Nông thôn mới Sông Mã khởi sắc trong năm mới

Nhờ làm chắc các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang từng ngày khởi sắc. Để có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Cốt lõi vẫn là sản xuất

Thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, trong năm 2018, huyện Sông Mã tiếp tục định hướng người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện như: Cây nhãn, xoài…

Hiện nay, toàn huyện có 8.112 ha cây ăn quả các loại, trong đó: Nhãn 6.578 ha; xoài 800 ha; cây có múi 248 ha; cây ăn quả khác 486 ha. Riêng số diện tích trồng mới năm 2018 là 1.481 ha.

Trong năm 2018, huyện Sông Mã đã xuất khẩu được gần 140 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch.

Trong năm qua, công tác khuyến nông tiếp tục được đẩy mạnh: Triển khai tổ chức được 193 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp với 7.923 hộ nông dân tham gia trên địa bàn các xã, thị trấn; tuyên truyền được 1.026 cuộc với 9.512 lượt người tham gia hướng dẫn cho nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn, xoài; kỹ thuật phòng chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi…

Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, thuyết phục được người dân như: Mô hình trồng sa nhân tím, mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, mô hình nuôi bò nhốt chuồng, mô hình trồng cây trám trắng tại xã Yên Hưng, mô hình nuôi ong ngoại, mô hình chăn nuôi dê sinh sản…

Thông qua ngày hội "Nhãn Sông Mã" , huyện Sông Mã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực của huyện như nhãn quả, long nhãn...đến các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Vi Đức Thọ - Bí thư huyện ủy Sông Mã, cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống và làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con trong sản xuất nông nghiệp. Tư duy tự cung, tự cấp đã dần được xóa bỏ, thay vào đó là sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điều này được thể hiện ở chỗ, diện tích nương ngô, sẵn… kém hiệu quả được phủ xanh bằng hàng trăm, hàng nghìn ha cây ăn quả có giá trị cao như nhãn, xoài…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển sản xuất, thu nhập cho người dân liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2018, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 17 triệu đồng/năm/người, tăng 02 triệu so với năm 2017.

Vùng quê nghèo khởi sắc

Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, huyện Sông Mã đã tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Năm 2018, huyện Sông Mã đã phê duyệt và thi công được 63 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài 15,48 km, tổng kinh phí thực hiện 11.853 triệu đồng (vốn nhà nước hỗ trợ: 5.102 triệu đồng; nhân dân đóng góp: 6.751 triệu đồng; nâng cấp 9 km đường giao thông liên xã (đường Mường Lầm, Chiềng En, Huổi Một).

Thu nhập được nâng lên, người dân tích cực đóng góp nguồn lực xây dựng đường giao thông nông thôn.

Cùng với giao thông nông thôn, các công trình như điện lưới quốc gia, trường học, nhà văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư được đầu tư, xây dựng khang trang góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của bà con.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ dân đã tích cực, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa... Vì vậy, bộ mặt nông thôn ở Bó Sinh đang từng ngày khởi sắc“ – ông Bạc Cầm Soạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Sinh chia sẻ.

Cây nhãn - một trong những cây ăn quả xóa nghèo ở Sông Mã

Cũng theo ông Soạn, mặc dù là một trong những xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Sông Mã nhưng đến nay Bó Sinh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả trên toàn xã là 115 ha cây ăn quả (chủ yếu là cây nhãn, xoài), trong đó, 60 ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/hộ/năm.

Chính sự đổi thay ở vùng đất nghèo như Bó Sinh, đã giúp cho người dân vùng cao hiểu và tin rằng Chương trình xây dựng NTM là của dân, do dân và dân hưởng thụ.

Số xã đạt chuẩn NTM: 01 xã (Chiềng Khương) duy trì, giữ vững xã đạt chuẩn NTM; số xã đạt 15 tiêu chí: 01 xã (Chiềng Sơ); số xã đạt 10 -14 tiêu chí: 03 xã (Mường Lầm, Yên Hưng, Chiềng Cang); số xã đạt từ 5-9 tiêu chí: 13 xã (trong đó có xã Nậm Mằn đạt 05 tiêu chí); số tiêu chí đạt bình quân 9 tiêu chí/xã tăng 0,8 tiêu chí/xã so với năm 2017.

Tuệ Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/nong-thon-moi-song-ma-khoi-sac-trong-nam-moi-948129.html