'Nóng' tuyên án Phan Văn Anh Vũ, vụ Gateway, Thắm 'OceanBank' và vụ việc Đồng Tâm

Tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới các phiên tòa xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ; vụ học sinh Trường Tiểu học Gateway tử vong; bản án mới đối với bị cáo Hà Văn Thắm tại OceanBank; vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) và thất bại đáng tiếc của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trước U23 Triều Tiên.

Tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 25 năm tù

Ngày 13/1, sau gần hai tuần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt 21 bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản ở TP Đà Nẵng, Hội đồng xét xử đã nhấn mạnh vai trò của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) là người giữ vai trò đặc biệt trong vụ án và được hưởng lợi đặc biệt lớn; hai bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng phạm phạm các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã thâu tóm nhiều dự án, nhà, đất ở những vị trí đắc địa trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tại phiên tòa, bị cáo không thành khẩn khai báo. Mặc dù phạm tội với vai trò đồng phạm, nhưng bị cáo phải bị áp dụng mức án cao nhất trong vụ án. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ tổng hợp hình phạt cao nhất 25 năm tù.

Hội đồng xét xử xác định bị cáo Trần Văn Minh là người giữ vai trò chính trong vụ án, là người ban hành các chủ trương, chính sách trái pháp luật, là người trực tiếp quyết định trong việc chuyển nhượng, giao dự án và bán nhà, đất công sản của TP Đà Nẵng như: Đối tượng được giao đất dự án mua nhà, đất công sản; mức giá và tên người nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất, dự án. Bị cáo Minh chỉ đạo cho các bị cáo khác dưới quyền trong quá trình thực hiện việc phạm tội và trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Tại phiên tòa, bị cáo Minh chưa nhận thức ra sai phạm và chưa chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Do vậy, bị cáo phải chịu một mức hình phạt cao so với các bị cáo khác trong vụ án. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Minh tổng hợp hình phạt cao nhất 17 năm tù.

Với vai trò là người tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh, bị cáo Văn Hữu Chiến trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn từ năm 2006 - 2011) đã đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Trần Văn Minh trong việc ký ban hành các Quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng các nhà, đất công sản và dự án bất động sản trái quy định của pháp luật. Trong giai đoạn từ năm 2001 - 2014 là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bị cáo Chiến vẫn duy trì sai phạm trước đây của bị cáo Trần Văn Minh bằng việc ra chủ trương, ban hành các quyết định trái pháp luật trong việc bán nhà, đất công sản; chỉ đạo cho các bị cáo khác dưới quyền trong quá trình thực hiện việc phạm tội và trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Chiến cũng phải chịu một mức hình phạt cao so với các bị cáo khác trong vụ án. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Văn Hữu Chiến tổng hợp hình phạt cao nhất 12 năm tù…

Phạt tù 3 bị cáo trong vụ Gateway

Sau một ngày xét xử, ngày 15/1, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên án phạt 3 bị cáo trong vụ án bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway xảy ra cách đây hơn 5 tháng.

Từ trái qua phải, các bị cáo gồm: Lái xe Doãn Quý Phiến, nhân viên giám sát trên xe Nguyễn Bích Quy và Nguyễn Thị Bích Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Gateway. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Tòa đã tuyên án phạt 2 bị cáo: Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Ngân Hà) 24 tháng tù, Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, lái xe ô tô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) 15 tháng tù, cùng về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) bị Tòa tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài án phạt tù, bị cáo Thủy còn bị Hội đồng xét xử tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong thời hạn 1 năm.

Bản kết luận Giám định pháp y của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã kết luận cháu Lê Hoàng L. “trong máu và phủ tạng không tìm thấy các chất độc thường gặp, loại trừ nguyên nhân tử vong do tác động của ngoại lực, nguyên nhân chết của cháu Lê Hoàng L. do suy hô hấp - tuần hoàn do sốc nhiệt trong không gian giới hạn”. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử khẳng định, ngày 6/8/2019, cháu Lê Hoàng L. bị bỏ quên trên xe ô tô mang biển kiểm soát 29B - 069.56 từ 7 giờ 23 phút đến 16 giờ 15 phút, dẫn đến bị tử vong do suy hô hấp - tuần hoàn do sốc nhiệt trong không gian giới hạn.

Thêm bản án 15 năm tù cho Hà Văn Thắm

Ngày 14/1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương - OceanBank) 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Tổng hợp với bản án tù chung thân tuyên trước đó của TAND cấp cao tại Hà Nội về cùng tội danh này, hình phạt chung đối với bị cáo Hà Văn Thắm là tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1972, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar) bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với bản án 10 năm tù trước đó về cùng tội danh này đối với Long, hình phạt chung mà bị cáo Long phải chịu là 30 năm tù.

Do cần tiền trả nợ và chi phí cá nhân, Long đã thế chấp, lập hợp đồng khống về việc mua sắt thép để OceanBank giải ngân, chiếm đoạt hơn 91 tỷ đồng của OceanBank. Trong lúc Tập đoàn Vina Megastar còn dư nợ, Hà Văn Thắm đã ký quyết nghị nâng hạn mức tín dụng lên 250 tỷ đồng, khi tài sản đảm bảo không đủ cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho Long chiếm đoạt hơn 91 tỷ đồng của OceanBank.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của hai bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động của các tổ chức tín dụng, xâm phạm trật tự trị an xã hội. Hành vi của bị cáo Thắm là nguy hiểm, bất chấp pháp luật, cố tình cho vay không đảm bảo mặc dù cấp dưới đã báo cáo Dự án hồ điều hòa không đủ điều kiện đảm bảo. Bị cáo Thắm vẫn quyết định cho vay vì thấy dự án này gần khu đất Công ty của mình đang đầu tư, nếu Tập đoàn Vina Megastar không trả nợ được thì Thắm hy vọng mua lại được dự án này...

Thông tin chi tiết vụ việc ở Đồng Tâm

Ngày 14/1, tại Lễ phát động học tập gương dũng cảm hy sinh của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, ba cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin chi tiết thêm về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông báo tóm tắt tình hình về vụ việc vi phạm pháp luật tại Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trung tướng Lương Tam Quang cho biết sự việc tại Đồng Tâm có diễn biến phức tạp từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả rà soát kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội (vào tháng 7/2019). Kết quả rà soát cho thấy kết luận thanh tra của Hà Nội là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính chính xác.

Sau đó, tình hình an ninh trật tự tại Đồng Tâm có nhiều diễn biến phức tạp. Một số đối tượng trong "tổ đồng thuận" (do nhóm Lê Đình Kình đứng đầu) tổ chức phản đối kết luận thanh tra, chống đối quyết liệt các lực lượng vào việc xây tường rào; chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế để đối phó với lực lượng chức năng. Khi Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân để thông báo kết luận rà soát thì ngày 25/11/2019, "tổ đồng thuận" cản trở không cho người dân đến dự, gây mất trật tự trụ sở UBND xã Đồng Tâm; đe dọa, chửi bới những người phát biểu ủng hộ, tin tưởng với kết luận của thanh tra.

Vào đầu tháng 11/2019, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức chi trả cho 14 hộ dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng tại sân bay Miếu Môn. Cả 14 hộ đều đồng tình, ủng hộ, tự nguyện di dời khỏi đất quốc phòng, nhưng lại bị các đối tượng trong "tổ đồng thuận" kéo tới phản đối, chửi bới, đe dọa; chỉ đạo, phân công người rào lại đất và trồng cây. Các đối tượng trong cái gọi là "tổ đồng thuận" do Lê Đình Kình cầm đầu không có đất canh tác ở đây, nhưng lại ngăn cản 14 hộ kia di dời. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định số đối tượng tại "tổ đồng thuận" không phải là trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất khu vực đồng Sênh. Ngay sau hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ, số người này ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí để chuẩn bị chống đối. Họ có ý đồ, đe dọa bắt cán bộ, gây cháy nổ UBND xã Đồng Tâm, gây cháy nổ cây xăng Đồng Tâm để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài.

Ngày 9/1, khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt đảm bảo an ninh ở khu vực cổng thôn Hoành thì có khoảng 20 đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt tấn công lực lượng chức năng. Lực lượng Công an đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục. Nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà ông Lê Đình Chức, Lê Đình Kình, tiếp tục tấn công tổ công tác từ trong nhà ra. Tổ công tác đã dùng loa kêu gọi, nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố, tấn công quyết liệt hơn, tiếp tục ném lựu đạn, bom xăng vào tổ công tác và cố thủ trong nhà. Do đó, tổ công tác đã tiến hành vây bắt các đối tượng phạm tội quả tang theo quy định pháp luật. Quá trình truy đuổi, các đối tượng tiếp tục dùng bom xăng, tuýp sắt gắn dao tiếp tục tấn công tổ công tác...

Theo báo cáo, Công an TP Hà Nội đã khám nghiệm hiện trường, bước đầu thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa... Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được vào ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, về tội "Giết người", "Chống người thi hành công vụ", "Tàng trữ vũ khí trái phép".

Trung tướng Lương Tam Quang cũng cho biết, lực lượng Công an đã thực hiện đảm bảo an ninh, không tiến hành cưỡng chế. Hiện, có nhiều luồng ý kiến cho rằng, cần phải xử lý những đối tượng có hành động, lời nói gián tiếp cổ vũ, kích động các hoạt động sai trái của nhóm Lê Đình Kình vừa qua. Vấn đề này cơ quan Công an đang tiến hành điều tra làm rõ.

Thất bại đáng tiếc 1 - 2 trước U23 Triều Tiên của U23 Việt Nam

Thua ngược U23 CHDCND Triều Tiên 1 - 2 ở lượt trận cuối cùng bảng D diễn ra tối ngày 16/1, đương kim Á quân U23 Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng VCK U23 châu Á 2020 và thủ môn Bùi Tiến Dũng là cầu thủ được chú ý nhất ở thất bại của thầy trò HLV Park Hang-seo.

Mặc dù có bàn mở tỷ số, nhưng U23 Việt Nam vẫn thất bại trước U23 Triều Tiên. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN.

Buộc phải thắng và chờ kết quả có lợi từ trận đấu giữa U23 UAE và U23 Jordan, U23 Việt Nam đã tung ra sân đội hình thiên về tấn công và đã có khởi đầu thuận lợi với bàn thắng sớm ở phút 16. Tuy nhiên, trong một thế trận trên chân, thoải mái về tâm lý khi dẫn bàn sớm, U23 Việt Nam bất ngờ bị thủng lưới sau sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng ở phút 27. Thủ môn người Thanh Hóa đã đấm bóng không chắc chắn sau cú sút phạt của cầu thủ U23 CHDCND Triều Tiên khiến bóng sau đó chạm xà rồi chạm lưng chính thủ môn này đi vào lưới.

Bàn thua đáng tiếc khiến tinh thần của các học trò HLV Park Hang-seo bị ảnh hưởng đáng kể. Đó là lý do dù vẫn chơi trên chân so với đối thủ, tạo ra được một số cơ hội ngon ăn nhưng U23 Việt Nam không thể tận dụng được. Bước sang hiệp 2, đã có những thay đổi chiến thuật từ phía HLV Park Hang-seo, tuy nhiên dù chơi lấn lướt hơn, nhưng những phương án tấn công của các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn không thể thành công trong việc khoan thủng hàng phòng ngự U23 Triều Tiên.

Đúng vào phút cuối cùng của trận đấu, Bảo Toàn đã phạm lỗi với cầu thủ U23 Triều Tiên trong vòng cấm. Và trên chấm phạt 11m, Ri Chung Gyu đã đánh bại thủ môn Tiến Dũng, ấn định chiến thắng cho U23 Triều Tiên. Phút 90+5, U23 Việt Nam khép lại trận đấu thất vọng khi trung vệ Đình Trọng nhận thẻ vàng thứ hai phải rời sân sau tình huống đánh nguội đối với Ryang Hyon Ju trong pha tranh bóng ở giữa sân. Thua ngược 1 - 2 U23 Triều Tiên, U23 Việt Nam chia tay VCK U23 châu Á 2020 ngay từ vòng bảng.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/nong-tuyen-an-phan-van-anh-vu-vu-gateway-tham-oceanbank-va-vu-viec-dong-tam-20200117223618642.htm