'Nóng' tình trạng săn, bắt chim Yến gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi

Yến là loài chim mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nuôi trong thời gian qua. Trong khi doanh nghiệp và người dân vận dụng khoa học kỹ thuật để phát triển và thu hút chim Yến để tạo nguồn lợi kinh tế từ tổ yến thì những nhóm săn bắt chim Yến mang lưới đi giăng bẫy nhiều nơi, để dùng làm thực phẩm và nhiều hình thức khác.

Thành công trong ấp nở và nuôi nhân tạo chim Yến kết hợp với bí quyết kỹ thuật nhân đàn, di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh, khai phá tiềm năng phát triển nghề nuôi chim Yến trong nước, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Bình Thuận là địa phương có số lượng người làm nhà Yến lấy tổ khá lớn, theo thống kê hiện địa phương này có hơn 1.347 nhà nuôi Yến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Chim Yến được bắt đem bán phóng sinh thường yếu ớt và khó sống khi trở lại môi trường tự nhiên

Chim Yến được bắt đem bán phóng sinh thường yếu ớt và khó sống khi trở lại môi trường tự nhiên

Trong thời gian qua, người nuôi Yến tại Bình Thuận và các tỉnh lân cận bất bình về số lượng chim Yến ngày càng giảm sút, nguyên nhân chính được cho là số lượng người săn bắt Yến làm thực phẩm và bán dưới nhiều hình thức khác.

Ông Đỗ Nguyễn Thy Linh (TP. Phan Thiết, Bình Thuận), một người nuôi nhà Yến tại Bình Thuận bức xúc chia sẻ, “họ giăng lưới bẫy chim trời trong đó chim Yến là loại bị sa vào lưới nhiều nhất, chúng tôi đi hỏi ở các lò mổ, đầu nậu chim họ cho biết hàng ngày mổ hàng trăm con Yến bán ra thị trường, một số người cho rằng tổ yến có giá trị dinh dưỡng cao thì thịt chim Yến cũng là thức ăn bổ dưỡng sức khỏe là hoàn toàn sai. Địa bàn thị xã Lagi là khu vực nóng nhất về vấn nạn bắt chim Yến”.

“Trong khi mỗi con Yến mang giá trị kinh tế mang lại hàng triệu đồng mỗi năm thì các đầu mối lại mua mỗi con với giá từ 5 trăm đồng đến 2 nghìn đồng, bán cho các quán nhậu hay các điểm làm chim phóng sinh, trong khi giá trị tổ yến mang lại bởi một con chim Yến tăng gấp nhiều lần”- ông Linh cho biết.

Theo ông Trần Phước Sỹ- Chủ tịch Chi hội Yến sào Quảng- Đà, yến sào ở nước ta được đánh giá có chất lượng và nguồn định dưỡng tốt nhất số với các nước trong khu vực như Indonesia hay Malayxia. Hiện nay xuất hiện hình thức bắt, nhốt, làm thực phẩm bằng chim Yến làm thiệt hại lớn cho người nuôi, chủ nhà Yến và nhiều lao động địa phương đang thu nhập cao bằng nghề này”.

Theo ông Sỹ, chim Yến khi bị bắt nuôi nhốt hai đến ba ngày sau đó mang phóng sinh thì sức đề kháng yếu hơn bình vì không được cho ăn, có thả ra thì cũng khó sống được.

Lông chim Yến tại một lò mổ, giá mỗi con chỉ từ 500 đồng đến 2.000 đồng

Ông Đỗ Ngọc Nông- Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam chia sẻ, để có một con chim Yến trưởng thành phải mất cả năm trời, khi người bắt chim đặt bẫy số lượng Yến giảm đáng kể, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi. Để giảm bớt tình trạng săn, bắt Yến làm thiệt hại hiệu quả kinh tế, các nhà nuôi Yến, các Chi hội nuôi Yến cần có đề nghị bằng văn bản, Hiệp hội sẽ có công văn gửi các cấp chính quyền cùng phối hợp tránh tái diễn tình trạng này.

“Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những biện pháp triệt để, bảo vệ loài chim Yến, mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi, góp phần phát triển đời sống kinh tế xã hội, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc vào việc sử dụng chim Yến không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế”- ông Nông nêu ý kiến.

Hội nuôi Yến cùng họp mặt và tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng bắt chim Yến

Chim yến cho tổ làm thực phẩm ở Việt Nam là chim yến Hàng (Aerodramus fuciphagus) được phân bố ở vùng Đông Nam Á, phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là loài chim yến cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.

Theo Công ước CITES ký kết tại Washington D.C ngày 1-10-1973, chim Yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Tại Việt Nam, chim yến thuộc nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã quy định tại khoản 1 điều 234 BLHS 2015 cũng đã nêu rõ mức phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiểm thuộc nhóm IIB hoặc thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… Đã đến lúc chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi săn bắt chim Yến trái phép để bảo vệ nguồn lợi kinh tế đang được các doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-tinh-trang-san-bat-chim-yen-gay-thiet-hai-kinh-te-cho-nguoi-nuoi-127365.html