'Nóng' tình trạng dược liệu nhập lậu từ biên giới

Bằng nhiều con đường, dược liệu được nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Dược liệu nhập lậu phun chất chống mốc, chất bảo quản, không được kiểm định bởi cơ quan y tế đang là mối nguy hiểm khôn lường cho người sử dụng. Tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu lại là những cán bộ đương chức.

Nhập khẩu ít, dược liệu từ đâu mà ra?

Có mặt ở “thủ phủ” dược liệu của phía Bắc là tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được biết, dược liệu nhập khẩu qua tỉnh này không nhiều. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, năm 2019, dược liệu được nhập khẩu vào Lạng Sơn đều qua Chi cục Hải quan cửa (HQCK) Hữu Nghị. Ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục HQCK Hữu Nghị cho biết, điều kiện nhập khẩu dược liệu phải có giấy phép của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), sau đó làm thủ tục thông quan theo quy định.

Theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay có khoảng 7-8 công ty nhập khẩu dược liệu đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị. “Khi có dược liệu nhập khẩu, Chi cục phối hợp với Trung tâm kiểm định dược phẩm và mỹ phẩm Sở Y tế Lạng Sơn lấy từng mẫu hàng để kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng. Sau khi có kết quả đạt, lô hàng mới được thông quan. Dược liệu được đưa về kho bảo quản của Chi cục, cán bộ của Cục Quản lý Y dược cổ truyền đến lấy mẫu kiểm tra. Khi có kết quả đạt mới cho lô hàng lưu thông” – ông Toàn cho biết.

Theo Chi cục HQCK Hữu Nghị, 11 tháng năm 2019 có 1.668 tấn dược liệu được nhập khẩu, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Toàn cho biết, việc quản lý dược liệu nhập khẩu còn khó khăn vì đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mỗi lô hàng thường có nhiều mục hàng, đa dạng về chủng loại, việc phân loại hàng hóa là mặt hàng dược liệu đối với cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Dược liệu nhập khẩu qua Lạng Sơn không lớn. Tại Quảng Ninh, theo Cục Hải quan tỉnh này, dược liệu cũng không nhập khẩu qua địa bàn. Vậy, lượng dược liệu khổng lồ trên thị trường từ đâu ra? Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực y học cổ truyền, nhu cầu mỗi năm trên cả nước cần tiêu thụ khoảng 80.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, con số nhập khẩu chính thức chỉ chiếm hơn 10%, 90% còn lại được cho là nhập lậu qua các đường tiểu ngạch.

Có mặt ở phố Thuốc Bắc, Lãn Ông, chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), chúng tôi thấy các cửa hàng kinh doanh Đông dược bày bán với số lượng rất lớn. Thuốc Bắc với đủ loại như đông trùng hạ thảo, các loại sâm, nấm, cam thảo, tam thất, ý dĩ… nhưng người mua chỉ biết mua, có hỏi nguồn gốc, xuất xứ cửa hàng nào cũng chỉ trả lời “yên tâm ở đây đảm bảo chất lượng”. Giá thuốc Bắc ở các nơi này cũng thật đắt đỏ. Giá một kg “tam thất Nam” Hà Giang tại một cửa hàng trên phố Thuốc Bắc bán 4,5 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để khẳng định đây là “tam thất Hà Giang” thì người bán hàng không đưa ra được bằng chứng. Theo một người kinh doanh dược phẩm ở Hà Giang khẳng định “làm gì có tam thất Hà Giang, người dân ở đây còn không mua được, đều phải mua của Trung Quốc”.

Kho chứa gần 20 tấn thuốc Bắc nhập lậu ở sát biên giới bị Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, thu giữ.

Kho chứa gần 20 tấn thuốc Bắc nhập lậu ở sát biên giới bị Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, thu giữ.

Thuốc Bắc ồ ạt “chảy” vào nội địa

Lạng Sơn và Quảng Ninh có hàng chục đường mòn, lối mở để dược liệu nhập lậu đi qua. Việc mua bán, vận chuyển dược liệu nhập lậu khá tấp nập. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), thuốc Bắc sau khi nhập lậu được bán rong cho khách du lịch. Trung tá Nguyễn Mai Thanh, Đồn trưởng Đồn Công an Tân Thanh cho biết, Đồn Công an Tân Thanh phối hợp với các lực lượng chức năng vừa kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh dược liệu bằng các xe đẩy lưu dộng tại ngã tư đường Trục Chính chở cửa khẩu Tân Thanh, phát hiện nhiều dược liệu nhập lậu, một số của Trung Quốc sản xuất như: củ tam thất, quả táo tầu đỏ, quả la hán, hà thủ ô, nụ hoa tam thất...

Thuốc Bắc sau khi nhập lậu trót lọt, thường được tập kết vào các kho hàng quanh khu vực biên giới, sau đó mới chuyển dần vào nội địa. Dược liệu sau khi lọt qua biên giới Lạng Sơn đem về tập kết ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Điển hình là ngày 14-1, Cục QLTT Bắc Giang phối hợp kiểm tra xe ôtô BKS 29B-023.38 lưu thông từ Lạng Sơn về, phát hiện trên xe có 853kg dược liệu nhập lậu. Lái xe kiêm chủ hàng Đỗ Phi Hùng (trú tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang) khai nhận, mua dược liệu trên ở khu vực biên giới Lạng Sơn mang về chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) tiêu thụ.

Trung tá Bùi Duy Hưng, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua nguồn tin, đơn vị đã tiến hành kiểm tra kho chứa hàng ở thôn 5, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà do Trần Văn Út (trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là người trông coi, quản lý, phát hiện trong kho cất giấu gần 20 tấn nguyên, dược liệu làm thuốc Bắc không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là hàng nhập lậu. Tổng giá trị lô hàng khoảng 1,5 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt Út 90 triệu đồng về hành vi tàng trữ hàng hóa nhập lậu. Trong nhiều vụ bắt giữ thuốc Bắc nhập lậu số lượng “khổng lồ” ở Lạng Sơn vừa qua, nhiều vụ có sự buông lỏng quản lý của người thi hành nhiệm vụ. Điển hình vào ngày 13-1, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma và Trạm kiểm dịch thực vật Chi Ma, Lạng Sơn. Đồng thời, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và bắt giam ông Chu Bá Toàn, Phó chi cục trưởng và Hoàng Thanh Sơn, công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma. Các đối tượng này có liên quan đến việc bắt giữ đường dây buôn lậu 100 tấn thuốc bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện và bắt quả tang vào ngày 4-12-2019 tại Cửa khẩu Chi Ma. Ở vụ án buôn lậu dược liệu này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an trước đó đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 đối tượng.

Vì sao một đường dây buôn lậu thuốc Bắc lớn lại lọt qua sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan? Theo kết quả điều tra, các đối tượng thành lập nhiều công ty khác nhau với giấy phép kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Đây chỉ là tấm bình phong để chúng ngụy trang cho việc buôn lậu dược liệu. Với mặt hàng nông sản khô, tươi nhập khẩu được nhà nước cho phép nhập khẩu, các đối tượng hầu như không bị hải quan kiểm tra, chỉ cần khai tờ khai hải quan, sau đó nộp thuế theo quy định là sẽ được nhập khẩu.

Cuối năm 2018, đường dây buôn lậu 100 tấn hàng hóa tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn do Trịnh Đức Thọ (Thọ Vâu, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) cầm đầu bị bắt quả tang. Trong 7 xe tải bị bắt giữ, phần lớn là thuốc Bắc. Liên quan đến vụ buôn lậu này, một số cán bộ quản lý địa bàn đã bị xử lý kỷ luật.

Dược liệu nhập lậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng khi có tin chúng được tẩm, phun hóa chất để chống mốc, chống hỏng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, lập lại trật tự ngành dược liệu trong nước, cần phải siết chặt công tác đấu tranh chống buôn lậu ở biên giới cũng như quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc của dược liệu bày bán trên thị trường.

Trần Hằng – Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/nong-tinh-trang-duoc-lieu-nhap-lau-tu-bien-gioi-578959/