Nộp lại tiền thu nhập tăng thêm là đúng?

Cuối năm 2019, nhiều giáo viên ở TP HCM bị đòi lại tiền thu nhập tăng thêm của tháng 6 và 7-2018. Việc này được giải thích là theo quy định của UBND TP

Dựa trên Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, HĐND TP HCM đã có Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND (NQ 03) về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập (hiệu lực từ ngày 1-4-2018).

Chưa hướng dẫn chi tiết?

Thực hiện NQ 03, ngày 19-10-2018, UBND TP HCM ban hành Quyết định 4631 (QĐ 4631) quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với CB-CC-VC trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày ký.

Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành đánh giá, phân loại, làm cơ sở cho việc chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động bắt đầu từ quý II/2018. Ông Tạ Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, cho biết việc chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên được thực hiện theo QĐ 4631.

Một tiết dạy ở Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Một tiết dạy ở Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Cuối năm 2019, nhiều giáo viên tại quận Tân Phú bất ngờ bị đòi lại tiền thu nhập tăng thêm của tháng 6 và 7-2018. Có người bị đòi lại 6 triệu đồng, người ít thì 1 triệu đồng. Những giáo viên này cho biết không nhận được quyết định thu hồi tiền mà chỉ được thông báo miệng và phải nộp tiền mặt tại phòng kế toán của trường trong thời gian quy định. Không riêng quận Tân Phú, giáo viên tại quận 5, quận 8, quận Tân Bình cũng bị đòi lại khoản tiền này.

Những giáo viên trên cho rằng trong QĐ 4631 cũng như QĐ 3728 của UBND TP HCM bổ sung một số điều của QĐ 4631 (ký ngày 3-9-2019, hiệu lực từ ngày 1-7-2019) đều không ảnh hưởng đến khoản thu nhập tăng thêm tháng 6 và 7-2018, bởi 2 QĐ nói trên có hiệu lực sau.

Theo ông Tạ Tân, việc chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên là đúng trong năm 2018 nhưng không đúng khi chiếu vào Văn bản số 2980/UBND-VX (VB 2980) của UBND TP ký ngày 22-7-2019. Cụ thể, VB 2980 hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm theo NQ 03 ghi rõ đối với trường hợp nghỉ hè của CC-VC ngành giáo dục và đào tạo thì số ngày làm việc thực tế là số ngày được cấp có thẩm quyền cử, phân công (bằng văn bản) tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành và đơn vị. Như vậy, so với VB 2980 thì QĐ 4631 chưa hướng dẫn chi tiết nên việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên ở thời điểm năm 2018 có phần chưa chính xác.

"Việc truy thu tiền thu nhập tăng thêm năm 2018 là theo quy định của UBND TP" - ông Tân nói.

Đánh giá phù hợp hiệu quả

Về việc này, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết sau khi thực hiện chi thu nhập tăng thêm, Bí thư Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo phải gắn liền với kết quả hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan được chi tăng thêm, mà trực tiếp là thủ trưởng phụ trách đơn vị. Hơn nữa, qua kết quả xếp loại của năm 2018 thấy tỉ lệ đánh giá tập thể lãnh đạo hoàn thành xuất sắc công việc đạt khá cao.

Do đó, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP điều chỉnh lại quy chế đánh giá chi thu nhập tăng thêm theo hướng đánh giá sát, chặt chẽ hơn về hiệu quả công việc của CB-CC và quan trọng là việc hưởng thu nhập tăng thêm phải gắn với hiệu quả công việc cũng như tỉ lệ hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính.

"Quy định mới được áp dụng từ quý III/2019. Việc phân loại sẽ chặt chẽ, khắt khe hơn so quy định cũ, bảo đảm người được đánh giá phù hợp với hiệu quả công tác của mình" - ông Lắm cho hay.

Theo đó, tiêu chí đánh giá, phân loại CB-CC có thang điểm 100. Trong đó, điểm tối đa về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức là 20; về năng lực và kỹ năng: 20; về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: 60. Cán bộ có tổng điểm chính thức từ 90 đến 100 được phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 75-90 điểm là hoàn thành tốt nhiệm vụ; 50-75 điểm là hoàn thành nhiệm vụ (hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực); dưới 50 điểm là không hoàn thành nhiệm vụ...

Theo quy định mới, số ngày hưởng thu nhập tăng thêm là số ngày làm việc thực tế mà CB-CC-VC có tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Các ngày không được tính để chi thu nhập tăng thêm là những ngày CB-CC-VC nghỉ phép năm hoặc nghỉ phép về việc riêng, ngày nghỉ hè của CC-VC ngành giáo dục - đào tạo (không được cấp có thẩm quyền phân công chính thức bằng văn bản để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở giáo dục); ngày tham gia các chương trình học theo hệ tập trung (không được cấp có thẩm quyền phân công công tác) và bàn giao nhiệm vụ chuyên môn cho người khác thực hiện; ngày nghỉ thai sản; ngày nghỉ do ốm đau hoặc để điều trị chấn thương do tai nạn lao động.

Đối với lĩnh vực giáo dục và y tế có đặc thù riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế chủ động nghiên cứu và trao đổi, thống nhất với Sở Nội vụ trước khi trình UBND TP có văn bản hướng dẫn.

Không phải cào bằng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết nghị quyết của HĐND là cao nhất, UBND TP là đơn vị chấp hành nghị quyết. Việc UBND ban hành VB 2980 hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm theo NQ 03 của HĐND TP là chuẩn. Việc chi thu nhập tăng thêm là chi theo công việc cụ thể chứ không phải cào bằng.

Huy Lân - Phan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nop-lai-tien-thu-nhap-tang-them-la-dung-20200101215605836.htm