'Nóng' tội phạm mua bán người qua biên giới (bài 3)

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp. Chúng dùng đủ chiêu trò từ làm quen, giả vờ yêu đương thậm chí 'hóa thân' thành những người 'có địa vị xã hội' để đưa 'con mồi' vào bẫy. Đau đớn hơn cả là bọn chúng sẵn sàng lừa bán cả chính người thân của mình để kiếm tiền. Trong số các nạn nhân rơi vào bẫy, một số may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, nhưng phần lớn nạn nhân vẫn biệt tích nơi xứ người.

Bài 1: Muôn vàn chiêu trò của bọn ... "lái người"

Bài 2: Đâu là sự thật của vấn nạn mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em qua biên giới?

Bài 3: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Từ năm 2012, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành hệ thống văn bản, chính sách tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, đa số các địa phương đều cho rằng, cần phải bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho nạn nhân mua bán người được tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người được Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang triển khai tới từng người dân khu vực biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Những con số đáng báo động

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 800.000 người đến 1.000.000 người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán trong một ngày, 125 người bị mua bán trong 1 giờ và cứ 1 phút có 2 người bị mua bán. Lợi nhuận có được từ mua bán người khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó có Việt Nam được đánh giá là điểm “nóng” của tình trạng mua bán người.

Nhìn rộng ra để thấy một con số quá khủng khiếp và rõ ràng những quốc gia nghèo, kém phát triển đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” để bọn tội phạm mua bán người kiếm tiền. Ở địa bàn biên giới, loại hình tội phạm này cũng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, tính từ năm 2012-2018, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh, xử lý 221 vụ/282 đối tượng mua bán người, giải cứu 695 nạn nhân, tiếp nhận bàn giao từ cơ quan chức năng nước bạn 456 nạn nhân và 172 nạn nhân tự giải thoát trở về. Bên cạnh đó BĐBP cũng đã xây dựng 215 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 120 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người và thu được những kết quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, con số nêu trên vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế số người bị mua bán qua biên giới. Bởi còn rất nhiều nạn nhân chưa được giải cứu và những nạn nhân quay trở về nhưng vì nhiều lý do không tố giác tội phạm.

Có thể nói tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới “dạng ẩn”, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không phải dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng mà nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định, chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân. Đa số các vụ án mua bán người xuyên quốc gia, vì vậy, có vụ án đã giải cứu được nạn nhân, xác định đúng đối tượng gây án, nhưng đối tượng lấy vợ, lấy chồng hoặc đang sinh sống ở nước ngoài dẫn đến việc đấu tranh không triệt để. Ngược lại, có những vụ án được phát hiện thì nạn nhân đã bị bán và đang ở nước ngoài, vì thế, đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không đủ chứng cứ để bắt và xử lý. Đặc biệt, có vụ án thủ phạm cũng đồng thời là nạn nhân, sau khi bị lừa bán sang nước ngoài bỏ trốn về Việt Nam, họ lại lừa chính bạn bè, người thân của mình đem bán.

Cần tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao biện pháp phòng ngừa

Giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn nạn mua bán người luôn là nỗi trăn trở của các cơ quan chức năng. Nhiều dự án, hội thảo, nhiều đợt ra quân nhằm mục đích trấn áp trực tiếp loại tội phạm nguy hiểm này đã được triển khai. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, vấn nạn mua bán người vẫn diễn ra phức tạp làm nhức nhối xã hội trong thời gian gần đây. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu?

Với loại tội phạm "ẩn" như tội phạm mua bán người, dự báo xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới tinh vi, xảo quyệt hơn, do vậy phải nắm chắc tình hình mới ngăn chặn hiệu quả ngay từ ban đầu, từ khi mới phát sinh. Mặt khác, để năng cao hiệu quả phòng chống, cần sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh đó, vận động nạn nhân mạnh dạn tố cáo tội phạm, xây dựng các cơ chế bảo vệ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, cần phải giữ bí mật đời tư, danh tính của nạn nhân, cần có cái nhìn thiện cảm và chân thành để tạo niềm tin, chỗ dựa cho họ. Song song với đó cần giải pháp, chính sách hỗ trợ như việc làm, học nghề, trợ cấp khó khăn…tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh lại việc đưa lao động đi nước ngoài…

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua, bán người... để từ đó các cấp, các ngành xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về. Do vậy, trên cả nước hình thành nhiều mô hình được đánh giá cao, phù hợp thực tiễn qua các dự án quốc tế hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật như mô hình “Nhóm tự lực” thực hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, mô hình “Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại thành phố Hải Phòng. Nhờ đó, số nạn nhân mua bán người ổn định cuộc sống. Đồng thời, cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người...”

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống để phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Lê Đồng

Trên “góc nhìn” của lực lượng chủ công, đấu tranh trực diện với tội phạm mua bán người qua biên giới, Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho rằng: “Trước hết, cần tập trung cải thiện đời sống của nhân dân ở các khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có thu nhập ổn định, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khắc phục những sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm vững những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để có cách phòng trách loại tội phạm nguy hiểm này…”

Bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang tập trung xây dựng các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng như mô hình câu lạc bộ, đội tuyên truyền lưu động, mô hình “Nhà tạm lánh - Nhà bình yên” với gói dịch vụ toàn diện tại các tỉnh trọng điểm về mua bán người nhằm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ngay tại địa phương. Các cấp hội tiếp tục phối hợp với BĐBP thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” nhằm tạo sinh kế tại chỗ, giúp chị em thoát nghèo vươn lên. Giải quyết được bài toán kinh tế chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng phụ nữ bôn ba tìm việc làm, rất dễ bị sa vào bẫy của bọn tội phạm buôn người.”

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, nhưng nếu chúng ta có nỗ lực, quyết tâm, nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất định tội phạm mua bán người sẽ được ngăn chặn.

Lê Đồng - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nong-toi-pham-mua-ban-nguoi-qua-bien-gioi-bai-3/