2019 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (HNSSKVN) là một dấu ấn của anh em trong Nhà hát Múa rối. Giải thưởng này được chọn lọc từ nhiều vở diễn của tất cả các loại hình nghệ thuật toàn quốc trong vòng một năm. Chúng tôi tự hào và cảm ơn sự đánh giá của những thế hệ đi trước khi giúp chúng tôi được thổn thức cùng tác phẩm.

Thời gian trước, tôi hy vọng mọi người có thể nhìn thấy múa rối ở một chặng đường mới, một vị thế mới. Đến thời điểm hiện tại, khi trải qua LHSKTN, cuộc thi bình chọn của HNSSKVN, những đêm diễn tại Hà Nội… tôi nhận thấy khán giả đã thay đổi quan niệm về múa rối, họ đánh giá rất cao loại hình nghệ thuật này. Như vậy, chúng tôi đã đi đúng con đường mà mình mong muốn và giúp nghệ thuật múa rối phát triển hơn.

PV: Ông có nghĩ "cái chắp tay cụ Nguyễn Du" về mặt tâm linh đã giúp "Thân phận nàng Kiều" thành công?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Tôi tin là như vậy. Ngày chúng tôi về thắp hương mộ của cụ Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và xin phép cụ thực hiện vở rối, trời mưa sụt sùi. Thời tiết ẩm ướt nên hương không thể cháy, không khí ảm đạm cũng khiến mình cảm thấy thiếu tự tin. Ngược lại, ngày cả đoàn về lễ tạ và trình cụ giải thưởng, trời nắng rực rỡ, bát hương cháy bùng bùng nhưng chỉ cháy một nửa. Nó khác hẳn ngày đầu tiên, khi chúng tôi thắp hương mãi nhưng hương đều bị tắt vì mưa, ẩm. Đặc biệt, ngày thắp hương xin phép và ngày về lễ tạ chỉ cách nhau đúng một tháng.

Ngoài ra, tất cả diễn viên đều hóa thân thành nhân vật khác so với vai diễn ban đầu. Sau khi phân vai, tôi cảm thấy diễn viên không hợp nên quyết định thay đổi hệ thống nhân vật, diễn viên ban đầu vào vai bán tơ thì khi lên sân khấu sẽ đóng Thúc Sinh, người được phân làm Thúc Sinh về sau lại chuyển sang diễn Từ Hải… Sau khi đổi vai, các diễn viên đều thực hiện rất tốt nhân vật được giao.

Các diễn viên đều hóa thân vào nhân vật khác với vai diễn ban đầu họ được giao.

Trong thời gian thực hiện tác phẩm, có rất nhiều câu chuyện thú vị mà bản thân không thể lý giải. Tôi cảm thấy cụ Nguyễn Du cũng giúp đỡ mình trong việc đưa Kiều lên sân khấu múa rối. Tuy nhiên, tôi nghĩ cái quan trọng là cụ nhìn thấy sự thành tâm và nỗ lực của tập thể nghệ sĩ khi hoàn thành vở diễn.

PV: Tới thời điểm hiện tại, việc "viết kịch bản cho riêng múa rối" đang rất khó tìm người. Vậy kịch bản cho vở diễn Thân phận nàng Kiều được thực hiện như thế nào?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Tôi đã đọc lại truyện Kiều rất nhiều lần nhưng mãi vẫn không thuộc được tác phẩm. Bởi lẽ, tôi vừa đọc vữa ngẫm xem mình sẽ làm gì khi đưa truyện Kiều vào sân khấu múa rối. Trước đó, tôi đã tham khảo kịch bản Kiều của các loại hình sân khấu khác, nhưng nếu chuyển thể sang rối sẽ khó làm vì phải nói quá nhiều. Trong khi đặc thù của múa rối là kiệm lời, chủ yếu sử dụng âm nhạc và hành động để thể hiện câu chuyện.

Tôi trình bày ý tưởng và những điều bản thân mong muốn với NSƯT Lê Chức. Tôi chia sẻ với thầy rằng, mình cần một người hiểu truyện Kiều để phân tích những vấn đề bản thân chưa thể hình dung. Đồng thời, tôi cũng cần một kịch bản tốt nhằm giúp bản thân có thêm tự tin thực hiện tác phẩm. Khi nghe ý tưởng của tôi, thầy rất đồng cảm và đồng ý thực hiện.

Tuy nhiên, phải 3 năm sau khi gặp NSƯT Lê Chức ở rạp Đại Nam, tôi phải nhắc lại câu chuyện này thì thầy mới nhớ ra. Sau đó thầy kết hợp với nhà văn Nguyễn Hiếu để tạo nên kịch bản. Cuối cùng, tôi là người biên tập và dàn dựng thành một vở múa rối.

PV: Sau khi đưa truyện Kiều lên sân khấu múa rối, NSND Nguyễn Tiến Dũng có ý định mang tới các tác phẩm văn học nào khác?

NSND Nguyễn Tiến Dũng: Đối với một nhà hát, một đạo diễn hay một nghệ sĩ, không có điều gì vui hơn khi được tiếp cận và thực hiện tác phẩm văn học. Dù đó là tác phẩm kinh điển trong nước hay nước ngoài tôi cảm thấy đều thực hiện được. Tuy nhiên, cái khó là chúng ta cần thực hiện vấn đề gì để phù hợp với loại hình nghệ thuật này. Chúng tôi cần phải cân nhắc và xem xét nhiều yếu tố nếu muốn biến một tác phẩm văn học thành vở diễn múa rối. Thực ra tôi nghĩ, khi bản thân vượt qua khó khăn và đạt được thành công thì niềm vui sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Do đó, tôi cũng hy vọng sẽ có thêm những tác phẩm tốt được thể hiện trên sân khấu múa rối.

Cảm ơn NSND Nguyễn Tiến Dũng về buổi phỏng vấn!

An Nhiên

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/nguoi-trong-cuoc/nsnd-nguyen-tien-dung-cai-chap-tay-cu-nguyen-du-gop-phan-tao-nen-thanh-cong-cua-than-phan-nang-kieu-a344152.html