Nóng trong người – căn bệnh nguy hiểm đặc biệt khi đông đến

Ngay cả khi tiết trời mát mẻ bạn vẫn thường xuyên cảm thấy khó chịu, mất ngủ, da nóng ran và nổi mụn,... thì nhiều khả năng bạn đang bị căn bệnh nóng trong viếng thăm đấy nhé!

Nóng trong là một chứng bệnh

Trong Điều Kinh luận - Tố Vấn (Trung Quốc) dưới lời đáp của Kỳ Bá viết: “Âm hư sinh nội nhiệt (nóng trong) khiến cơ thể có phần nhọc mệt, hình khí giảm sút, không ăn thượng tiêu không lưu thông, vùng hạ quản cũng không thông, vị khí nóng, nhiệt khí hun đốt trong ngực cho nên nội nhiệt” (Nóng trong khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chán chường, ăn không tiêu, trong người luôn bức bối, ngột ngạt,…).

Nóng trong khiến cơ thể thường xuyên bức bối, khó chịu.

Ngày nay, triệu chứng của nóng trong, háo nhiệt phong phú hơn rất nhiều. Nóng trong thể hiện qua việc người khô táo, gầy yếu, khát nước nhiều, bứt rứt, khó ngủ, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, nước tiểu vàng, da khô, môi khô nứt nẻ, đổ nhiều mồ hôi, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, dễ bị dị ứng, nhức đầu, choáng váng. Trẻ em thì nổi ban đỏ, chảy máu cam...

Nguyên nhân gây bệnh nóng trong

Theo y học, bệnh nóng trong hình thành do 2 nguyên nhân chủ yếu: nội nhân và ngoại nhân. Cụ thể:

Nội nhân: Chức năng hoạt động của các tạng phủ yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa khiến chất độc bị tích tụ lại. Chính những độc tố này là nguyên nhân dẫn đến bệnh nóng trong.

Ngoại nhân là những thói quen sinh hoạt kém khoa học của chúng ta như: Chế độ ăn uống không hợp lý (dùng nhiều thức ăn có dầu mỡ, sử dụng nhiều rượu, bia; không uống đủ nước), nhịp sinh học không đồng đều (thường xuyên thức khuya)…

Hậu quả của nóng trong người

Bệnh nóng trong người khiến nhiệt độc tích tụ lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa.

Không điều trị sớm, nóng trong có thể khiến gan bị phá hủy.

Nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ thâm nhập phần huyết (gây chứng huyết nhiệt) có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch.

Đáng nói, thiếu tân dịch, mất nước quá nhiều còn có thể dẫn đến tiểu ít, rối loạn chất điện giải, urê huyết cao gây co giật, hôn mê, nặng nhất là nhiễm độc thần kinh có thể gây tử vong.

Cách chữa bệnh nóng trong người

Nóng trong người tưởng chừng là hiện tượng bình thường nhưng có những tác hại không lường, nếu không có phương cách giải quyết hiệu quả.

Chức năng tiêu độc của gan là một trong những chức năng quan trọng để chuyển hóa thức ăn.Chức năng gan kém sẽ kéo theo thận phải làm việc nhiều hơn bình thường để bài tiết ra khỏi cơ thể. Khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của hai bộ phận này suy yếu cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ dàng bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước) sẽ gây ra trứng cá, mụn nhọt, mề đay, u bã đậu, lở ngứa, dị ứng... Việc điều trị nóng trong phải tuân theo nguyên tắc này.

Theo y học cổ truyền, nóng trong người sẽ được tiêu biến khi dùng bài thuốc bổ thận âm gồm các vị thuốc: thục địa, hoài sơn (mỗi vị 16g), sơn tra, phục linh (mỗi loại 12g), đan bì, trạch tả (mỗi vị 10g). Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng sau khi ăn 30 phút. Thường dùng một đợt là 10 ngày.

Bổ sung tối thiếu 1,5l nước mỗi ngày để cơ thể mát hơn.

Ngoài việc dùng thuốc, ăn uống đúng cách cũng sẽ giúp chữa trị tình trạng này. Hằng ngày phải tăng cường ăn các loại rau quả có tính mát như: rau mồng tơi, dâu tươi, dưa chuột, bí đao, mướp đắng (khổ qua), cà chua, rau diếp cá, bột sắn dây... và uống đủ bình quân 2 lít nước mỗi ngày.

Bạn cũng cần hạn chế các loại thực phẩm có tính cay nóng, kích thích như tiêu, ớt, rượu bia, nước chè đặc, cà phê... Đồng thời bạn cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt sao cho điều độ - không thức quá khuya, tránh căng thẳng, stress; năng vận động cơ thể…

P.V (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/suc-khoe/nong-trong-nguoi-can-benh-nguy-hiem-dac-biet-khi-dong-den