Nông thôn mới mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho huyện Gia Lâm

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm (Hà Nội) mới chỉ có 20 xã đạt từ 7 đến 13 tiêu chí vào năm 2010; nhiều tiêu chí chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường…Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân, đến nay huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đai hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân; trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bộ mặt nông thôn ở huyện Gia Lâm thay đổi mạnh mẽ nhờ xây dựng nông thôn mới

Bộ mặt nông thôn ở huyện Gia Lâm thay đổi mạnh mẽ nhờ xây dựng nông thôn mới

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỉ trọng ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp); tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm tăng cao (đến năm 2018 đạt 6.192 tỉ đồng).

Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 48,9 triệu đồng/người (tăng 31 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47% (năm 2010 là 6,25%).

Với đặc điểm là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch; đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi tất yếu xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị.

Trước những thuận lợi đó, huyện Gia Lâm xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; là cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa; từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lao động, giải quyết việc làm góp phần nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch phân khu trên địa bàn được phê duyệt. Trong giai đoạn 2010-2019, huyện Gia Lâm đã đầu tư gần 6 nghìn tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm, đến thời điểm hiện tại, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 99% đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% tuyến đường từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng; các tuyến đường do huyện quản lý được cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa đạt chuẩn; hình thành 11 tuyến phố văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ trên 50% số trục phố chính.

Nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Lâm

Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện 14 dự án tuyến đường hạ tầng khung; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến trục chính khớp nối hệ thống giao thông của huyện. Các thiết chế văn hóa, trạm y tế xã được đầu tư đồng bộ: 100% các thôn, 82,5% dân số được sử dụng nước sạch (đến hết năm 2019 là 100%). 82,9% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia… Các cơ sở dịch vụ thương mại, các cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài ra, huyện đã xây dựng và triển khai phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện gắn với Đề án đầu tư xây dựng, xã hội hóa hệ thống đường làng, ngõ, xóm, vườn hoa, sân chơi, ao hồ... Trong đó tập trung xử lý, nâng cao chất lượng môi trường trong các khu dân cư, trong nông nghiệp. Xác định đầu tư, tách nước thải 106 điểm ao hồ trong khu dân cư.

Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, chất lượng vệ sinh môi trường được nâng cao, tạo quang cảnh sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Đối chiếu với quy định xây dựng huyện thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt 19/21 tiêu chí.

Đặc biệt, tổ chức sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao: đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020” và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn; đã chuyển đổi hơn 1.400ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái; phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Có thể thấy, nhờ xác định đúng trọng tâm, cùng với sự vào cuộc sát sao của Đảng ủy, chính quyền huyện Gia Lâm, sự đồng lòng chung sức của nhân dân, huyện Gia Lâm đã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tiếp tục giữ vững những tiêu chí đã đạt được, đồng thời tập trung chỉ đạo và xây dựng nông thôn mới nâng cao, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đưa huyện Gia Lâm lên quận.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nong-thon-moi-mang-lai-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-cho-huyen-gia-lam-97554.html