NSND Bạch Tuyết: Sợ cũ với mình và khán giả

Tôi luôn sống và làm việc như chỉ còn một ngày cuối cùng trong đời - NSND Bạch Tuyết bày tỏ và cho biết bà luôn xác định mục tiêu phải làm mới mình liên tục

Phóng viên: Được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ cải lương luôn tiên phong trong việc sáng tác những bài vọng cổ mang tính thời sự, dường như đó là cách bà muốn thể nghiệm bài vọng cổ để nó hấp dẫn giới trẻ hôm nay?

- NSND BẠCH TUYẾT: Tôi là một nghệ sĩ thích làm việc, thích quan sát, thích tìm hiểu cái mới. Nghệ thuật cải lương vốn là ngôi nhà mở toang cửa chào đón những cải cách, dung nạp những tinh hoa để hoàn thiện mỗi ngày và hướng đến công chúng trẻ.

Sau những bài ca cổ do tôi sáng tác, được cover từ các ca khúc đang nổi của ca sĩ trẻ đương thời, cải lương đã có thêm một số "fan" trẻ, mới tinh, háo hức tìm hiểu, bày tỏ suy nghĩ về bài vọng cổ, về cải lương. Qua chương trình "Cải lương đồng hành thời Covid" với bài: "Ông bà anh thời Covid", "Sài Gòn mùa này quá dễ thương", "Nếu một ngày mẹ phải bị cách ly"…, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc, chứng tỏ họ quan tâm và tôi nhận được sự phản hồi tích cực.

Không phiền muộn, hối tiếc

Thực hiện kênh YouTube của mình, bà mong muốn tác động đến giới trẻ về tình yêu dành cho sân khấu dân tộc?

- Tôi là người Việt Nam, tôi mang tâm hồn và vóc dáng Việt Nam qua nghệ thuật cải lương dân tộc. Tôi đang làm điều mình thích và rất hạnh phúc khi có nhiều người tốt cũng đang thích như mình.

Dù là ngôi sao của sân khấu cải lương nhiều thập kỷ qua nhưng bà vẫn thích làm mới mình, đôi khi trở nên đơn độc như cách "diễn kịch một mình", "diễn cải lương một mình", "chuyển thể nhạc trẻ gắn với vọng cổ"… Nhiều người không hiểu lại cho rằng phải chăng bà đang đánh bóng tên tuổi?

NSND Bạch Tuyết Ảnh: LOAN DƯƠNG

NSND Bạch Tuyết Ảnh: LOAN DƯƠNG

- Con chim bay trong bầu trời, nếu thích, nó bất chợt đậu trên sợi dây điện trong thành phố và cất tiếng hót. Tôi đang tự hỏi nó có quan tâm đó là sợi dây nóng hay lạnh? Và tôi thấy mình đã, đang sống và làm việc như thế!

Bước chân vào nghề và thành danh từ lúc còn rất trẻ, đoạt hai HCV Thanh Tâm ở hạng mục triển vọng và xuất sắc, cho đến nay vẫn là ngôi sao thế hệ vàng của sân khấu cải lương và đã làm thầy đứng trên bục giảng, dìu dắt nhiều thế hệ diễn viên trẻ thành công, bà còn hối tiếc điều gì chưa thực hiện được?

- Tôi luôn sống và làm việc như chỉ còn một ngày cuối trong đời. Tôi sống hạnh phúc, không phiền muộn, không hối tiếc. Và tôi vẫn luôn nói với các "đồng nghiệp trẻ" của mình hãy sống tử tế trong học tập, lao động nghệ thuật để trả ơn cuộc đời, đáp ơn cha mẹ, làm mới bản thân, để không hối tiếc mỗi khi nhìn lại chặng đường đã qua.

Biết ơn các bậc tiền nhân

Nếu tự đánh giá, bà thấy điều gì làm nên sự khác biệt của "Cải lương chi bảo" - danh hiệu mà soạn giả Hoa Phượng phong tặng và đã gắn với nghệ danh bà đến hôm nay - so với các nghệ sĩ sân khấu cải lương khác?

- Trong vở "Đời cô Lựu" của soạn giả Trần Hữu Trang, tôi học được câu nhân vật cô Lựu nói với con gái Kim Anh khi năn nỉ mẹ đi đến đám cúng đình trong làng: "Con cứ lên trên đó đi, rồi coi bà con làm sao mình cứ làm y vậy".

Từ việc đặt mình vào chuyện phải học, phải đi tới, tôi không muốn bản thân bị cũ trong mắt mình, trong mắt khán giả từng yêu mến tôi.

Tôi mang ơn soạn giả Hoa Phượng đã đặt cho tôi danh hiệu đó. Đồng thời, đó cũng là áp lực đối với tôi trong việc cẩn trọng giữ gìn, biết ơn các bậc tiền nhân.

Để không bị tai tiếng và tránh bị đào thải trong nghề, bà đã đặt ra cho mình nguyên tắc nào? Bà luôn thích sự bứt phá trong nghệ thuật?

- Sống có nghĩa là vừa chạy vừa sắp hàng, lỡ đụng ai, phải hay quấy, cứ cúi đầu xin lỗi rồi chạy tiếp.Tôi nghĩ lo nắng lo mưa cũng không tránh được, vậy có gì quan trọng hơn việc sống một đời có ích cho mình, cho người? Muốn bứt phá cũng không thể một mình mà làm được. Nghệ thuật cải lương là sự tổng hợp nhiều khâu, hãy tự nỗ lực và đi tìm sự đoàn kết từ những con người tâm huyết, hết lòng với từng dự án.

Tôi yêu quý, kính trọng các bạn trẻ hình thành chương trình "Cải lương - trăm năm nguồn cội". Họ đã làm việc một cách khoa học, hữu ích để từng khán giả nhiều thế hệ hài lòng, yêu mến, trân quý nghệ thuật cải lương dân tộc - hiện đại, mà ông cha ta đã kiến tạo, phát triển suốt hơn 100 năm qua trong hoàn cảnh đối đầu những cuộc xâm lược.

Niềm tin sẽ có một thế hệ vàng

Các nhà chuyên môn cho rằng suốt nhiều năm qua, sân khấu cải lương không tìm được thế hệ nghệ sĩ vàng tiếp nối sau thế hệ của Bạch Tuyết. Theo bà, nguyên nhân là từ đâu?

- Nói điều ai cũng biết thì quá dễ, nói nhiều rồi. Hãy cứ bắt tay vào làm, đừng đổ thừa, đừng trách cứ. Một vài nguyên nhân xuất phát từ việc chưa thật sự quan tâm, nhìn nhận đúng mức giá trị của cái gọi là "nghệ thuật cải lương", trong nền tảng văn hóa dân tộc, hiện đại, giúp cải lương có thêm sức mạnh góp phần làm mới diện mạo văn hóa Việt thời 4.0, đồng thời đẩy lùi những tiêu cực không đáng có, tạo niềm tin cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Thế hệ vàng cải lương chúng tôi đã được bà con tin cậy, cho rằng có nhiều ưu thế hơn các em bây giờ. Họ được bảo đảm cuộc sống, được rèn luyện mài giũa nghề liên tục, được thử thách trong muôn vàn bài học từ các bậc thầy truyền thông, soạn giả, danh cầm; trình độ kiến thức, văn hóa thưởng ngoạn, nhà hát khang trang hiện đại… nên vai nào ra vai nấy, cách ca diễn mỗi ngày được chăm chút cẩn trọng, thay đổi theo cảm nhận, diễn biến của thời cuộc.

Sắp tới đây, mong rằng cải lương sẽ được chăm chút thấu đáo, được sắp xếp, định hướng, để các tài năng trẻ không có cảm giác bị thả nổi như hiện nay. Tôi tin rằng chúng ta nhất định sẽ có một thế hệ vàng tận tâm tận lực cống hiến cho nghệ thuật cải lương dân tộc, đủ sức đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Điều gì khiến bà trăn trở nhất hiện nay về sàn diễn cải lương? Nếu cần một việc được xem là trọng tâm khôi phục hoạt động của sàn diễn cải lương chuyên nghiệp thì bà sẽ đề xuất việc gì?

- Tôi tin rằng mọi người đều thông minh và tốt hơn mình. Thế giới cũng chẳng bị tác động gì khi không có mình! Phần tôi sẽ làm những việc có thể, trong khả năng hạn hẹp. Tôi có chút trăn trở khi sân khấu cải lương còn chưa hoàn thiện "chiến lược của một tầm nhìn" rộng hơn, để mọi người yêu nước, yêu dân tộc hào hứng, phấn khởi, phát huy và kiến tạo những giá trị mới cho cải lương. Việc xây nhà hát đúng chuẩn, việc đào tạo, giáo trình, chuẩn mực ca - diễn, đội ngũ sáng tác, dàn nhạc cổ - nhạc tân, thiết kế mỹ thuật, nhất là trình độ quản lý với tư duy khoa học…, tất cả có vẻ như… đều thiếu. Chúng ta rõ ràng đang cần những thế hệ kế thừa khơi dậy tinh thần dân tộc từ cải lương - loại hình nghệ thuật mang chức trách "nhân dạng quốc gia" (National Identity), một trong những yếu tố không thể thiếu khi nói đến nền tảng văn hóa dân tộc.

"Tôi là tôi, tôi tin mình"

Hạnh phúc của gia đình có là điểm tựa của bà trong nghệ thuật, khi mà con trai và các cháu nội ở xa, nhiều năm qua bà gần như chỉ sống một mình?

- Tôi chưa từng sống một mình. Tôi hạnh phúc vì được sống trong vòng tay lớn của sự yêu thương, bảo bọc, trân trọng từ bạn bè, khán giả.

Đâu là điểm yếu khiến bà dễ bị tổn thương nhất?

- Tôi là tôi. Tôi tin mình! Điểm yếu là quá thương mọi người, quá thương thiên nhiên! Tôi chỉ sợ điều duy nhất là vô tình mình làm tổn thương người và vật mà không biết làm sao gửi lời sám hối.

Không chạy theo "chuẩn" nào

Bà có thể chia sẻ với khán giả về những dự án sắp tới?

- Tôi nhận lời làm bất cứ việc gì trước tiên đều do mình thích và nhận thấy hợp lý đối với bản thân vào thời điểm đó. Tôi không đặt ra chuẩn nào để bắt mình phải chạy theo. Trời đất có bốn mùa, mùa nào làm việc nấy, miễn có lợi cho cái chung và không làm mình mệt vì sự gượng ép.

Thanh Hiệp thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nsnd-bach-tuyet-so-cu-voi-minh-va-khan-gia-20200516211537298.htm