NSND Hoàng Hải: Giữ lửa nghệ thuật từ hơi thở và nhịp sống xứ Thanh

Điều đặc sắc trong bộ 4 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước của ông, là cái tên nào cũng đậm chất Thanh Hóa, đó là 'Xuân Phả khúc khải hoàn,' 'Hò Sông Mã,' 'Hướng đăng' và 'Vĩnh biệt hoa Anh Túc.'

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải trong bữa tiệc thân mật mừng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật danh giá. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải trong bữa tiệc thân mật mừng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật danh giá. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong tiệc mừng Giải thưởng Nhà nước danh giá năm 2022 (trao giải năm 2023), Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải gửi lời cảm ơn những người lãnh đạo, đồng nghiệp và gia đình.

Trong đó có một điều đặc biệt mà ông coi là "bệ phóng," đó là nhân dân, mảnh đất Thanh Hóa đã vun đắp, sinh ra ông và các điệu dân ca, dân vũ. Với Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải, chính hơi thở, nhịp sống của Thanh Hóa đã hun đúc lại, đem đến những giá trị văn hóa phong phú, gìn giữ bản sắc và làm đẹp cho đời.

Phải sáng tác sao cho ra "chất riêng"

Những nỗ lực trong nghề của biên đạo múa kỳ cựu-Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải xuất phát từ năng khiếu, đam mê khi mới khoảng 10-12 tuổi. Ban ngày cậu bé Hoàng Hải đi chăn trâu, tối đến cùng ngồi học "lỏm" lớp đàn-hát của các anh lớn trong làng.

Là một người con xứ Thanh, ông rất ham học, lại được nhà nghiên cứu-nhạc sỹ Văn Hòe phát hiện có năng khiếu về âm nhạc, tiết tấu nên đã tuyển đầu tiên vào Đoàn văn công lưu động tỉnh (tiền thân của Đoàn ca múa nhạc tỉnh Thanh Hóa này nay) khi mới 18 tuổi. Vì vậy, tài năng âm nhạc trong ông sớm được nuôi dưỡng.

Đến khi đi học tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải tiếp thu quan điểm sáng tác rất hiện đại của những giảng viên Liên Xô: Các anh học các động tác ba lê của nước ngoài, nhưng khi sáng tác, hãy làm nên ngôn ngữ riêng của Việt Nam, của dân tộc các anh, của vùng mà các anh đang sinh sống. Như vậy mới có thể làm ra những cái riêng.

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật trong tháng 5/2023 vừa qua. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Từ đó, ông liên tục đi nghiên cứu văn hóa truyền thống, dân gian. Thuở ấy không có máy ghi âm, ghi hình, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải vừa ghi lại trên giấy bút, vừa ghi nhớ bằng trí óc, học thuộc đến khi những động tác, giai điệu ngấm vào cơ thể một cách đầy tự nhiên.

Nhờ vậy mà ông hiểu và hình thành quan niệm: "Muốn làm một cái nhà, chúng ta cần vật liệu xây dựng, còn muốn sáng tác một bài hát có tính độc đáo riêng, thì phải sử dụng chất liệu dân gian riêng, cái gốc của địa phương để phát triển thành nghệ thuật mới, mang phong cách, ngôn ngữ vùng miền. Có vậy, nó trở nên độc đáo là chính nó."

Đến nay, khi ở độ bát tuần, ông đã "dắt túi" khối kiến thức dày dặn về trò diễn Xuân Phả, múa đèn xã Đông Anh, các điệu hò sông Mã, múa bắt rùa của người Dao và hàng loạt điệu múa truyền thống của các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú... thuộc vùng cao Thanh Hóa.

Với cụm 4 tác phẩm: Kịch múa "Vĩnh biệt hoa Anh Túc," tiết mục múa "Hò Sông Mã," "Hướng đăng" "Khúc khải hoàn," Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 (được trao tặng năm 2003).

Ở tuổi 84, ông vẫn đạo diễn, chỉ huy dàn đồng ca với đầy năng lượng, nhiệt huyết. (Ảnh: Thanh Hà)

Tiến sỹ-Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Văn Quang (nguyên là Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, Trưởng ban lý luận Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam hiện nay) cho biết khi người đồng nghiệp-đàn anh Hoàng Hải nộp hồ sơ xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, hội đồng đã nhất trí 100% bầu cho ông.

"Với tác giả được đưa lên bầu Giải thưởng Nhà nước, ngoài 'phần cứng' là các tác phẩm có giá trị thì còn phải xét về nhân cách người nghệ sỹ. Phải nói, các tác phẩm của Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải vừa có giá trị nghệ thuật, sức sống trong xã hội, lại vừa có tính giáo dục và thẩm mỹ cao. Cùng với đó, anh rất được đồng nghiệp quý mến, tôn trọng và ngưỡng mộ," Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang nhận xét.

Chất liệu Thanh Hóa đậm đặc

Nhắc đến Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải là nhắc đến . Đây là trò diễn được cho là đã có mặt tại vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) hơn 1000 năm nay. Trò diễn mô tả cảnh 5 quốc gia/tộc người cổ trong nước và trong khu vực tiến cống, biểu diễn văn nghệ để mừng chiến thắng quân xâm lược của hoàng đế nước Việt xưa, với nhiều động tác đặc trưng.

Cùng biên đạo múa-Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Xuân Định, biên đạo múa Hoàng Hải đã tái hiện hình ảnh nghĩa quân Lam Sơn đại phá quân Minh trong "Khúc khải hoàn" (hay "Xuân Phả khúc khải hoàn")- một trong 4 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước của Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải. Tiết mục múa này đã mượn nhiều động tác của trò Xuân Phả, như động tác đi sát mặt đất, lúc thì kiễng lên rồi lướt đi, động tác tay cầm roi ngựa nhưng được để ngang tai chứ không giơ quá đầu hay động tác giật vai... quen thuộc.

Cũng khai thác chất dân gian xứ Thanh chính là tiết mục "Hướng đăng," được nghệ sỹ phát triển từ điệu múa đèn của vùng Đông Anh, Đông Sơn đầy đặc trưng.

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải cùng một nghệ sỹ múa Xuân Phả. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Chất cần lao của trai đò sông Mã cũng được ông và đồng biên đạo múa-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Cường đưa vào tác phẩm của mình - tiết mục múa "Hò Sông Mã." Theo nghệ sỹ Hoàng Hải, dường như những điệu hò càng đến khuya càng hay hơn, bởi bấy giờ, công việc của người lái đò cũng thêm phần vất vả.

"Điệu hò Thanh Hóa 'dô tá dô tà' rất khác với những điệu hò sông Hương, điệu hò Đồng Tháp Mười... Nó lên thác xuống ghềnh, vừa khỏe khắn, vừa trữ tình. Chúng tôi không thể quên những câu dô ta, dô hầy, những 'gió lên cho sóng vỗ bờ, cho mây theo gió cho đò anh xuôi,' hay 'bóng trăng em ngỡ bóng đèn, bóng cây em tưởng bóng thuyền anh sang'..." ông vừa kể, vừa nhẩm hát theo giai điệu.

Hơn 30 năm trước trong một lần cùng đoàn văn công của tỉnh đi biểu diễn phục vụ biên giới tại Quan Hóa (Mường Lát nay), Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải trực tiếp chứng kiến một trường hợp người dân tộc Mông lăn lộn trong cơn vật thuốc phiện. Trong khi người vợ hoảng loạn cầu cứu, ông đã cùng đồng nghiệp trực tiếp lao vào, mỗi người một tay, ai nấy đều cố gắng trấn áp người đàn ông đang giãy giụa, cào xé chính da thịt mình.

Thấy cảnh tượng khổ sở, ông tự nhủ sẽ làm một tác phẩm tuyên truyền để người dân tránh xa thứ độc hại này. Mượn chính những chất liệu múa của người Mông tại đó - bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, huyện Quan Hóa."Vĩnh biệt hoa Anh Túc" và "rinh" về một huy chương vàng trong hội diễn chuyên nghiệp tại Thái Nguyên năm 1997.

Ảnh chụp trong kịch múa ''Vĩnh biệt hoa Anh Túc.'' (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Năm đó, nhiều đội đều chọn cùng chủ đề tuyên truyền phòng chống ma túy, nhưng vở diễn của Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải gây ấn tượng mạnh nhất với khán giả và ban giám khảo. Không chỉ khai thác những động tác múa riêng có của người Mông Pù Nhi, vở diễn của ông còn dùng hình ảnh ẩn dụ những bàn tay của "nàng tiên nâu" vươn ra như những xúc tu, đe dọa tước đi mạng sống của những thanh niên trong bản.

Như vậy, ngay cả với một vở kịch múa tuyên truyền về tác hại của ma túy trong thập niên 90, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải cũng lấy chất liệu của người Mông tại Mường Lát.

Hiện nay khi đã ở tuổi 84, ông vẫn còn dồi dào về năng lượng cũng như sức sáng tác. Với gần 200 huy chương vàng/bạc từ các loại hình hội diễn, trong đó có chuyên nghiệp, ông tự hào khi những tác phẩm của mình chính là gìn giữ bản sắc dân tộc, thực hiện theo lời kêu gọi của Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học-nghệ thuật, làm đẹp cho đời.

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải cũng tâm niệm lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn."

Biên đạo múa-Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải sinh năm 1940 tại Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) trong một gia đình không có nền tảng nghệ thuật. Tuy nhiên, ông lại có năng khiếu về âm nhạc và một tinh thần ham học.

Sau khi tốt nghiệp lớp Biên đạo múa khóa 1 tại Trường Múa Việt Nam năm 1968, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu vốn văn hóa dân gian, tham gia giảng dạy ở Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa, rồi lại tiếp tục theo học lớp sáng tác nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp năm 1998.

Năm 2016, ông Hoàng Hải trở thành người đầu tiên trong ngành múa của tỉnh Thanh Hóa được phong danh hiệu nghệ sỹ nhân dân.

Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất mà ông nghiên cứu là múa Xuân Phả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhiều lần đặt hàng ông biểu diễn múa Xuân Phả trên đường phố Hà Nội, Festival Huế, ở nhiều hội diễn khắp nới... Ông còn chính là người giúp đưa chất Xuân Phả vào vở Hamlet, khi vở diễn kinh điển của sân khấu Anh Quốc này được mang tới Việt Nam năm 2015, tạo nên thành công và chất Việt Nam rất thú vị trong tác phẩm. Ngày nay các nghệ nhân trò Xuân Phả đã mất, nhiều nhà nghiên cứu vẫn phải tìm đến ông như một nghệ nhân thực sự.

Bên cạnh khối lượng giải vàng, bạc khổng lồ trong hội diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải được trao nhiều huân chương cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Hữu nghị (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp với các tiết mục/vở kịch múa như "Âm vang sông Mã," "Múa đèn," "Vĩnh biệt hoa Anh Túc".../.

Minh Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nsnd-hoang-hai-giu-lua-nghe-thuat-tu-hoi-tho-va-nhip-song-xu-thanh/866180.vnp