NSND Đoàn Dũng: 'Diễn viên khóa I' gây ấn tượng trong làng phim Việt

NSND Đoàn Dũng - người thầy, người cha của hàng loạt các lứa nghệ sĩ tên tuổi, đã dành gần như cả cuộc đời tận tâm với con đường nghệ thuật của mình.

Người chiến sĩ trở thành người nghệ sĩ

Hình ảnh NSND Đoàn Dũng khi sinh thời

Hình ảnh NSND Đoàn Dũng khi sinh thời

NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh ngày 15-8-1939 tại Hà Nội (ở làng Thanh Miến, hộ Lục, huyện Thọ Xương, cạnh Quốc Tử Giám).

Anh thanh niên gốc Hà Nội tình nguyện nhập ngũ, thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự đầu tiên của Nhà nước Dân chủ Công hòa ban hành vào năm 1958. Sau khi cởi bỏ quân phục, lòng đầy khát khao mong hiến dâng sức trẻ cho Kế hoạch 5 năm xây dựng CNXH lần thứ nhất, Đoàn Dũng đã ghi danh tham dự kỳ thi và trúng tuyển vào khóa I, khóa đào tạo diễn viên chính quy đầu tiên sau ngày miền Bắc được giải phóng.

Lứa học viên khóa ấy được vinh danh là “Thế hệ Vàng" với những tên tuổi như Thế Anh, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Trần Minh Ngọc, Bích Lân, Xuân Chính, Minh Mẫn…

Không mang vẻ hiện đại lịch lãm như Thế Anh, Doãn Châu, nhưng Đoàn Dũng lại ghi điểm trong mắt người xem bởi chính những đường nét thô nhám, sù sì mà lại vô cùng chân thật, giản dị ấy.

Chỉ bởi một lẽ thường tình, ngoại hình với ánh mắt, cụ cười kia tạo cho các nhân vật dáng dấp thân thương của những người lao động, hiện thân của chính quần chúng nhân dân khi ấy trên sân khấu, màn ảnh.

Vào thời điểm những năm cuối 1960 đầu 1970, văn chương, sân khấu, điện ảnh của nước Xô Viết và các nước XHCN Đông Âu được lưu truyền vào nước ta. Các đoàn nghệ thuật, các chuyên gia nước bạn cũng nhiều lần tới Việt Nam truyền bá.

Cái khó của những nghệ sỹ trẻ mới bước vào nghề là làm sao kết hợp nhuần nhuyễn giữa những yêu cầu của nghệ thuật biểu diễn hiện đại với nghệ thuật truyền thống của cha ông. Vậy nhưng NSND Đoàn Dũng đã xuất sắc ghi dấu ấn của mình trong những vở kịch, những bộ phim điện ảnh.

Tận tâm trong từng vai diễn

NSND Đoàn Dũng đã xuất sắc ghi dấu ấn của mình vào không ít những vở kịch và những bộ phim điện ảnh. Ông được biết đến là một người tận tâm với công việc, với cả nhân vật mà mình thủ vai. Người nghệ sĩ ấy luôn tìm cho mình những cách diễn xuất hay nhất, thật nhất để “thỏa lòng” khán giả.

NSND Đoàn Dũng trong vai Ivanxadin (Vở Người Cầm Súng)

Về phần sân khấu kịch, NSND Đoàn Dũng đã có gần 60 năm làm nghề, một số tác phẩm đã tạo nên tên tuổi của ông phải kể đến: “Đêm Giông tố”, “Đêm đen”, "Nhân chứng và lịch sử”, “Người cầm súng”, “Những bông hoa anh túc”. Nhưng đặc sắc nhất có lẽ vẫn là vai Erostas trong vở “Người đốt đền”. Nhân vận của ông đã để lại cho người xem những trăn trở, suy ngẫm về lẽ đời, để rồi tự vấn bản thân trước câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại”.

NSND Đoàn Dũng được chuyên gia Bungrari NSND Saxôtrôianốp, đạo diễn vở Người đốt đền, phân công vai Erostas. Quá trình xây dựng vở kịch có nhiều khó khăn, vất vả nhưng cuối cùng lại trở thành một tiếng vang lớn trong lòng khán giả từ Nam ra Bắc. Đi tới đâu người ta cũng nhắc đến tên Erostas. Cho đến tận bây giờ vẫn có người nhắc đến hình tượng nhân vật bất hủ đó. Có một chi tiết khi nhân vật Erostas tung đồng xu lên rồi ngửa tay bắt lấy đồng xu…

Nhiều đêm diễn không sao nhưng có một hôm đang diễn bỗng nhiên nghe thấy một khán giả kêu lên: “Nó bắt đồng xu giả đấy”. Đêm hôm đó ông về không ngủ được, suy nghĩ mông lung mãi đến gần sáng thì nảy ra được cách xử lý khác đi. Khi tung đồng xu lên ông đỡ lấy vào giữa lòng bàn tay, sau đó cầm đồng xu đưa lên hàm răng cắn và cười ngạo nghễ sau mới úp tay vào xóc xóc xem số phận đỏ đen! Khán giả ồ lên thích thú. Điều này cũng rất đúng với quá trình sáng tạo hình tượng nhân vật, nhiều khi tập mãi ở sàn diễn mà không tìm ra cách xử lý hay, cho đến khi khán giả xem và có những phản hồi ngược lại.

Phim Tình yêu bên bờ vực thẳm

Đối với phim điện ảnh, NSND Đoàn Dũng cũng nghiên cứu những vai diễn thật kỹ lưỡng để đảm bảo lột tả chân thật nhất những cá tính nhân vật, xây đắp cho hình tượng nhân vật một đời sống nội tâm phong phú.

Nghệ sỹ Đoàn Dũng từng đảm nhận nhiều vai diễn trong hàng chục bộ phim như: “Biển lửa", “Tiếng gọi phía trước”, “Rừng O Thắm”, “Ngày lễ thánh”, “Trừng phạt”, “Dòng sông thơ ấu”, “Ông Hội đồng”, “Chân trời nơi ấy”,"Tình yêu bên bờ vực thẳm"...

Hai vai diễn màn ảnh, hiện thân của hai kiểu người sống ở hai thời kỳ khác nhau, với những diễn biến tâm lý, với cách hành xứ rất khác nhau, nhưng trong cách thể hiện của nghệ sỹ Đoàn Dũng đã đạt tới hai hình tượng sẽ còn lưu giữ rất lâu trong lịch sử nền điện ảnh Việt Nam.

Đó là anh Trung sỹ Vệ trong bộ phim “Vĩ tuyến 17-Ngày và Đêm”- một dáng hình ngơ ngác, mệt mỏi, của thân phận lính đánh thuê vì miếng cơm manh áo nuôi đàn con dại. Và Hoàng Hoa Thám, oai phong, lẫm liệt, “hùm xám của vùng rừng núi Yên Thế” trong phim “Thủ lĩnh áo nâu”.

Có thể khẳng định, cho đến tận hôm nay nhân vật “Anh hùng áo vải” Đề Thám vẫn là một trong số ít những hình tượng trong sử sách đã được khắc họa hoàn chỉnh, công phu chạm tới trái tim khán giả.

Người thầy tận tâm trên bục giảng

Hình ảnh NSND Đoàn Dũng bên học trò cũ

Sau này, ngay cả khi không còn diễn NSND Đoàn Dũng cũng cống hiến hết những gì mình có, truyền cảm hứng cho những lứa nghệ sĩ sau. Ông vào Nam làm giảng viên Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM, rồi làm hiệu phó, sau đó là hiệu trưởng nhà trường, đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên giỏi cho sân khấu khu vực phía Nam.

Nhiều học trò của ông hôm nay đã trở thành những nghệ sỹ tên tuổi được công chúng yêu sân khấu - điện ảnh tin yêu, mến mộ như Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Việt Trinh, Hữu Nghĩa, Quyền Linh… Anh chị em nghệ sỹ này luôn luôn nhớ thầy Đoàn Dũng thường lấy câu Kiều: “...chữ Tâm kia mới bẳng ba chữ Tài” để nhắc nhở, khuyên bảo họ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và sau này trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

"Ông là bậc thầy về diễn xuất, đạo diễn với nhiều thành tựu rực sáng trên bầu trời nghệ thuật nước nhà. Những ý kiến nhận xét của ông rất có giá trị cho việc đúc kết kinh nghiệm giảng dạy. Ông còn là vị hiệu trưởng có nhiều công lao đóng góp đối với Trường Nghệ thuật Sân khấu II, sau đó nâng cấp thành cao đẳng, rồi đại học. Qua các bước phát triển đều có công lao đóng góp của ông" - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Công Ninh xúc động chia sẻ.

NSND Đoàn Dũng đã viết nhiều giáo trình giảng dạy, đưa nhiều phương pháp đào tạo mới về mặt bố cục sân khấu, phân tích tâm lý nhân vật qua những kinh nghiệm thực tiễn mà ông đã đúc kết qua hàng trăm vai diễn trên sân khấu, trên phim trường.

Minh Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nsnd-doan-dung-dien-vien-khoa-i-gay-an-tuong-trong-lang-phim-viet/782318.antd