Nóng với chuyện ngăn chặn cháy rừng

Qui mô của cháy rừng hiện nay đã vượt qua những kỷ lục quá khứ, cả về thời gian cháy lẫn huy động nguồn nhân vật lực và phương tiện chữa cháy. Công nghệ chữa cháy đã đạt đến mức cao chưa từng có, cả đối với nhà cao tầng, cháy hóa chất vật liệu nguy hiểm và cháy rừng nhưng thiên nhiên vẫn 'trêu người' và con người có lúc bất lực trước sự tàn phá của nó. Làm thế nào để kiểm soát thảm họa này?

Cháy ngày càng nhiều hơn

Biến đổi khí hậu làm cho môi trường khô và nóng hơn đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng hơn, qui mô cũng lớn hơn. Các cộng đồng dân cư nằm sát những khu rừng dễ cháy đã tạo ra áp lực rất lớn cho các cơ quan cứu hỏa và các công ty công ích. Cháy nhà dân sẽ tốn kém tiền bảo hiểm hơn và chi phí khắc phục hậu quả cũng cao hơn. Một nguyên nhân khác là có những khu rừng quá dày không được tỉa thưa nên khi cháy rất khó kiểm soát.

“Đốn cây có chọn lọc” và tạo ra “cháy rừng có kiểm soát” là hai phương pháp ngăn ngừa. Trên tập san Science, một nhóm chuyên viên về rừng đặt câu hỏi “tại sao chúng ta không có một đối sách mới về bảo vệ rừng khi thiên nhiên đã thay đổi theo hướng cực đoan và khó đoán? Những sáng kiến mới và giải pháp mới cần được hình thành để bảo vệ nguồn tài nguyên quí giá khi hệ thống chống cháy và bảo vệ rừng hiện nay đã lỗi thời, dù các phương tiện chống cháy đã được cải tiến”.

Cháy rừng qui mô nhỏ là chuyện bình thường của tự nhiên nhưng chỉ cháy ở tầng thảo mộc và lá cây phía trên mặt đất, không cháy những cây lớn nên hệ sinh thái không bị ảnh hưởng nhiều, mà còn thêm màu mỡ nhờ lớp phân mùn do cháy để lại. Nhưng khi dân số phát triển, các khu dân cư nằm sát cả bìa rừng dễ cháy nên ban quản lý phải dập tắt cả những đám cháy bề mặt vì sợ không kiểm soát được sẽ lan sang khu dân cư.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, 98% đám cháy bị chặn đứng trước khi nó vượt quá diện tích 120 ha. Hệ quả là số cây lớn được bảo vệ, chúng phát triển ngày càng dày hơn và nếu cháy xảy ra, ngọn lửa sẽ rất dữ dội, âm ỉ, dễ tái phát và đội ngũ dập lửa làm việc rất khó khăn. Thiệt hại do cháy rừng cũng nhiều hơn vì có vô số cộng đồng sống xen kẽ với rừng và nhiều công trình công ích, giao thông đi xuyên qua rừng với khoảng cách không an toàn. Thay đổi khí hậu tạo ra môi sinh rừng ngày càng khô hanh là nguyên nhân của những vụ “siêu cháy rừng” để lại hậu quả rất nặng nề cả cho người dân lẫn các công ty bảo hiểm, công ty công ích.

Những bài học

Tại tỉnh Riau trên đảo Sumatra của Indonesia, một sáng kiến ngăn chặn cháy rừng có tên “Fire Free Village Program” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cộng đồng dân cư. Chương trình có 5 mục tiêu chính: Không để xảy ra vụ cháy rừng nào trong 3 tháng, cử một người chuyên trách chương trình, tuyên truyền về nguy hiểm của tập quán đốt rừng làm rẫy và theo dõi thường xuyên chất lượng không khí.

Có 50 ngôi làng thuộc 5 quận của Riau tham gia chương trình. Kết quả rất khích lệ sau 5 năm thực hiện. Nếu trong năm 2014, số diện tích bị cháy là 0,18% thì đến năm 2015, 2016, 2017 lần lượt giảm xuống còn 0,01%, 0,07 và 0,03%. Năm 2018, chỉ còn 0,02% trên tổng diện tích bị cháy.

Ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước khi phát động chương trình. Chương trình cũng trao thưởng tổng số tiền 63.000 USD chia đều cho 9 ngôi làng thực hiện tốt chương trình. Fire Free Village Program do một công ty bột giấy tài trợ đã được một số khu vực khác bắt chước.

Tại tỉnh Quebec của Canada, lửa trại và đốt lửa ngoài trời bị cấm tại đa số khu rừng trong tỉnh khi không khí khô hanh vào mùa Hè. Sở Lâm nghiệp và Chống cháy từng cho biết ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Northern Quebec, North Shore, các khu vực Saguenay, Laurentians và Outaouais là những điểm nóng. Nhiều vụ cháy rừng xảy ra do việc đốt lửa trại không đúng qui định, thiếu sự quan sát và không có phương án dập lửa tức thời khi xảy ra bất trắc.

Ngày 13/6, chính phủ liên bang Mỹ bắt đầu soạn thảo luật môi trường sửa đổi để công việc ngăn cản cháy rừng được tiến hành một cách hiệu quả hơn. Những hạn chế không cần thiết khi tiếp cận quĩ liên bang trong trường hợp phản ứng khẩn cấp với cháy rừng sẽ được giảm bớt.

Sau vụ cháy rừng khủng khiếp tại California năm 2018, Tổng thống Trump muốn chính phủ hành động nhanh để hỗ trợ các cơ quan quản lý rừng liên bang, đặc biệt là những khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ. Các hoạt động khai thác gỗ và cắm trại cũng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cây chết và rác khô tích tụ trong rừng cũng cần dọn dẹp nhanh hơn.

Tháng 12/2018, TT Trump đã chuẩn chi 867 triệu USD cho hoạt động bảo vệ, dọn dẹp và dập lửa tại các khu rừng thuộc liên bang do Forest Service quản lý. Dự thảo mới là nhằm sửa đổi luật môi trường National Environmental Policy Act (NEPA) ban hành năm 1970.

Giải quyết hậu quả

Với số phiếu thuận 31/7, Thượng viện bang California (Mỹ) vừa thông qua “Assembly Bill 1054” (còn gọi là Luật Newsom) để các công ty công cộng có thể duy trì hoạt động sau khi kiệt quệ tài chính vì giải quyết hậu quả cháy rừng.Sau vụ cháy bắt nguồn từ điểm cắm trại tàn phá một diện tích rừng lớn tại Paradise, California và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng vào ngày 8/11/2018, Thống đốc Gavin Newsom muốn dành ra 10,5 tỉ USD hỗ trợ những công ty công ích.

Kế hoạch chia sẻ tài chính của Newsom, người mới trong năm đầu nhậm chức, đã được Thượng viện bang chấp nhận. “Thượng viện thông qua là bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề lớn ngoài khả năng của các công ty công ích. Tôi tin các nghị sĩ bang cũng sẽ thông qua kế hoạch” - giáo sư chính trị và thông tin pháp lý Joseph S. Tuman thuộc Đại học bang ở San Francisco nói.

Theo San Jose Mercury, Canada Post và The Jakarta Post

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nong-voi-chuyen-ngan-chan-chay-rung-4027959-b.html