Nord Stream-2 không bị trừng phạt, Ba Lan cố níu kéo

Dự án khí đốt Nord Stream-2 vẫn hút giới đầu tư, Ba Lan tìm cách níu kéo các nước châu Âu phản đối dự án.

Diễn đàn Kinh tế Á- Âu là cơ hội để các nhà đầu tư thể hiện quan tâm vào các dự án đang và sắp được triển khai tại Nga.

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Á- Âu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Intesa, Giám đốc Quỹ Kiến thức Á- Âu Antonio Fallico cho biết sẽ tiếp tục việc đầu tư vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 nếu Mỹ không áp đặt trừng phạt.

Dự án Nord Stream-2 không bị trừng phạt, Ba Lan không ngồi yên. Ảnh minh họa: Con tàu lắp ráp đường ống dẫn khí Nord Stream-2 ở biển Baltic

Theo đó, ông Antonio Fallico cho rằng, dự án này dường như chắc chắn sẽ không bị xử phạt.

"Tất nhiên là chúng tôi quan tâm tới dự án này. Tôi chắc chắn rằng dự án này sẽ không bị trừng phạt và hy vọng rằng sẽ không có sự bất ngờ khó chịu nào. Sự quan tâm của chúng tôi là cụ thể, nhưng nó phụ thuộc vào việc các biện pháp trừng phạt được áp dụng hay không" - ông Fallico nói.

Ông Fallico đã từng nói trong cuộc phỏng vấn tờ Sputnik hồi tháng 2 rằng, Công ty Intesa Sanpaolo đã sẵn sàng tham gia tài trợ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 bắc từ Nga chạy dưới lòng biển Baltic tới Đức.

Dẫu vậy, việc đầu tư vẫn bị phụ thuộc vào việc Mỹ có áp đặt các biện pháp trừng phạt dự án này hay không.

Trước đó, điều này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố. Ông Trump cho rằng, Washington không có kế hoạch trừng phạt dự án của Nga.

"Chúng tôi không có ý định làm điều này. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, không may, người Đức đang trả hàng tỷ USD cho tài nguyên năng lượng của Liên bang Nga, và tôi có thể đảm bảo các bạn rằng người dân Đức không thích điều này" - ông Donald Trump nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ có thể... đổi ý bất cứ lúc nào như cách ông vẫn tuyên bố trừng phạt Nga sau khi khẳng định luôn muốn cải thiện quan hệ với Moscow.

Để khởi động việc áp đặt trừng phạt dự án Nord Stream-2, Ba Lan - quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực từ dự án đường ống này - vẫn đang tìm cách kêu gọi sự ủng hộ vào việc tuyến đường ống sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng châu Âu.

Ba Lan đã tổ chức Diễn đàn an ninh Warsaw vào hôm 24/10, một ngày trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Á- Âu diễn ra tại Nga được khai mạc.

Tại Diễn đàn an ninh này, Ba Lan đã có cơ hội để tố cáo dự án Nord Stream-2 là mối đe dọa an ninh cho EU và NATO.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jacek Czaputowicz đã phát đi cảnh báo về các tác động địa chính trị và an ninh rộng lớn hơn của dự án.

Nếu hoàn thành, đường ống có thể trở thành một công cụ chính trị trong tay Moscow.

“Đường ống truyền dẫn cho Nga một lý do để tuần tra toàn bộ Biển Baltic hoặc nó có thể được sử dụng để gửi thông tin. Nó có chiều hướng quân sự” - Ngoại trưởng Czaputowicz nói.

Ông cũng nhấn mạnh về việc trước đây, Mỹ đã nói về việc dự án Nord Stream-2 làm tăng mối quan tâm tình báo và quân sự.

Các hoạt động của Hải quân Nga trên biển Baltic có thể tiếp tục gia tăng theo lý do bảo vệ đường ống.

Đây là nỗi sợ ngày càng mạnh mẽ hơn ở các nước Đông Âu trước khả năng Nga gia tăng hoạt động quân sự để đảm bảo sự thống trị trên Biển Đen và Biển Azov.

Các đoạn đường ống được ráp với nhau trên tàu Solitaire.

Phát biểu tại Diễn đàn, cựu lãnh đạo NATO, Anders Fogh Rasmussen cho biết, Liên minh châu Âu đã chi 5 tỷ euro vào việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga. Như vậy, việc có thêm một dự án Nord Stream-2 sẽ là một bước đi không cần thiết.

Theo ông Rasmussen, Nga đang cố gắng phá vỡ sự đoàn kết châu Âu và xuyên Đại Tây Dương, và muốn Đức cùng với châu Âu phải phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Ông Rasmussen nhắc lại, trong Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Đức là "tù nhân của Nga" vì sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Song song với Nord Stream-2, công ty Novatech của Nga cũng có kế hoạch xây dựng một nhà ga tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) ở Đức - chỉ cách Rostock 140 km.

Rasmussen nói với các phóng viên: "Nước duy nhất có thể ngăn chặn dự án này là chính nước Đức".

Cựu lãnh đạo NATO không quên ca ngợi Ba Lan là "một nhà lãnh đạo thực thụ" trong chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu khi nhận ra mối nguy hiểm của dự án này.

Hiện nay, Ba Lan đang xây dựng một nhà ga tiếp nhận LNG trên Biển Baltic ở Świnoujście, giúp nhận khí đốt hóa lỏng từ Qatar, Na Uy và Mỹ.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nord-stream-2-khong-bi-trung-phat-ba-lan-co-niu-keo-3368006/