NÓNG: Trung Quốc phát hiện dịch tả lợn châu Phi 'sát vách' Lào Cai

Trung Quốc vừa công bố thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại TP. Zhaotong (Chiêu Thông), phía Bắc tỉnh Vân Nam ngày 21/10.

Theo thông tin mới đăng tải trên các tờ báo của Trung Quốc và hãng thông tấn Reuters, các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết vừa phải tiêu hủy 7.000 con lợn trong bán kính 3km từ các điểm dịch tại Vân Nam để ngăn chặn sự lây lan.

Trung Quốc vừa công bố thêm ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại TP. Zhaotong (Chiêu Thông), phía Bắc tỉnh Vân Nam ngày 21/10. Ảnh: IT

Điều đáng nói, Vân Nam chính là một trong những tỉnh của Trung Quốc có biên giới giáp tỉnh Lào Cai của Việt Nam và khoảng cách từ ổ dịch tại TP. Chiêu Thông đến TP. Lào Cai chỉ chừng 735km.

Hôm qua (22/10), Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp tại miền Trung khi có thêm điểm dịch mới được phát hiện tại Chiết Giang và Hồ Nam ngày 22/10.

Việc TP. Zhaotong (Vân Nam) cách Liêu Ninh, nơi xảy ra ổ dịch đầu tiên của Trung Quốc tới 3.000km cho thấy sự lây lan mạnh và nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi rất lớn. Ảnh: IT

Tại Chiết Giang, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên một trang trại 2.280 con tại thành phố Thái Châu làm 56 con nhiễm bệnh. Tại Hồ Nam, dịch được phát hiện tại thành phố Ích Dương và Thường Đức làm hơn 900 con bị nhiễm bệnh.

Việc TP. Zhaotong (Vân Nam) cách Liêu Ninh, nơi xảy ra ổ dịch đầu tiên của Trung Quốc tới 3.000km cho thấy sự lây lan mạnh và nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi lớn đến thế nào. Như vậy, dịch đã lan từ Đông Bắc đến Đông Nam Trung Quốc. Tổng số các tỉnh có bệnh đã lên con số 11 trên tổng số 25 tỉnh của Trung Quốc. Cho đến nay, sau 3 tháng có dịch Trung Quốc đã tiêu hủy 200.000 con lợn.

Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Ảnh: IT

Dịch tả lợn Châu Phi được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) liệt vào danh sách các bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc chữa, tỉ lệ lợn mắc bệnh bị chết lên tới 100%, virus lây lan qua nhiều đường, thời gian sống của virus rất dài, có thể lên tới nhiều tháng trời.

Do đó, việc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc diễn biến ngày một phức tạp và đã lây lan đến tỉnh giáp Vân Nam, giáp tỉnh Lào Cai của Việt Nam thực sự là thông tin vô cùng đáng ngại với ngành chăn nuôi lợn của nước ta.

Theo OIE, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có vaccine và thuốc đặc trị. Đến nay, loại virus này đã xâm nhập vào 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta cần xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, các ngành liên quan phải rà soát lại Đề án Phòng chống dịch bệnh từ này đến cuối năm, đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Cục Thú y cần kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để giám định nhanh các dịch bệnh trong chăn nuôi để có kết luận sớm nhất; tăng cường hợp tác chặt chẽ, liên tục có thông tin, kinh nghiệm của các nước để có biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn.

Ngoài ra, tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm, điều tra và ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp phát hiện, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh; khoanh vùng dịch, vùng đệm; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.

Ngay sau đây cần phát động phong trào tất cả địa phương tham gia tổng vệ sinh môi trường chăn nuôi trong 1 tháng. Trong chiến dịch này cần tập trung khử trùng tiêu độc tại các địa điểm nhạy cảm như chuồng trại chăn nuôi, chợ, điểm giết mổ... bằng vôi bột. Đây là phương pháp vừa hiệu quả vừa rẻ tiền lại không gây ra tác dụng phụ. Chỗ nào mật độ chăn nuôi đông thì cơ quan chức năng có thể khử khuẩn bằng hóa chất chuyên ngành.

"Chúng ta cần xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, các ngành liên quan phải rà soát lại Đề án Phòng chống dịch bệnh từ này đến cuối năm, đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

An Nhiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/nong-trung-quoc-phat-hien-dich-ta-lon-chau-phi-sat-vach-lao-cai-923891.html