Nốt thăng trong quan hệ Trung-Nhật

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc bắt đầu ngày 25/10 đang được kỳ vọng tạo bước khởi đầu làm ấm mối quan hệ băng giá thời gian qua giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: straitstimes.com

Trong những năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau nhiều lần bên lề các sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, chưa có thủ tướng Nhật Bản nào công du chính thức tới Trung Quốc kể từ năm 2011, và chưa có chủ tịch Trung Quốc nào thăm Nhật Bản kể từ năm 2010.

Chuyến thăm của ông Abe có ý nghĩa đặc biệt khi nó diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản. Bên cạnh đó, sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị cùng vai trò to lớn của hai nước trong các vấn đề an ninh khu vực khiến “cái bắt tay” giữa lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc trong chuyến thăm này được chờ đợi có thể tạo cơ hội cho những biến chuyển tích cực.

Sự kiện ông Abe thăm Trung Quốc có thể coi là bước nối tiếp của chính sách xoa dịu căng thẳng ngoại giao mà hai cường quốc châu Á này theo đuổi kể từ năm 2018. Hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao đã được hai nước tiến hành, nổi bật như chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Nhật Bản hồi tháng 5/2018 hay đầu tháng này là chuyến công tác của Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tống Đào. Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) Toshihiro Nikai đã thăm Bắc Kinh cuối tháng 9 vừa qua…

Cả hai đều thể hiện lập trường mềm mỏng và thiện chí cải thiện mối quan hệ vốn trải qua rất nhiều thăng trầm. Phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Abe bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy các mối quan hệ với Trung Quốc hơn nữa, đồng thời mong muốn đưa các mối quan hệ sang "một giai đoạn mới", lưu ý rằng hai bên chia sẻ trách nhiệm thực thi hòa bình cũng như ổn định trong khu vực.

Trước đó, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe đã cam kết đẩy nhanh hợp tác. Đặc biệt, ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh với Thủ tướng Abe rằng các mối quan hệ Trung - Nhật “hiện đang trở lại đúng quỹ đạo” với nhiều cơ hội lớn trước mắt.

Những bước đi tích cực từ cả hai bên đã mở rộng hơn cánh cửa đối thoại Nhật-Trung, dù hai nước vẫn đang đang tồn tại căng thẳng liên quan những vấn đề lịch sử cũng như tranh chấp chủ quyền liên quan tới quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một nhóm đảo thuộc quần đảo này vào tháng 9/2012, đồng thời Bắc Kinh và Tokyo cũng đang quyết liệt cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giới phân tích cho rằng những biến động trên thế giới gần đây, đặc biệt là tác động về kinh tế, thương mại và an ninh từ chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc, phần nào khiến việc hai nước xích lại gần nhau trở thành lựa chọn chiến lược. Theo chuyên gia Scott Seaman, làm việc tại Nhóm Âu-Á, nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này là bởi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cần phải điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, những chuyển độngđịa chính trị và an ninh khu vực thời gian qua, như việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, khiến không gian hợp tác Trung-Nhật được mở rộng, lợi ích chung cũng không ngừng gia tăng.

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, kéo theo những tổn hại không nhỏ. Giới lãnh đạo Bắc Kinh coi chuyến thăm của Thủ tướng Abe là một cánh cửa cơ hội để kêu gọi Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc, qua đó có thể ngăn ngừa Tokyo chung sức với Washington cô lập Bắc Kinh cũng như giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã khẳng định hợp tác kinh tế và thương mại là nền tảng và động cơ của mối quan hệ Trung - Nhật, đặt nền móng cơ bản cho sự tin cậy chính trị giữa hai bên.

Trong khi đó, Tokyo thừa nhận việc duy trì qua mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc như một sự đảm bảo để Nhật Bản có thể phát triển kinh tế và tăng trưởng thương mại bền vững. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ, và cũng là nhà đầu tư lớn thứ tư của Bắc Kinh. Theo Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản, sau 5 năm, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Trung Quốc lần đầu tiên đã tăng trong năm 2017 và vẫn tiếp tục tăng trong 8 tháng đầu năm 2018, đồng thời xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Thương mại song phương giữa hai nước cũng tăng lên khoảng 300 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng của chuyến công du lần này sẽ là hàng chục thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các công ty Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là ở các thị trường thứ ba thuộc khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và con đường”(BRI), trong đó có dự án phát triển đô thị ở một đặc khu kinh tế của Thái Lan, dự án đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu, các dự án điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến sẽ ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (28,8 tỷ USD).

Việc lãnh đạo hai nước gặp nhau thường xuyên hơn bên lề các hội nghị quốc tế, và cuộc gặp nhân chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh lần này đã phần nào cải thiện hình ảnh của cả hai. Khoảng 42% người Trung Quốc được hỏi có ấn tượng tích cực về Nhật Bản. Ngược lại, 13% người Nhật cho biết họ có quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 6,8% của năm 2014. Bên cạnh đó, khoảng 74% người Trung Quốc được hỏi cho hay họ tin rằng các mối quan hệ song phương “quan trọng” hoặc “rất quan trọng”, trong khi 71,4% người Nhật Bản được hỏi có quan điểm tương tự.

Có thể thấy rằng, từ chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Tokyo hồi tháng 5/2018 đến chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Thủ tướng Abe, quá trình tích lũy sự tin cậy và nâng cấp trong quan hệ song phương, tạo ra bầu không khí chính trị hữu hảo cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh giữa hai nước, đang được thúc đẩy liên tục. Chưa thể kỳ vọng chuyến thăm lần này có thể tạo bước ngoặt cho quan hệ hai nước, song rõ ràng quan hệ Trung – Nhật đang trở lại đúng quỹ đạo hợp tác thực chất cùng có lợi.

Lương Tuấn (Pv TTXVN tại Trung Quốc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/not-thang-trong-quan-he-trungnhat-20181025152622976.htm