Nông thôn mới – hành trình mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành quả tự hào. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống người dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…

Bừng sáng “bức tranh” nông thôn

Những ai từng đến Ba Chẽ khoảng hơn chục năm về trước chắc hẳn chưa quên một vùng đất đặc biệt khó khăn của tỉnh với trên 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Ba Chẽ khi ấy có nhiều “không” nhất: Không đường bê tông, không điện, không trường học, không chợ, không có hệ thống thủy lợi. Cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề…

Nhưng đó chỉ là câu chuyện của nhiều năm trước. Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh trong triển khai các chương trình giảm nghèo, xây dựng NTM, cùng tinh thần vươn lên từ nội lực, Ba Chẽ đã bứt phá mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn các xã ĐBKK nhanh chóng đổi thay; các tuyến đường giao thông được bê tông hóa; trường học, trạm y tế, chợ… được đầu tư khang trang; ý thức vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo của người dân chuyển biến tích cực. Hết năm 2019, toàn huyện có 6/6 xã, 49/49 thôn ĐBKK hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với lộ trình. Đến nay, huyện có 7/7 xã đạt chuẩn NTM.

Khe Phương - thôn khó khăn nhất xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) trước đây, nay có nhiều thay đổi, đường giao thông được bê tông hóa thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương.

Khe Phương - thôn khó khăn nhất xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) trước đây, nay có nhiều thay đổi, đường giao thông được bê tông hóa thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương.

Thực tế nhiều địa phương trong tỉnh khi mới bắt tay triển khai xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, với 111 xã trên địa bàn triển khai chương trình, thì có tới 92 xã miền núi, biên giới hải đảo, bãi ngang, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có 17 xã và 54 thôn ĐBKK.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn của tỉnh.

Ba Chẽ được đầu tư đồng bộ về giao thông đã tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

10 năm qua, tổng vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt trên 121 nghìn tỷ đồng. Người dân cũng phát huy vai trò chủ thể, tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh…, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn trong tỉnh.

Để làm dầy thêm kết quả triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh triển khai sâu rộng chương trình "Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) và phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013-2016. Đến nay, trên địa bàn có 175 đơn vị tham gia chương trình OCOP (46 doanh nghiêp, 65 HTX, 64 hộ sản xuất) với 449 sản phẩm OCOP, trong đó có 236 sản phẩm đạt sao. Chương trình OCOP Quảng Ninh đang lan tỏa rộng khắp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Với sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai đã giúp Quảng Ninh gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào. Nhiều địa phương có điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp và thuộc xã ĐBKK nhưng đã nỗ lực không ngừng để đạt xã chuẩn NTM, điển hình là các xã: Thanh Lâm, Minh Cầm (Ba Chẽ). Hay như Cô Tô vốn rất khó khăn về giao thông, điện, nhưng đã trở thành huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM (năm 2015)... Quảng Ninh hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch và là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình 135. Thu nhập bình quân của người nghèo ở xã, thôn ĐBKK tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015. Đến nay, Quảng Ninh có 7 địa phương cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 91 xã đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,68% (năm 2010) còn 0,23%, (năm 2020)...

Nhiều đơn vị tại TX Đông Triều chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Khu vực nông thôn, miền núi của Quảng Ninh hiện hữu bừng sáng như một bức tranh đa sắc màu. Kết quả này được hình thành từ tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, đồng lòng chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh…, đã góp phần tích cực tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng NTM – nhiệm vụ bền bỉ, lâu dài

Xác định hành trình xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, quan điểm của tỉnh là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; duy trì xây dựng NTM theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, đảm bảo thường xuyên, liên tục và lâu dài; người nông dân là chủ thể; Nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ…, mục tiêu quan trọng là nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần.

Trong chỉ đạo, điều hành, các địa phương luôn sát sao việc khắc phục những bất cập và tìm hướng đi mới để đạt hiệu quả cao nhất trong xây dựng NTM. Việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được triển khai sâu rộng. Các địa phương căn cứ vào các tiêu chí và điều kiện thực tế, xác định lĩnh vực xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao cho địa phương mình trên cơ sở gắn với tổng thể chung của khu vực nông thôn có kết nối với các vùng lân cận…

Nhìn từ điển hình TX Đông Triều, sau 4 năm kể từ khi được công nhận là địa phương cấp huyện đầu tiên ở miền Bắc đạt chuẩn NTM, thị xã tiếp tục có Việt Dân là xã đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (năm 2019). Cho đến nay, Đông Triều là địa phương cấp huyện đi đầu của tỉnh và cả nước trong chỉ đạo xây dựng NTM với 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5/11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Đây là thành tựu đáng tự hào, minh chứng cho hành động bền bỉ, lâu dài của các địa phương trong xây dựng NTM. Người dân rất phấn khởi bởi thành tựu NTM do chính bàn tay, khối óc của mình làm ra, từ đó thêm tin tưởng, tích cực hưởng ứng với quyết tâm cao nhất.

Sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Tỉnh đang xây dựng Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và Đề án OCOP 2021-2025 với những chỉ tiêu cụ thể. Năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu có thêm 2 địa phương là Hải Hà và Đầm Hà đạt huyện chuẩn NTM; tiếp tục tập trung trọng tâm xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, trong đó chú trọng tiêu chí sản xuất, thu nhập, môi trường; phát huy hiệu quả và tăng cường quản lý, duy tu công trình KT-XH sau đầu tư. Tỉnh phấn đấu năm 2021 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thêm 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung rà soát toàn bộ sản phẩm OCOP, phấn đấu phát triển thêm ít nhất 50 sån phẩm mới theo Chu trình OCOP chuẩn và phát triển sản phẩm chủ lực, hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP địa phương... Hành trình xây dựng NTM tiếp tục xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, phù hợp với quá trình đô thị hóa, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng NTM bền vững…

Với những quyết tâm và tinh thần bền bỉ trong công cuộc xây dựng NTM, “bức tranh” nông thôn của Quảng Ninh không ngừng khởi sắc.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202102/nong-thon-moi-hanh-trinh-moi-2521249/