Nóng trong tuần: Siêu sim 23 tỷ, bánh trung thu 2.000 đồng

Tài sản bầu Đức 'đội nón ra đi' sau cái bắt tay nghìn tỷ với tỷ phú USD Trần Bá Dương, mưa lớn làm đổ biển quảng cáo khiến 2 người thương vong, siêu sim đầu tiên được bán với giá triệu đô trong khi bánh trung thu siêu rẻ 2.000 đồng tràn ngập thị trường... là những tin tức nóng nhất tuần qua.

Bầu Đức bán tài sản để đổi lấy thanh khoản

Ngày 9/8, công ty CP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) công bố nội dung hợp tác sau cái bắt tay gần 1 tỷ USD với tỷ phú Trần Bá Dương – Chủ tịch công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco).

Giới phân tích nhận định, thương vụ Thaco chi 2.200 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico khiến cho gánh nặng nợ nần của bầu Đức (khoảng 23.000 tỷ đồng) phần nào với xuống, nhưng một thực tế là khối tài sản khổng lồ của đại gia phố núi này cũng vơi đi trông thấy.

Bầu Đức (trái) bắt tay tỷ phú Trần Bá Dương để lấy 2.200 tỷ đồng cơ cấu nợ vay, song cũng mất đi một khối tài sản

Ông Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ tài sản của HAGL là rất lớn, ngay cả trong thời điểm khủng hoảng thì cũng được định giá khoảng 65.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vấn đề của HAGL là không có thanh khoản trầm trọng, thậm chí có thời điểm xoay 50 tỷ cũng không kiếm đâu ra. Nếu HAGL “chết” trên đống tài sản thì thật cay đắng.

Với việc HAGL có sự hỗ trợ vốn của Thaco, thanh khoản đã được giải quyết, giá cổ phiếu được bơm lên, nhưng bầu Đức còn lại những gì trong khối tài sản khổng lồ ấy?

Thông qua biên bản hợp tác được công bố, có thể nhận thấy HAGL chính thức chia tay mảng bất động sản, cụ thể là dự án ở Myanmar.

Theo thỏa thuận, công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – đơn vị thành viên của Thaco – quyết định đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myanmar, với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Sở hữu lượng cổ phần chi phối, Đại Quang Minh đang là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp phát triển dự án. Và dự án này gần như đã tuột khỏi tay HAGL.

Trong giai đoạn tái cấu trúc lại doanh nghiệp, HAGL bán đứt mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công. Mảng thủy điện cũng được sang tay cho Bitexco.

Có thể thấy cơ cấu tài sản hiện tại của HAGL chỉ tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, với tổng diện tích canh tác hơn 80.000 ha. Tuy nhiên, khi Thaco xuất hiện thì sự tự chủ với mảng này của HAGL cũng bị ảnh hưởng.

Phân tích những hoạt động tài chính của sự hợp tác này, cho thấy hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi và mua thêm cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ HAGL Agrico, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Trong khi đó, HAGL đang sở hữu tổng cộng 63,7% vốn điều lệ HAGL Agrico (cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp), tương đương khoảng 565 triệu cổ phiếu HNG. Một tỷ lệ an toàn trong bức tranh chung về cơ cấu sở hữu.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ sở hữu này nhiều khả năng được san lấp khi 20% trái phiếu HNG mà Thaco nắm giữ được chuyển đổi.

Như vậy, sau cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương, doanh nghiệp của bầu Đức gần như chia tay với mảng bất động sản, HAGL cũng không dễ kiểm soát được mảng nông nghiệp.

Sập biển quảng cáo ở TP.HCM, hai người thương vong

Cơn mưa lớn kèm theo gió giật mạnh quét qua TP.HCM vào khoảng 15h hôm 10/8 đã khiến TP.HCM xảy ra hàng loạt sự cố. Một biển quảng cáo lớn trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) đã đổ sập.

Hiện trường vụ sập biển quảng cáo khiến 1 người chết, 1 người bị thương ở TP.HCM hôm 10/8 (ảnh: Zing)

Nhân chứng vụ tai nạn cho biết, mưa to kèm gió mạnh đã làm biển quảng cáo bên kia đường đổ vào nhà dân. Lúc này, nhiều người bỏ chạy tán loạn. Sự cố khiến một người tử vong, một người bị thương.

Theo ghi nhận, mặc dù trụ được kết cấu từ sắt thép nhưng biển quảng cáo vẫn bị gió mạnh đánh sập.

Theo luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 15, luật Quảng cáo năm 2012 quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo, đó là: “Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa điểm quảng cáo, phương tiện quảng cáo và an toàn của phương tiện quảng cáo; thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo đã ký kết; Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp, dựng công trình quảng cáo không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng”.

Luật sư Bình cho rằng, trong trường hợp này chúng ta cần phải xem chủ sở hữu bảng quảng cáo cũng như người cho thuê địa điểm quảng cáo đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, xây dựng... hay chưa?

“Họ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc này nếu để xảy ra thiệt hại do lỗi của mình gây ra”, luật sư Bình nói.

Siêu sim đầu tiên trị giá 1 triệu USD ở Việt Nam

Tuần qua, cộng đồng chơi sim số và dư luận đặc biệt chú ý đến thương vụ mua bán siêu sim 0909999999 trị giá 23 tỷ đồng. Đây là chiếc sim được mệnh danh “thất quý cửu đỉnh thiên vương” vì

Ông Tài và ông Phương vừa giao dịch SIM 0909999999 với giá 23 tỷ đồng. Ảnh: Facebook nhân vật.

chứa dãy số 7 số 9 liền nhau.

Nếu thương vụ này là có thật thì đây sẽ là chiếc sim được chuyển nhượng với giá đắt nhất từ trước đến nay và nó đã soán ngôi vương đắt nhất Việt Nam của siêu sim 0989999999 từng được chuyển nhượng với giá hơn 18 tỷ đồng vào năm 2017. Đây cũng là chiếc siêu sim có giá triệu đô đầu tiên ở Việt Nam.

Cụ thể, chiều 6/8/2018, ông Thái Minh Phương, một dân buôn SIM có tiếng, cho biết ông đã hoàn tất giao dịch mua SIM số 0909999999 với giá 23 tỷ đồng.

Ông Phương mua lại "siêu SIM" này từ ông Mạnh Tài, một doanh nhân trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Giá của siêu SIM này được hai bên thống nhất giao dịch ở mức 23 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD).

Trước đó, SIM này được ông Tài mua lại từ một đại gia trong lĩnh vực bất động sản tại Ninh Bình từ năm 2016.

Tuy nhiên, các thương vụ mua bán siêu sim giá khủng từ trước đến nay vốn để lại nhiều đồn đoán về tính xác thực (khó có khả năng kiểm chứng) của nó. Do đó hiện có nhiều ý kiến cho rằng rất có thể đây chỉ là chiêu trò gây chú ý dư luận trong giới kinh doanh.

Bánh trung thu 2.000 đồng/chiếc xuất hiện

Chiều 10/8, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra, thu giữ lô hàng hơn 10.000 bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ chỉ 2.000 đồng/chiếc tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Theo đó, sau nhiều ngày mật phục, lực lượng đội Quản lý thị trường số 24, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ lô hàng chứa lượng lớn bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Hơn 10.000 bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ, chỉ 2.000 đồng/chiếc

Theo khai nhận của chủ cơ sở này, toàn bộ lô hàng vi phạm tương đương hơn 10.000 sản phẩm gồm các loại bánh như bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Mỗi chiếc bánh nhập về chỉ có giá từ 2.000 - 3.000 đồng chiếc.

Hàng vừa mới được nhập về trong đêm qua nên kiện hàng vẫn còn nguyên trong các bao tải. Nhãn mác cho thấy, các loại bánh này đều không phải hàng Việt Nam sản xuất. Dù là hàng thực phẩm nhưng tất cả đều không có thông tin về hạn sử dụng.

Chủ hàng cho biết, đây là chuyến hàng thứ 3 được nhập về trong vòng nửa tháng trở lại đây. Sau khi nhập về, hàng sẽ được rao bán công khai trên zalo để kiếm lời.

Ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 24, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện toàn bộ lô hàng đã bị tạm giữ và xử lý theo đúng quy định.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-trong-tuan-sieu-sim-23-ty-banh-trung-thu-2-000-dong-a381711.html