NS Quang Khải: Trai xứ Nghệ thành danh cải lương đất Bắc

Vài năm gần đây, Quang Khải là gương mặt diễn viên cải lương đất Bắc hiếm hoi được khán giả miền Nam nhớ đến nhờ liên tục xuất hiện trong những vở diễn được đầu tư lớn và có điều kiện lưu diễn phương Nam.

Đó là những vở của Nhà hát Cải lương Việt Nam, trong đó có không ít vở được đầu tư tiền tỉ, như: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng đông, Vua Phật, Ni sư Hương Tràng, Ngạ quỷ, Người đi tìm minh chủ… Gần nhất là vở Thầy Ba Đợi, công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang thực hiện công diễn vào tháng 4/2018 tại nhà hát Bến Thành, TP.HCM, tập hợp diễn viên cải lương của hai miền Nam - Bắc. Trong đó, Quang Khải vinh hạnh được đứng cạnh các tài danh, đàn anh trong nghề như NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh và NSƯT Lê Tứ cùng thể hiện nhân vật nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức thầy Ba Đợi).

 NS Quang Khải trong vở "Mai Hắc Đế". Ảnh: Đoàn Trân.

NS Quang Khải trong vở "Mai Hắc Đế". Ảnh: Đoàn Trân.

Khởi đầu lận đận

Khải sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An mê nghệ thuật truyền thống. Ông nội anh chơi nhạc ở triều đình Huế, bố và các cô chú đều biết chơi đàn và hát chèo, dân ca Nghệ Tĩnh, chú út là nghệ sĩ của Đoàn cải lương Bông sen trắng. Những ngày thơ ấu, suốt ngày phụ với ba mẹ đồng áng, rồi đi bán kem, giao bánh mì để lo cho các em ăn học, nhưng Khải vẫn âm thầm nuôi lớn giấc mơ làm nghệ sĩ.

Hết lớp 12, rời quê nhà, anh thi vào khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hành trang là giọng xứ Nghệ đặc sệt mà thầy cô và bạn bè hết sức… khổ sở để lắng nghe xem anh nói gì. Vậy mà bằng tình yêu cải lương, anh đã nỗ lực hết mình để tốt nghiệp loại giỏi và được nhận về Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NS Quang Khải và Như Quỳnh trong vở "Mê cung". Ảnh: Đoàn Trân.

Một thân một mình ở thủ đô, cơ hội nghề nghiệp chưa nhiều, lập gia đình và rồi cơm áo gạo tiền như cơn lốc cuốn chàng diễn viên trẻ đến những công việc bên lề nghiệp hát. Cho mướn âm thanh, rồi phụ trách luôn khâu kỹ thuật, có bữa cần lấp thời gian trống thì người ta kêu “anh âm thanh” lên hát vài bài. Cứ vậy, anh làm MC của… đủ thứ đám, rồi thử sức với công việc hướng dẫn viên du lịch.

Những loại công việc tưởng chừng khiến Khải “lạc lối”, không còn đường quay lại với nghề. Bởi có lúc quá sức anh bị mất giọng, chùng dây thanh đới, tai bị ù không nghe được nhạc. Nhưng nói như người trong nghề, có lẽ Tổ còn thương nên năm 2010 khi Khải chuyển về đoàn 1 của nhà hát do đạo diễn Triệu Trung Kiên (hiện là Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) phụ trách. Với Khải, Triệu Trung Kiên không chỉ là người anh lớn, mà còn là người thầy, người bạn đã giúp anh rất nhiều để lấy lại “công lực” trong nghề.

Triệu Trung Kiên từng tâm sự, ở Khải anh nhìn thấy được tiềm năng để phát triển, anh đặt kỳ vọng và hướng dẫn Khải trở thành anh kép cải lương sáng sân khấu với chất giọng nam tính, phong cách biểu diễn văn minh, chững chạc, hiện đại. Năm 2012, sau hơn cả chục năm theo nghề, lần đầu tiên Khải mới được tham Liên hoan cải lương toàn quốc tại Đồng Nai với vai nam chính trong Mê cung, vở diễn đoạt huy chương vàng và đem về cho Khải huy chương vàng cá nhân.

NS Quang Khải vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại (lúc trẻ) trong vở "Thầy Ba Đợi". Ảnh: Quang Định.

Những tích tắc cảm xúc tạo nên nhân vật.

Sau Mê cung, con đường sự nghiệp của Khải sáng hơn khi anh liên tiếp được giao những vai diễn lớn, gây được chú ý trong làng cải lương phía Bắc và đều đặn được vào đất Tổ biểu diễn phục vụ khán giả phương Nam. Qua mỗi nhân vật, Khải cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của mình và rất biết cách đón nhận khen chê của khán giả để bồi đắp thêm hành trình làm nghề.

Trong vở Thầy Ba Đợi, cách thoại và hát cải lương bằng chất giọng xứ Nghệ của Khải khiến không ít người thấy lạ lẫm và thích thú. Nhất là khi anh luyến láy, nhấn nhá một số chữ trong các bài lý, bài bản cải lương, nghe thật thấm và đã tai. Cũng có ý kiến chưa hài lòng khi Thầy Ba Đợi - Quang Khải phản ứng không “dữ dội” ở đoạn "Ái Hoa vì chàng mà phải chịu lấy công tử Hiến". Quang Khải có lý do riêng để nhân vật của mình có độ đằm.

NS Quang Khải (vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại lúc trẻ) và NSƯT Quế Trân (vai Ái Hoa) trong vở Thầy Ba Đợi. Ảnh: Quang Định.

Anh chia sẻ: “Nhạc sư Quang Đại chưa bao giờ cảm thấy yên tâm trong vị trí Danh Nam ở nhà Ái Hoa, ông vẫn thấy mặc cảm về sự “mạo danh” đó. Vả lại, con đường của ông và tổng đốc (ba Ái Hoa) không cùng chí hướng nên dù yêu nàng tha thiết nhưng ông không thể thu xếp những ngổn ngang trong lòng để thể hiện tình cảm. Sự hy sinh của Ái Hoa là cú sốc quá lớn với ông. Ngay lúc đó có người bảo sao ông không lao lên nhưng tôi nghĩ với phông văn hóa của nhạc sư, trong một hoàn cảnh éo le, đó là một sự đau đớn tột cùng khi mất đi người tri kỷ nên tôi muốn diễn tả một nỗi đau không quá ồn ào, nó như một sự chết lặng nhưng đau thấu tim gan…”.

Khải tâm sự, mình quá may mắn khi được giao nhiều nhân vật lớn như chàng Ba (Chuyện tình Khau Vai), Mai Hắc Đế (Mai Hắc Đế), chí sĩ Phan Đăng Lưu (Hừng đông), Phật hoàng Trần Nhân Tông (Vua Phật)… Vì vậy, muốn mỗi nhân vật có nét riêng với Khải thật áp lực và không dễ dàng.

NS Quang Khải và Như Quỳnh trong vở "Chuyện tình Khau Vai". Ảnh: Đoàn Trân.

Để xây dựng hình tượng nhân vật, anh luôn cố gắng tìm một sợi chỉ đỏ nào đó khiến mình rung cảm để nương theo. Đôi khi chỉ là tích tắc cảm xúc nhưng có thể là chìa khóa để Khải khai phá tình cảm, tâm lý nhân vật. Lần vào vai chàng Ba trong Chuyện tình Khau Vai, anh phải lên tận xã Khau Vai, lắng nghe người trưởng thôn kể về những huyền thoại. Đó là phiên chợ để những cố nhân gặp lại nhau, họ có thể ôn lại chuyện cũ, tình cảm yêu đương ngày trước.

Người trưởng thôn kể rằng có anh chàng từng bật khóc khi biết người yêu cũ giờ sống khổ sở, không hạnh phúc. Với Khải đó là một chi tiết rất nhân văn, bởi nó vượt qua tình cảm trần trụi giữa đàn ông và đàn bà. Yêu không cần sở hữu mà chỉ mong cho người yêu được vui vẻ, hạnh phúc. Khải đã đem cái tích tắc cảm xúc đó để xây dựng một chàng Ba thật nồng nàn và ấm áp trong tình yêu trắc trở với nàng Út ở chuyện tình dang dở nơi Khau Vai mây mù giăng lối.

Với nhân vật Mai Hắc Đế, Khải chấp nhận… ăn và tăng cân thật nhanh để từ 66kg, anh nhảy vọt lên 73 kg cho ra vóc dáng của một vị anh hùng vạm vỡ, khỏe mạnh. Rồi học đánh võ, múa kiếm. Ngày công diễn, anh phải mặc thêm trang phục “độn”, giữa mùa hè Hà Nội nóng bức, ngay sau đêm công diễn, với một nhân vật vừa nặng về tâm lý, nặng về diễn xuất - vũ đạo, cánh gà khép lại, Khải chỉ biết dựa vào tường vì mệt lả.

NS Quang Khải và Văn Đáng trong vở "Vua Phật". Ảnh: Đoàn Trân.

Vừa dự thi Liên hoan cải lương toàn quốc 2015 với Mai Hắc Đế xong, Khải phải bay về Hà Nội để chuẩn bị ra mắt vở Vua Phật. Từ 73 kg, trong hơn chục ngày anh bắt mình phải ép cân về đúng trọng lượng ban đầu để ra vóc dáng một nhà sư. Với một nhân vật quan trọng, người thành lập phái Trúc Lâm Yên Tử, một lần nữa Khải hết sức đau đầu vì diễn mãi mà đạo diễn vẫn lắc đầu chưa ra nhân dáng nhà sư. Sau mấy đêm mất ngủ và tìm đến các nhà sư, Khải nghiệm ra mình phải thật sự tịnh tâm và quyết định xuống tóc để có được cảm giác của người tu hành.

Lúc đó, Khải khá đắt sô MC, ca lẻ, xuống tóc nghĩa là anh phải từ chối những lời mời một thời gian. Bài toán cơm áo gạo tiền khiến anh đôi lúc lung lay. Cuối cùng, Khải đã quyết định bởi cơ hội nghề nghiệp của nghệ sĩ cải lương trong thời sân khấu khó thật hiếm hoi. Bỏ qua sự trải nghiệm này có thể trong cuộc đời nghệ thuật của anh sẽ không được may mắn lần nữa…

Vậy đó, biết trân trọng những cơ hội nghề nghiệp đã giúp Khải có thêm nhiều vai hay, ấn tượng trên con đường nghề. Không chỉ dừng ở dạng vai kép đẹp, chánh trực Khải còn thử sức ở vai phản diện trong Người đi tìm minh chủ, vai lão trong Ngạ quỷ… Cứ như vậy, Khải vẫn giữ được tình yêu nồng nàn với nghệ thuật bởi mỗi một nhân vật anh luôn tìm cách mở một cánh cửa mới.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nsut-quang-khai-trai-xu-nghe-thanh-danh-cai-luong-dat-bac-159206.html