NSND Mai Tư: 'Như con tằm rút ruột nhả tơ'

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Mai Tư, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven biển Đa Lộc (Hậu Lộc). Tuổi thơ thấm đượm lời ru, những câu hát văn, dân ca mượt mà của mẹ dần nuôi lớn tình yêu nghệ thuật trong ông. Chính tình yêu, niềm đam mê cùng năng khiếu và sự nỗ lực phấn đấu đã kết thành những nhịp cầu dẫn lối ông đến với con đường nghệ thuật, từng bước gặt hái thành công như ngày hôm nay.

Nghệ sĩ Nhân dân Mai Tư được biết đến là đạo diễn, tổng đạo diễn của nhiều chương trình, tiết mục độc đáo, sáng tạo phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con đường của niềm đam mê

Có người đã từng nói rằng: Hãy cứ nhiệt thành theo đuổi niềm đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Nếu câu nói ấy là một mệnh đề thì những thành công mà NSND Mai Tư có được ngày hôm nay chính là minh chứng sinh động, thuyết phục cho tính đúng đắn của mệnh đề ấy.

Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, năm 1972, NSND Mai Tư thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp từ “cái nôi” đào tạo ấy, năm 1977, mang theo biết bao niềm vui, háo hức, nhiệt huyết, ông về Thanh Hóa, công tác tại Đoàn kịch nói Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn). Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng đoàn, sau đó làm trưởng đoàn.

Hoạt động nghệ thuật chưa bao giờ là con đường dễ dàng, dù ở bất kỳ giai đoạn nào. Nhưng ít ai có thể tưởng tượng hết được những khó khăn, vất vả mà NSND Mai Tư và các đồng nghiệp tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đã trải qua lúc bấy giờ. Đất nước khó khăn, nhà hát khó càng thêm khó, người trưởng đoàn vừa lo công tác quản lý vừa kiêm luôn diễn viên biểu diễn, thậm chí nhiều khi bộn bề quá thì xuống làm anh chạy việc vặt... Hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, NSND Mai Tư chia sẻ: “Bản thân tôi luôn xác định rất rõ ràng hai nhiệm vụ - hai tính cách song song tồn tại. Trên cương vị là người quản lý, mình phải có sự bao quát, chỉn chu, mực thước nhưng một khi đã đi vào hoạt động chuyên môn là cháy hết mình, không bao giờ câu nệ bất kỳ điều gì”.

Suốt 45 năm công tác trong ngành văn hóa – nghệ thuật, sự lăn xả, hết mình với nghệ thuật cùng tư chất, tài năng đã giúp ông liên tiếp gặt hái được những thành công trong sự nghiệp. Ông từng đoạt 6 Huy chương Vàng quốc gia. Ông là đạo diễn, tổng đạo diễn của nhiều chương trình, tiết mục, vở diễn phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước, tiêu biểu như: Chào thiên niên kỷ mới (2000), Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn (2007), Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng (3 và 4-4-1965 – 3 và 4–4-2010), chương trình “Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và nhiều chương trình, sự kiện, tiết mục khác trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Tuần văn hóa – du lịch “Sầm Sơn - nơi gặp gỡ những sắc màu văn hóa” (2011), chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Thành Nhà Hồ - niềm tự hào đất Việt” trong Lễ đón Bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa thế giới (2012), chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Hào khí Lam Sơn – tỏa sáng trường tồn” trong Lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Lam Kinh (2013)...

Thành công từ sự sáng tạo và táo bạo

Nhìn lại các chương trình, sự kiện, tiết mục biểu diễn do NSND Mai Tư làm đạo diễn, điều lưu lại dấu ấn sâu sắc nhất chính là sự sáng tạo và táo bạo. Và đó cũng chính là những điều khiến ông tâm đắc trong suốt sự nghiệp của mình. NSND Mai Tư nhận định: “Sáng tạo là không lặp lại những gì người khác đã làm và cũng không lặp lại chính mình. Táo bạo là nỗ lực vượt thoát khỏi giới hạn, dám làm những điều chưa ai làm”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, khi NSND Mai Tư đảm nhận một vai diễn bất kỳ, ông luôn cố gắng thổi hồn vào từng động tác diễn, từng ánh mắt, cử chỉ để làm sao khắc họa được tâm hồn, tính cách nhân vật. Khi đảm nhận vai trò đạo diễn, ông luôn tìm tòi những cách thể hiện mới, thú vị.

Ví như cái cách mà ông cùng các đồng nghiệp làm nên chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng mang tên “Thành Nhà Hồ - niềm tự hào đất Việt” trong Lễ đón Bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa thế giới (2012). Với 800 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Thành Nhà Hồ - niềm tự hào đất Việt” đã tái hiện thành công giai đoạn lịch sử đất nước Đại Việt cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV - thời kỳ suy thoái, bế tắc của nhà Trần cùng khát vọng xây dựng lại giang sơn, xã tắc của Hồ Quý Ly; quá trình xây thành của quân dân Đại Việt và thể hiện lòng quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của thế hệ hôm nay. Để tôn vinh giá trị, vẻ đẹp Thành Nhà Hồ, ngoài việc công phu chuẩn bị, dàn dựng bối cảnh, NSND Mai Tư đã có ý tưởng độc đáo, táo bạo: Đưa diễn viên lên nóc cửa Đông của Thành Nhà Hồ (cảnh dựng) với độ cao khoảng 15m, diện tích biểu diễn hẹp để trình diễn. Sự táo bạo ấy góp phần làm nên sức hút, hấp dẫn, điểm nhấn của chương trình.

NSND Mai Tư chia sẻ: “Thành Nhà Hồ không đơn thuần là những khối đá vô tri được dụng công xếp chồng lên nhau. Hơn hết, từng phiến đá, viên sỏi ở đó đều thấm đẫm chiều sâu văn hóa – lịch sử, phản ánh giai đoạn lịch sử của đất nước. Vì vậy, khi đưa vào sân khấu hóa, nhiệm vụ của người tổng đạo diễn là phải khéo léo thổi hồn vào đá, để người xem cảm nhận được rằng đá cũng có linh hồn và ẩn sâu trong đá là cuộc đời, số phận của những con người, là biến động lịch sử đất nước”.

Có lẽ, điều để lại cho NSND Mai Tư nhiều cảm xúc, kỷ niệm nhất là khi làm chương trình “Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (2010). Để tôn vinh hình ảnh Bác trong lúc đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, NSND Mai Tư đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sử dụng thủy lực nâng Bác (diễn viên) từ mặt đất lên độ cao 15m. NSND Mai Tư cho biết: “Trước áp lực, thách thức về mức độ an toàn, diễn viên đảm nhận vai Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật đã nhiều lần từ chối thực hiện”. Tuy nhiên, bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, ông đã trao đổi, thuyết phục diễn viên và chính mình cũng “thực hành”. Theo NSND Mai Tư, khi thực hiện phân cảnh này, ở mỗi độ cao 5m, ông cho bố trí một tấm lưới đỡ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho diễn viên.

Từ thành công của các chương trình, sự kiện, tiết mục mà NSND Mai Tư biểu diễn hay đạo diễn, chúng ta nhận thấy một điều rằng: Việc sắm “hai vai” khiến ông vừa có được sự thăng hoa trong hoạt động chuyên môn vừa có được sự sắc bén, nhạy cảm trong nhãn quan chính trị, quản lý. Vì thế, ở ông luôn có sự tìm tòi, sáng tạo, táo bạo, quyết liệt nhưng vẫn không thể thiếu sự nghiêm túc, cẩn trọng, trách nhiệm trong cách nghĩ, cách làm. Bởi những cống hiến bền bỉ, tích cực cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà, cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1996), trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010) và khoảng 40 bằng khen của các bộ, ngành, hội Trung ương và địa phương. Đặc biệt, năm 2012, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND. Ông là nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Giờ đây, khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời, NSND Mai Tư vẫn đau đáu một tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật. Dẫu đã nghỉ hưu được nhiều năm, sức khỏe cũng không còn được như trước nhưng ông vẫn luôn quan tâm, theo dõi các chương trình, sự kiện văn hóa – nghệ thuật của tỉnh. Ông thẳng thắn chia sẻ: Qua các thời kỳ, tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Tuy nhiên, việc tổ chức, dàn dựng các chương trình, sự kiện văn hóa – nghệ thuật ở tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là chưa thực sự chỉn chu, “kỹ tính” trong việc tuyển chọn, sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa – nghệ thuật... Từ những trăn trở ấy, ông vẫn luôn mong mình được “bóc lột”, được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển văn hóa – nghệ thuật của quê hương.

Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nsnd-mai-tu-nhu-con-tam-rut-ruot-nha-to/138563.htm