NSND Kim Xuân: Một đời say mê sáng tạo

NSND Kim Xuân là mẫu diễn viên luôn say mê sáng tạo. Dù đã 45 năm trong nghề nhưng chị vẫn mong muốn được hết mình trong những vai diễn đầy trải nghiệm

Cảm ơn cuộc đời

Phóng viên: Học nghề, tốt nghiệp diễn viên chỉ ở một đoàn kịch (Đoàn kịch Cửu Long Giang) nhưng chị là một trong những nghệ sĩ thành công lớn về nghiệp diễn, không chỉ diễn xuất thượng thặng trên sân khấu kịch mà cả trên phim điện ảnh và truyền hình. Chị có nghĩ đó là định mệnh?

- NSND KIM XUÂN: Tôi nghĩ rằng mình như một con thuyền, nước lên thì cứ trôi. Có điều tôi không thả mình trôi trong vô định. Tôi đến với nghề diễn viên là nối nghiệp cha - nghệ sĩ hề Vui Tươi của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Ông là niềm tự hào của gia đình chúng tôi. Tôi bước theo con đường làm nghệ thuật của ông nhưng khởi đầu thì mù mịt lắm. Có lúc tôi đã định bỏ nghề, đi kinh doanh để mưu sinh, vì thời đó diễn kịch, đi tấu hài chẳng được nhiều tiền như sau này. Nhưng vì cứ canh cánh trong lòng lời dạy của cha: "Đã theo nghề thì phải làm sao cho đáng", tôi cứ như con ong thợ, cần mẫn, việc đến thì làm và làm hết mình. Từ kịch đến phim, chẳng phân biệt vai lớn, vai nhỏ, chỉ biết sống chết với nó. Tôi may mắn có quá trình học và thực hành trên Sân khấu Kịch Cửu Long Giang rồi nhờ trải qua nhiều chặng đường, lắm thăng trầm, dâu bể mà cứng cáp hơn trong nghề.

Kim Xuân và Thành Lộc trong vở kịch “Gươm lạc giữa rừng hoa” trên Sân khấu Kịch IDECAF Ảnh: Thanh Hiệp

Kim Xuân và Thành Lộc trong vở kịch “Gươm lạc giữa rừng hoa” trên Sân khấu Kịch IDECAF Ảnh: Thanh Hiệp

45 năm theo nghề diễn, trên sân khấu kịch và cả trên phim, NSND Kim Xuân ghi dấu ấn đẹp trong lòng khán giả qua rất nhiều vai diễn. Tính cách nhân vật nào chị yêu thích nhất, đòi hỏi chị có nhiều sự trải nghiệm nhất?

- Tính cách người mẹ. Phụ nữ làm nghề diễn viên có những chặng đường mà sự trải nghiệm cho mình cảm nhân vật sâu sắc hơn đàn ông. Tôi tin như vậy. Bởi khi là thiếu nữ, nhìn ánh đèn sân khấu thanh xuân lắm. Khi được yêu, được cầu hôn, làm vợ, làm mẹ, rồi lên chức bà nội, mỗi cung bậc giúp cho vai người mẹ thấm đẫm tình thương yêu như chính tính cách của nhân vật đó viết cho mình diễn, để mình thêm da, đắp thịt vào bằng những trải nghiệm của chính mình. Vai bà mẹ trong vở "Mênh mông tình mẹ" mà tôi được trao Giải Mai Vàng, chất chứa nhiều nỗi niềm của tôi nhất. Lúc diễn vai này, tôi nhớ đôi mắt của mẹ tôi, chứa chan biết bao vui buồn của cuộc đời, dù khi mệt mỏi hay buồn phiền, đôi mắt ấy vẫn ánh lên sự trìu mến, che giấu lo lắng để nuôi tôi khôn lớn. Tôi đang diễn hai vai mới trong phim truyền hình, đều đóng vai bà mẹ. Đó là bà hội đồng trong "Yêu trong đau thương" của đạo diễn Chu Thiện và vai bà nội rất tân tiến trong phim "Người thứ ba" của đạo diễn Ngọc Hùng. Và tôi tiếp tục đắp những trải nghiệm của chính mình vào tính cách người mẹ, hoàn thiện thêm bức tranh diễn xuất của mình về loại vai mà tôi yêu.

Nhiều diễn viên sân khấu chuyển sang đóng phim vẫn bị cho là "kịch hóa". Riêng chị hoàn toàn không. Phải chăng chị có bí quyết?

- Tôi sống với nhân vật và tìm cốt lõi của tâm lý, hình thể để khắc họa. Cũng chẳng có bí quyết gì, tôi cứ để cốt cách vai diễn trên trang bản thảo kịch bản nhập hồn vào mình là được.

Thiếu niềm tin về điện ảnh

Chị nghĩ gì khi hiện nay phim truyền hình phía Nam đang trong tình trạng tuột dốc?

- Tôi cho chất lượng phim kém, làm quá ẩu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phim truyền hình phía Nam sụt giảm người xem. Phim lên sóng phải giúp nhà đầu tư tìm được quảng cáo, không có quảng cáo thì chỉ cất kho. Hiện nay sự dễ dãi trong sản xuất bắt đầu lây đến dòng phim web-drama, nếu cứ chấp nhận làm ẩu, ăn vội thì khán giả sẽ quay lưng.

Chị gắn bó nhiều với phim chắc hiểu rõ. Theo chị, khâu nào cần chú trọng để phim Việt khá hơn?

- Khâu nào cũng cần nhưng theo tôi, khâu kịch bản là cần thiết nhất. Bản thân nghệ sĩ chúng tôi đã từng phải gia cố thêm cho kịch bản phân cảnh, có khi viết lại hoàn toàn lời thoại để khi ra trường quay có thể yên tâm diễn. Cũng như lĩnh vực sân khấu, khâu kịch bản quá yếu, là thực trạng báo động. Nhà sản xuất phải mua bản quyền phim của các nước để Việt hóa là vậy. Nhưng đâu phải phim nào Việt hóa cũng hay. Vì thế, đội ngũ biên kịch không được đào tạo, không có tâm huyết, chỉ chạy theo thị hiếu dẫn đến phim Việt kém dần. Chấn chỉnh từ khâu này, may ra còn có niềm tin để nói về những tác phẩm điện ảnh, truyền hình tử tế trong tương lai.

Nội lực được đúc bằng lửa yêu nghề

Chị có lợi thế được đóng đủ tính cách, từ hiền lành đến dữ dội, thậm chí ác độc; từ tiểu thư đài các cho đến con nhà nông… loại vai nào cũng đạt. Diễn xuất đa dạng đó phải chăng nhờ tích lũy trải nghiệm từ cuộc đời của mình? Sàn diễn kịch nói hiện nay đang cần nhiều nữ diễn viên đa dạng như thế. Theo chị, diễn viên trẻ có thể tự tin tiếp cận sự đa dạng trong diễn xuất như chị không và họ cần phải rèn luyện như thế nào?

- Diễn viên trẻ ngày nay điều kiện nổi tiếng hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Nhưng tích lũy vốn sống đúng chất đời không thể bằng thế hệ chúng tôi.

Văn hóa đọc của lớp trẻ bây giờ có vấn đề. Các em còn chưa biết trang điểm cho giọng thoại của mình bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau thì làm sao đòi hỏi sự đa dạng diễn xuất. Lười tập luyện và quan sát là căn bệnh giết chết sự sáng tạo của diễn viên.

Theo chị, phẩm chất nào đáng quý của nghề diễn viên trong thời buổi nhiều thử thách như hiện nay?

- Sự chuyên cần trong lao động nghệ thuật. Bây giờ ra phim trường, diễn viên cứ chăm chăm vào điện thoại, nếu không nhắn tin thì chụp hình, vui đùa nhiều hơn là tập trung cho vai diễn. Tôi chỉ mong các bạn trẻ đứng lên từ đôi chân mình, phải có nội lực. Nội lực được đúc bằng lửa yêu nghề, ham học hỏi.

Vẫn thích làm diễn viên hơn

Cuộc sống của chị hiện nay thế nào? Có con trai theo nghề ca sĩ, thế hệ thứ ba theo nghệ thuật, chị có nghĩ đó là truyền thống nối nghiệp?

- Tôi thấy mình hạnh phúc. Niềm vui bây giờ của tôi là cháu nội. Tôi cố gắng làm điều tốt để sau này cháu không hổ thẹn khi nói về ông bà của mình. Chúng tôi không quan trọng cháu có nối nghiệp hay không. Hãy để cháu lớn lên và học hành tốt nhất, sau đó tự chọn nghề mà cháu thích.

Dự định của chị trong năm nay, có gì mới?

- Tôi đang làm công việc dẫn chương trình "Nông dân xin chào" cùng với NSƯT Nguyễn Thành Vinh, công việc này cũng thú vị lắm. Tôi vẫn thích làm diễn viên hơn vì được sống cho vai diễn đời hơn.

Trong suốt 45 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Kim Xuân được khán giả yêu mến qua nhiều vai diễn ấn tượng trong những vở diễn: “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Cõi tình”, “Đôi bông tai”, “Đời chỉ có một lần”, “Hành trình vượt dốc”, “Mimosa”, “Cho tình yêu mai sau”, “Thời con gái đã xa”, “Nhân danh công lý”, “Người đàn bà mộng du”, “Cơn mê cuối cùng”... và trong nhiều bộ phim: “Xương rồng đen”, “Người tìm vàng”, “Ngọn cỏ gió đùa”, “Cái chết của nhà tỉ phú”, “Sài Gòn xa xăm”, “Em là bà nội của anh”, “Dù gió có thổi”, “Tấm Cám”, “Sắc đẹp dối trá” (đang chiếu tại các rạp)...

Thanh Hiệp thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsnd-kim-xuan-mot-doi-say-me-sang-tao-20200215202827342.htm