NSND Lý Huỳnh- người có công lớn đưa võ thuật Việt lên màn ảnh

Vốn là võ sĩ, võ sư trước khi bén duyên với điện ảnh nên NSND Lý Huỳnh được coi là người đầu tiên kết hợp hai yếu tố này một cách thành công nhất.

NSND Lý Huỳnh qua đời lúc 5 giờ sáng nay (22/10), tại nhà riêng ở TP.HCM do mắc nhiều bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của NSND Lý Huỳnh mới thấy, ông là một tên tuổi đa tài khi thành công ở nhiều lĩnh vực: võ thuật, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất.

Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn đậm nét, không chỉ cho cá nhân ông mà còn mang đến sự phát triển chung cho ngành nghề ông tham gia. Gia đình ông cũng là một trong số ít khi có cả cha và con cùng nổi tiếng.

NSND Lý Huỳnh sinh ra trong một gia đình giỏi võ. Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tài năng và niềm đam mê võ thuật.

Ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn theo học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định và quyền anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền. Nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (tung người đá 8 cước trên không), ông được mệnh danh là "sát thủ" trên sàn đấu.

Một trận thượng đài năm 1960, Lý Huỳnh (trái) hòa với võ sĩ Văn Đại (đương kim vô địch miền Nam thời đó)

Một trận thượng đài năm 1960, Lý Huỳnh (trái) hòa với võ sĩ Văn Đại (đương kim vô địch miền Nam thời đó)

Dẫu học võ từ nhỏ và thành danh với võ thuật nhưng thực tế, ông mê phim ảnh trước cả bộ môn này. Nhưng do thời ấy, điện ảnh trong nước chưa phát triển nên chàng trai trẻ đành tạm gác ước mơ đóng phim chuyển sang võ thuật.

Lý Huỳnh nhập môn Thiếu lâm từ năm 8 tuổi. Năm 17 tuổi, Lý Huỳnh thượng đài, chỉ 3 hiệp đã đấm ngã lăn đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen, vô địch quân đội Pháp. Tiếp đó, các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Du Phương (vô địch 6 tỉnh miền Trung) khiến tên tuổi anh vang dội trên các võ đài Lệ Chí, Tinh Võ.

Năm 1965, Lý Huỳnh đã là võ sư. Tuy nhiên, niềm đam mê điện ảnh vẫn đeo đẳng. Mãi đến khi cách mạng thành công, Lý Huỳnh mới thực sự có dịp bước vào nghề.

Lý Huỳnh trong vai Đại úy Long, phim Mùa gió chướng

Năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và được coi là người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh với những màn biểu diễn đẹp mắt.

Mở đầu sự nghiệp điện ảnh với "Long hổ sát đấu" cùng võ sư Hong Kong Hàn Anh Kiệt, sau đó lại tham gia Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709... nhưng ông vẫn không hài lòng với các vai diễn của mình vì chúng khai thác quá nhiều cảnh bạo lực.

Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, kết hợp với tài năng thiên bẩm của cá nhân để biến vai diễn trở nên sống động.

Với tướng mạo con nhà võ, ông thường được nhắm đến các vai tướng tá trong quân đội cũ. Vai đại tá Hoàng - sĩ quan quân đội Sài Gòn trong phim Cô Nhíp, chuẩn tướng Bách (phim Đứa con bị từ chối), Long "râu" (phim Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (phim Ngọn lửa Krông Jung), đại úy Long (phim Mùa gió chướng), đặc biệt là vai trung úy Xăm gian ác (phim Hòn đất).

NSND Lý Huỳnh "lột xác" ngoạn mục từ vai diễn tướng tá sang Hai Lúa (phải)

Tuy có nhiều lợi thế trong các vai diễn tướng tá hay sử dụng võ thuật nhưng vai diễn mang lại thành công lớn nhất cho ông lại là "sở đoản" chứ không phải "sở trường".

Từ những vai tướng dữ dằn, ông hóa thân thành người nông dân Nam bộ chất phác trong "Vùng gió xoáy" của NSND Hồng Sến. Vai diễn chính diện đầu tiên đã làm nức lòng người hâm mộ điện ảnh, đưa ông đến với giải Bông sen vàng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI. Cũng như từ "osin", vai Hai Lúa của ông nổi tiếng đến mức trở thành thuật ngữ chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn của vùng quê cả nước.

Thời kỳ xã hội hóa tư nhân hóa điện ảnh, ông cũng nổi lên là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. Những bộ phim mang thương hiệu nghệ sĩ Lý Huỳnh như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò đã tạo nên cơn sốt vé của phim Việt Nam thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường. Ông trở thành con chim đầu đàn của lực lượng làm phim tư nhân những năm thập niên 1990.

Không dừng lại ở đó, khát vọng làm phim hợp tác để vươn ra thế giới luôn khiến ông đau đáu. Những bộ phim hợp tác với điện ảnh Hong Kong, Đài Loan của Trung Quốc, như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng,… đã phần nào hiện thực hóa mong muốn của ông, mang đến làn gió mới cho điện ảnh Việt.

Từ những năm 80-90, trên cương vị là đạo diễn, nhà sản xuất, NSND Lý Huỳnh đã mong muốn làm những bộ phim hoành tráng về lịch sử Việt Nam. Hơn ai hết, ông hiểu rõ lịch sử Việt Nam quá oanh liệt, các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Bùi Thị Xuân, Quang Trung - Nguyễn Huệ… quá xứng đáng để làm nên những "bom tấn" phim lịch sử. Nhưng trong điều kiện khó khăn về vốn, phương tiện làm phim lịch sử cổ trang, rồi phim trường không có… đã phần nào cản trở khát vọng của ông.

Dù vậy, trong khả năng của mình, ông cũng đóng góp cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bộ phim Tây Sơn hào kiệt về vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược. Bộ phim có kinh phí lên đến 12 tỷ đồng, do ông bỏ tiền túi và kêu gọi xã hội hóa.

Thành công trong sự nghiệp, NSND Lý Huỳnh còn giữ được danh tiếng trong gia đình. Những tưởng với "cái bóng" quá lớn của người cha, các con ông sẽ khó mà tạo dựng được tên tuổi. Lý Hùng, Lý Hương là những cái tên từng "làm mưa làm gió" tại các rạp chiếu những năm 90. Lý Hùng từng tiết lộ, ở thời đỉnh cao, có khi anh nhận cát-sê cho một vai diễn là hàng chục cây vàng.

Cô con gái Lý Hương từng là ngôi sao hành động nữ có tiếng lúc bấy giờ. Ngoài các vai nặng ký cùng anh trai Lý Hùng, Lý Hương còn sánh vai với ngôi sao Hong Kong (Trung Quốc) như Thang Chấn Nghiệp, tung hoành trên phim trường bộ phim Cảnh sát đặc khu…Ngay cả nàng ngọc nữ Lê Tư và anh chàng Mạc Thiếu Thông khi hợp tác trong bộ phim Kế hoạch 99 cũng đã dành nhiều lời khen cho Lý Hương trong các pha hành động táo bạo, quyết liệt. "Phi vụ phượng hoàng" được xem là đỉnh cao của cô.

Những năm cuối đời, sức khỏe của ông kém đi do phải điều trị bệnh đái tháo đường, suy thận, suy tim. Ông giao công ty cho Lý Hùng, Lý Hương quản lý nhưng không còn trở lại thời kỳ vàng son như ông đã từng.

L.T.Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nsnd-ly-huynh-nguoi-co-cong-lon-dua-vo-thuat-viet-len-man-anh-202010221021278.htm