'Nóng' với giải phóng mặt bằng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 22-11, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đại diện Ban Quản lý Dự án Thăng Long báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện dự án

Dự án được xác định khởi công vào tháng 7-2020, thay vì vào quý IV năm 2019 do chưa có mặt bằng. Trong thời gian hơn 1 năm làm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này đã đặt ra nhiều vấn đề

* Khó kế thừa

Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho biết, tiến độ chung của dự án, cụ thể là đến tháng 5-2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9-2019 sẽ tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7-2020 sẽ khởi công dự án.

Vì thời gian từ nay đến thời điểm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu để khởi công còn khá ngắn, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị UBND tỉnh cho thực hiện kế thừa hồ sơ cũ, cụ thể là thu hồi đất trước 4 làn xe theo mốc đã cắm, 2 làn xe tiếp theo sẽ thu hồi sau.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn báo cáo về diện tích đất bị thu hồi cho dự án tại địa phương

Phân tích về kiến nghị của Ban QLDA Thăng Long, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng nói: “Làm theo phương án của Ban QLDA Thăng Long sẽ không thực hiện được, vì như vậy sẽ xảy ra tình trạng trên cùng một thửa đất, cùng một dự án, lại thu hồi 2 lần theo 2 giá khác nhau, người dân sẽ không đồng ý”.

Ý kiến của ông Hưng cũng được các địa phương có diện tích đất thu hồi cho dự án đồng tình. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay, diện tích đất thu hồi cho 4 làn xe trên địa bàn huyện Xuân Lộc là hơn 230 héta làm ảnh hưởng đến 950 hộ dân, nếu lên 6 làn xe dự kiến phải giải phóng mặt bằng thêm khoảng 110 hécta nữa nên không thể thu hồi làm 2 lần theo 2 giá sẽ xảy ra khiếu kiện.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng báo cáo về tình trạng sử dụng đất của dự án

Đại diện huyện Thống Nhất cũng cho rằng, việc kế thừa hồ sơ cũ để thực hiện đền bù là rất khó, vì hồ sơ đã hoàn thành cách đây hơn 3 năm, hiện giá đất đã khác, cây trồng và vật kiến trúc trên đất cũng thay đổi. Đến nay phải làm lại từ đầu.

* Giải phóng mặt bằng 1 lần

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án khá quan trọng, vì vậy việc giải phóng mặt bằng sẽ làm theo phương án thu hồi đất 1 lần. Để đảm bảo tiến độ, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh công tác bàn giao mốc mặt bằng mới trong quý 1-2019.

Điểm giao cắt giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc

“Ban QLDA Thăng Long bàn giao cọc mốc mới trong quý 1 -2019, các huyện xác định ngay diện tích đất phải thu hồi để tháng 5 - 2019 trình HĐND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất, lúc đó mới thực hiện được đền công tác bù được” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải chuẩn bị sẵn tiền để kịp thời chi trả ngay cho dân.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, số tiền đền bù cho dự án được tính toán trên 2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai hơn 1.420 tỷ đồng. Hiện Ban QLDA Thăng Long đã đăng ký vốn giải phóng mặt bằng cho 2 địa phương Đồng Nai và Bình Thuận trong năm 2019 là 1.200 tỷ đồng để triển khai công việc.

Bài và ảnh: Khắc Giới

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201811/nong-voi-giai-phong-mat-bang-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-2921204/