Novak Djokovic - bom đạn, kẻ phản diện và số một thế giới

Hành trình từ bom đạn chiến tranh tới một trong những tay vợt vĩ đại nhất thế giới của Novak Djokovic hoàn toàn có thể được chuyển thể thành bộ phim ăn khách.

Tất cả bắt đầu với quê hương của Djokovic, Serbia, nơi trở thành hiểm địa ở châu Âu trong thập niên 90 của thế kỷ trước bởi chiến tranh vì xung đột sắc tộc.

Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 6/1999, khi Djokovic mới 12 tuổi. NATO đã tổ chức ném bom vào Belgrade và những thành phố khác của Serbia mà không cần sự chấp thuận của Liên hợp quốc.

NATO gọi đó là “nỗ lực nhằm ngăn chặn hành động thanh lọc sắc tộc của quân đội và cảnh sát Nam Tư ở Kosovo”, nhưng với những người dân thường như gia đình Novak Djokovic, đó còn hơn cả cơn ác mộng.

Novak Djokovic đang là tay vợt số một thế giới lúc này.

Novak Djokovic đang là tay vợt số một thế giới lúc này.

Trưởng thành từ bom đạn

“Khi máy bay ném bom, chúng tôi không biết được bom sẽ rơi vào đâu. Họ ném bom bất cứ chỗ nào, cầu cống, bệnh viện và có nhiều phụ nữ đang mang bầu đã thiệt mạng. Thật khủng khiếp”, Djordjo Milenic - hàng xóm của gia đình Djokovic sống ở khu nhà kế bên - kể lại với BBC.

Khi tiếng còi báo động không kích dồn dập vang lên, các gia đình với nhiều thế hệ cùng hàng xóm và bạn bè Djokovic đều bước xuống cầu thang qua một số cửa thép và xuống tầng hầm.

Djokovic đã lớn lên trong hoàn cảnh như thế với ông nội của mình. Cha và mẹ anh phải ở lại trung tâm Belgrade để kiếm tiền nuôi 3 người con. Ban ngày, họ dạy trượt tuyết tại khu nghỉ mát trên núi gần Kosovo, cách Belgrade hơn 4 giờ lái xe, ban đêm bán pizza trong nhà hàng.

Quá khứ khốn khó đã tạo ra Nole vô địch của hiện tại. Ảnh: Getty.

Ông Srdjan và bà Dijana phải làm việc không mệt mỏi để kiếm đủ tiền nuôi sự nghiệp quần vợt đang phát triển của Novak, người đã ôm mộng trở thành tay vợt số một thế giới từ khi còn nhỏ và được cha gửi gắm cho đi học quần vợt chuyên nghiệp từ tuổi lên 10.

Bất chấp tất cả điều kiện mà sau này Djokovic thừa nhận là khiến anh phải “tỉnh giấc hàng đêm lúc 2-3h vì các vụ đánh bom”, cậu bé Nole ngày đó chỉ chú ý tới quần vợt.

Người thầy dạy quần vợt của Djokovic khi ấy, ông Bogdan Obradovic, không bao giờ quên kỷ niệm về buổi đầu tiên với Novak. “Tôi hoàn toàn cảm thấy sốc trong buổi tập đầu tiên. Cậu ấy giống như tay vợt chuyên nghiệp ngay từ bước đầu khởi động. Cách cậu ấy chuẩn bị chai nước, quả chuối, khăn lau và mọi thứ. Tất cả đều hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ thấy điều đó ở cậu bé còn nhỏ tuổi như thế".

Không chỉ sớm tỏ ra nghiêm túc và chăm chỉ từ khi còn là cậu nhóc, Djokovic rất cứng rắn để theo đuổi mục tiêu số một thế giới mà mình mơ ước. Tay vợt người Serbia sau này thừa nhận với CBS rằng chính những năm tháng bom đạn ấy đã tạo ra Nole vô địch của hôm nay.

Djokovic được vẽ lên tường tại căn hộ mà anh ở cùng ông khi Belgrade bị đánh bom vào năm 1999. Ảnh: BBC.

"Chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Đó là yếu tố quan trọng nhất để thấu hiểu con đường chúng tôi đã đi qua. Những sự trừng phạt, chiến tranh, đánh bom, khủng hoảng kinh tế khiến tôi bỏ lỡ nhiều giải lớn khi còn nhỏ vì cha mẹ không có tiền", Djokovic kể lại.

"Điều đó giúp chúng tôi cứng cáp. Tôi quý những thứ có được hơn người khác. Chúng tôi khởi đầu từ dưới đáy của sự khổ ải. Tình cảnh khó khăn thời gian đó nằm sâu trong chúng tôi. Có thể nói theo cách khác, chính những trải nghiệm đó đã khiến con người tôi trở nên cứng rắn, khát khao thành công hơn, và đó là các tố chất để tạo nên nhà vô địch", Djokovic quả quyết vào năm 2011.

Nghịch lý Djokovic

Đã giành 16 Grand Slam trong cả sự nghiệp, thậm chí một lần đánh chiếm “Career Grand Slam” (danh hiệu cho tay vợt giữ chức ĐKVĐ của cả 4 Grand Slam trong cùng thời điểm), Nole là một trong những tay vợt giàu thành tích, thậm chí vĩ đại bậc nhất lịch sử. Tuy nhiên, điều kỳ lạ về Djokovic mà tất cả có thể đều đã biết: Nole bị ghét.

Có 933.000 kết quả hiện ra sau 0,51 giây với từ khóa “I hate Djokovic” (Tôi ghét Djokovic) trên Google. Tờ New York Times từng có bài viết về vấn đề này với dòng tiêu đề: “Novak Djokovic - nhà vô địch không được yêu mến”. New Yorker đặt câu hỏi: “Đến khi nào Djokovic mới được trân trọng”. Telegraph còn trực diện hơn: “Sao không ai yêu Djokovic?”.

Nhiều lý do được đặt ra cho “hiện tượng” kỳ quặc này, nhưng phổ biến nhất và cả hút khách nhất là Djokovic không phải Roger Federer. Tờ USAtoday tin điều này là sự thật, và rất nhiều CĐV cũng có chung quan điểm.

Novak Djokovic không hề được yêu mến như Roger Federer.

Vì Federer là tượng đài quá đỗi lớn trong quần vợt, còn Djokovic vươn lên với tham vọng lật đổ. Những CĐV của FedEx vì thế chẳng ưa Nole như lẽ dĩ nhiên, giống như cách họ từng làm với Rafael Nadal.

Trận chung kết Wimbledon 2019 là ví dụ sống động và gần gũi hơn cả. Sân Center Court đã luôn vỗ tay tán thưởng Federer trong suốt cả trận. Để rồi khi Nole giành chức vô địch sau cuộc đấu cân não kéo dài gần 5 tiếng, họ bắt đầu giải tán ngay trong lúc nhà vô địch người Serbia đi một vòng chụp ảnh cùng với chiếc cúp trong tay.

Những CĐV không chịu được thứ tennis lỳ lợm và khô cứng như robot của Nole, đối lập hoàn toàn với phong thái uyển chuyển đầy kỹ thuật của huyền thoại người Thụy Sĩ. Cả 2 đều là những kỷ lục gia, nhưng Federer luôn là người được coi trọng hơn vì thứ tennis giúp anh đi vào lịch sử luôn được coi là chuẩn mực.

Trong khi đó, Nole luôn bị coi là kẻ thích sử dụng chiêu trò và biến cuộc đấu tennis thành bài kiểm tra về sự kiên nhẫn, bình tĩnh nơi đối thủ, để rồi sau cùng anh hủy diệt người đối diện bằng sự tàn nhẫn và khiến họ cảm giác mình như con rối bị giật dây.

Roger Federer là biểu tượng của quần vợt, Djokovic không phải vậy. Ảnh: Getty.

Bản thân Djokovic và Federer cũng từng có lời qua tiếng lại. Hiềm khích giữa Nole và FedEx xảy ra cách đây 12 năm, trong trận đấu thuộc giải Davis Cup giữa Serbia và Thụy Sĩ. Lúc đó, Nole đấu với Stan Wawrinka và hai tay vợt đang thi đấu set thứ 5. Bất thình lình, Nole dính chấn thương và phải nhờ sự trợ giúp của bác sĩ.

Cho rằng Djokovic cố tình "chơi chiêu" để có thời gian nghỉ, Federer nổi đóa và gọi đối thủ là "kẻ gian lận". Chi tiết đó mới khởi đầu cho nhiều giai thoại sau này, đa phần xoay quanh mối quan hệ không ưa nhau giữa Djokovic và Federer, những cây đại thụ của làng banh nỉ.

Cả hai tay vợt không hề nói ra "Tôi ghét anh ta" nhưng cuốn tự truyện của Boris Becker, cựu HLV của Djokovic, một lần vô tình tố giác hai ngôi sao xuất sắc làng banh nỉ thế giới "Federer thực sự rất ghét Djokovic", trang Tennis World USA trích đoạn trong cuốn tự truyện Boris Becker.

Sự đối lập ấy khiến Djokovic trở thành tay vợt vĩ đại, nhưng không được CĐV đại chúng ưa thích, kẻ phản diện thực sự trong tennis, người không mang tới sự hào hoa trong những cú trái một tay như Federer hay sự nỗ lực tột cùng ở những pha cứu bóng như Nadal.

Ông bố Srdjan của Nole từng chỉ trích Federer là "kẻ giả tạo". Ảnh: Getty.

Sở hữu 16 Grand Slam

“Tôi chấp nhận sự thật, tôi không phải là người được yêu quý nhất. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn ở đây để làm công việc, đó là chiến thắng và mong ngày nào đó, tôi cũng sẽ có được chỗ đứng như anh ấy”, Djokovic chìa tay về phía Federer, bại tướng của anh trong trận chung kết US Open 2015. Buổi tối đó ở Flushing Meadows, thống kê chỉ ra 75% lượng khán giả ủng hộ huyền thoại người Thụy Sĩ.

Đó là hành động nhỏ, nhưng ẩn chứa những uẩn ức lớn của Nole về vị thế của anh trong làng banh nỉ. 4 năm sau ngày đó, Nole vẫn chưa thể được yêu mến như Federer. Song có vẻ như tay vợt người Serbia không quá quan tâm hoặc đã quá quen tới sự bất công đó, khi anh làm được vế đầu tiên: Chiến thắng.

Nole ăn cỏ sau khi vô địch Wimbledon 2019 với chiến thắng 3-2 trước Federer.

Sau khi Federer đánh hỏng để dâng cúp vô địch Wimbledon 2019 cho Djokovic, Nole chỉ nhếch miệng cười nhẹ. Anh nhẹ nhàng ngồi xuống, nếm chút cỏ của Wimbledon và rồi tận hưởng chức vô địch Grand Slam lần thứ 16 trong sự nghiệp.

Phần đông CĐV của Federer đều cảm thấy khó chịu về lối cư xử và phản ứng có phần ngạo mạn đó của Djokovic.

Song đôi khi không phải điều gì mà chúng ta thấy cũng là sự thật. Sasa Ozmo, nhà báo của Sport Klub, gọi Djokovic là “anh hùng dân tộc”. Khi còn trẻ, Djokovic từng được người Anh o bế để thi đấu cho quốc gia ở xứ sở sương mù, nhưng anh từ chối khi chỉ muốn cống hiến cho Serbia.

“Không có nhiều người biết Serbia là chỗ nào. Một số họ còn nghĩ tôi đang nói về Siberia. Tôi đã phải nhọc công giải thích cho nhiều người về đất nước. Tuy nhiên, tôi thích điều đó, có cảm giác mình đang mang những điều đẹp đẽ về Serbia cho các nước láng giềng. Bởi có thời mà truyền thông chẳng viết điều gì tốt đẹp lắm về đất nước tôi”, Nole thừa nhận.

Novak Djokovic là biểu tượng của đất nước Serbia.

Không chỉ đưa hình ảnh Serbia ra thế giới, Nole còn cố gắng hàn gắn những vết thương và hóa giải hận thù bằng tầm ảnh hưởng của mình. Nole từng công khai cổ vũ cho ĐT Croatia tại World Cup 2018, điều mà những người Serbia không hề thích vì mâu thuẫn quá khứ.

“Điều đó không phù hợp với nhiều người ở đây, nhưng Nole đang cố gắng thay đổi quan điểm. Cậu ấy thật sự giỏi về điều đó”, Ozmo nói. Tại Serbia, tennis không phải môn thể thao phổ biến nhất, nhưng Nole là nhân vật thể thao nổi tiếng và tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất. “Nole là anh hùng toàn diện ở Serbia”, Ozmo nhấn mạnh.

Djokovic đang trên con đường công phá những kỷ lục của tennis.

Giành 16 Grand Slam ở tuổi 32, kém Federer 4 chức vô địch, Nole đang trên đường chinh phục cột mốc vĩ đại bậc nhất làng banh nỉ.

Trong thế giới tennis, anh có thể là nhân vật đáng ghét nhưng với quê hương Serbia, Nole còn hơn cả người hùng. Tham vọng của người luôn lấy ngôi số một làm cái đích trong sự nghiệp đã giúp Nole hoàn toàn xuất sắc vai trò của tay vợt và cả người con Serbia ái quốc.

Đó sau cùng mới là lý do khiến Djokovic trở thành số một thế giới.

Khoảnh khắc Djokovic ăn cỏ ở Wimbledon sau khi thắng Federer Ngay sau khi đánh bại Roger Federer để vô địch Wimbledon lần thứ 5 trong sự nghiệp, Novak Djokovic tái hiện màn ăn mừng độc đáo mà tay vợt này từng thực hiện ở chung kết năm 2015.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/novak-djokovic-bom-dan-ke-phan-dien-va-so-mot-the-gioi-post968878.html